Đóa hồng bất khuất

Thứ Tư, 06/11/2019, 22:29
Hồng Quân tên cúng cơm là Đào Thị Huyền Nga. Bà sinh năm 1947 ở trên mảnh đất thành đồng Tây Đô anh hùng. 15 tuổi được kết nạp Đảng, 20 tuổi Hồng Quân được tổ chức cách mạng giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng võ trang biệt động nữ Sài Gòn - Gia Định và trở thành nỗi khiếp sợ của Ngụy quyền Sài Gòn…


Măng non xây lũy ngăn thù

Sáng sáng khi mặt trời vừa ló, chiếu ánh sáng chênh chếch trên miệt vườn Tây Đô, bà Hồng Quân lại chuẩn bị nước ấm để rửa mặt, lau chùi cho người mẹ già yếu. Chuyện tưởng như là nhỏ, nhưng đối với một người thương binh bậc ¼ và tuổi đã ngoài thất thập, lại chỉ còn một tay, hơn 23 năm phải đi làm các phẫu thuật chữa vết thương do địch tra tấn để lại thì công việc ấy lại lớn lao biết chừng nào. 

Như hiểu sự ngưỡng mộ của chúng tôi, bà tâm sự: "Những ngày bị địch bắt và tra tấn ở trong tù, tôi chỉ có lết lê mình trên mặt đất để di chuyển. Được ra tù, tôi quyết tâm tập luyện đảm đương được việc nhà dù chỉ bằng một tay. Những ngày đầu tập luyện thật lắm gian nan. Do di chứng của các vết thương, nhiều lúc cựa mình còn đau nhói. Nhưng tôi suy nghĩ, những khoảnh khắc đau đấy đâu thấm gì so với đòn thù của bọn giặc. Nên cứ vậy từ từ tôi vượt qua và giờ có thể làm mọi việc".

Bà Hồng Quân (ngoài cùng bên phải) đi thăm di tích Đền Xẻo Kè (Cần Thơ), nơi ra đời trung đội vệ binh cộng hòa.

Với chất giọng ấm nhưng cương trực, bà Hồng Quân đưa chúng tôi trở về thời kỳ mảnh đất Tây Đô kiêu hùng đứng lên chống giặc. Khí tiết cách mạng và tinh thần yêu nước đã được xây dựng trong bà từ khi còn nhỏ. Ông nội bà là cụ Đào Văn Quyện, làm Chủ tịch chính quyền lâm thời xã Phú Thứ, còn ba là Đào Văn Tần, làm Ủy viên quân sự, chỉ huy trưởng trung đội vệ binh cộng hòa của chính quyền non trẻ sau CMT8.

Bà nhớ lại: "Năm tôi 6 tuổi đã sàng được vỏ thóc, 7 tuổi biết chèo ghe bơi xuồng, giã gạo bằng chày ba, mò cua bắt cá... Nhờ nhanh nhẹn và tháo vát, chú Bảy An, xin má cho bà thoát ly đi theo các chú làm liên lạc, làm bình phong để khi đi đến đâu hoạt động vận động, tổ chức đấu tranh chống cướp đất thu tô mà trong nhà có con nít thì giặc ít chú ý. Đồng thời nếu con nít đi truyền thơ, canh gác, thông tin… giặc cũng ít chú ý".

Khi được 8 tuổi, Huyền Nga tham gia đội văn nghệ do anh Tâm phụ trách. Rồi một hôm anh Tâm tập trung đội văn nghệ lại và cho biết: anh chuẩn bị tập kết ra Bắc. Sà vào lòng anh, Huyền Nga ngước đôi mắt đen tròn ngơ ngác hỏi: "Anh ra ngoài đó anh có gặp Bác Hồ không? Chừng nào anh về?". "Hai năm rồi anh về các em ngoan lên, giờ các em đã giỏi, hai năm nữa Bác Hồ vào đây thì ai cũng được gặp Bác Hồ".

Nhưng đâu có ngờ, chỉ vài ngày sau anh Tâm bị giặc bắt. Lần đó là lần cuối Huyền Nga gặp lại anh Tâm. Anh bị trói gập tay và chỉ mặc độc cái quần cộc. Bọn giặc bảo anh: "Mày đả đảo Hồ Chí Minh hoan hô Ngô Đình Diệm đi thì được mở dây trói và về với cuộc sống". 

Anh Tâm quay một vòng từ từ nhìn khắp bà con, ánh mắt anh dừng lại chỗ cô một chút, rồi tiếp tục vòng nhìn với nét mặt bình thản. Mày hô khẩu hiệu đi - giặc hét lên. "Đả đảo Ngô Đình Diệm, Hoan hô Hồ Chí Minh" - anh Tâm dõng dạc hô. 

Tiếng hô vừa dứt, một tên giặc lao tới đâm một nhát dao găm vào thóp bụng anh kéo xuống một đường. Ruột lòi ra. Anh khuỵu xuống một chân, miệng vẫn hô đả đảo Ngô Đình Diệm. Tên đó đè anh xuống và cắt cổ anh. Mấy đứa khác xúm đến phanh lồng ngực anh ra, có đứa lấy gan anh ăn sống. 

Máu tuôn xối xả ướt đẫm sân. Cả vòng người dân kinh hoàng trước hành động dã man của lũ tay sai. Nhiều đứa trẻ quá kinh hãi, chân tay như bị hóa đá trợn trừng mắt nhìn, còn Huyền Nga thì không hiểu sao vẫn đứng đó, chỉ nhìn chằm chằm vào cảnh tượng và lòng dạ trào dâng những xót đau, thù hận.

Chứng kiến cái chết của anh Tâm, Huyền Nga đã hiểu rõ thế nào là chiến tranh và tội ác. Huyền Nga bỏ học vì "nếu khi địch đến mà mình đi học thì không có ai báo cho các chú, các bác". Thế là từ đấy, sơn ca Huyền Nga đã trở thành chiến lũy ngăn thù cho các chú, các bác an toàn hoạt động cách mạng. 

Bà hồi tưởng lại: Khi tiếp tế lương thực mùa khô thì tôi nặn các hòn bi bằng đất mà trẻ em hay chơi và mùa mưa thì bẻ nhánh cây để cắm vào chỗ hẹn. Bao nhiêu hòn bi, bao nhiêu chiếc lá là bấy nhiêu phần cơm cần cho các chú, các bác đang ẩn dưới hầm bí mật. 

Lúc chuyển thơ thì mang theo cái đục và gáo dừa dùi 3 lỗ, có cây dao, có dây toòng teng để đào trùng đeo vào làm như đang đi câu cá. Cây trúc cưa gần chỗ mắt. Lấy thơ cuốn lại bỏ vô đoạn trúc chọn chỗ nào có đất dẻo ấn xuống để bịt lỗ khi đến nơi thì lấy dao lăn cho dập và chẻ trúc lấy thơ. Hay đến nhà bảo sanh cơ sở bí mật, xin lọ nhỏ mặc quần cụt làm cho cái đáy hơi dài dài và chỗ lưng quần may to lấy dây choại cột ngang làm dây rút rồi luồn chai đựng thơ vô trong để chuyển đi.

Năm 1960, chị Tư Súng - Bí thư đầu tiên của Phú Thứ kết nạp Huyền Nga vào Đoàn và Huyền Nga được giao nhiệm vụ là du kích mật, trấn áp bọn tề ác ôn, bọn phản cách mạng. Với những thành tích về tổ chức chiến tranh du kích ven đô và xây dựng cơ sở đoàn, Huyền Nga được bổ nhiệm làm Phó bí thư rồi Bí thư Đoàn. "Hồi đó đánh giặc vui lắm! - Bà Hồng Quân nói. 

Tôi còn làm bài thơ chống càn: "Giặc càn tàn sát ruộng vườn/ Du kích ẩn hiện góc mương bờ rào/ Giặc vô đất mở chiến hào/ Đạp vô lựu đạn hầm chông bãi mìn/ Chống càn ẩn hiện địa hình/ Dân trực diện chặn mũi quân truy lùng/ Du kích nhân dân đồng lòng/ Cạn canh cấp báo bố phòng giải vây".

Đọc xong bài thơ, bà cho biết thêm: "Ngày ấy, mặc dù biết tôi mới chỉ 15 tuổi, nhưng các chú, các bác đều thống nhất kết nạp Đảng cho tôi. Cái tên Hồng Quân cũng là được các chú, các bác đặt để hoạt động cách mạng".

Bất khuất

Năm 1967, để tăng cường cho chiến trường Sài Gòn - Gia Định, sau khi bắt được liên lạc với cấp trên, cô được lệnh xây dựng lực lượng võ trang biệt động nữ Sài Gòn - Gia Định. Dưới sự chỉ huy của Hồng Quân, đơn vị biệt động nữ (tiền thân của Tiểu đoàn Biệt động Lê Thị Riêng) dưới sự chỉ huy của cô Hồng Quân đã tham gia đánh 10 trận, diệt 68 tên Mỹ, ngụy. 

Trong đó tiếng vang nhất là trận đánh vào khu Quang Trung (trường huấn luyện sĩ quan của quân đội Sài Gòn). Với lối đánh xuất quỷ nhập thần và được quần chúng đùm bọc, tiểu đoàn biệt động nữ trở thành nỗi khiếp đảm của giặc. Bà Hồng Quân nhớ lại, gần Tết Mậu Thân năm 1968, đơn vị được lệnh tham gia tuyên truyền và phối hợp với các LLVT tiêu diệt, giành chính quyền trong Sài Gòn - Gia Định.

Bà Hồng Quân (thứ hai từ trái sang) cùng gia đình tổ chức ngày giỗ chung cho các đồng đội đã hy sinh.

Thực hiện chủ trương, một khuya khi đang trở về sau khi diễn thuyết công khai ở địa bàn chợ Cầu Muối, thì Hồng Quân bị địch bắt do đi vào giờ giới nghiêm. Chúng chở Hồng Quân trên một chiếc xe Jeep với 3 tên lính: 1 Mỹ và 2 ngụy đến một điểm chốt gác. "Chết! Chúng đã nghi ngờ, phải tìm cách thoát thân hoặc tử thủ với quân thù". 

Khi chiếc xe dừng lại, và bọn giặc chốt gác đang đến gần, lợi dụng địch lơ là, Hồng Quân giật 2 trái lựu đạn của tên lính ngụy ngồi cạnh phía dưới đang đứng dậy để bước xuống xe ném về phía bọn chốt gác đang tiến đến một quả. Một tiếng nổ vang trời. Bọn địch hoảng loạn nằm xuống. Lúc đó, tên Mỹ ngồi cạnh lái xe trước mặt đứng dậy định rút súng. Nhanh như cắt, một tay Hồng Quân tóm tay hắn, tay kia cầm trái lựu đạn còn lại đập vào gáy và đầu. Tên lính choáng váng làm rơi súng. 

Chụp khẩu súng, Hồng Quân ném về phía bọn lính đang chạy về xe Jeep khiến chúng tưởng lựu đạn nên nằm bẹp xuống. Hồng Quân lao từ xe xuống đường bỏ chạy về phía ngõ nhỏ. Trong lúc chạy, cô giật kíp quả lựu đạn còn lại ném vào chiếc xe Jeep. Tiếng nổ vang lên, chiếc xe Jeep bốc cháy. "Cũng lúc đó, tôi choáng váng, mắt cay xè, bò dậy lao vào ngõ nhỏ. 

Tiếng đạn rít vèo vèo, bắp chân trái của tôi nhói đau làm tôi loạng choạng. Rất may, tôi gặp được một bà má. Má dìu tôi hòa vào dòng người tản cư và đến cơ sở an toàn số 241/43 (chợ Thái Bình) nhà cô Tô Thị Mau và chú Nguyễn Văn Nhau. Ở đó, tôi được gia đình giúp mổ lấy đạn và giữ ở lại cho đến cuối tháng 2" - bà Hồng Quân nhớ lại.

Đến tháng 5-1968, trong trận đánh nội thành Sài Gòn, Hồng Quân bị địch bắn gãy tay trái. Nén đau, Hồng Quân cầm dao găm tự mình cắt lìa đoạn tay ra khỏi cơ thể, tiếp tục tử thủ với quân thù... 

Hết đạn, địch xông vào dùng báng súng đánh đập Hồng Quân. Chúng tức tối vừa la hét vừa lên đạn và chĩa súng định bắn, Hồng Quân thản nhiên: "Tụi bây bắn đi, chúng tao là Quân Giải phóng, tao là Hồng Quân đây. Hôm nay tao chết nhưng đồng đội của tao sẽ tiếp tục chiến đấu giết chúng mày". 

Nghe cô xưng danh, mấy tên phía sau hô to: "Ngừng bắn, biết mặt nó rồi, giữ lại để khai thác". Sau đó, chúng đưa cô vào viện cứu chữa để khai thác thông tin. Kể đến đây, cô Hồng Quân ngậm ngùi nhớ lại: "Chúng cầm búa nện vào bàn tay phải của tôi ngay trên giường bệnh để hỏi ám, tín hiệu liên lạc trong nội ô, nhà ém quân, kho vũ khí…. Không khai thác được gì, chúng lôi tôi đi đối chứng với em Quang, chiến sĩ trinh sát trẻ của Tiểu đoàn. Trước mặt hai người bọn nó chất vấn Quang:

- "Nhà ém quân ở đâu?"

- "Tôi không biết" - Quang trả lời.

- "Chỉ huy của mày là con gái, nó đang nằm kia đúng không?".

- "Chỉ huy của tôi đang đánh các ông ngoài mặt trận", Quang dõng dạc nói.

- "Quân giải phóng bố trí ở đâu?".

- "Ở những nơi có tiếng súng nổ, các ông biết hết rồi còn gì?", Quang vừa nói, vừa cười mỉa mai, ánh mắt sáng rực, rồi Quang cất tiếng hát "Không thể sống chần chờ hay trông đợi. Tương lai hồng ta phải nắm về ta. Không không thể nén hờn căm và uất hận. Sống là đây mà chết cũng là đây...". Địch rồ dại tiếp tục trút đòn thù, Quang hy sinh và ánh mắt vẫn còn trừng trừng nhìn thẳng vào quân thù".

Trải qua bao tra tấn ngục tù, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cô Hồng Quân được trao tự do tại Sân bay Lộc Ninh. Hết giặc, người thương binh ấy lại về với nhân dân, một cuộc đời bình dị.

Việt Thùy
.
.