Đội K72 và hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Chủ Nhật, 26/06/2011, 19:00

Trải qua 10 năm làm nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả Tổ quốc giao tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia. Đội K72 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước) đã in dấu chân tại khắp các tỉnh Kratíe, Kôngpôngchàm, Kôngpôngthom, Mundulkiri (Vương quốc Campuchia). Ngần ấy thời gian với bao khó khăn, gian khổ, các chiến sĩ Đội K72 đã tìm kiếm, cất bốc  được 2.060 hài cốt về yên nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam.

Nhật ký viết từ Campuchia

Trang nhật ký ghi lại chi tiết và khá tỉ mỉ cuộc hành trình đợt 1, giai đoạn IX, mùa khô 2009-2010 đi tìm đồng đội, Thượng tá Lê Huy Chung, Chính trị viên đội K72 viết (trích): Ngày 7/11, đơn vị hành quân đi huyện Sampô, sau đó phải thuê xuồng máy đi ngược dòng sông Mêkông hơn 70km. Theo nhân chứng cho biết phải đi thêm 5km nữa sẽ có 2 mộ liệt sĩ nhưng đào tìm khu vực này cả buổi mà vẫn không có kết quả gì. Ngày 8/11, đơn vị hành quân bộ vào khu rừng Ôchum, thuộc xã Bencha, huyện Sampô (Kratíe).

Theo nhân chứng cho biết, đây là bãi mộ của Bệnh viện 770 thuộc Cục Hậu cần Miền. Đào tìm suốt nửa ngày thì phát hiện được mộ đầu tiên. "Hài cốt này được gói một lớp tăng bên ngoài và bên trong còn được gói cẩn thận thêm một lớp áo mưa nhưng đất phía dưới bắt đầu có nước nên rễ cây và đất đã ăn vào xương, chỉ còn lại những mẩu vụn nhỏ và chỉ tìm được 22 cái răng, 15 nút áo... 14h cùng ngày tìm thấy mộ thứ 2 và cũng chỉ tìm thấy 6 cái răng, 7 cái nút áo".

Ngày 9/11, đơn vị lại tiếp tục hành quân đào tìm khu vực ngày hôm qua. Bằng kinh nghiệm của các đợt đi tìm kiếm và từ những suy đoán, các anh đã tìm được hài cốt liệt sĩ thứ 3. May mắn thay, hài cốt liệt sĩ này còn xương đùi, xương ống chân, xương cánh tay, 1 mảnh xương sọ, các xương nhỏ, 26 cái răng, 10 nút áo bộ đội... Ngày 12/1, đơn vị lại hành quân xuôi sông Mêkông về lại thị trấn Sampô. Ngày 13/11, đội tập trung đào tìm tại khu vực thuộc phum Tàpôn, xã Xà Nua, huyện Xà Nua và phát hiện được một hài cốt liệt sĩ. Từ ngày 14 đến 21/11, đơn vị chia làm hai bộ phận đào tìm tại phum Tapenchay, tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri. Bộ phận còn lại đào tìm tại phum Tàpôn. Tuy vậy, cả tuần tìm kiếm đào bới hàng ngàn hố nhưng không có kết quả gì. Ngày 22/11, đơn vị chia làm ba bộ phận đi tìm kiếm và tại khu vực phum Sơresat, xã Xà Nua và tìm thấy một mộ với 2 liệt sĩ. Từ ngày 22 đến 25, đơn vị vẫn chia thành ba bộ phận đi tìm kiếm ở ba hướng khác nhau và đã đào tìm hàng ngàn hố nhưng vẫn không tìm được hài cốt liệt sĩ nào. Trong ngày 28/11, đào tìm dưới vườn mía đến 10 giờ trưa thì tìm thấy 1 hài cốt liệt sĩ... Sau 1 tháng hành quân tìm kiếm, đào bới vượt qua bao gian nan cực khổ, đơn vị đã quy tập được 9 hài cốt liệt sĩ.

Lễ truy điệu các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước. Ảnh: Thanh Liêm.

Hành trình gian nan

Cứ mỗi lần xuất quân, với chiến sĩ Đội K72 hệt như một lần ra trận. Hành trang chất đầy súng đạn, cuốc xẻng, tăng võng, gạo và những đồ vật không thể thiếu cho việc cất bốc mộ liệt sĩ như: hương đèn, cồn rửa, túi đựng hài cốt... "Đội có hai chiếc xe Zeep cũ kỹ hay còn gọi "trâu sắt" đã vài lần đại tu nhưng cứ giở chứng như bò kéo xe. Nhiều lúc đang bon bon, bỗng "trâu sắt" chết máy, đứng khựng lại. Thế là cả đội phải xuống đẩy, đẩy máy không nổ, cả đội lại phải khiêng lên xe khác chở về" - Thượng tá Chung cho biết.

Đội K72 có 46 cán bộ, chiến sĩ, hầu hết còn trẻ khỏe nhiều kinh nghiệm hành quân, được lựa chọn từ các đơn vị chiến đấu. Vậy mà nhiều khi hành quân đến địa điểm, có chiến sĩ không nhấc nổi đôi chân. Thiếu úy Cao Tiến Hùng, một chiến sĩ phiên dịch tiếng Campuchia, cho biết: "Hơn 10 năm làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, tôi đã thấm trải bao gian nan. Mùa khô thì khan hiếm nước nên các chiến sĩ phải thường xuyên uống nước rừng. Nhiều khi phải chắt chiu từng giọt nước đọng lại trong các hốc đá, thân tre để uống. Có lần chúng tôi hành quân vào khu vực Brap So (huyện Snuol, tỉnh Kratíe), nước ở đó đục ngầu như nước vo gạo, đun nóng cũng không trong, nấu cơm không chín, anh em trong đội khát nước phải đợi đến tối mới được đồng đội tiếp tế".

Hành quân đi tìm các phần mộ Quân tình nguyện Việt Nam tại nước bạn hết sức gian nan, phải xuyên qua những cánh rừng đầy muỗi, vắt. Theo Thiếu úy Hùng, những lần hành quân trong rừng gặp mưa, tối không về kịp đành nán lại trong rừng. Tối đến muỗi nhiều như ong, vắt lẩy bẩy kín đất, không anh em nào dám rời khỏi võng, "buồn" vệ sinh đến mấy cũng phải nín. Những cơn sốt rét hành hạ đến tím tái thân người là chuyện thường xuyên.

Sốt run người để đưa các anh về với đất mẹ

Chiến sĩ Trần Đình Hiền vẫn nhớ như in cái lần tìm được hơn 10 hài cốt liệt sĩ ở khu vực Kô Đếch (tỉnh Kratíe). Theo nguồn tin báo về, tại đây có một ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Sau khi xác định chính xác nguồn tin, cả đội hành quân qua Campuchia. Đến khu vực Kô Đếch, xem lại tọa độ, ngôi mộ chung này là một bãi đất trống. Khoanh vùng xong, cả đội tập trung đào bới, tìm kiếm. Lần thứ nhất không thấy. Lần thứ hai cũng không. Lần thứ ba tiếp tục đào bới những chỗ nghi vấn và đến lần thứ tư vẫn không có kết quả. Mãi đến đợt 1 giai đoạn 10 mới tìm thấy phần mộ của các anh.

Trong suốt 10 năm qua, các chiến sĩ Đội K72 đã tìm kiếm, cất bốc  được 2.060 hài cốt Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia về với lòng đất mẹ. Để tìm ra các phần mộ, các chiến sĩ phải dùng nhiều phương pháp khác nhau, không theo một quy luật nào. Thượng úy Trần Huy Đô, người có nhiều năm kinh nghiệm tìm kiếm, cho biết: "Nếu nhận được nguồn tin báo có các phần mộ liệt sĩ trong rừng, sau khi xác định hướng, chúng tôi lần theo dấu vết của cây rừng. Những gốc cây bị chặt ngang gốc, nay cây mọc chồi trở lại, chứng tỏ ngày xưa bộ đội chặt cây để chôn cất đồng đội. Còn trên mặt đất phẳng, chúng tôi lần tìm theo các mô đất nhô lên hoặc trũng xuống. Khi đào khảo sát, nếu phát hiện các luồng đất sỏi, đất khác màu thì khu đó có phần mộ".

Có những lần lội bộ 3-4 ngày đường rừng, khi đi gần đến nơi thì lương thực đã cạn, nếu quay về lấy thì mất thời gian, mọi người lại động viên nhau ăn rau rừng, hoặc bắt cá dưới sông suối, khe rạch làm bữa ăn lót bụng qua ngày. Mùa khô suối không có nước, phải cắt cây rừng tìm từng ngụm nước uống, hoặc dùng khăn ướt lau người khi  “tắm”. Thượng úy Trần Huy Đô cho biết: "Suốt 6 tháng mùa khô lùng sục tìm kiếm trong rừng và luôn phải cơ động, nên anh em đều ngủ võng. Chuyện anh em bị vắt cắn, gặp sốt rét như cơm bữa, có người về đơn vị rồi vẫn bị ốm. Có những đợt tìm kiếm vô vọng, nhưng cũng có những lần thành công ngoài mong đợi".

Việc phân biệt phần mộ quân tình nguyện Việt Nam với các phần mộ khác cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Thượng tá Lê Huy Chung cho biết: "Phần mộ Quân tình nguyện Việt Nam thường chôn tập trung, cùng một địa điểm, gồm nhiều người. Khi chôn cất, các chiến sĩ hy sinh thường được liệm trong tăng và mang thắt lưng, quân hàm của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay địa hình, địa vật thay đổi rất nhiều do người dân phát nương, làm rẫy. Các nhân chứng trong nước và nước bạn cũng không còn nhiều nhưng các anh em trong đội quyết không ngại gian khó với mong muốn đưa các anh về đất mẹ"

Thanh Liêm – Văn Duyên
.
.