Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông - những ngày đầu (kỳ Ii)

Thứ Tư, 09/11/2011, 10:00
Đúng 22h30' tàu nổ máy rời bến K-15 (Đồ Sơn). 5 ngày sau, 6h sáng ngày 16/10/1962, Phương Đông I cập bến Vàm Lũng an toàn trong niềm vui khôn xiết của những người ra đón.

>> Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông - những ngày đầu

Chính trị viên Bông Văn Dĩa lập tức báo tin vui về Trung tâm Chỉ huy của Đoàn 759 và Trung ương biết. Nhưng do phải qua nhiều khâu của Cơ yếu, nên 3 hôm sau, tức ngày 19/10, Khu 9 mới báo tin này ra Trung ương. Đồng chí Trung tướng Đồng Văn Cống, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến kiêm Trưởng phòng B của Quân ủy Trung ương, lúc đó là người được giao trực tiếp theo dõi diễn biến của con tàu Không số đầu tiên, sau này kể lại: "Người đi rất lo lắng. Người ở lại còn lo lắng hơn. Theo dự kiến đi 5 ngày thì Phương Đông I sẽ cập bến, thế nhưng sáng nào cứ đến giờ giao ban là Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hỏi tôi: "Thế nào rồi?...". Tôi cũng sốt ruột nhưng chỉ biết lắc đầu vì tất cả đang tuyệt vô âm tín. Sau đó đến ngày thứ 6, thứ 7, thứ 8 vẫn chưa có tin tức gì. Tôi là người trực tiếp theo dõi hàng ngày, càng bồn chồn lo lắng. Điện đánh đi không có trả lời. Không biết họ sống hay chết! Mãi sáng ngày 19/10/1962, tức 9 ngày sau mới có tin tức.

Sáng hôm đó, Quân ủy Trung ương đang họp giao ban ở nhà khách 28 Cửa Đông. Tôi bước vào, Đại tướng ngẩng đầu nhìn tôi đăm đăm. Lần này thì tôi gật đầu, mặt tươi tỉnh. Đại tướng đứng dậy ôm chầm lấy tôi. Ông khóc. Đại tướng liền cho tạm ngừng cuộc họp, kéo tôi vào phòng bên để nghe rõ tình tiết. Tôi đưa bức điện của Bí thư Khu 9 Phạm Thái Bường:

"Tàu Lê Văn Một, Bông Văn Dĩa đã về đến nơi!

An toàn, đầy đủ!

Các đồng chí trên tàu đều khỏe mạnh".

Một tay vuốt ngực, một tay vỗ vai tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Thôi cho nghỉ họp để ăn mừng thắng lợi đầu tiên”.

Vì là bức điện nên không thể diễn tả hết được niềm vui của các đồng chí được giao nhiệm vụ đón tiếp ra tận bến ôm từng người, mừng vui khôn xiết. Các đồng chí nói với các thủy thủ: "Các đồng chí không chỉ đưa hàng vào cho chúng tôi, mà còn mang đến cho đồng bào miền Nam tình thương yêu của Đảng, của Bác và đồng bào miền Bắc ruột thịt".

Chuyến tàu tiếp theo lên đường vào ngày 14/11/1962 do thuyền trưởng Phạm Văn Dục, Chính trị viên Hồ Đức Thắng chỉ huy. Một tháng sau, ngày 14/12/1962 chuyến tàu thứ 4 tiếp tục lên đường. Chuyến này do đồng chí Trần Văn Thêm làm thuyền trưởng, đồng chí Đặng Văn Thanh làm chính trị viên. Tất cả những chuyến đó đều vào bến Cà Mau. Bốn chuyến vận chuyển trong hai tháng đã đưa được 111 tấn vũ khí cho Khu 9, an toàn. Đây là một thắng lợi lớn khi mà ở chiến trường Nam Bộ, lực lượng vũ trang đang phát triển, đang rất cần súng đạn. Việc đưa được vũ khí vào mảnh đất mút cùng của Tổ quốc có ý nghĩa đặc biệt.

Sở chỉ huy đoàn 125 theo dõi, nắm tình hình, chỉ huy các tàu vận tải và chiến dịch vận chuyển. Ảnh: Tư liệu.

Do hàng hóa vận chuyển vào Nam Bộ ngày một nhiều, cần có lực lượng tại chỗ mở thêm bến, đón nhận, cất giữ, bảo quản và chuyển giao cho địa phương, nên cấp trên quyết định thành lập Đoàn 962. Đoàn 962 do đồng chí Tư Đức làm đoàn trưởng, Sáu Toàn làm chính ủy, đồng chí Bông Văn Dĩa không trở ra miền Bắc, mà ở lại làm Đoàn phó Đoàn 962; cán bộ đoàn còn có đồng chí Tư Mao. Đoàn 962 là người anh em mật thiết của Đoàn 759, tuy phương thức hoạt động khác nhau, nhưng cùng chung một nhiệm vụ. Sau này, cán bộ chủ chốt của Đoàn 962 đều từ Đoàn 759 chuyển sang.

Trong khi các tàu gỗ còn kẹt ở Cà Mau do phải sửa chữa và ảnh hưởng cuộc càn "Sóng tình thương", chưa trở lại miền Bắc được, theo lệnh của trên, Đoàn 759 sửa chữa lại chiếc tàu khách "Bình Minh" của Quảng Ninh thành tàu chở hàng. Chiếc tàu này vỏ bọc bằng đồng, sức chở lớn, song khá cũ, hạ thủy từ năm 1945 nên đã hư hỏng nhiều. Sau khi sửa chữa, tàu nhận vũ khí lên đường. Song do chở nặng, máy móc không tốt, nên vào đến Hòn Mê, vùng biển Nghệ An, tàu phải dừng lại để chống chìm. Tàu 175 của Căn cứ II Hải quân do đồng chí Trần Phong làm thuyền trưởng được phái ra kéo vào bờ.

Tàu sắt thay tàu gỗ

Việc chiếc tàu "Bình Minh" phải dừng lại trên đường vận chuyển cho thấy rằng đã tới lúc không thể dùng loại tàu gỗ chạy trên sông, ven biển làm phương tiện chạy ngoài khơi và dài ngày được nữa. Qua những chuyến đi vào Cà Mau vừa qua, khẳng định ta có thể mở con đường vận chuyển lâu dài, vì vậy phải có những phương tiện vận chuyển tốt hơn có thể hoạt động đi trong mọi thời tiết. Hơn nữa, phong trào cách mạng miền Nam đang không ngừng phát triển, lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh, đặc biệt đã xuất hiện những đơn vị chủ lực, tình hình đó đòi hỏi con đường vận chuyển trên biển phải phát triển nhanh hơn. Không chỉ tăng số lượng các chuyến đi, mà phải tăng chất lượng, hiệu quả mỗi chuyến. Chủ trương của Quân ủy Trung ương là cần nhanh chóng có loại tàu sắt từ 50 tấn đến 100 tấn bổ sung gấp cho Đoàn 759.

Công việc đóng tàu sắt được xúc tiến khẩn trương nhưng tuyệt đối bí mật.

Việc đóng tàu, Bộ Quốc phòng đề nghị Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng), thuộc Bộ Giao thông vận tải đảm nhiệm. Đồng chí Ngô Văn Năm, cán bộ quân giới cũ, nay làm giám đốc nhà máy, là bạn cũ của Trung tướng Trần Văn Trà, nên khi Trung tướng Phó tổng tham mưu trưởng đặt vấn đề, đồng chí Năm đồng ý ngay.

Thông thường, để đóng một con tàu, riêng việc thiết kế và kiểm tra, duyệt thiết kế cũng mất hàng năm. Từ lúc có thiết kế đến lúc hạ thủy, thời gian hơn chừng đó nữa. Song, do nhận nhiệm vụ đặc biệt nên chỉ 6 tháng sau, chiếc tàu sắt đầu tiên hoàn thành. Ngày 8/2/1963, chiếc tàu vỏ sắt được Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) bàn giao cho Đoàn 759. Đây là một cố gắng vượt bậc của cán bộ công nhân nhà máy. Tàu sử dụng máy của Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) là loại máy tốt lúc bấy giờ và phải có lệnh của Thủ tướng Chính phủ mới được lắp. Trọng tải tàu trên 50 tấn, tàu có các phương tiện hàng hải bảo đảm cho việc đi biển dài ngày. Vỏ tàu chịu được sóng cấp 7, cấp 8. Mớn nước nông để có thể ra vào các kênh rạch thuộc châu thổ sông Cửu Long dễ dàng.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ sắp tới, Đoàn 759 được bổ sung thêm nhiều cán bộ, chiến sĩ đã đào tạo cơ bản ở các trường Hải quân, trường Hàng hải của Bộ Giao thông vận tải, hoặc anh em từ các tàu tuần tiễu từng học tập ở nước ngoài về, chủ yếu là các đồng chí quê ở miền Nam.

Ngày 17/3/1963, chiếc tàu sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí lên đường. Tàu do đồng chí Đinh Đạt, vốn là phân đội trưởng phân đội tàu quét lôi của Hải quân, làm thuyền trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Tiến, một thành viên của thuyền Bến Tre do Tỉnh ủy cử ra Bắc năm 1962, làm chính trị viên. 19h, tàu xuất phát tại Đồ Sơn. Hành trình của tàu là Đồ Sơn, Nam Hải Nam, Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, Đông đảo Cù lao Thu, từ đó vào Bến Tre. Suốt cuộc hành trình dài diễn ra suôn sẻ nhưng khi chuẩn bị vào bến thì gặp tàu tuần tiễu của địch. Thuyền trưởng Đinh Đạt lập tức cho tàu vòng xuống Rạch Láng, Trà Vinh, đó là đêm 23 rạng ngày 24/3. Các đồng chí phụ trách ở Bến Trà Vinh hết sức bất ngờ và vui mừng.

Việc sử dụng chiếc tàu sắt đầu tiên đóng tại miền Bắc, do sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam làm thuyền trưởng, cán bộ Quân Giải phóng làm chính trị viên chở hàng thắng lợi vào miền Nam được báo cáo lên Trung ương Đảng. Đây là dấu hiệu mở màn cho giai đoạn phát triển nhảy vọt của công tác vận tải quân sự trên biển.

Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh đã đến cơ quan đoàn bộ Đoàn 759 để khen ngợi, biểu dương, đồng thời trực tiếp giao những nhiệm vụ mới cho đơn vị. Trung ương Cục miền Nam cũng điện ra tỏ ý rất phấn khởi khi Trung ương đã sử dụng tàu sắt chi viện cho chiến trường.

Xưởng đóng tàu III Hải Phòng tiếp tục cho hạ thủy chiếc tàu sắt thứ 2, rồi thứ 3, thứ 4, thứ 5… Nhờ đó, trong năm 1963, Đoàn 759 đã tổ chức được nhiều chuyến đi thành công.

Tháng 4/1963, 3 chiếc thuyền gỗ vào Cà Mau trước đây, sau khi sửa chữa trở lại miền Bắc. Được tin anh em về, các đồng chí Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Phan Trọng Tuệ đã tới thăm và khen ngợi biểu dương. Vượt qua những chặng đường dài, những chiếc thuyền gỗ đã hư hỏng nhiều, không phù hợp với công tác vận chuyển mới, nên cấp trên đã chuyển toàn bộ số anh em ở 3 chiếc thuyền đó, cùng với một số anh em mới bổ sung về, để thành lập hai đội tàu sắt mới, đội tàu số 5 và đội tàu số 6. Anh em rất phấn khởi vì được sang sử dụng loại phương tiện mới, có cơ hội để chở nhiều vũ khí để đánh giặc.

Thực hiện lời căn dặn của các đồng chí lãnh đạo, sau những ngày nghỉ ngơi, anh em tập trung vào học chuyên môn, nghiệp vụ, chờ ngày lên đường. Khi chuyến tàu sắt thứ 4 vào tới Cà Mau thì từ hậu phương chuyến tàu thứ 5, rồi thứ 6 tiếp tục lên đường. Bắt đầu từ tháng 7/1963, các tàu đi, về xen kẽ, tần số vận chuyển tăng lên rõ rệt. Từ 5 chuyến sáu tháng đầu năm, tăng lên 18 chuyến sáu tháng cuối năm. Nhiều tàu đạt mức vận chuyển 2 tháng một lần đi về.

Ngày 27/6, tàu của thuyền trưởng Đinh Đạt lại xuất phát.

Ngày 3/7, tàu của đội 8 do thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ân rời bến. Chuyến này, ngoài việc chở hàng, tàu chở thêm một số cán bộ vào công tác ở miền Nam.

Ngày 17/7, tàu của đội 5 do đồng chí Trần Phóng làm thuyền trưởng, đồng chí Đặng Văn Thanh làm chính trị viên lên đường đi Bến Tre.

Ngày 30/7, tàu đội 8 do thuyền trưởng Nguyễn Minh Châu và chính trị viên Hồ Đắc Thắng chỉ huy được lệnh lên đường.

Cứ như thế, những chiếc tàu không số của Đoàn 759 như những cái bóng, âm thầm đi về trên biển Đông. Những chuyến đi đầy khó khăn gian khổ và căng thẳng. Không chỉ đấu trí với kẻ thù, mà phải vượt qua sóng gió, vượt qua thử thách của thiên nhiên.

Bí mật, yếu tố của thành công

Phương thức hoạt động của Đoàn là hợp pháp và bất hợp pháp. Do đó, công tác ngụy trang khôn khéo và tuyệt đối giữ bí mật chiếm vai trò quyết định thành bại của mỗi chuyến đi. Vấn đề bí mật được thực hiện nghiêm ngặt ngay từ buổi đầu tiên, ngay từ căn cứ xuất phát, và tuyệt đối phải tuân theo những nguyên tắc sau đây:

- Ở căn cứ của Đoàn thì "nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

- Ở trên tàu thì "lai vô ảnh, khứ vô hình".

- Lúc bình thường ở doanh trại thì cán bộ chiến sĩ đều mặc thường phục, khi có việc về sinh hoạt với các đơn vị Hải quân mới mặc quân phục (Nên dân Hải Phòng - Bãi Cháy nói thầm với nhau họ là Hải quân Hà Nội).

- Dạng những con tàu là dạng tàu đánh cá, khi vào bến không mang số, nên dân gọi là tàu Không số.

- Trường hợp gặp địch mà không thoát được thì chiến đấu đến cùng. Khi lâm vào hoàn cảnh bất khả kháng thì thủy thủ nhảy xuống nước trước bơi vào bờ, tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà tự xử lý. Chính ủy và thuyền trưởng ở lại tàu làm nhiệm vụ điểm hỏa phá hủy tàu bằng dây cháy chậm trong 30 phút, đủ cho người điểm hỏa cuối cùng thoát ra khỏi tàu ở mức an toàn.

- Trên các trang thiết bị đồ dùng học tập sinh hoạt tập thể và cá nhân tuyệt đối phải xóa hết hoàn toàn các mẫu mác ở miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa. Trước khi tàu xuất phát đều có đoàn kiểm tra xuống tàu xem xét tỉ mỉ.

- Tàu không được liên lạc bằng vô tuyến điện với các bến trong Nam mà do Sở Chỉ huy Đoàn liên lạc qua các Tỉnh ủy. Mật mã thuộc loại cao cấp (Trong quá trình hoạt động hơn 10 năm, mật mã của Đoàn không hề bị lộ).

- Mỗi tàu đều được trang bị cờ của các nước trong khu vực để tùy nghi sử dụng dọc đường.

- Bến giao nhận hàng là địa điểm tuyệt mật. Ở Đồ Sơn gọi là bến K15, còn gọi là Z-10. Có một cầu tàu riêng cho bến này, ngày nay vẫn còn dấu tích. (Điều đặc biệt vinh dự cho Đoàn 125, cho Quân chủng Hải quân là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến K15 này để động viên các chiến sĩ tàu Không số).

Không như Đoàn 559 trên đường Trường Sơn có núi rừng che chở, Đoàn tàu Không số 125 phải suốt ngày đêm phơi mình trên mặt biển. Nghệ thuật ngụy trang có thể nói là siêu việt của Đoàn 125 đã góp phần giảm tới mức cao nhất sự tổn thất.

Tiện đây xin kể mẩu chuyện vui: Có lần một đoàn quân sự của Bắc Triều Tiên sang thăm quan và học tập kinh nghiệm của ta. Ta dẫn họ đi sát tàu mà họ không hề phát hiện được. Đến lúc ta vạch hệ thống ngụy trang ra, họ thấy tàu của ta đỗ ngay trước mắt họ, họ kinh ngạc vô cùng.

Vào thời kỳ Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc và phong tỏa cảng Hải Phòng, ta không thể tiếp tục chuyển vũ khí qua biên giới Việt - Trung xuống Hải Phòng rồi giao nhận ở bến K15 như cũ. Nhà nước ta đã thương lượng với Liên Xô và Trung Quốc theo phương án: Vũ khí Liên Xô tới Hoa Nam bằng đường sắt, sau đó chuyển thẳng ra đảo Hải Nam. Các tàu của Đoàn 125 từ đây không phải vào Đồ Sơn nhận hàng nữa mà trực tiếp lấy hàng ở đảo Hải Nam rồi đi thẳng vào các bến ở miền Nam.

Nhờ tổ chức tốt, kỷ luật nghiêm, ý thức trách nhiệm cao và tinh thần vững, những chuyến đi của Đoàn vẫn hoàn toàn giữ được bí mật

P.T.T.
.
.