Đương kim Chủ tịch FIFA Sepp Blatter: Vẫn tiếp tục là người "cầm trịch"

Thứ Bảy, 25/06/2011, 08:40

Hàng loạt các cáo buộc về tham nhũng và hối lộ liên tiếp trong nội bộ FIFA nhiều tháng qua đã tạo nên tai tiếng chưa từng có trong lịch sử cơ quan quyền lực nhất của nền bóng đá thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ đã nhanh chóng trở về quỹ đạo của nó...

Bất chấp những phản ứng của báo giới và đề nghị hoãn bầu cử của một số liên đoàn, Đại hội đồng FIFA đã tổ chức bỏ phiếu ngày 1/6/2011.  Và với sự ủng hộ gần như tuyệt đối, ông Sepp Blatter lại được tín nhiệm tiếp tục nhiệm kỳ 4 năm lần thứ tư trong vai trò Chủ tịch FIFA.

Tại thời điểm mà uy tín và hình ảnh của FIFA đang ảnh hưởng nghiêm trọng, việc tái đắc cử của ông Sepp Blatter quả thực đáng thán phục. Vì sao và với "phép mầu" nào mà ông Blatter có thể khẳng định quyền lực của mình như thế?

Có lẽ cái tên Joseph S. Blatter hay Sepp Blatter chưa được người ta  biết đến nhiều khi ông bước chân vào FIFA lần đầu năm 1975 với chức danh Giám đốc Kỹ thuật Chương trình phát triển. Chỉ đến năm 1981, ông được Chủ tịch Jão Havelange bổ nhiệm làm Tổng thư ký, chính thức trở thành người trợ lý đắc lực cho vị Chủ tịch "lão làng" tại vị  ở FIFA suốt 24 năm (1974-1998), thì dư luận bắt đầu thực sự chú ý đến Blatter. Người ta nhận thấy rõ "sếp" Havelange  luôn tin tưởng gần như tuyệt đối và ưu ái giới thiệu nhân vật trợ lý là ứng viên thay thế vị trí mình khi ông rời "ngai".

Với sự hậu thuẫn và quyền lợi của nhiều hiệp hội quốc gia, tháng 3/1998 Blatter đã tham gia cuộc tranh cử chức Chủ tịch FIFA thắng lợi. Ông trở thành Chủ tịch thứ 8 của FIFA sau 23 năm phục vụ ở các vị trí khác nhau của tổ chức danh tiếng này. Cuộc đua năm 2002, Blatter đã phải đối mặt với lời buộc tội tham nhũng, lộng quyền từ một nhóm chống đối do Tổng thư ký Michel Zen-Ruffinen đứng đầu. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm khôn khéo, ông vượt qua sóng gió và đã đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 sau khi đánh bại Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) châu Phi Isaac Hayatou. Blatter tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào ngày 31/5/2007 và tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư  ngày 1/6/2011.

Kể từ đó tới nay, cả thế giới đều công nhận dấu ấn rõ nét của người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất của bóng đá. Có thể nói Blatter chính là người làm thay đổi bộ mặt của FIFA. Dưới bàn tay chèo lái của ông, các giải đấu lớn của FIFA đặc biệt là giải vô địch thế giới World Cup trở thành những "mỏ vàng" đem về nguồn lợi vô cùng to lớn về tài chính. Không những thế, FIFA giờ đây là một tổ chức có một tầm nhìn, có đủ bản lĩnh và khả năng vượt qua nhiều thách thức của bóng đá thời hiện đại.

Sau những phép màu ấy, dư luận bắt buộc đặt câu hỏi. Vậy, "ông trùm" của nền bóng đá trên hành tinh thực sự là ai?

Lần đầu được bầu làm chủ tịch FIFA tháng 3/1998 thay cho Havenlange.

Chỉ muốn "kết hôn" với bóng đá

Joseph S. Blatter, như mọi người thường gọi là Sepp Blatter, sinh ngày 10/3/1936 tại thành phố Visp, một thành phố thơ mộng chỉ vỏn vẹn 6.000 dân ở Thụy Sĩ. Khởi đầu của ông cũng khá khiêm tốn. Cha làm việc trong một nhà máy hóa chất và cũng là người kiếm sống nuôi cả nhà. Sepp có một tuổi thơ rất khó khăn, cậu cùng gia đình phải sống nhờ rau quả và thực phẩm phân phối.

Người cha của Blatter quyết tâm thoát khỏi đói nghèo bằng cách tạo áp lực với các con trong việc học hành, điều mà ông đã mong ước nhưng không đạt được. Sự cứng rắn ấy đã có tác dụng. Các anh em trai trong gia đình đều đã học đại học đúng ước nguyện của cha. Riêng Sepp tốt nghiệp Cao đẳng Sion & St. Maurice, sau đó lấy bằng cử nhân Quản trị kinh doanh và Kinh tế của Khoa Luật Đại học Lausanne.

Tuy nhiên, ngay từ đầu Sepp đã muốn nhiều hơn là một cuộc sống tiện nghi. Hầu hết bạn bè, đồng nghiệp và những người phụ nữ trong cuộc đời của Blatter đều có một nhận xét chung là ở Sepp có một khát khao sự nổi bật và luôn muốn là trung tâm của mọi thứ. Một trong những nhân vật điều hành FIFA từng bị Blatter sa thải cho biết: "Không phải chỉ là tiền bạc. Những gì mà ông ấy khao khát, trên tất cả mọi thứ, đó là sự chú ý. Ông ấy sẽ không nề hà những lời chỉ trích nhận được. Đối với Blatter, điều tồi tệ nhất đó là bị lãng quên". 

Dĩ nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là tiền bạc không có ý nghĩa gì. Bằng chứng là những chi phí phục vụ cho gu thẩm mỹ quần áo của Blatter và cả hóa đơn thanh toán cho chiếc xe Limousine trong chuyến đi đến Mỹ của con gái là những con số từng làm dư luận choáng váng.

Vẫn tiếp tục là người cầm trịch trong bóng đá.

Người vợ đầu tiên của Blatter là Liliane Biner. Một người phụ nữ địa phương với vẻ đẹp học thức, dáng thể thao và ưa nhìn. Họ lấy nhau, có con gái duy nhất là Corine và kết thúc bằng cuộc ly dị một thời gian dài trước khi ông leo lên đỉnh cao của bóng đá. Sau đó, Blatter bị hút vào những phụ nữ trẻ trung hơn. Người vợ thứ hai Barbara Kaser, nhanh nhảu, hoạt bát và là con gái của cựu Tổng thư ký FIFA Helmut Kaser. Cuộc hôn nhân này kéo dài 10 năm và dừng lại vào năm 1999 khi ông ở tuổi 52 do Barbara mất đột ngột vì biến chứng sau một phẫu thuật. Tiếp sau đó là nhiều mối tình phù du của Sepp.

Vào năm 1995, trong lần chơi tennis với Ilona Boguska - cô bạn tóc bạch kim của con gái kém ông tới 30 tuổi,  Blatter  trúng "sét". Ông lăn xả vào cuộc tình. Boguska ngay lập tức xuất hiện cùng Blatter tại các buổi hội nghị và những trận bóng đá hàng đầu. Thời kỳ mặn nồng kéo dài 7 năm.

Năm 2002, Blatter lại tìm thấy một mục tiêu khác. Đó là nhà trị liệu kiêm huấn luyện viên cá heo có tên Graziella Bianca. Chớm tuổi 30, phong cách thân thiện và cũng lại là… bạn của con gái! Lúc đầu Graziella không hề ấn tượng gì với phong cách của Blatter và dường như họ khó có thể hòa hợp. Song chỉ vài tháng sau, cô đã trở thành người vợ thứ ba của Sepp. Khi ấy, dù đã ly dị 2 lần nhưng vị Chủ tịch FIFA vẫn cố gắng thuyết phục Giáo hoàng John Paul II cho phép họ làm đám cưới và được chúc phúc ở nhà thờ.

Tuy nhiên, Sepp không thể làm lung lay quyết định của tòa thánh. Và ngày 23/12/2002, Blatter tiến hành đám cưới lần thứ ba tại quê nhà trước sự ngạc nhiên của bạn bè. Với Graziella, Sepp như một người hoàn toàn khác. Họ thường đi dạo trên núi và đến Vịnh Mexico vào kỳ nghỉ. Có lẽ rất hiếm khi "ông chủ" FIFA tìm được niềm vui ngoài bóng đá như thế. Nhưng, thời gian hạnh phúc của họ cũng chấm dứt nhanh như lúc nó bắt đầu. Graziella phải thừa nhận với bạn bè rằng, họ chia tay vì Blatter là một người “nghiện” công việc và chỉ thực sự muốn kết hôn với … bóng đá!

Người thay đổi bộ mặt FIFA

Trước khi gia nhập FIFA, Blatter bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là người tham gia các hoạt động báo chí cũng như quan hệ công chúng trong lĩnh vực thể thao. Mùa hè năm 1975, ông mới chính thức làm việc tại tổ chức này với tư cách Giám đốc Chương trình phát triển kỹ thuật, một dự án của Chủ tịch João Havelange.

Năm 1981, Ủy ban điều hành của FIFA bổ nhiệm Blatter làm Tổng thư ký và năm 1990, ông trở thành một giám đốc điều hành của tổ chức. Đã có 5 kỳ World Cup được tổ chức dưới sự bảo trợ của Blatter. Cùng thời gian này, Blatter đóng một vai trò lãnh đạo trong việc đàm phán cho các hợp đồng truyền hình, marketing và thương mại hóa của FIFA World Cup. Cuối tháng 3/1998, Blatter tham gia cuộc tranh cử chức chủ tịch FIFA thắng lợi.

Có thể nói, Blatter đã thiết lập được một mạng lưới truyền thông bền vững ứng dụng mọi công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, ông không những đã thu hút được sự tham gia của các nhân vật quyền lực trong làng thể thao vào quá trình điều hành của tổ chức mà còn tham vọng gia tăng những cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài nữ… nhằm tăng cường sự hợp tác với các liên đoàn, các hiệp hội quốc gia, các giải và câu lạc bộ. Nhờ có Blatter, FIFA đã có những đối thoại cởi mở hơn giữa các đối tác kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.

Blatter cũng là người chủ trương đại chúng hóa các hoạt động của FIFA. Ông nhiệt tình ủng hộ việc mở rộng số đội tham dự World Cup từ 24 lên 32 đội, chủ trương mở ra các đề án, chương trình hỗ trợ các quốc gia có nền bóng đá chậm phát triển, trong số này có cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Theo đó, trong suốt một thời gian dài ngân quỹ hoạt động của VFF luôn có khoản tiền 250.000 USD hỗ trợ từ chương trình FAP của FIFA và từ năm 2010, con số này là 550.000 USD.

Không chỉ là tổ chức chuyên môn đơn thuần, FIFA giờ đây còn là “ông trùm” các giải đấu lớn, đặc biệt là giải vô địch thế giới World Cup trở thành những "con gà đẻ trứng vàng" đem về cho FIFA những nguồn lợi vô cùng to lớn về tài chính thông qua các khoản thu từ bản quyền truyền hình và quảng cáo. FIFA gần như "không có dư một đồng nào" khi Blatter được bầu làm Chủ tịch lần đầu tiên vào năm 1998. Nhưng khoản lãi ròng của FIFA trong nhiệm kỳ thứ hai mà Blatter làm Chủ tịch (2002-2007) đã đạt khoảng 900 triệu USD - khoản thu nhập lớn nhất trong lịch sử tổ chức này. Chỉ riêng World Cup 2010 với chu trình kéo dài 4 năm và kết thúc bằng đỉnh điểm là vòng chung kết ở Nam Phi, FIFA đã thu về được 4,19 tỉ USD!

World Cup giờ đây không chỉ được tổ chức ở những quốc gia "ông lớn", năm 2002 lần đầu tiên vòng chung kết World Cup đã được tổ chức ở 2 nước châu Á và năm 2010 vừa rồi được tổ chức ở Lục địa Đen. Trong vai trò Chủ tịch, Blatter cũng là người đưa ra nhiều ý tưởng cá nhân có ảnh hưởng tới bóng đá thế giới. Ông chính là người gợi ý nên bỏ luật "bàn thắng vàng" - tức "cái chết bất ngờ" để thay bằng "bàn thắng bạc" (tỉ số chung cuộc được công nhận sau khi kết thúc hiệp phụ thứ 2). Luật này đã được áp dụng chính thức từ Euro 2004.

Cũng năm này, Blatter yêu cầu bổ sung điều luật cấm cầu thủ được ăn mừng bàn thắng bằng cách tự ý cởi áo. Ông cũng là người quyết liệt yêu cầu phải có chính sách bảo vệ trọng tài, trong đó có việc không công bố các quyết định kỷ luật trọng tài, không ủng hộ việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào xác định tính đúng - sai của những tình huống gây tranh cãi...

Tái khẳng định quyền lực

Đúng như dự đoán, Sepp Blatter đã không mấy khó khăn để chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch diễn ra ngày 1/6. Sau khi đối thủ Mohamed bin Hammam rút lui, ông Blatter trở thành ứng viên duy nhất và giành được đến 186 phiếu thuận trong tổng số 203 phiếu hợp lệ.

Dù vậy, khác với 3 lần chiến thắng trong các nhiệm kỳ trước, lần này ông Sepp Blatter gặp không ít áp lực nhất là từ báo giới sau hàng loạt vụ scandal liên quan đến tham nhũng và chia rẽ trong nội bộ. Ít giờ trước cuộc bỏ phiếu, LĐBĐ Anh còn công khai vận động các thành viên UEFA để hoãn cuộc bầu cử. Song, chỉ có 17 trong tổng số 208 đại biểu tỏ ý ủng hộ. Vì vậy kết quả này khiến báo giới Anh, những người vốn tin rằng họ bị loại một cách "mờ ám" trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018, vô cùng tức giận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy cũng không quá khó lý giải việc làm thế nào ông Blatter lại giành được số phiếu gần như tuyệt đối trong cuộc đua độc mã lần này. Với cơ cấu tổ chức như hiện nay, thật khó lòng lật đổ chiếc ghế Chủ tịch FIFA một khi ai đó đã ngồi lên và vẫn muốn giữ nó. FIFA được xem là "cỗ máy in tiền" và hiển nhiên ông Chủ tịch sẽ không thiếu tiền để chi cho khắp các LĐBĐ thành viên trên thế giới. Các dự án xây dựng trụ sở hay phát triển bóng đá trẻ, bóng đá phong trào và bóng đá chuyên nghiệp ở những quốc gia có nền bóng đá chậm phát triển... đã được rót tiền hậu hĩnh.

Dĩ nhiên, tiền được hào phóng vung ra như vậy để mang lại không chỉ lợi ích đơn thuần cho những trái bóng. Đổi lại là sự biết ơn cùng lòng trung thành. Ông Chủ tịch sẽ nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối từ các LĐBĐ của những quốc gia này, đặc biệt trong các kỳ bầu cử. Nói cách khác, đó là một cách dùng tiền công để "mua" lá phiếu một cách hợp lệ, danh chính. Cùng con tàu "vàng" FIFA chở theo toàn bộ khối cử tri, ông Blatter đã thắt chặt thêm tình bạn giữa các thân hữu, hóa giải dần những kẻ thù địch và đồng thời làm tắt lịm những ý tưởng muốn thay đổi người đứng đầu cơ quan này.

Bởi vậy, mặc dù bão tố liên tiếp trước thềm Đại hội FIFA nhưng "thuyền trưởng" Blatter vẫn vững tay lái. Ông luôn tỏ ra can trường và thể hiện bản lĩnh thép của mình. Trong cuộc họp báo trước ngày khai mạc Đại hội, Blatter đã mạnh mẽ bác bỏ ý kiến cho rằng FIFA đang gặp khủng hoảng. Ông nói: "Đây thực sự là một giai đoạn khó khăn của FIFA và tôi khẳng định tôi đang sẵn sàng đối đầu. Chúng ta sẽ đưa con tàu FIFA trở lại với dòng nước trong lành và sạch sẽ. Chúng ta sẽ làm được"

Ngọc Mai - Hoài Linh
.
.