Anh hùng LLVTND, liệt sĩ CAND Nguyễn Đình Bể:

Em gắng nuôi dạy con, anh còn đi đánh giặc!

Thứ Năm, 20/02/2014, 15:10

Bà Nguyễn Thị Quý giờ sống với người con trai thứ hai tại khu đô thị mới ở Hà Nội. Thoáng trong dáng vẻ một bà già nhà quê chính hiệu với chiếc áo lụa dài tay, quần sa-tanh và chiếc áo len cộc tay màu nâu đất là nụ cười hiền từ với gương mặt phúc hậu. Người ta bảo các cụ ngày xưa, tuy vật chất thì chẳng no đủ như bây giờ, nhưng lao động nhiều nó khỏe người ra, có lẽ đúng. Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, luôn tươi cười, hay chuyện, chỉ ngồi ngắm bà kể chuyện thôi cũng thấy thích.

Ai biết đâu dáng người nhỏ thó ấy cũng một thời là đội viên xung kích năng nổ của tổ Trung kiên chống Pháp và là đội phó sản xuất của phong trào “Ba đảm đang” những năm chống Mỹ. Gợi lại chuyện xưa, bà cứ tủm tỉm cười. Ai chả biết, trong nông hội xưa thì tổ Trung kiên là "gớm" nhất. Vừa làm công tác địch vận, thuyết phục gia đình có người theo Pháp về phe ta, vừa tổ chức canh gác cho cán bộ về làm việc.

Đi gác ở đầu làng, ban ngày mà Tây đến thì phải hô to: "Ôi trời ơi bà con ơi, con trâu nhà tôi nó lồng lên rồi!", ban đêm thì giả tiếng đi tìm gà: "Nhà tôi có con gà sống lạc vào nhà ai không?". Một thời ký ức của bà cứ thế ùa về, ngọt ngào cũng có mà đắng cay cũng nhiều…

18 tuổi lấy chồng. 30 tuổi là vợ liệt sĩ. Ngần ấy năm tần tảo ở vậy nuôi con, chăm bà nội của chồng, chăm bố mẹ chồng và chăm cháu. Bà nuôi các anh, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, cơm bữa nào độn ít thì là đại tiệc, cả 3 người con trai ai cũng trưởng thành, nên người.

Nối tiếp truyền thống gia đình, người con trai thứ hai là Nguyễn Đình Bin, học giỏi nhất tỉnh Hải Dương một thời, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cuba, 50 năm tuổi Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài… Vui chuyện, bà bảo, một bên mắt đã kém rồi, phải mổ thủy tinh thể cách đây ít năm. Sức khỏe cũng không được như hồi đầu, giờ lại ở trên tầng cao, ít khi xuống đất lắm. Bà còn đùa, người ta nói ở cái tuổi này là gần đất xa trời, cơ mà như thế này hóa lại gần trời xa đất ấy chứ.

***

Làng Thượng Đỗ, xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương những năm trước Cách mạng là một làng quê nghèo. Cũng như bao gia đình khác, ông bà Nguyễn Đình Trảo và Đặng Thị Tý cũng chỉ có biết quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", của nả đâu có gì, chỉ có truyền thống yêu nước và hiếu học là tài sản lớn nhất dành cho con cháu. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, cả ba người con của ông bà, Nguyễn Đình Bể, Nguyễn Đình Cảng, Nguyễn Đình Củng đều hiếu thảo, học giỏi. Trong 3 anh em, người con trai cả Nguyễn Đình Bể nổi tiếng học hành chăm chỉ, tiếng Pháp nói làu làu, được mọi người trong làng quý mến, yêu thương.

Mặc dù học giỏi, nhưng Nguyễn Đình Bể buộc phải bỏ dở sự nghiệp học hành, đi làm phu mỏ Hòn Gai, Quảng Ninh để giúp đỡ bố mẹ nuôi em. Chính tại đây, người con trai làng Thượng Đỗ đã sớm giác ngộ, tham gia cuộc tổng bãi công năm 1936 của công nhân mỏ than Hòn Gai và sau đó tham gia cướp chính quyền tại Quảng Ninh khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Lúc này, với trách nhiệm của người con trưởng trong gia đình, ông Bể vẫn thường xuyên đi về thăm nom cha mẹ, chăm sóc em.

Về làng, ông thật không ngờ cô bé hàng xóm nhỏ nhắn năm xưa, kém ông tới 9 tuổi nay đã trở thành thiếu nữ 18 xinh xắn, hay cười, duyên nhất xóm. Những câu chuyện trẻ con ngày trước vô tư thế nào, nay bỗng trở nên ngượng ngùng, dè dặt quá. Thế rồi sự chững chạc của người trai có chí, cộng với nức tiếng học giỏi, hiền lành đã đi trước dọn đường cho đám trầu cau cưới hỏi. Ông bà thành vợ chồng đơn giản như thể trời sắp sẵn họ với nhau. Cưới nhau xong, ông đưa bà lên mỏ, vợ chồng được ở bên nhau mà cũng tiện bề hoạt động. Hai người con trai của ông bà, Đình Bảo và Đình Bin đều được sinh ra trong khói bụi của hầm lò cộng với tình yêu thương chăm sóc vô bờ bến.

Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, ông về quê, bắt đầu công tác trong Lực lượng CAND và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Do giỏi tiếng Pháp, ông được phân công vào Đội Việt Hùng, với nhiệm vụ tổ chức cơ sở trong hàng ngũ địch, nắm tình hình, ngăn chặn âm mưu hoạt động gián điệp và trực tiếp trừ gian, diệt ác. Đến năm 1949, ông được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội phản gián, Ty Công an Hải Dương (nay là Công an tỉnh Hải Dương).

Dưới sự lãnh đạo của người đội trưởng gan dạ Nguyễn Đình Bể, nhiều kế hoạch địch vận, trừ gian diệt ác được hoàn thành xuất sắc. Cuối tháng 1/1951, trong một cuộc vây ráp quy mô lớn của giặc Pháp ở khu vực bến đò Sỹ, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, Đội trưởng Nguyễn Đình Bể cùng 16 đội viên khác bị địch bắt đưa về bốt Hương.

Bà Quý và người con trai thứ 2, ông Nguyễn Đình Bin.

Sau nhiều ngày tra tấn liên tục, áp dụng đủ mọi cực hình dã man tưởng chỉ có ở thời Trung cổ như dùng lưỡi lê xẻo từng mảng thịt mà không khuất phục nổi ý chí cách mạng kiên cường, địch đã lén lút tìm cách thủ tiêu ông. Đêm 3/2/1951, địch đưa người Đội trưởng phản gián ra giữa dòng sông Hương. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, Nguyễn Đình Bể đã lựa chọn hy sinh cho đất nước, cho nhân dân, kiên quyết không lung lạc trước sự mua chuộc của lũ giặc cướp nước. Tức giận và run sợ trước khí phách anh hùng của người chiến sĩ cách mạng, giặc đã cắt tai, dùng lê đâm ông chết và ném xác xuống sông…

Sự việc lộ ra ngoài gây ra một phong trào phản đối quyết liệt của nhân dân trong làng, ngoài xã. Không tìm được bằng chứng kết tội, giặc buộc phải thả toàn bộ 16 đội viên còn lại của đội phản gián. Người đội trưởng bất khuất ấy hy sinh, nhưng toàn bộ cơ sở cách mạng và mạng lưới hoạt động của lực lượng công an được bảo toàn, tiếp tục lớn mạnh, cùng cả dân tộc đi đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc.

***

Bà Quý bảo, giờ không mong muốn gì hơn là các cháu, chắt học hành giỏi giang, tiếp bước truyền thống gia đình mà thành đạt, đóng góp cho đời. Bà có 8 người cháu và 8 chắt. Ba người con trai, giờ chỉ còn hai. Con trai út của ông bà, ông Nguyễn Đình Ân, cũng đã ngoài 60.

Khi bố mất, ông Ân mới 4 tuổi. Kỷ niệm về bố đối với ông không nhiều, nhưng mỗi lần bố về thăm nhà, tắm cho con, ngoáy sạch tai cho con bằng nhúm bông gòn là những khoảnh khắc không bao giờ phai nhạt trong ông. 11 năm ròng lái xe vận tải đường Trường Sơn, cựu chiến binh Nguyễn Đình Ân chưa một lần ngã lòng bởi tấm gương hy sinh anh dũng của bố luôn là động lực để ông vượt qua mọi thử thách cam go.

Trong 3 người con của ông bà, ông Nguyễn Đình Bin giống bố nhất. Giống cả về ngoại hình lẫn đức tính thông minh, cần cù trong học tập. Nhà nghèo, cơm ăn toàn độn sắn, độn ngô, húp cháo loãng, mấy anh em còn phải đi bắt con cua, con cáy về để mẹ làm mắm ăn cho có chất đạm, thế mà học vẫn giỏi. Câu chuyện về tấm gương học tập của Nguyễn Đình Bin đến giờ vẫn được lưu giữ trong Phòng truyền thống của Sở Giáo dục Hải Dương.

Cậu học trò nghèo Nguyễn Đình Bin đi học, mùa rét chỉ có độc chiếc áo len mẹ dành dụm mãi mới mua được, phải độn thêm cả giấy vở cũ vào ngực áo cho ấm, thầy giáo gọi lên chữa bài, với tay lên viết bảng mà giấy còn rơi lả tả. Thi lớp 8 lên lớp 9 (hệ 10 năm), Nguyễn Đình Bin đạt 11 môn 5 điểm (điểm tối đa theo thang điểm cũ). Ngày ấy, Ty Giáo dục Hải Dương đã phát động phong trào học tập kinh nghiệm Nguyễn Đình Bin, xôn xao khắp vùng. Đến cuối năm lớp 9, tiếp nối truyền thống gia đình, Nguyễn Đình Bin được kết nạp vào Đảng và được cử sang nước bạn Cuba học tập…

Cho đến khi lên đến Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và bây giờ về nghỉ hưu, chăm sóc mẹ già, ông Bin vẫn cho rằng, chính truyền thống gia đình và sự nỗ lực của bản thân đã giúp ông vượt qua được tất cả của một thời gian khó đến nhường ấy.

Năm 2000, Liệt sĩ CAND Nguyễn Đình Bể đã được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và đến tháng 2/2013, ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

Bà Quý kể, tháng 1/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ra quyết định công nhận Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Đình Bể là cán bộ lão thành cách mạng. Số tiền 50 triệu đồng theo chế độ của ông, bà chia đều cho các chắt đang đi học, như một phần thưởng động viên các chắt cố gắng noi gương phấn đấu, tiếp nối truyền thống của gia đình cách mạng, hiếu học

Việt Ba
.
.