GS.TS - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: 22 tuổi đậu 2 bằng tiến sĩ

Thứ Hai, 19/10/2009, 14:21
Hồi dạy chúng tôi ở Thiệu Hóa - Thanh Hóa thỉnh thoảng thầy nói: “Tôi thật là một cái quái thai. Các anh nghĩ có phải quái thai không?”. Học trò ngơ ngác. Thầy bảo: “Ai như tôi, 22 tuổi mà đậu một lúc 2 bằng Tiến sĩ, như thế không phải quái thai là gì”...

Có một học sinh từ ban Tú tài, rời thành phố Huế bị Pháp tạm chiếm năm 1949 để ra vùng kháng chiến, đi dạy học Trường trung học Kháng chiến Nguyễn Chí Diểu - Lâm Mộng Quang ở Thừa Thiên, rồi được đi học Trường dự bị Đại học mở tại Liên khu IV. Hơn nửa thế kỷ sau, cậu học trò đó đã trở thành một nhà lý luận phê bình, nhà giáo có tên tuổi: GS-NGND Trần Thanh Đạm - nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP TP HCM.

Theo lời hẹn, tôi đến gặp ông tại nhà riêng (khu tập thể trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP HCM). Với giọng xứ Huế nhẹ nhàng, nụ cười hiền hậu, ông dành thời gian trả lời cho tôi một số câu hỏi về GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thầy (16/9/1909 - 16/9/2009).

PV: Thưa GS Trần Thanh Đạm, được biết ông là một trong những sinh viên Trường Dự bị Đại học khóa đầu tiên, xin ông kể lại một số kỷ niệm về GS-TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường.

GS-NGND Trần Thanh Đạm: Ấn tượng và kỷ niệm của tôi về thầy Nguyễn Mạnh Tường rất là tốt đẹp. Vì rằng bối cảnh lúc bấy giờ rất là tốt đẹp. Tôi phải nói đôi chút cái bối cảnh này cho anh biết.

Trường Dự bị Đại học giám đốc là thầy Đặng Thai Mai, Phó giám đốc là thầy Trần Văn Giàu, hồi bấy giờ mở 2 cơ sở. Cơ sở Nghệ An đóng ở huyện Thanh Chương, do Giáo sư (GS) Đặng Thai Mai phụ trách, có các GS nổi tiếng là Nguyễn Thúc Hào dạy Toán, Cao Xuân Huy dạy Triết... Cơ sở Thanh Hóa đóng ở huyện Thiệu Hóa, do GS Trần Văn Giàu phụ trách, có các thầy Nguyễn Mạnh Tường dạy Văn học phương Tây, thầy Trương Tửu dạy Văn học Việt Nam, thầy Nguyễn Đức Chính dạy Địa lý, sau có thầy Đào Duy Anh dạy Lịch sử, thầy Nguyễn Lương Ngọc dạy Văn... Bên tự nhiên có các thầy Phó Đức Tố là Cử nhân Khoa học, thầy Hồ Đắc Liên kỹ sư địa chất dạy Vật lý. Một thầy nữa rất quan trọng là thầy Đặng Xuân Thiều, dạy chính trị. Thầy Nguyễn Lương Ngọc vừa làm Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu IV vừa đi dạy học, thầy Hải Triều làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV, thầy Nguyễn Danh Hoàn lúc bấy giờ là Khu ủy viên Liên khu III, cũng đều có đến dạy chính trị, về đường lối cách mạng và kháng chiến.

Trường Dự bị Đại học từ 1952 - 1954, hai khóa, có thể nói như một bông hoa, như một hạt giống rất là đẹp của giáo dục kháng chiến. Phải nói rằng đó là công ơn của Bác Hồ, sáng kiến của Bác Hồ. Bác Hồ giao cho thầy Đặng Thai Mai, thầy Trần Văn Giàu tổ chức ra lớp học này.

Do trong bối cảnh như thế thì thầy dạy, trò học, nói chung với tinh thần kháng chiến, tinh thần yêu nước rất hăng hái. Hồi bấy giờ học trò được học Dự bị Đại học với những thầy như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Đào Duy Anh... là các vị học giả nổi tiếng nên anh chị em rất phấn khởi. Tuy là học Dự bị Đại học thôi nhưng mà cũng ngang Đại học. Hồi bấy giờ điều kiện học tập cũng khó khăn, thiếu thốn và chính các thầy cũng thiếu thốn. Sách vở không có bao nhiêu, cho nên các thầy dạy là rút ruột ra chứ có tài liệu gì mấy đâu. Có được chút tài liệu nào đều được khai thác triệt để.

PV: Ông chính thức được học với GS Nguyễn Mạnh Tường là từ bao giờ ạ?

GS-NGND Trần Thanh Đạm: Đến cuối năm 1952 thì chủ trương của Bộ Giáo dục là thống nhất hai cơ sở Trường Dự bị Đại học ở Nghệ An và Thanh Hóa làm một. Sinh viên Nghệ An phải hành quân ra phía Bắc nhập với Thanh Hóa ở Cầu Kè, bên cạnh sông Chu, thuộc huyện Thiệu Hóa. Đầu năm 1953, tôi mới được học với thầy Nguyễn Mạnh Tường...

GS - NGND Trần Thanh Đạm.
Hồi dạy chúng tôi ở Thiệu Hóa - Thanh Hóa thỉnh thoảng thầy nói: “Tôi thật là một cái quái thai. Các anh nghĩ có phải quái thai không?”. Học trò ngơ ngác. Thầy bảo: “Ai như tôi, 22 tuổi mà đậu một lúc 2 bằng Tiến sĩ, như thế không phải quái thai là gì”. Thầy tự hào và cứ nói thẳng ra như thế. Học trò thì bảo: “Thầy kiêu ngạo một cách hồn nhiên, thật thà - Notre Professeur est orgueilleux d’une manière innocente, sincère” (cười).

Dạy Văn học phương Tây, thầy Tường ở một cái thế khó là đậu rất cao, biết rất nhiều, học rất giỏi nhưng dạy thì toàn những học trò nhà quê, Văn học phương Tây vừa xa lạ vừa cao siêu lắm. Mà đầu óc thầy Tường rất uyên bác những văn học Hy Lạp – La Mã, sành sỏi cả chữ Latinh, chữ Hy Lạp, còn văn học Pháp thì thầy là chuyên gia rồi.

Không phải ngẫu nhiên 22 tuổi ông đậu 2 bằng Tiến sĩ đâu. Thầy Nguyễn Mạnh Tường hồi bấy giờ là người viết văn Pháp rất hay. Có người đọc luận án của thầy Tường phải thốt lên: Luận án của Nguyễn Mạnh Tường là một công trình văn chương tươi đẹp. Thầy viết văn Pháp hay hơn người Pháp.

Khi dạy Văn học phương Tây thầy nói tiếng Việt không được thạo lắm nhưng mà thầy rất cố gắng. Có nhiều cái thầy dạy rất có ích với tôi sau này. Ví dụ thầy có nói một chút về văn học Hy Lạp - La Mã cổ, xa xôi lắm nhưng đại khái tôi cũng được biết đó là cái gì... Thầy Tường dạy, tuy rằng thầy nói những điều học trò không thấu được hết vì đầu óc của ông bác học lắm. Nhưng mà cái phác đồ Văn học phương Tây ông gợi ra, nhất là phác đồ đầu tiên từ văn học Hy Lạp - La Mã mà sang văn học trung đại, đến thời kỳ phục hưng châu Âu rồi thời kỳ cổ điển... Về sau này người ta không dạy nữa vì nhiều quá không dạy nổi.

Hồi bấy giờ học trò cũng ghê gớm lắm. Tuy là học như thế nhưng thầy và trò đua. Thầy trò cùng đi khám phá cả chứ...

PV: Có một sự kiện lúc bấy giờ là đang dạy nửa chừng thì Trung ương Đảng điều GS Nguyễn Mạnh Tường làm thành viên của đoàn Việt Nam đi tham gia Hội nghị Hòa bình châu Á, ở Bắc Kinh (Trung Quốc), sau đó Hội nghị Hòa bình thế giới ở Viên (Áo). Ông có được biết điều gì về chuyến đi này hay không?

GS-NGND Trần Thanh Đạm: Thầy Nguyễn Mạnh Tường đi chuyến đó như được tháo cũi sổ lồng. Khi về thầy rất phấn khởi, thỏa mãn. Học trò bảo: Thầy trước kia là người hai bằng Tiến sĩ - Bidocteur, còn bây giờ thầy là đại biểu đi dự hai Hội nghị Hòa bình - En participation à deux Conférences de Paix.

Thầy về có quà cho chúng tôi, là mấy bài văn bằng tiếng Pháp. Một bài thầy được mời phát biểu tại Đài Phát thanh Leningrad viết bằng tiếng Pháp, và một bài thì tờ tạp chí Dân chủ mới (La Démocratie Nouvelle) ở Pháp đăng lên. Lúc bấy giờ học trò mới thật phục thầy. Thầy giảng bằng tiếng Việt có thể còn đôi chút vướng mắc, đến khi thầy đọc hai bài văn của thầy trong chuyến đi đó, học trò tán tụng: Văn thầy hay quá! Văn thầy vang như chuông! (cười).

GS Nguyễn Mạnh Tường - người thứ 2 từ trái sang , năm 1991

Vừa rồi trong một cuộc Hội nghị về Pháp ngữ ở TP HCM, được mời phát biểu ý kiến, tôi đọc một bài phát biểu bằng tiếng Pháp, có đoạn:

“Tôi đi kháng chiến mang theo hành trang ít ỏi về một ít từ vựng và một ít quy tắc ngữ pháp tiếng Pháp thôi. Nhưng khi đi học trong trường kháng chiến tôi được tiếp xúc với những thầy giáo vốn là những nhà trí thức kỳ cựu am hiểu về văn hóa Pháp... Ban ngày máy bay của Pháp làm chủ bầu trời, ném bom làng mạc, đồng ruộng, trâu bò của chúng tôi. Nhưng ban đêm chúng tôi cúi đầu xuống trên những chiếc đèn tự tạo để thông cảm với các văn hào và các nhà văn hóa Pháp từ Villon (nhà văn thời trung đại), rồi Ronsard (thời phục hưng) cho đến các nhà văn về sau này”.

Tôi đọc xong bài diễn văn ấy, ông Tùy viên Văn hóa Pháp lên bắt tay tôi, cứ tấm tắc khen: Bài của anh đặc sắc nhất. Thực ra đó là ý của thầy Nguyễn Mạnh Tường, trong bài văn thầy viết tại chuyến đi sang châu Âu, đăng trong Dân chủ mới, tôi nghe thầy đọc từ thời học Dự bị Đại học, tôi vẫn nhớ. Ý đó như thế này:

“Ban ngày thì máy bay của quân viễn chinh Pháp bay lượn, làm chủ bầu trời Việt Nam và ném bom xuống các làng xóm Việt Nam. Nhưng ban đêm thì chúng tôi, thầy và trò, thắp đèn lên để tiếp xúc với các danh nhân nước Pháp, với Montaigne, với Hugo, với Corneille, với Racine... Đấy, cuộc kháng chiến của chúng tôi là như vậy”.

Hồi bấy giờ tôi khoái cái ý đó. Ý đó của thầy Tường rất là sáng tạo. Ông xuất thần viết trong bài văn như thế. Bài văn này không biết chỗ anh Nguyễn Tường Hưng có giữ được không? Những bài văn thầy Tường viết có thể nói ít người biết để đánh giá được tại vì thầy viết bằng tiếng Pháp. Càng về sau này những người biết tiếng Pháp càng ít đi. Các tác phẩm của thầy nếu mất đi thì thật là đáng tiếc.

PV: Là học trò, là nhà giáo, nhà phê bình lý luận văn học, ông đánh giá ra sao về con người và cuộc đời của GS Nguyễn Mạnh Tường?

GS-NGND Trần Thanh Đạm: Nói chung là ấn tượng và kỷ niệm của tôi về thầy Nguyễn Mạnh Tường trong kháng chiến và về sau rất là tốt đẹp. Đầu tiên phải nói thầy Nguyễn Mạnh Tường là người có tấm lòng rất yêu nước. Thứ hai, ông là người đạo đức cá nhân rất trong sạch, giản dị, cần kiệm. Cái khó khăn chính vì thầy được đào tạo trong trường Pháp quá kỹ lưỡng, hoàn cảnh nước ta thời chiến tranh rất khó khăn nên chưa phát huy hết được các khả năng và cống hiến của thầy.

Còn về sau này, từ năm 1954, khi thầy Tường về Hà Nội thì tôi không được học thầy nữa. Khi chúng tôi học Sư phạm Cao cấp, thầy Tường có dạy các bài giảng về Giáo dục học. Thật sự lúc bấy giờ cũng không có nhiều tài liệu lắm cho nên thầy tổng hợp những tài liệu của Pháp để dạy. Thầy dạy cũng có nhiều tư tưởng hay về giáo dục. Sau này có một thời kỳ thầy Nguyễn Mạnh Tường làm ở Nhà xuất bản Giáo dục, hoặc ở Viện Khoa học Giáo dục, có nhiều lần tôi tiếp xúc với thầy, thầy trò gặp nhau, đi sơ tán với nhau thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thầy Nguyễn Mạnh Tường là người chịu thương chịu khó, rất giản dị, cần kiệm trong sinh hoạt, sống rất gương mẫu.

Cho đến ngày nay, nhớ đến GS Nguyễn Mạnh Tường, tôi thường nghĩ: chỉ riêng sự có mặt của thầy trong hàng ngũ các nhà trí thức đi kháng chiến cùng với Bác Hồ đã là một sự cổ vũ đối với tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy. Vì đó là một minh chứng cho tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của chúng ta, sự nghiệp của toàn thể nhân dân, của tất cả mọi người yêu nước

Kiều Mai Sơn (thực hiện)
.
.