Kỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9:

Gặp người chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa

Thứ Hai, 01/09/2008, 13:05
Một ngôi nhà hai gian một chái, thoạt nhìn là mái bằng, nhưng thực chất là lợp prôximăng, trần ép bằng rơm trộn vôi, bùn. Trên bệ cửa, cụ già tóc ngắn, da mồi, khoác bộ quần áo sờn cũ hồ hởi đón khách. Đó là ông Hà Hưng Long, nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng, chiến sĩ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) năm xưa - người tôi tìm gặp.

Ngược đường Quốc lộ 2 về vùng chiến khu Việt Bắc xưa, chúng tôi tìm đến thôn Hưng Kiều 2, xã An Tường, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Con đường nhỏ ngoằn ngoèo, sạch sẽ dẫn sâu vào một khu dân cư đông đúc bên sườn đồi. Một chiếc cổng nhỏ mở ra khu vườn rộng với nhiều cây cỏ, đủ loại từ cây cảnh tới rau cỏ như bưởi, xoài, vạn tuế, mồng tơi… Một ngôi nhà hai gian một chái, thoạt nhìn là mái bằng, nhưng thực chất là lợp prôximăng, trần ép bằng rơm trộn vôi, bùn. Trên bệ cửa, cụ già tóc ngắn, da mồi, khoác bộ quần áo sờn cũ hồ hởi đón khách. Đó là ông Hà Hưng Long, nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng, chiến sĩ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) năm xưa - người tôi tìm gặp.

Sau tuần trà mạn, biết khách đến thăm hỏi “người đội viên VNTTGPQ năm xưa”, ông Long phấn khởi lắm. Bằng chất giọng hào sảng và nụ cười trong ánh mắt, ông Long lật giở những hồi ức của đời mình. “Tôi là con thứ 5 trong một gia đình người dân tộc Tày có 7 con, sinh năm 1924 ở bản Gia Tự, xã Nam Tiến, huyện Hòa An, Cao Bằng. Đây là vùng căn cứ kháng chiến, nên việc những thiếu niên như tôi đã đi theo Việt Minh từ năm 16 tuổi là chuyện rất đỗi bình thường. Người nhà biết tôi đi theo Việt Minh, lại do anh Nguyễn Bằng Giang dìu dắt thì yên tâm lắm, chẳng phải lo lắng gì. Năm 1941, tôi được cử đi học ở Trường võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc) cùng các đồng chí Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Vũ Lập, Hoàng Minh Thảo, Nam Long...

Tháng 10/1944, tôi trở về nước tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 12/1944, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ về việc thành lập Đội VNTTGPQ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chọn 34 người, tôi vinh dự là một người trong đó. Khi đó, tôi tròn 20 tuổi, đang căng đầy nhiệt huyết. Ngày 22/12/1944, khi tuyên thệ 10 lời thề danh dự của đội viên Đội VNTTGPQ dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi và nhiều anh em khác đã không khỏi xúc động đến rơi nước mắt”.

Theo các tài liệu lịch sử, Đội VNTTGPQ, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Quân số ban đầu gồm 34 người (có 3 nữ), chia thành 3 tiểu đội do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung. Vũ khí của đội có 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp. Ngay sau khi thành lập, ngày 25/12, Đội VNTTGPQ đã cải trang, dùng mưu tập kích đồn Phai Khắt (xã Tam Lộng, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng); ngày 26/12, diệt đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15 km) bắt 30 lính ngụy, diệt 2 sĩ quan (1 sĩ quan Pháp), thu nhiều vũ khí. Đây là hai trận đánh đầu tiên, thể hiện sự gan dạ mưu trí, tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh của Đội VNTTGPQ, gây tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào cách mạng trong khu căn cứ, mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay từ trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau hai trận này, quân số của Đội VNTTGPQ đã tăng lên thành đại đội.

Trong đội quân đó, ông Hà Hưng Long đã tham gia nhiều trận đánh tại Ngân Sơn, Chợ Rã, Phủ Thông, Chợ Đồn, Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ngày 15/5, khi Đội VNTTGPQ hợp nhất với Cứu quốc quân và một số đơn vị du kích thành lực lượng quân sự thống nhất, lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân thì ông Long được cử làm Đại đội trưởng Đại đội Giải phóng quân tỉnh Bắc Kạn lên Hà Giang đánh bọn Quốc dân đảng phản động. Sau đó, lại được điều về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Hà Tuyên, Liên khu 10. Tháng 10/1947, ông được Chính trị viên Trung đoàn Hà Tuyên là Lê Thùy giới thiệu vào Đảng...

Ông Hà Hưng Long quay sang người bạn đời của mình (bà Phùng Thị Lương) nãy giờ vẫn ngồi bên cùng giúp ông gợi nhớ những chi tiết đã bị thời gian làm mờ đi, cười hóm hỉnh: “Tôi gặp vợ tôi vào thời điểm đang tiễu phỉ trên Hà Giang này. Vợ tôi là người Kinh, con gái Tuyên Quang gốc đấy. Nay đã 82 tuổi. Kém tôi 3 tuổi, nhưng bà ấy lại được kết nạp Đảng trước tôi 3  tháng cơ đấy. Bây giờ cả hai chúng tôi đều đã hơn 60 năm tuổi Đảng rồi”.

Ngày ấy, bà Phùng Thị Lương, sau khi học xong Trường Quân chính thì từ Tuyên Quang đi bộ lên Hà Giang phụ trách công tác phụ nữ. Năm 1948, hai người cưới nhau, rồi sinh hạ 7 người con, nhưng đến nay chỉ còn 5 người. Ông Long nói: “Liên tiếp các năm sau đó, ông chỉ huy đi chiến đấu khắp các tỉnh phía Bắc, năm 1950 thì ở Cao Bằng, năm 1952 sang Tây Bắc, năm 1953 đi Thượng Lào. Đến năm 1954, tôi làm Binh trạm trưởng vận tải tuyến 1, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau Chiến thắng Điện Biên, hòa bình lập lại, tôi được cử sang làm chỉ huy đoàn canô Hồng Hà, đóng ở bến Phà Đen (Hà Nội) bây giờ.

Lúc nhận lệnh từ anh Đinh Đức Thiện, tôi lo lắm. Mình là dân vùng cao, biết gì về tàu bè, sông nước đâu, nhưng anh Thiện bảo rằng tôi làm được. Và quả nhiên, sau quá trình mày mò, tìm hiểu, rồi tôi làm được thật. Từ tháng 8-1958, tôi chuyển ngành sang làm bên Bộ Công nghiệp, rồi làm Phó giám đốc ở mỏ than Quan Triều (Thái Nguyên). Đến năm 1977, tôi về hưu với chức vụ Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Tuyên Quang”.

Nhìn những bức ảnh chụp ông Long trong bộ quân phục, nhưng tôi không thấy quân hàm, bèn gặng hỏi. Ông Long cười: “Thì tôi chuyển ngành từ tháng 8/1958, mà tới tháng 12/1958 Nhà nước mới phong quân hàm, lúc ấy thì tôi không còn trong quân đội nữa. Nhưng tôi nghĩ, làm việc gì cũng đều là phục vụ công cuộc kháng chiến cứu quốc cả mà”. Những người con của ông có đến 5 người tham gia quân ngũ, trừ người con lớn đi học bác sĩ và người con thứ 4 bị tật nguyền từ bé do biến chứng từ một trận sốt ác tính. Người con út cũng là con gái duy nhất của ông bà, sinh năm 1969, hiện đang làm việc tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang, Đại úy Hà Thị Minh Tâm. 

Buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tư liệu).

“Trước đây, mỗi khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Tuyên Quang hay dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐNDVN, tôi cũng có dịp vinh dự được gặp Đại tướng. Ai cũng muốn nhìn Đại tướng bằng xương bằng thịt để thỏa nỗi kính yêu, nhưng có phải ai cũng được vào gặp đâu? Những dịp ấy thì tôi hay được các anh em cảnh vệ chiếu cố cho gặp. Có đợt, ở thăm Tuyên Quang, thấy vắng tôi, Đại tướng còn hỏi thăm để tôi được đến gặp mà. Bức ảnh này tôi chụp cùng Đại tướng trong dịp tôi về Hà Nội dự lễ kỷ niệm Ngày thành lập QĐNDVN. Chắc các anh em Đội VNTTGPQ khác cũng được Đại tướng quan tâm như thế. Nhưng bây giờ, tôi không biết Đội VNTTGPQ ai còn, ai mất, sinh sống ở đâu. Cách đây mấy năm còn có ba anh em là anh Tô Văn Cắm, Bế Kim Anh và tôi. Nhưng gần đây nghe tin hai anh đã mất, tôi cũng hay xem tivi nhưng không thấy “tin buồn” nên chưa rõ thực hư thế nào. Nhưng có lẽ, tôi là người đội viên cuối cùng trong số 34 đội viên VNTTGPQ đấy, cùng với người Anh Cả Võ Nguyên Giáp là còn sống và khỏe mạnh thôi” - ông Long cười vui vẻ.

Hiện nay, ông Hà Hưng Long đang phải điều trị bệnh suy tủy, nên mỗi tháng đều phải đến bệnh viện để truyền máu một lần. Mọi chi phí chữa bệnh, thuốc men đều đã có chế độ thanh toán. Ông đang sống những ngày vui vầy cùng vợ, con, cháu trong ngôi nhà đơn sơ mà ấm cúng. Mỗi khi có dịp, người lính già đầu bạc lại kể lại chuyện xưa... Mỗi khi nhắc đến tên “Đội VNTTGPQ”, ông lại nói rất to, dõng dạc từng chữ một và cười thật sảng khoái...

Lê Quân
.
.