Ghi ở nước Lào

Thứ Năm, 07/01/2010, 18:35
Những ngày vừa qua tại thủ đô Viêng Chăn đã có hàng ngàn cổ động viên cổ vũ cho đội tuyển U23 tham dự Sea Games 25 từ Việt Nam sang. Chắc chắn những du khách đến từ Việt Nam sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tận mắt chứng kiến những chuyện lạ từ nước bạn Lào. Xin kể với các bạn vài chuyện trong nhiều chuyện lạ nhìn thấy từ đất nước Triệu Voi anh em.

Thủ đô Viêng Chăn được quy hoạch đẹp và hợp lý hơn Hà Nội rất nhiều

Đấy là cảm nhận đầu tiên của tôi khi đi hết một vòng quanh các đường phố của thủ đô Viêng Chăn. Những khu phố cũ của Viêng Chăn xưa hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn. Không gian đô thị mới được quy hoạch với một tầm nhìn khá xa. Không gian dành cho giao thông động và giao thông tĩnh ở các khu phố mới đều rộng rãi và thông thoáng.

Ngay cả các con đường giao thông nội bộ tại các khu chung cư cũng đều rộng rãi, chứ không chật chội như quy hoạch ở các khu đô thị mới của ta ở Hà Nội bây giờ. Những trục đường chính của Viêng Chăn đều với 4 làn xe và vỉa hè rộng rãi. Các dãy nhà thường làm cách vỉa hè khá sâu, không áp sát mặt đường như của Hà Nội (đấy là tôi so sách với các khu đô thị được quy hoạch mới của Hà Nội). Không gian xanh được đặc biệt coi trọng ở Viêng Chăn.

Với quy hoạch hiện nay của Viêng Chăn thì nhiều năm nữa Thủ đô của đất nước Lào anh em vẫn chưa lạc hậu trước sự phát triển.

Ý thức xã hội tuyệt vời

Những ngày ở Viêng Chăn tôi chưa một lần nghe thấy tiếng còi xe máy và ôtô. Từ Viêng Chăn chúng tôi vượt gần 800km để xuống tỉnh Chămpacsăck phía nam Lào. Dọc con đường xuyên Nam Lào đi qua bao thị trấn, thị tứ, trường học và các thôn bản của nhiều dân tộc thiểu số khác nhau của nước Lào. Thế mà chẳng có chiếc ôtô và xe máy nào bị người tham gia giao thông làm phiền để buộc phải dùng đến tiếng còi. Người đi xe máy, người đi xe đạp, đi bộ đều tự giác đi sát về phía tay phải của mình và luôn nhường đường cho ôtô. Tuyệt nhiên không có hiện tượng xe máy, xe đạp đi nghênh ngang giữa đường như ở Việt Nam.

Cổng chào chiến thắng ở thủ đô Viêng Chăn.

Nếu ở các chợ trời của các thành phố Việt Nam ta có thể thấy hàng chục quầy hàng chuyên bán các loại còi xe. Rồi còn thấy vô vàn các cửa hàng "độ còi" xe các loại nữa. Nhưng ở Lào, bạn khó tìm thấy những cửa hàng chuyên bán các loại còi xe. Bởi vì người Lào có dùng còi đâu mà hỏng?

Hành trình quay trở về Viêng Chăn, chúng tôi đã đi gần 3 tiếng đồng hồ vào buổi tối. Ôtô, xe máy đi ngược chiều với chiếc ôtô của chúng tôi không hề bật đèn pha. Họ chỉ bật đèn cốt. Anh chàng lái xe của chúng tôi chỉ khi nào thấy phía trước không có ôtô và xe máy đi ngược chiều thì anh mới bật đèn pha để nhìn xa. Ở Việt Nam những người lái xe đi trong thành phố vào ban đêm chỉ bật đèn cốt có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay!

Trở về Viêng Chăn, một lần ra phố. Tôi thấy tiếng còi hú. Một xe cảnh sát dẫn đường cho một đoàn đại biểu nào đó đang đi về phía ngoại ô. Khi nghe tiếng còi hú, tôi thấy các phương tiện đi cùng chiều với xe cảnh sát đều áp sát vào lề đường và dừng lại. Hình ảnh này thì lâu lắm rồi, tôi bảo đảm với các bạn rằng chưa nhìn thấy ở Việt Nam chúng ta.

Tôi phải thốt lên với mấy người bạn đi cùng rằng: Ý thức xã hội và nét đẹp văn hóa của người dân nước bạn Lào thật tuyệt vời. Không biết 20-30 năm nữa những công dân Việt Nam có được ý thức công dân như nước bạn Lào hôm nay hay không?

Cầu bắc qua sông Mêkông sang Thái Lan.

Ý thức môi trường

Đường phố sạch đẹp thật tuyệt vời. Đó là điều mà tôi và những người bạn đi cùng đã khẳng định. Chúng tôi ít khi nào nhìn thấy rác trên đường phố dù đường phố ấy ở Viêng Chăn hay ở thị xã Savanakhệt, hay thị xã Pắcksế. Tôi đã tới thăm khu du lịch thác nước đẹp nhất trên dòng sông Mê Kông ở phía nam tỉnh Chămpacsăck hay tới thăm đền thờ cổ Vạt Phu. Tuyệt nhiên không hề nhìn thấy chuyện xả rác ở đây. Chúng tôi ghé lại nhiều chợ nhỏ thuộc nhiều vùng quê miền núi dọc hai bên con đường xuyên Nam Lào. Rác là thứ mà chúng tôi ít khi nhìn thấy trên đường và trong các khu chợ. Chỗ nào người ta cũng để thùng rác. Và quan trọng hơn, người Lào không có thói quen vứt rác ra đường.

Ở mỗi khu chợ dù đấy là một vùng quê nghèo thì chỗ nào tôi ghé lại cũng thấy có toa-lét sạch sẽ. Tôi thật sự xấu hổ khi nghĩ về các khu nhà vệ sinh ở những chợ quê kể cả những chợ thuộc miền đất trù phú ở Việt Nam chúng ta.--PageBreak--

Thùng rác ở đâu trên đất nước Lào tôi cũng thấy cũng được làm từ lốp ôtô cũ. Người ta đã bóc những lớp cao su ở những chiếc lốp cũ để làm thành những chiếc thùng rác hình tròn như những chiếc nồi đất lớn. Chân để các thùng rác cũng được tạo ra từ những vành tanh của lốp xe. Việc tạo ra những thùng rác từ lốp ôtô cũ, người Lào đã giải quyết được hai bài toán về xử lý lốp ôtô và thùng rác. Ở Lào những thùng rác thật thân thiện với môi trường.

Và như các bạn thấy đấy, trong những trận bóng đá Sea Games 25, trong hai trận  của Lào ở bán kết và trận tranh Huy chương Đồng, U23 Lào đều thua. Nhưng bạn có thấy cổ động viên của Lào tức giận ném một vật gì xuống sân như vẫn thường thấy ở cổ động viên của các đội bóng đá Việt Nam không? Sau những trận đấu bóng đá ở Việt Nam, người ta quét được hàng tạ rác trên các khán đài và trên các đường buýt. Nhưng trên các sân vận động của nước bạn Lào điều đó không xảy ra. Có chăng rác chỉ xuất hiện ở khu vực có cổ động viên Việt Nam ngồi mà thôi.

Một thực tế khiến nhiều cổ động viên Việt Nam chân chính khi sang đất Lào phải suy nghĩ. Tôi lại nghĩ, nếu các "hô-li-gân bóng đá của Việt Nam" được tận mắt chứng kiến những hình ảnh đẹp của cổ động viên bóng đá Lào trên các khán đài của đất nước Triệu Voi, chắc chắn họ sẽ tự cảm thấy xấu hổ về những hành động và lời nói thiếu văn hóa của mình trong những trận cầu ở Việt Nam.

Những cảnh thường thấy ở Viêng Chăn.

Những tổ chim ở Viêng Chăn

Chúng tôi đã tới thăm khu thương mại dưới chân cầu Hữu nghị tại thủ đô Viêng Chăn. Tại đây khách du lịch đã tạo cho khu cửa khẩu lúc nào cũng tấp nập nhộn nhịp.

Đứng ở đoạn vỉa hè cuối cùng của con đường dẫn vào khu Trung tâm Thương mại, tôi bỗng nghe thấy tiếng chim ríu ran trên đầu. Ngẩng lên nhìn tôi không tin ở mắt mình. Trên ba ngọn cây lộc vừng có tán mọc khá thấp nằm ngay sát hàng rào của vỉa hè, tôi ngạc nhiên thấy có tới 10 tổ chim ở trên đó. Tôi cao 1,73m, nếu kiễng chân với tay tôi có thể chạm vào chiếc tổ chim thấp nhất. Người đi lại tấp nập nhưng lũ chim sâu cứ ríu ran chuyền cành. Cuộc sống vui vẻ của bầy chim cứ như chúng đang làm tổ trong một khu rừng tự nhiên nào đó. Tôi chợt nghĩ, thật may cho lũ chim này, nếu chúng mà sống ở một đường phố Việt Nam thì mạng sống của chúng cũng khó mà bảo toàn với lũ trẻ con và những tay săn bắn chim, chứ làm gì có cơ hội để mà làm tổ trên cây.

Tôi ngắm nhìn lũ chim ríu ran trên cây mà lòng trào xúc động. Tôi cảm động thật sự khi chứng kiến cuộc sống hạnh phúc của bầy chim. Ông cha ta chẳng đã từng dạy "đất lành chim đậu" là gì. Quả thật đất nước bạn Lào "lành" thật sự. Con người nước bạn đã tạo ra sự "lành" của xã hội cho đến thiên nhiên. Không biết bao giờ chúng ta mới tạo ra "những đất lành" thật sự để lũ chim về làm tổ.

Tôi nhớ nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích đã từng gửi ước mơ trong bài hát "Cây bàng trước ngõ" rằng: "Chim ơi chim, chim đừng buồn đấy. Em đã ươm nhiều cây cho chim về hót mê say...". Nhiều năm qua, chúng ta trồng nhiều cây thật đấy nhưng chim có về hót hay không không chỉ phụ thuộc vào môi trường cây xanh mà còn phụ thuộc vào sự đối xử với môi trường sống của con người thì chim mới kéo nhau về hót chứ?

Rời nước bạn Lào, tôi suy nghĩ mãi. Nước bạn kinh tế kém phát triển hơn chúng ta nhưng văn hóa và ý thức công dân của bạn đi trước chúng ta rất xa. Thế mới biết sự phát triển về kinh tế không phải bao giờ cũng tương đồng với sự phát triển về văn hóa. 

Nước bạn sang ta tìm hiểu để học tập nhiều điều. Nhưng tại sao chúng ta lại không học tập bạn về văn hóa con người và xã hội nhỉ? Văn hóa công dân của Việt Nam chúng ta là một sự cản trở phát triển rất lớn của đất nước. Chỉ nhìn từ sự ứng xử của công dân Việt Nam trong giao thông thôi chúng ta đã thấy rất rõ điều này.

Chúng ta đều biết: Để hình thành nên ý thức của mỗi công dân thì trước hết mỗi công dân phải có nhận thức về pháp luật. Từ nhận thức pháp luật dần dần mới hình thành nên ý thức. Điều quan trọng góp phần tạo nên ý thức công dân là những chế tài pháp luật. Chế tài pháp luật giúp công dân hình thành ý thức. Chúng ta có đủ các chế tài cần thiết nhưng tại sao ý thức công dân của chúng ta lại thấp như vậy? Những điều nhìn thấy trên đất nước bạn Lào khiến tôi cứ liên tưởng đến chuyện Trạng Quỳnh "cải tạo" con mèo quý bắt được của Chúa. Bằng đòn roi, Trạng Quỳnh đã "cải huấn" được "nhận thức" và "thói quen" xơi sơn hào hải vị của con mèo của Chúa, giúp mèo của Chúa "hình thành ý thức" chỉ dám xơi rau muống và tương. Thế là chiếc roi - một "chế tài" hữu hiệu - đã làm thay đổi thói quen vốn có của con mèo của Chúa.

Chúng ta có rất nhiều chế tài nhằm buộc các công dân dần dần hình thành ý thức chấp hành pháp luật. Trạng Quỳnh chính là người "cầm roi" - tức là người thực thi chế tài đã thành công trong việc cải huấn con mèo của Chúa. Phải chăng chúng ta hiện nay thiếu quá nhiều những người thực thi chế tài nghiêm minh như Trạng Quỳnh để làm thay đổi ý thức công dân?  

Không nên đi học đâu xa. Nước bạn Lào anh em thân thiết của chúng ta có biết bao "điều kỳ lạ" mà chúng ta phải học. Tôi nghĩ thế

Phạm Thành Long.
.
.