Giải mã cái chết của Lê Quang Tung và Hồ Tấn Quyền trong vụ đảo chính Ngô Đình Diệm (kỳ 2)

Thứ Hai, 20/03/2017, 12:43
Năm 1958, được Mỹ điều khiển, Lê Quang Tung bắt đầu tổ chức đưa nhiều toán gián điệp xâm nhập phá hoại miền Bắc. Trước khi tung toán gián điệp đầu tiên ra miền Bắc, Sở Liên lạc được đổi tên thành Sở Khai thác Địa hình. Cái tên rất có vẻ dân sự.


Đến ngày 15-3-1963, Diệm lại ra quyết định đổi tên cơ quan hoạt động gián điệp vũ trang này thành Lực lượng Đặc biệt, thăng Lê Quang Tung lên hàm đại tá.

Thời điểm này, Lực lượng Đặc biệt có tổng quân số hơn 2000 người. Ngoài ra, Lê Quang Tung còn được Diệm giao nhiệm vụ chỉ huy Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống. Còn Lê Quang Triệu được thăng hàm Thiếu tá, Phó tư lệnh Lực lượng Đặc biệt. CIA xếp Lê Quang Tung vào danh sách người có quyền lực thứ ba, đứng sau Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Ông ta có toàn quyền quyết định, toàn quyền hành động mà không cần báo cáo trước với Ngô Đình Diệm cũng như Ngô Đình Nhu.

Kỳ 2: Hạ sát để triệt khẩu

Quá trình hình thành lực lượng ám sát, phá hoại và… ăn hại

Giai đoạn 1957, Sở Liên lạc của Lê Quang Tung chỉ làm nhiệm vụ thu thập tin tình báo quần chúng.

Ngày 24-06-1957, Mỹ bắt đầu đưa Liên đoàn 1 Lực lượng Đặc biệt vừa thành lập xong tại Okinawa sang Việt Nam để huấn luyện và cố vấn nghiệp vụ xâm nhập phá hoại cho 58 nhân viên "hạt giống" của Sở Liên lạc do Lê Quang Tung chỉ huy.

Đến tháng 9-1962, từ sự cố vấn của Lucien Conein, Ngô Đình Diệm cho tiến hành thành lập một đội Lực lượng Đặc biệt gồm những nhân viên Sở Liên lạc đã kinh qua khóa đào tạo biệt động cũng do Lê Quang Tung chỉ huy. Đến năm 1963, nhận thấy hoạt động của các nhân viên sở Liên lạc trùng lắp với đội Lực lượng Đặc biệt, Lê Quang Tung đề nghị với Diệm sát nhập hai đơn vị này lại để thành lập Lực lượng Đặc biệt. Lực lượng Đặc biệt của Lê Quang Tung trở thành một đơn vị con của Lực lượng Đặc biệt Mỹ, chịu sự điều khiển của cố vấn Mỹ và sử dụng ngân khoản của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ (Cơ quan viện trợ quân sự của Mỹ có tên tắt là MAAG).

Ngô Đình Diệm và lực lượng đặc biệt.

Cùng hoạt động với Lực lượng Đặc biệt của Việt Nam Cộng hòa, lực lượng đặc biệt của Mỹ cũng đặt bản doanh tại Nha Trang gồm 24 toán được phân loại thành nhiều nhiệm vụ theo mã chữ cái.

Theo hồ sơ giải mật của CIA, kể từ khi thành lập lực lượng đặc biệt Việt Nam Cộng hòa, Lê Quang Tung đã đẩy hơn 20 toán điệp vụ xâm nhập phá hoại miền Bắc.

Thời điểm này, Lucien Conein và Lê Quang Tung thường xuyên cùng nhau lập kế hoạch xâm nhập miền Bắc.

Trước khi thực hiện chuyến xâm nhập đầu tiên, Lê Quang Tung đã cử 1 điệp viên làm "chuột bạch" thí nghiệm.

Theo kế hoạch, tên gián điệp này lận vào người các loại giấy tờ giả rồi ôm bánh xe tải bơi qua sông Bến Hải vượt vỹ tuyến lên bờ phía Bắc rồi hòa nhập vào cộng đồng dân cư vài tuần rồi trở về chứ không cần hành động gì cả. Tuy nhiên, Lê Quang Tung hoàn toàn không ngờ, do sợ chết, tên này vừa lên bờ mạn Bắc đã chui vào bụi rậm nằm chết dí suốt 2 tuần chẳng dám đi đâu rồi trở về.

Thấy tên gián điệp này trở về nguyên vẹn, Lê Quang Tung, Lucien Conein  lẫn Collby - Trùm CIA tại Sài Gòn phấn khởi. Cả ba tin rằng những chuyến xâm nhập khác sẽ thành công.

Đến năm 1961, Lê Quang Tung mới cho toán gián điệp đầu tiên đi thuyền bí mật xâm nhập vào Vĩnh Linh vài giờ rồi bí mật quay về để thử tài phản gián của ta. Chúng đâu biết rằng, mọi hành vi đó đều được các bộ phận phản gián của ta ghi chép đầy đủ.

Toán gián điệp thứ hai tức là toán đầu tiên chính thức xâm nhập miền Bắc được huấn luyện kỹ lưỡng suốt 1 năm trời tại Nha Trang. Toán này được máy bay thả xuống tại khu phi quân sự DMZ giáp giới 2 miền Nam - Bắc rồi đi bộ, vượt sông tiến sâu vào miền Bắc.

Lê Quang Tung không ngờ, những chuyến xâm nhập thử nghiệm của ông ta đã được lực lượng Công an của ta theo dõi sát sao. Ta biết, đó là chuyến xâm nhập thử nghiệm nên không bắt mà để gián điệp "chuột bạch" ung dung trở về nơi xuất phát.

Đến chuyến thứ ba Lê Quang Tung mới thật sự tung gián điệp vào miền Bắc hoạt động. Chuyến này ông ta cho máy bay thả dù toán gián điệp. Ngay từ khi đặt chân xuống miền Bắc, toán gián điệp này đã bị bắt gọn. 19 phi vụ sau đó cũng bị dân quân miền Bắc tóm gọn.

Lê Quang Tung đã được xem như là một trong số sĩ quan quân đội hết lòng tôn thờ và trung thành với anh em Ngô Đình Diệm. Chính vì vậy, Lê Quang Tung bị đứa con nuôi của anh em Ngô Đình là Tôn Thất Đính ghét cay đắng vì ganh tỵ.

Ăn lương Mỹ để ám sát… đại sứ Mỹ

Trong biến cố Phật đản miền Trung xảy ra vào giữa năm 1963, Ngô Đình Nhu đã tung lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung trấn áp thô bạo dã man tín đồ biểu tình, tấn công các cơ sở Phật giáo, tấn công chùa Xá Lợi vào ngày 21-8-1963 gây phẫn nộ dư luận quốc tế. Song song đó, một kế hoạch khác do Ngô Đình Nhu soạn thảo giao cho Lê Quang Tung thực hiện là sử dụng lực lượng đặc biệt cải trang tiếp cận tòa đại sứ Mỹ phóng hỏa, gây rối loạn an ninh rồi ám sát Đại sứ Henry Cabot Lodge cùng một vài nhân vật quan trọng của tòa đại sứ Mỹ. Kế hoạch này được ấn định thực hiện trong tháng 9-1963.

Lực lượng đặc biệt vừa xâm nhập miền Bắc đã rơi vào rọ của ta giăng sẵn.

Không may cho Nhu, một sỹ quan của lực lượng đặc biệt có người yêu làm nhân viên ở tòa đại sứ đã tiết lộ kế hoạch này. Bị bại lộ, Ngô Đình Nhu rút lệnh thực hiện.

Các quan chức Mỹ rất phẫn nộ vì toàn bộ hoạt động của lực lượng đặc biệt được Mỹ tài trợ lại trở đầu cắn vào họ. Họ cho rằng Mỹ đã "nuôi ong tay áo" khi viện trợ ngân khoản vô hạn mức cho Lực lượng Đặc biệt. Vì vậy, ngày 19-10-1963, Tướng Paul D. Harkins - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam chính thức thông báo cho Diệm biết ngân khoản Hoa Kỳ dành cho Lực lượng Đặc biệt VNCH bị cắt. Mỹ mượn cớ vụ Nhu có kế hoạch ám sát Đại sứ Mỹ để cắt viện trợ lực lượng đặc biệt.

Và khi Lucien Conein bắt đầu soạn thảo kế hoạch đảo chính Ngô Đình Diệm, dòng đầu tiên được viết bằng mực đỏ: Phải giết Lê Quang Tung.

Họ e ngại, nếu còn sống, Lê Quang Tung sẽ tung hê những thông tin tối mật về lực lượng đặc biệt. Vì vậy, hơn cả đám quân nhân đảo chính, CIA muốn Lê Quang Tung phải chết ngay khi chế độ Ngô Đình Diệm không tồn tại.

Để giết gọn nhân vật đáng gờm này đồng thời vô hiệu hóa lực lượng đặc biệt, Lucien Conein đề nghị các tướng lĩnh đảo chính đã phải thực hiện mật kế "điệu hổ ly sơn".

Từ mật kế này, vào ngày 28-10-1963, Trần Thiện Khiêm gửi một bản báo cáo đến Ngô Đình Diệm cho biết lực lượng tình báo phát hiện có một nhóm lực lượng Giải phóng quân chính qui xuất hiện ở khu vực Hố Bò, Củ Chi. Với bản báo cáo dỏm đó, Trần Thiện Khiêm có lý do điều hết lực lượng cơ hữu của lực lượng đặc biệt thực hiện cuộc hành quân truy lùng.

Với lý do bảo vệ "thủ đô" Sài Gòn, Trần Thiện Khiêm đã điều động một lực lượng quân sự có mật danh là "Chiến đoàn Vạn Kiếp", đóng quân bao quanh khu vực bắc ngoại thành. Lực lượng này được báo cáo với Diệm là một đơn vị của Sư đoàn 5 Bộ binh.

Lúc 7 giờ sáng ngày 1-11-1963, Đại úy Phạm Bá Hoa - Chánh văn phòng của tướng Trần Thiện Khiêm nhận được 2 danh sách liệt kê các nhân vật quan trọng "phải mời cho bằng được" đến Bộ tổng Tham mưu họp. Những nhân vật trong danh sách này đều thuộc cánh trung thành với Ngô Đình Diệm, sẽ bị câu lưu tại phòng số 1, hạn định thời gian chậm nhất là 1 giờ trưa. Một danh sách khác gồm những người thuộc phe ủng hộ đảo chánh được mời đến dùng cơm trưa tại câu lạc bộ Bộ tổng Tham mưu lúc 12 giờ.

Từ sáng sớm ngày định mệnh, Tôn Thất Đính đã gọi điện cho Lê Quang Tung trò chuyện để thăm dò xem ông ta có mặt ở Bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt hay không.

Khoảng 11 giờ, xác định Lê Quang Tung đang thư giãn ở nhà, Trần Thiện Khiêm đích thân gọi điện mời đến Bộ Tổng Tham mưu họp khẩn về vấn đề an ninh quốc gia. Lê Quang Tung hoàn toàn không nghi ngờ, đã cùng tài xế lái chiếc xe du lịch Tration đến Bộ Tổng Tham mưu.

Đến 1 giờ trưa, hầu hết các tướng tá đảo chính cùng với những người trung thành nhất của Ngô Đình Diệm đã có mặt đông đủ tại phòng họp số 1 Bộ tổng Tham mưu. Tướng Dương Văn Minh và tướng Trần Văn Đôn cùng bước vào phòng họp, quát lớn: "Hội đồng tướng lĩnh quyết định lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Ai không đồng ý hợp tác đứng lên!".

Có 5 người đứng bật lên gồm: Đại tá Lê Quang Tung - Tư lệnh lực lượng đặc biệt; Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi - Tư lệnh Liên binh Phòng vệ Phủ tổng thống; Thiếu tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh trưởng Gia Định; Trần Văn Tư - Giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành; Đại tá Cao Văn Viên - Tư lệnh Lữ đoàn Dù.

Ông Ch - Một nhân chứng sống, đã từng là sỹ quan quân cảnh có mặt trong buổi họp đầy mùi tử khí đó, hiện đang định cư tại California kể: "Lúc đầu ông Viên đứng lên để phản đối đảo chính. Nhưng khi nhìn quanh chỉ thấy có 4 người đã nhanh trí nói, tôi không chống đối việc đảo chính nhưng là một quân nhân tôi không tham gia chính trị, xin được đứng ngoài. Dứt lời, ông ta ngồi xuống. Thế là chỉ còn 4 người đứng".

Thấy Viên ngồi xuống, Lê Quang Tung vẫn trợn mắt quát: "Tụi bây đeo lon, mặc áo, thụ hưởng phú quí, lạy lục để được Tổng thống Diệm ban ơn mà nay lại giở trò bất nhân bất nghĩa...". Tung chưa dứt câu đã bị Đại úy Nguyễn Văn Nhung kè vai, khóa tay lôi xểnh ra khỏi phòng họp. Một nhóm quân cảnh khác cưỡng bức 3 người còn lại đi theo Đại úy Nhung.

Những người chứng kiến xanh xám mặt mày. Không khí trong phòng họp trở nên im ắng như đáy mồ.

Thiếu tá Lê Quang Triệu - Phó Tham mưu Hành quân và Tiếp vận lực lượng đặc biệt, là em ruột của Tung, đang ở căn cứ Long Thành nghe tin anh mình bị bắt, đã cùng với Trung úy Lê Văn Hành - Chánh văn phòng của Lê Quang Tung tức tốc đi thẳng vào Bộ tổng Tham mưu để hỏi thăm tin tức, cũng bị giữ lại.

Trung tá Phạm Bá Kỳ - Trưởng Phòng 3 của Liên đoàn 77 Lực lượng Đặc biệt nghe tin đã dẫn một tiểu đội xông vào Bộ Tổng Tham mưu cũng bị  tước vũ khí đẩy vào phòng giam. Trong khi đó, cuộc đảo chính bùng nổ.

Đến 10 giờ tối, một nhóm quân cảnh còng tay những người bị giam đưa lên xe vận tải bộ binh chạy thẳng đến khám Chí Hòa giam giữ. Trong khi đó, hai anh em Lê Quang Tung và Lê Quang Triệu bị đẩy vào một chiếc xe cứu thương của quân đội. Chiếc xe chạy về hướng cổng sau của Bộ Tổng tham mưu. Đại úy Nguyễn Văn Nhung được lệnh đi theo chiếc xe này.

Khi chiếc xe cứu thương chạy ra khỏi cổng sau của Bộ tổng Tham mưu, đến đoạn đường vắng của nghĩa địa Bắc Việt Tương Tế, Nhung ra lệnh cho xe dừng lại rồi dùng báng súng thúc mạnh vào be sườn Lê Quang Tung bảo xuống xe. Lê Quang Tung thét: "Các anh định làm gì tôi?". Nhung chẳng nói chẳng rằng rút lưỡi lê đâm tới tấp khiến Tung gục chết tại chỗ. Sau đó, Nhung cùng 1 một quân cảnh khác lôi cổ Triệu xuống xe đâm tới tấp cho đến chết.

Khi cả hai anh em Tung, Triệu đã chết hẳn, Nhung ra lệnh vùi xác cả hai vào một đống cỏ, rác.

Sau khi kết thúc đảo chính, thân nhân của Tung và Triệu men theo lời kể của các nhân chứng, vào nghĩa trang tìm thi thể để an táng. Tuy nhiên, đống cỏ, rác bừa bãi. Có lẽ những con chó hoang đã tha mất thi thể của 2 người.

Lê Quang Tung chết, toàn bộ kế hoạch xâm nhập miền Bắc của Tung chết theo. Những toán gián điệp của Tung được quân đảo chính sàng lọc kỹ. Một số bị điều chuyển về các đơn vị thuần chiến đấu, một số bị đuổi ra khỏi quân đội, một số bị Mỹ tiếp tục tung ra miền Bắc để… chết.

Nông Huyền Sơn
.
.