Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2:

Giáo sư Lê Thế Trung - Vị tướng lương y

Thứ Hai, 01/03/2010, 20:35
Đôi tay run run thắp nén hương lên bàn thờ các vị danh y tiền bối. Rồi ông quay sang tôi, nói: “Phải nhớ ơn tiền nhân. Làm người, phải có hiếu nghĩa, có đức, rồi hãy nói tới tài”. Ông bảo: "Cũng vì vậy mà tôi đặt tên hai thằng cháu nội là Lê Trung Hiếu, Lê Trung Đức đấy!"...

Ông là Thiếu tướng Lê Thế Trung, người được trao nhiều chức vị và danh hiệu cao quý như Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Song với nhiều người dân Việt Nam, họ nhớ tới ông như một vị danh y nổi tiếng thời hiện đại, người đã trực tiếp hoặc gián tiếp cứu chữa bản thân họ hoặc người thân của họ chống lại bệnh tật, khắc phục hậu quả do những tai nạn, rủi ro gây ra….

Người thầy thuốc của chiến trường

Trong căn phòng rộng chừng 20m2 trên tầng ba của tư gia, được Giáo sư (GS) Lê Thế Trung dành riêng làm nơi đặt hai bàn thờ gia tiên và các vị danh y tiền bối; ngoài ra, còn một tủ sách - như một bảo tàng mini về y học, có cả những mẫu thuốc đặc trị bỏng mà ông và các đồng nghiệp là tác giả. Trên bàn thờ các vị danh y, có bức tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và những công trình khoa học lớn, những cuốn sách viết về các vị danh y từ cổ chí kim, như Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác, Tôn Thất Tùng và cả Tôn Thất Bách...

Sau khi thắp hương gia tiên và các vị danh y tiền bối, GS Lê Thế Trung lần lượt giới thiệu với tôi một số cuốn sách, tài liệu mà ông đã dành cả đời để đúc kết. Ông lấy tấm bằng Tiến sĩ khoa học ra, nheo nheo đôi mắt đọc những dòng chữ được in trang trọng bằng tiếng Nga... Rồi ông cười, tiếng cười của một người già với đôi mắt sáng, rất tươi.

Lúc ông xuống cầu thang đưa tôi tới phòng khách ở tầng một, tôi thận trọng bảo, để con đi trước đỡ ông, cầu thang dốc lắm; nhưng ông khăng khăng: "Ấy, tôi tự đi được mà". Xuống đến tầng một, ông thở hổn hển, tỏ ý tiếc nuối: "Đúng là cái tuổi 84. Yếu rồi! Đâu còn như thời tuổi trẻ xông pha. Mà cũng còn may. Đúng hôm 30 tết vừa rồi, tôi bị ngã đấy! Đập mặt xuống, chứ đập đầu thì giờ chẳng còn ngồi đây mà tiếp anh được nữa".

Ông trỏ tay vào vết bầm hãy còn in trên gò má bên phải, cười hồn hậu... Chạnh lòng mà thương ông, dù biết đó là quy luật. Còn đâu hình ảnh một người thầy thuốc đã từng xông pha hầu khắp các chiến trường qua hai cuộc kháng chiến, rồi tới chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở cả hai đầu đất nước trong thế kỷ XX.

GS Lê Thế Trung sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở ven đô Hà Nội, nay thuộc huyện Thanh Trì. Ông may mắn được gia đình cho ăn học, từng là học sinh Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi). Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Thế Trung tham gia Tự vệ thành Hoàng Diệu, rồi đi kháng chiến; cách mạng và có lẽ cả số phận đã đưa ông trở thành thầy thuốc để cứu chữa bộ đội, cứu người. "Kỷ niệm thì có nhiều lắm. Tung hoành khắp nơi, từ Điện Biên Phủ tới Khe Sanh, từ biên giới phía Bắc tới phía Nam, rồi hải đảo..." - GS Lê Thế Trung hồi tưởng. Nhưng cho đến giờ, ông vẫn bị ám ảnh, vẫn thương một người đồng đội, một người học trò của mình.

Bác sĩ Lê Thế Trung (người đứng) - đang giảng bài cho học viên lớp Chuyên khoa sơ bộ Bỏng đầu tiên (BS Quân y) Khoá học 1964-1965, lớp học có 10 học viên.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, GS Lê Thế Trung là Trưởng Ban Quân y Trung đoàn 209, Sư 312. Một y tá của ông bị mảnh pháo, dập nát tay trái và chân phải, buộc phải cắt bỏ để bảo toàn tính mạng. "Vừa cưa tay và chân của cậu ấy, tôi vừa thương đến trào nước mắt. Khuôn mặt cậu ấy còn rất trẻ, vậy mà đã mất đi một nửa cuộc sống rồi!". GS Lê Thế Trung chiêm nghiệm: "Tình người giữa thầy thuốc với thương binh đã cảm động rồi; nhưng giữa thầy thuốc với thương binh là y tá của mình lại càng cảm động, xót xa".

Vị Giáo sư già hồi tưởng lại những ngày nóng bỏng ở mặt trận Điện Biên Phủ: Các dụng cụ quân y tối thiểu như dao mổ thì có, nhưng thô sơ. Chúng tôi phải mua những mảnh bầu khô, gáo dừa của dân, về cưa ra để làm dụng cụ cầm máu. Những chỗ khuỷu tay, mạch máu bị đứt, khi băng không thể ép cầm máu được thì tì các mảnh bầu khô bên ngoài, cột lại, sẽ ép cho mạch máu không bị hở và chảy máu, dần dần liền lại. Không có nhiều dịch truyền, thì đun nước cất, tự pha chế lấy. Ánh sáng mổ thì từ chiếc đèn pin treo phía trên, vì đèn dầu, đèn măng-sông không có; vả lại ánh sáng quầng thì dễ bị địch phát hiện.

Ca nào cấp cứu thì phải mổ ngay, ca nào trì hoãn được thì chuyển tuyến sau, có những ca điều trị ngay tại chiến hào để anh em tiếp tục trở lại chiến đấu. Anh em cứu thương, ngoài việc chuyển thương binh còn được tôi giao thêm nhiệm vụ thu đồ cứu thương của địch. Mỗi khi lấy được đồ mổ, đồ hấp, bông băng thì mừng lắm, vì có thêm điều kiện cứu chữa bộ đội mình. --PageBreak--

Phúc đẳng hà sa

Trưởng thành từ một thầy thuốc chiến trường, Lê Thế Trung được đưa đi đào tạo bài bản ở Liên Xô, được thụ giáo nhiều người thầy nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Ông luôn đề cao và trau dồi y đức với tâm niệm cứu người là việc cao cả. Từ người chiến sĩ đến vị lãnh đạo, chỉ huy, hay một người dân bình thường, đều được ông trân trọng cứu chữa. Một trong những bệnh nhân đặc biệt của GS Lê Thế Trung là nhạc sĩ Văn Cao, hai lần được người thầy thuốc Quân y trực tiếp cứu chữa.

Cuối năm 1958, một đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế Tây Bắc tìm hiểu tình hình xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội. Đoàn gồm những tên tuổi như các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và nhạc sĩ Văn Cao. Tây Bắc thời kỳ này còn rất hoang sơ, ít dân, chưa có điện. Đi từ Hà Nội tới Điện Biên mất 4 ngày trời ròng rã trên ôtô vượt qua những đèo cao, dốc cả Quốc lộ số 6. Chặng đường rất gian nan nhưng họa vô đơn chí, khi tới thị trấn Hát Lót, chẳng may nhạc sĩ Văn Cao bị bục dạ dày.

Bệnh nhân đặc biệt này được chuyển tới Thuận Châu, nơi có phòng mổ của Bệnh viện Khu tự trị mới được khánh thành. Lúc này, thể trạng Văn Cao đã rất yếu, không nói được; Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi lo lắng, đứng ngồi không yên... Ca mổ cấp cứu do bác sĩ Lê Thế Trung chủ trì đã thắp đèn măng-sông để mổ; một y tá dùng đèn pin rọi vào ổ bụng giúp các bác sĩ thao tác. Nhạc sĩ Văn Cao đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần và còn sống thêm gần 40 năm nữa.

Khi GS Lê Thế Trung làm Giám đốc Quân Y viện 103, lại thêm một lần nhạc sĩ Văn Cao được cứu sống bởi đôi bàn tay vàng của ông. Nhớ lại kỷ niệm này, ông kể: Một hôm, tôi nhận được lá thư viết tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các thầy thuốc Viện 103, nhờ chữa giúp nhạc sĩ Văn Cao bị căn bệnh lệch cột sống, rất đau đớn, không đứng được. Sau này được biết, Văn Cao đã được chữa trị ở một bệnh viện lớn, nhưng bệnh không tiến triển tốt. Cột sống bị hẹp một đốt, tưởng chỉ còn chờ chết.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết chuyện tới thăm, liền gợi ý chuyển tới Viện 103 chữa trị thì tốt hơn. Văn Cao cảm động, vừa khóc vừa hỏi: "Nhưng Viện 103 chữa cho ai, liệu có chữa cho tôi không?"... Nhập viện 103 chừng nửa tháng thì người nhạc sĩ tài hoa bình phục gần như hoàn toàn, có thể đứng dậy, đi lại được. GS Lê Thế Trung và các thầy thuốc ở đây đã điều trị theo phương châm Đông - Tây y kết hợp, không phải mổ. Sau ngày xuất viện, Nhạc sĩ Văn Cao đã tổ chức một đêm nhạc ấm cúng để phục vụ các thầy thuốc và bệnh nhân, để tri ân những người đã cứu mình qua cơn hoạn nạn.

Viết về GS Lê Thế Trung mà không nhắc tới ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam thì sẽ là một thiếu sót lớn. Năm ấy, đã bước vào tuổi 78, ông vẫn tham gia vào ca ghép tạng đầu tiên của Việt Nam cho cháu Nguyễn Thị Diệp. Chắc hẳn nhiều người, trong đó có các nhà báo chúng tôi vẫn nhớ cảm xúc hồi hộp khi theo dõi ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam được tiến hành vào ngày 31/1/2004. Ca mổ sẽ diễn ra đúng dự kiến hay không? Có tai biến không? Có thành công không?... Đó là những băn khoăn trong số vô vàn những câu hỏi mà các thầy thuốc, gia đình bệnh nhân và dư luận quan tâm.

Từ 9h sáng hôm ấy, các bác sĩ bắt đầu tiến hành gây mê cho cả cha và con bệnh nhi Nguyễn Thị Diệp (người cho và người nhận gan). Từ hội trường, chúng tôi nghe tiếng khóc sợ hãi của bé Diệp gọi tên bố. Chứng kiến cảnh con trai, cháu nội mình lên bàn mổ trong một ca đại phẫu lịch sử, ông Nguyễn Quốc Được không khỏi xúc động và lo lắng ghi những dòng cảm xúc của mình vào cuốn nhật ký: "Lúc 8h15', GS Trung gọi Diệp vào phòng mổ, tim tôi đập thình thình, tay run run. Không có gì khổ bằng chứng kiến con cháu mình vì tật bệnh phải chịu đau đớn...".

Nhưng cuối cùng, sau 16 giờ đồng hồ căng thẳng, với đôi tay vàng của các thầy thuốc trong và ngoài nước, trong đó có thầy Lê Thế Trung, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Khi GS Lê Thế Trung bước ra từ phòng mổ và thông báo ca mổ đã hoàn tất với kết quả mỹ mãn, thì mọi người đều òa lên chúc mừng các thầy thuốc.

Tôi đã nhiều lần đi lấy tư liệu, viết về thảm họa bỏng và công tác chữa trị. Hầu hết, nếu như không nói là tất cả các thầy thuốc hiện nay của Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, đều là học trò của GS Lê Thế Trung; trong đó nhiều người đã có học hàm, học vị cao quý. GS Trung là người có công đầu trong việc xây dựng chuyên khoa điều trị bỏng của Quân y Viện 103, sau phát triển thành Viện bỏng Quốc gia, đơn vị đã 2 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. GS Lê Thế Trung và các cộng sự tâm huyết của mình đã gây dựng được một trung tâm nghiên cứu và chữa trị bỏng hàng đầu của đất nước.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về bỏng, ứng dụng bỏng bằng thuốc tự chế; đề xuất phân loại bỏng theo độ sâu cũng như cách tính diện bỏng ở người lớn và trẻ em; phân loại theo 14 chỉ tiêu và phác đồ chữa sốc bỏng, cùng 14 loại thuốc nam chữa bỏng... Trong số này, nhiều công trình đã được tặng thưởng các huân, huy chương và phần thưởng cao quý.

Cứu một người phúc đẳng hà sa. Cuộc đời thầy thuốc của GS Lê Thế Trung đã cứu biết bao người. Đại gia đình của ông, các con gái, con trai, dâu rể người là thầy thuốc quân y, người là công an, giáo viên... Cả 8 đứa cháu đều học hành tiến bộ. "Cháu đích tôn của tớ sắp tốt nghiệp Học viện Quân y. Nó đảng viên mấy năm rồi đấy!" - ông cười, tự hào khoe. Tiễn tôi ra về, ông vẫn nhất quyết tự tay mình mở cổng, dù bậc cầu thang từ nhà xuống sân khá dốc, tôi rất e ngại đã từ biệt ông ngay tại phòng khách.

Tạm biệt ông, tôi vui vẻ chào ông: "Ông còn khỏe lắm. Thế nào ông cũng còn tham gia được vài ca ghép tạng nữa!". Vị Giáo sư già cười hỉ hả: "Giờ già rồi, chỉ mong giữ được sức khỏe. Những việc khác, để cho lớp trẻ họ lo!"

Trần Duy Hiển
.
.