Giáo sư Trần Văn Giàu và những ký ức về người mẹ

Chủ Nhật, 13/02/2011, 07:35
Khi bác Sáu Giàu đi xa, các thế hệ con cháu mới thấm thía sự mất mát vô cùng to lớn về một vòm đại thụ, một ngọn núi phương Nam sừng sững giữa trời Nam. Với bác Sáu Giàu, tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Dù đã hơn 20 năm, tôi vẫn không quên được buổi đầu tiên được gặp bác Sáu.

Buổi sáng đẹp trời năm ấy, có một ông lão gầy gò xuất hiện ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Tôi lúc ấy trong vai trò thuyết minh, tha thướt trong bộ quần áo dài lụa, cúi đầu rất điệu chào vị khách. Ông ngồi trên bộ salon gỗ trong phòng khách bảo tàng, đợi các dì trong tổ sử đến bàn việc xuất bản quyển lịch sử Phụ nữ Nam Bộ.

Hình như vẻ bề ngoài bóng bẩy của một cô gái không gây được niềm tin về "kiến thức lịch sử" trong một con người đầy ắp các sự kiện lịch sử. Ông cắc cớ  hỏi tôi: "Này cháu, cháu có biết anh hùng Nguyễn Thị Út ở Trà Vinh không?". Tôi còn đang ngơ ngác, ậm ờ, lớ ngớ thì Bác đột ngột quát lên: "Làm Bảo tàng Phụ  nữ mà không biết chị Út Tịch là ai hả?! Đuổi, đuổi thẳng cổ"!

Tôi quýnh lên: "Dạ con biết. Đó là bà Út Tịch, nhân vật  chính trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng" của Nguyễn Thi". Gương mặt ông lão dãn ra với nụ cười hiền. Ông xoa đầu tôi, nói: "Phụ nữ Nam Bộ rất độc đáo, rất anh hùng. Làm bảo tàng, các cháu phải thuộc nằm lòng tên tuổi họ". Khi ông ra về, tôi mới biết ông lão gầy gò, khó tính kia chính là Giáo sư Trần Văn Giàu…

Mãi sau này tôi mới biết, đó là cách ông sát hạch những người tuổi trẻ khi dấn thân vào con đường nghiên cứu lịch sử. Nhưng ông cũng không ngờ từ buổi "sát hạch" có phần gay gắt đó, ông đã gieo vào lòng tôi niềm đam mê lịch sử. Và tôi trân trọng bi kịch của những người phụ nữ, cảm nhận sự kỳ diệu của lịch sử ẩn chứa trong những con người thầm lặng hy sinh và chịu đựng. Vẻ đẹp ấy đáng cho chúng ta tôn kính, ngưỡng mộ biết bao, như một lần ông đã nói với tôi: "Hãy tôn kính những người mẹ". Và ông nói: "Ở quê hương Long An, có hai người Sáu Giàu này tôn thờ. Đó là bà Trịnh Thị A Mầu và mẹ của tôi". Vì niềm tôn kính ấy của ông mà tôi đã về Long An, tìm đến câu chuyện cảm động về những bà mẹ anh hùng…

Bà Trịnh Thị A Mầu

Bác Sáu Giàu kể: "Có nhiều bà mẹ vì yêu, quý con nên yêu, quý cả bạn của con mình,  xem bạn của con như đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Bà Trịnh Thị A Mầu là mẹ của Nguyễn Thông, một bà mẹ không chỉ có tấm lòng yêu thương con vô  bờ bến mà còn là một bà mẹ trọng nghĩa, hành xử vô cùng can đảm, thật đáng khâm phục". Hơn ai hết, bác Sáu Giàu tự hào về những trang sử anh hùng của quê hương.

Bác Sáu kể: "Sau khi đại đồn Phú Thọ thất thủ, vào tháng 2/1861, Phan Văn Đạt cùng Trịnh Quang Nghị - một người con của đất Vàm Cỏ (nay thuộc huyện Châu Thành), là dũng tướng của "Tán lý quân vụ Nguyễn Duy" về quê cùng Nguyễn Thông, Phan Chánh, tập hợp dân mộ nghĩa đóng căn cứ ở phía nam cầu Biện Trẹt, phối hợp với các nghĩa sĩ ở Tân Long, Bình Dương mưu việc chống Pháp. Nhiều nghĩa quân ở Tân Thạnh, Phước Lộc (Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc) tham gia khởi nghĩa. Nguyễn Thông viết "phát hịch kêu gọi, tiếng nghĩa vang dội, lúc bấy giờ nghĩa hào các huyện Bình Dương, Tân Long và Tân Hòa phủ Tân An thảy đều mưu tính việc họp quân giết giặc".

Trong một trận đánh úp của quân Pháp tại cầu Biện Trẹt (xã Phú Ngãi Trị), ngày 2/9/1861 (nhằm ngày 7 tháng 7 âm lịch), Phan Văn Đạt cùng 8 nghĩa quân rơi vào tay giặc (trong trận này, Trịnh Quang Nghi thoát được, tiếp tục chống Pháp, năm 1864 hy sinh ở An Giang). Bị tra tấn dã man nhưng Phan Văn Đạt vẫn không hề hé răng tiết lộ bí mật của nghĩa quân.

Di ảnh của thân sinh Giáo sư Trần Văn Giàu.

Trước sự tra tấn, dụ dỗ của quân Pháp, Phan Văn Đạt đã mắng vào mặt quân thù: "Chúng bây lấy mê đạo dụ người, nay dám xông vào đất nước ta, cướp bóc, hiếp dâm, làm điều vô đạo. Ta căm giận vì sống không ăn thịt được bọn bây, lúc chết sẽ ngầm giúp mọi người ứng nghĩa giết hết bọn bây mới toại nguyện".

Giặc Pháp tàn bạo đã dùng móc sắt móc cổ họng ông, treo trên cột tàu đậu ở mé sông Vũng Gù (Vàm  Cỏ Tây, đoạn gần thị xã) suốt ba ngày. "Cử Đạt"  hy sinh anh dũng, khi mới 34 tuổi. Những nghĩa quân cùng bị bắt, thoát chết trở về làng kể rằng Phan Văn Đạt khi ở trong ngục, biết mình sẽ bị bọn chúng giết nên đã nói với họ: "Tôi ắt sẽ chết, còn mọi người không sao, may thoát được thì nói với các anh đồng sự nên ráng sức cho xong công chuyện. "Triều đình hay tin, truy tặng Phan Văn Đạt hàm tri phủ, sắc cho khi nào yên ổn sẽ lập miếu thờ, xuân thu cúng tế".

Ngừng một lúc, bác Sáu Giàu nói: "Trong lúc khó khăn nhất, đàn bà xuất hiện. Đàn bà làm được những chuyện khó mà đàn ông không làm được. Lấy cái lý của tình thương yêu, đàn bà dũng cảm đối đầu với kẻ thù. Bà Trịnh Thị A Mầu, như các cháu biết, là chị ruột của Trịnh Quang Nghi, mẹ ruột của Nguyễn Thông, không nề hiểm nguy, đứng ra nhận xác Phan Văn Đạt về chôn ở quê nhà. Sau này, nhiều bà mẹ Long An đã dựa trên đạo lý mà đi đấu tranh với giặc Mỹ, đã dám giang tay cản đầu xe tăng địch càn quét ruộng lúa, hoa màu. Lịch sử có sự nối tiếp nhờ vào những bà mẹ anh hùng…".

"Và mẹ của tôi"

Sau này, khi đọc những bài viết của tôi về chân dung những bà mẹ, bác Sáu nói: "Những nhà văn, nhà sử học hãy viết nhiều về những con người rất đặc biệt ấy. Cần có những công trình sử học để con cháu hiểu rõ hơn về nhân dân Nam Bộ, lịch sử Nam Bộ. Hay lắm, quý lắm, nếu không viết, thời gian sẽ mai một".

Có lẽ vì nỗi ưu tư ấy mà vào những năm cuối đời, bác Sáu đã có một nghĩa cử đầy cảm động, mang đậm tính cách của người dân Nam Bộ "trọng nghĩa khinh tài". Số tiền bán được ngôi biệt thự ở đường Phạm Ngọc Thạch, bác Sáu dành phân nửa mua ngôi nhà khác nhỏ hơn  trong hẻm đường Lý Thường Kiệt, một phần để gửi tiết kiệm dưỡng già, một phần tặng bác gái xây trường mẫu giáo ở quê hương Phú Ngãi Trị, số còn lại khoảng 1.000 cây vàng, bác Sáu Giàu  làm quỹ giải thưởng Trần Văn Giàu.

Một giải thưởng được trao tặng hàng năm cho những nhà sử học có công trình nghiên cứu xuất sắc về con người, lịch sử Nam Bộ. Bác Sáu nói: "Đó là cách để tôi tiếp nối cuộc sống này. Khi không còn sức để viết, tôi mong muốn thế hệ sau tiếp nối công việc viết sử của mình. Lịch sử Nam Bộ phong phú lắm, không nói thêm nhưng đừng bớt, đừng bỏ sót. Bỏ sót là có tội".

Đôi mắt sáng tinh anh, giọng nói đầy nhiệt quyết, những trang sử dường như luôn nằm thường trực trong trái tim bác, chỉ khơi nguồn là tuôn chảy. Nhưng câu chuyện bác kể vô tình đi vào một khía cạnh vô cùng lý thú, khi tôi hỏi bác Sáu những kỷ niệm về người mẹ…

Dường như những kỷ niệm về mẹ nằm sâu trong tiềm thức trỗi dậy, mắt bác bỗng rực sáng kỳ lạ: "Tôi không nhớ hết mọi chuyện, nhưng biết chắc một điều, là mẹ thương tôi lắm!". Bác Sáu mỉm cười nói: "Cho tới năm 13 tuổi, trước khi rời quê ra thị xã trọ học, tôi vẫn còn ngủ chung với mẹ. Thời gian đầu xa nhà, tôi rất khó ngủ vì nhớ hơi ấm của mẹ. Có nhiều chuyện thời thơ bé cho đến giờ tôi vẫn không sao quên được…".

Bác Sáu kể: "Mẹ tôi có tám người con (không kể bốn anh chị em không nuôi được từ nhỏ). Mẹ tôi tính tình mềm mỏng, dịu dàng, ít nói. Bà rất cưng yêu con.  Tôi là con út, bà càng yêu chiều. Cả nhà, chỉ mình tôi đi học. Hồi đó, cả tỉnh Tân An chỉ có một trường tiểu học, cả Nam Kỳ chỉ có một trường trung học. Mỗi ngày, cậu bé 7, 8 tuổi như tôi lúc ấy phải cuốc bộ độ vài cây số từ nhà ra trường Tầm Vu ở Dương Xuân Hội.

Để kịp đến lớp, 5h sáng tôi đã phải thức dậy. Mẹ vì ngày làm quần quật, đêm phải thức khuya trông coi, cắt đặt chuyện nhà  đến khuya mới ngả lưng nên bà dậy muộn hơn. Tôi dậy sớm, đi qua, đi lại rầm rầm, cố tình đụng vô đầu giường để mẹ thức dậy. "Cái gì vậy Giàu?". Mẹ tôi đằng hắng lên tiếng. Tôi khoanh tay: "Thưa mẹ, con đi học". "Vậy hả?". Bà lần tay dưới chiếu lấy ra hai đồng xu (lúc nào bà cũng để sẵn hai đồng xu dưới chiếu như vậy) đưa cho tôi. Có hai đồng xu, tôi mới chịu đi học". Kể đến đây, bác Sáu Giàu dừng lại cười - nụ cười rất hồn nhiên.

"Rồi bác làm gì với hai đồng xu ấy". "Làm gì hả? Niềm hạnh phúc đối với trẻ con đơn giản lắm. Bác ra mua gói bắp giã đựng trong lá chuối, có cọng lá dừa làm muỗng xúc. Vị bắp, dừa nạo, muối mè quyện vào nhau, ngon kỳ lạ. Ăn xong gói bắp, vậy là vững bụng, cậu học trò lộc ngộc cuốc bộ tới trường Tầm Vu, chiều tối lại cuốc bộ về nhà". "Gói bắp ấy đủ để bác no trong một ngày?". "Đâu có. Trưa bác ăn cơm chớ. Bác mang cơm bằng cái giạ".

Giáo sư Trần Văn Giàu và nhà văn Trầm Hương.

Thấy tôi mở to mắt, bác Sáu cười hỏi lại: "Biết cái giạ là gì hôn? Là một cái giỏ nhỏ đan bằng tre, có quai xách. Trước khi đi ngủ, mẹ đã nấu cơm cho cả nhà ăn bữa sáng lót dạ. Sẵn cơm chín, bà lấy lá chuối lót quanh cái giạ, rồi xúc cơm đủ một phần ăn cho bác, trên đó khi thì bà để mấy con tôm, khi khúc cá kho, rồi lấy lá chuối đậy lại. Bà treo cái giạ cơm sẵn trên vách. Sáng, xin được hai đồng xu là bác xuống nhà, một tay ôm cặp, một tay xách cái giạ cơm đi học. Sáng ăn bắp giã, có khi gói xôi lót lòng, trưa bác ăn cơm mẹ đựng trong cái giạ… Cứ như vậy, bác học hết cái  Élemantaire trường Tầm Vu…". "Rồi sau đó…".

"Sau đó thì bác lên tỉnh lỵ Tân An học tiếp bậc tiểu học, ở trọ nhà một ông thầy giáo. Cứ mỗi chiều thứ Bảy, bác đi xe ngựa, hoặc cuốc bộ mười mấy cây số về nhà. Chắc là bà già nhớ bác lắm, nên 5, 6 giờ chiều là bà đã đứng ngoài đầu ngõ đón tôi. Cho đến giờ tôi vẫn không sao quên được dáng mẹ bồn chồn  đứng trông con. Nhác trông thấy tôi, mẹ thở phào, chửi yêu: "Mồ tổ mày!". Đó cũng là cách mẹ thể hiện tình yêu dành cho tôi. Bà không ôm hôn tôi thắm thiết, không nói mẹ nhớ, mẹ yêu con lắm. Tình mẹ thương con lặn vào trong ở những bà mẹ quê…".

Nhớ ra điều gì đó, bác Sáu phì cười: "Hồi nhỏ, tôi cũng có làm những chuyện mẹ tôi không chịu, chẳng hạn đi chơi về tối quá, đánh lộn với lũ con nít hàng xóm…". "Bác mà cũng đánh lộn à?". Bác Sáu cười ha hả: "Sao hổng đánh, đánh giỏi nữa là khác. Bị mắng vốn, nếu không đánh thằng "quý tử", bà sợ bị cha cho là quá nuông chiều con, bà bắt tôi nằm cúi trên bộ ván rồi lấy mo cau cuộn tròn làm roi. Khi nhìn thấy những quyển sách quý chất đầy trong thư phòng, tôi không đừng được câu hỏi: "Dân gian có quan niệm: "Một người con tài giỏi, chắc  hẳn có một người mẹ không tầm thường". Người mẹ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đời bác?". 

Bác Sáu cười nói: "Thật lòng thì mẹ chẳng muốn tôi  học cao đâu. Tôi là con út, bà rất thương, rất cưng nên chẳng muốn rời xa tôi nửa bước. Nhưng vì tôi ham học, học giỏi, bà không nỡ ngăn bước chân tôi. Cũng vì nuông chiều tôi mà bà bán mấy chục giạ lúa sắm sửa quần áo, sách vở cho tôi lên Sài Gòn tiếp tục đèn sách. Hồi đó, chỉ có con nhà giàu mới theo nổi Trường Chasseloup Lauba, bởi mỗi tháng phải đóng từ 18 đến 20 đồng tiền trường, chưa kể tiền ăn, tiền sắm sửa…".

Thương con, mẹ tần tảo, chạy vạy để khi tôi cần tiền là có gửi cho tôi. Mẹ tôi, dù không muốn tôi học cao nhưng cũng rất biết cách động viên tôi bằng sự công bằng trong thưởng phạt. Hồi học vỡ lòng, được giấy khen là bà thưởng vài xu, lên tiểu học được giấy khen bà thưởng vài đồng, lên trung học, được khen, bà thưởng mấy chục đồng. Đó cũng là cách bà thể hiện tình thương con…".

Bác còn nhớ trong những lúc rảnh rỗi, bà nằm trên võng bảo bác đọc thơ Lục Vân Tiên. "Trước đèn xem chuyện Tây Minh- Nực cười hai chữ nhân tình éo le…". Bác đọc khá diễn cảm. Một lúc sau, bà đã ngủ. Có lẽ đó là lúc hạnh phúc nhất của đời bác… Lúc mẹ mất, bác cũng không biết, không về được quê nhà thắp cho mẹ nén nhang…

Kỳ lạ thay, khi nhắc đến mẹ, gương mặt từng trải, uyên bác của một học giả chợt tỏa sáng kỳ lạ. Những tia sáng thiêng liêng của tình mẫu tử soi rọi tâm hồn, lọc qua tầng tầng lớp lớp của bao sự kiện, bao thăng trầm của thế sự  mà một con người sống trọn một thế kỷ như bác đã trải để trở về những năm tháng trẻ thơ, báu vật quý giá nhất của đời người

T.H.
.
.