Phòng bảo vệ chính trị 4, Công an Tỉnh Hà Tây:

Góp phần giữ yên cửa ngõ Thủ đô

Thứ Năm, 20/03/2008, 14:00
 Hà Tây là địa phương liền kề với thủ đô Hà Nội, gồm 2 thành phố, 12 huyện, 323 xã phường, thị trấn với diện tích hơn 2.192km2, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, chống bọn xấu lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, trách nhiệm đè nặng lên Lực lượng An ninh nhân dân mà nòng cốt là Phòng Bảo vệ chính trị 4, Công an tỉnh.

Đưa những “làng Nhô” trở lại bình yên

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Phòng Bảo vệ chính trị 4 (BVCT 4) từ khi thành lập đến nay chính là việc bảo đảm an ninh nông thôn. Là mảnh đất cửa ngõ thủ đô nhưng từ những năm 90 của thế kỷ XX cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI, Hà Tây luôn là địa phương mà tình hình an ninh trật tự nhiều lúc “cực nóng”.

Những địa danh như Hà Vỹ (Lê Lợi, Thường Tín) hay Dũng Cảm (Trung Tú, Ứng Hòa) một thời được coi là những “làng Nhô” mới nay đã được Phòng BVCT 4 phối hợp cùng chính quyền, công an cơ sở giải quyết rốt ráo.

Thượng tá Nguyễn Trần Luyến, Trưởng phòng BVCT 4 Công an Hà Tây nhớ lại. Khoảng năm 1997, nhiều người dân thôn Hà Vỹ, Lê Lợi, Thường Tín bị các đối tượng Quách Văn Phan, Lê Văn Thực, Lê Văn Dùm (là đại diện cho hội người cao tuổi) đã gửi đơn đến các cấp chính quyền, tố cáo các cán bộ UBND xã Lê Lợi vi phạm luật đất đai, cấp bán đất trái thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế và có biểu hiện tham nhũng trong việc xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương như trường học, trạm xá, đặt điện thoại...

Chính quyền đã nhiều lần giải quyết, xác định rõ đúng sai và xử lý các cán bộ chủ chốt địa phương như chủ tịch xã, trưởng công an xã, chủ nhiệm HTX tín dụng  vi phạm... song phía khiếu kiện vẫn cho rằng chưa thỏa đáng, tiếp tục khiếu kiện. Nguy hiểm hơn, số này đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật như kích động tay chân đánh người gây thương tích, hủy hoại tài sản của công dân, gây rối trật tự công cộng, không giao nộp thuế nông nghiệp, thủy lợi phí và các nghĩa vụ khác cho chính quyền.

Phan, Dùm không dừng lại ở việc khiếu kiện mà còn đi xa hơn. Họ thành lập “Ban tự quản" do Quách Văn Phan làm trưởng ban. Đây là một tổ chức trái pháp luật, nhằm chống lại các tổ chức, cơ quan cán bộ ở thôn Hà Vỹ như: Chi bộ, các đội sản xuất thuộc hợp tác xã nông nghiệp, trưởng thôn...

Cùng với "Ban tự quản", Phan, Dùm còn thành lập một "Đội cực nhanh" với khoảng 20 tên, do Trần Văn Khái làm đội trưởng. Núp dưới danh nghĩa bảo vệ đồng ruộng, thực chất "Đội cực nhanh" là lực lượng để khống chế người dân trong thôn phải tuân theo "Ban tự quản", củng cố hoạt động của Ban để có thể tận thu các khoản trái phép trên, đồng thời ngăn cản các lực lượng chính quyền không cho giải tán "Ban tự quản". Những ngày có việc, mỗi thành viên của "Đội cực nhanh" được trả công 30.000 đồng/công.

Nắm trong tay cả "Ban tự quản" lẫn "Đội cực nhanh", từ năm 1999, Phan, Dùm liên tục tổ chức nhiều vụ gây rối, vi phạm pháp luật. Họ tự đặt ra lệ làng, nếu ai không theo thì sẽ bị "phạt trầu", "phạt tiền" hoặc tuyên bố "chết không đưa ma, ốm không đến thăm".

Từ cuối năm 2001 đến đầu năm 2002, họ tiếp tục gây thêm 7 vụ hủy hoại tài sản công dân nữa như: phá lều chợ Đền, đổ gạch vỡ lấp lối đi nhà dân, đập hỏng xe máy của dân, ban đêm ném gạch đá vào những gia đình phản kháng... Phan, Dùm còn chuẩn bị kỹ lực lượng hòng đối phó nếu "công an vào làng"...

Cũng trong thời điểm ấy nhiều nông dân của thôn Dũng Cảm, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa thay nhau gửi đơn khiếu kiện vượt cấp, thậm chí nhiều phần tử xấu, lôi kéo kích động nhân dân tấn công vào bộ máy chính quyền cơ sở, gây mất trật tự an ninh  và thiệt hại kinh tế của nhiều thôn làng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lãnh đạo Phòng BVCT 4 đã chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, phối hợp với Công an huyện Thường Tín, giải quyết hiệu quả đối với vụ việc ở thôn Hà Vỹ.

Đầu tiên, Phòng BVCT 4 đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo ban hành 18 loại văn bản gồm kết luận giải quyết các nội dung khiếu nại tố cáo của quần chúng nhân dân thôn Hà Vỹ, kiện toàn củng cố tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở Hà Vỹ và khắc phục kịp thời những khuyết điểm đã được thanh tra kết luận.

Tiếp đó, Phòng BVCT 4 hướng dẫn Công an huyện Thường Tín xây dựng hai kế hoạch số 02 ngày 8/1/2002 và số 30 ngày 11/4/2002 về thực hiện các mặt công tác Công an phối hợp tham gia ổn định tình hình tại địa bàn. Thế rồi, cán bộ phòng thường xuyên phối hợp với chính quyền cơ sở để củng cố phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, gặp gỡ vận động những người cao tuổi có uy tín tham gia tuyên truyền, củng cố lòng tin cho quần chúng.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, Phòng đã thu thập nhiều nguồn tin quan trọng về âm mưu của số người cầm đầu, chuẩn bị phương tiện đi khiếu kiện ở tỉnh và trung ương... Điều đó đã giúp các cấp chính quyền có biện pháp hạn chế mức thấp nhất số lượng quần chúng kéo về tỉnh khiếu kiện.--PageBreak--

Khi đã làm tốt công tác vận động quần chúng, Phòng đã cùng với lực lượng nghiệp vụ khác cảm hóa giáo dục số người chủ mưu cầm đầu quá khích, từng bước làm chuyển đổi tư tưởng số người này. Kết quả là Lê Văn Thực đến cuối năm 2001 đã tự xin rút không tham gia khiếu kiện, Trần Văn Khái cũng rút lui khỏi "Đội bảo vệ" bất hợp pháp. Lực lượng Công an cũng củng cố tài liệu vi phạm pháp luật của 31 đối tượng quá khích, thành viên "Đội bảo vệ", đồng thời lên kế hoạch ngăn chặn nếu họ có hành động.

Tháng 5/2002, Cơ quan Công an đã thực hiện quyết định của UBND huyện Thường Tín, tiến hành giải tỏa các chốt chặn, vật cản và truy bắt 19 đối tượng cầm đầu, quá khích, trả lại sự bình yên cho xóm làng.

Trung tá Phí Đình Quyền, Đội trưởng Đội An ninh nông thôn, Phòng BVCT 4, Công an Hà Tây dẫn chúng tôi xuống thôn Dũng Cảm. Những ruộng rau xanh mỡ màng, cánh đồng đang vào vụ gieo mạ, đường làng phong quang... khiến chúng tôi khó tưởng tượng được rằng chỉ cách đây ít lâu, Dũng Cảm còn là một thôn “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với người lạ. Vừa đi, anh Quyền vừa kể lại một thời đầy vất vả của các chiến sĩ Phòng BVCT 4.

Đầu năm 2000, một số quần chúng trong thôn, đứng đầu là Vương Công Luận và Lê Văn Huân gửi đơn lên UBND huyện Ứng Hòa, kiến nghị với nhiều nội dung như tố cáo cán bộ thôn để đấu thầu đất dài hạn lớn hơn 20%, cán bộ xã vi phạm dân chủ và đòi hỏi phải kiểm tra kinh tế của thôn từ năm 1994 đến năm 2000 v.v...

Các nội dung khiếu nại của quần chúng đều đã được các cấp chính quyền trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, một số người cho rằng như vậy là chưa thỏa đáng, cấp trên còn bao che cho cán bộ cấp dưới nên họ tiếp tục khiếu kiện. Nếu sự việc dừng lại ở đây thì cũng chẳng có gì đáng nói, nhưng đã có một số người liên tiếp có những hành vi quá khích vi phạm pháp luật.

Ngày bầu cử trưởng thôn 30/4/2000, đối tượng Mai Văn Úc - một đảng viên bị khai trừ - đã kéo bè kéo cánh tỏa đi khắp đường làng, ngõ xóm  yêu cầu người dân bỏ phiếu cho ông ta và có hành động vi phạm Luật Bầu cử. Bởi vậy, ông ta trúng cử.

Việc Mai Văn Úc lên làm trưởng thôn đã đẩy Dũng Cảm rơi vào thời kỳ kinh tế tê liệt, người dân bị chia rẽ, kiện tụng kéo dài...

Thời gian ấy, cùng với Lực lượng Công an tỉnh Hà Tây, Công an huyện Ứng Hòa, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Phòng BVCT 4 đã lăn lộn  thu thập các tài liệu, chứng cứ của những người cầm đầu để cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Đến ngày 8/11/2004, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Công an huyện Ứng Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can và tiến hành bắt giam 4 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật tại thôn Dũng Cảm gồm Vương Văn Tuyến, Vương Văn Tuyển, Lê Văn Hiệp và Mai Văn Tuyển. Tiếp đó, tháng 5/2005, Mai Văn Úc và nhiều tay chân của hắn cũng lần lượt phải tra  tay vào còng. Thôn Dũng Cảm đã trở lại bình yên.

Xây dựng mối hòa hợp lương - giáo

Năm 1992, UBND thị xã Sơn Tây (nay là thành phố Sơn Tây) ra quyết định quy hoạch khu đất tại xã Viên Sơn thành Nghĩa trang liệt sĩ. Trong khi tiến hành giải phóng mặt bằng, các công nhân phát hiện 1 trụ xây bằng đá, 2 mặt có ghi chữ nước ngoài. Các tín đồ Công giáo đã xác nhận đây là dấu tích về đạo.

Xác định việc để một dấu tích thánh của Thiên Chúa giáo ở đây là không hợp lý, hợp tình, chỉ huy Phòng BVCT 4 đã tham mưu với chính quyền về biện pháp giải quyết.

Bằng công tác tuyên truyền vận động, kết hợp giải thích, tạo mối quan hệ tốt giữa lương - giáo, Lực lượng Công an đã trở thành cầu nối cho UBND TP Sơn Tây và đại diện Giáo hội địa phương bàn bạc kế hoạch giải quyết việc di dời trụ đá. Tháng 7/2007, với sự chứng kiến của chính quyền các cấp, người dân hai bên lương - giáo đã vui vẻ bắt tay di chuyển trụ đá ra một vị trí đẹp gần Quốc lộ 32.

Bên cạnh đó, chỉ huy Phòng BVCT 4 cũng phối hợp với chính quyền có nhiều biện pháp củng cố sự đoàn kết giữa chính quyền cơ sở với chức sắc tôn giáo như tạo điều kiện cho trên 30 giáo sĩ chức sắc tôn giáo đi tham quan học tập ở nước ngoài, trên 50 chủng sinh được đi học Đại chủng viện Hà Nội để đào tạo linh mục, 400 sư ni theo học Trường trung cấp Phật học để nâng cao trình độ phật pháp.

Phòng BVCT 4 còn tham mưu cho Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã phối hợp với các ngành dưới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương phát động phong trào bảo vệ ANTQ tại 56 địa bàn vùng đồng bào tôn giáo với nhiều hình thức mô hình như xây dựng gia đình 5 tốt, gia đình 3 an toàn, cụm dân cư an toàn, nhóm dân cư tự quản, cụm liên kết an toàn... đạt nhiều kết quả tốt. Tổ chức trên 50 vạn tín đồ các tôn giáo học tập các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo, làm cho mọi người phấn khởi tin tưởng vào sự quan tâm đến hoạt động tôn giáo tín ngưỡng của địa phương.

Đến nay, đại bộ phận các tín đồ tôn giáo ở Hà Tây tự giác chấp hành các quy định chung, tích cực tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân

Minh Tiến
.
.