Hai viên bại tướng tại phòng tuyến Phan Rang

Thứ Bảy, 28/04/2012, 13:45

Trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội Sài Gòn, Nguyễn Vĩnh Nghi thuộc loại giàu có, gia đình ông ta là chủ một rạp chiếu phim trên đường Lê Lai, Sài Gòn, do vợ ông ta trực tiếp kinh doanh. Mẹ vợ Nghi là ký giả báo Tia Sáng - một tờ báo thân chính quyền Thiệu. Được lòng cấp trên vì biết vâng lời, lại không theo đám tướng trẻ bất mãn, tuyên bố vung vít nên nhiều lần Nguyễn Văn Thiệu đã "tuyên dương công trạng" Nguyễn Vĩnh Nghi trong thời gian Nghi nắm quyền điều binh khiển tướng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những năm 1966-1967 và 1970-1971.

1. Lúc ấy đã gần nửa đêm ngày 16/4/1975, một tiểu đội Quân giải phóng thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng vẫn được lệnh chốt lại tại một khu vườn trồng mía nằm về phía nam thôn Mỹ Đức, thị xã Phan Rang (nay là TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận). Sau khi bắt gọn một nhóm hơn 70 tàn quân Sài Gòn rồi cử người dẫn giải họ về tuyến sau, số anh em còn lại trong tổ bỗng nghe một giọng nói ồm ồm vang lên từ một đường mương dẫn nước ở gần đó: "Xem thử trên bờ còn ai không?".

Biết là tàn quân địch, người tiểu đội trưởng tên Loan nhanh trí quát lớn: "Các anh dưới đó hết đường chạy rồi, lên đầu hàng đi" nhưng đáp lại, chỉ là sự im lặng đến rợn người. Rút chốt quả lựu đạn, Loan ném xuống rồi bồi tiếp một loạt AK. Tiếp theo, anh nghi binh: "Trung đội 1, trung đội 2, mỗi trung đội chuẩn bị 20 ký bộc phá, 20 quả thủ pháo, B40, B41 mỗi khẩu 7 quả, theo lệnh tôi bắn phá hủy đoạn mương này".

Tiếng quát vừa dứt, một giọng nói phía dưới mương thảng thốt: "Các ông đừng bắn, chúng tôi xin hàng" rồi tiếp theo, một người dáng cao, to, lóp ngóp bò lên. Anh chiến sĩ giải phóng tên Quân kéo hắn đứng dậy: "Tên gì, cấp bậc gì, sắc lính nào?". Gã đàn ông run rẩy: "Dạ, tôi là Phạm Ngọc Sang, cấp bậc chuẩn tướng, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân". Sợ mình nghe nhầm, Quân hỏi một lần nữa  rồi sau khi nhắc lại câu trả lời, Phạm Ngọc Sang móc trong túi quần ra khẩu súng ổ quay (rouleau) nhỏ xíu: "Tôi xin giao nộp vũ khí cho cách mạng. Xin đừng bóp cò vì súng có đạn".

Mừng đến toát mồ hôi nhưng Tiểu đội trưởng Loan vẫn giữ vẻ bình tĩnh. Loan hỏi tiếp: "Còn ai nữa không, có ai cấp bậc cao hơn anh không?". Sang đáp: "Dạ, thưa còn 7 người, trong đó có trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn 3, Tư lệnh tuyến phòng thủ Phan Rang, còn lại là sĩ quan cấp tá và hạ sĩ quan hầu cận".

Vài phút sau đó, nhóm tù binh được đưa đến một trường học, và họ được cho uống sữa, ăn lương khô. Khi được hỏi có muốn nhắn nhủ gì cho vợ con không? Nguyễn Vĩnh Nghi đáp: "Tôi nghĩ một cấp tướng như tôi bị bắt thì trước sau gì các ông cũng loan báo trên đài phát thanh, trên báo chí nên có lẽ rồi ai cũng biết".

Phạm Ngọc Sang, chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân và Nguyễn Vĩnh Nghi, trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 đã bị bắt như thế đó. Tiếp theo, một chuyến bay đặc biệt đã đưa Nghi và Sang ra Bắc để khai thác thông tin, phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Sau này, Nguyễn Vĩnh Nghi kể lại: "Một hôm, có một cán bộ cao cấp đến gặp tôi. Ông ấy hỏi tôi về điều kiện ăn, ở. Tôi nói tôi được đối xử tốt nhưng vì ngủ nệm đã quen nên bây giờ nằm giường ván, tôi hay bị mất ngủ. Tưởng nói thế là thôi nhưng hôm sau, tôi được cấp ngay một chiếc nệm"...

Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang.

2. Nguyễn Vĩnh Nghi quê ở tỉnh Gia Định (nay thuộc Tp HCM). Đi lính cho thực dân Pháp từ năm 1951 rồi vào Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt, đến năm 1954, Nguyễn Vĩnh Nghi đã đeo lon đại úy. Khi lên lon thiếu tá, Nghi về Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Năm 1964, Nghi trở thành Tham mưu trưởng Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt rồi một năm sau, là Tham mưu trưởng Tổng cục Chiến tranh chính trị.

Tốt nghiệp lớp tham mưu cao cấp ở Mỹ, năm 1966 ông ta được phong hàm đại tá. Cũng trong năm ấy, Nghi tham gia vụ đàn áp Phật giáo ở miền Trung và được cử làm Tham mưu trưởng Quân đoàn 1. Hai năm sau, Nghi mang hàm chuẩn tướng, Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh. Nhiều sĩ quan dưới quyền Nghi cho biết, ông ta thích nhảy đầm, uống rượu, gái gú và đặc biệt là rất thích dùng các loại huân, huy chương mà thẩm quyền của ông ta được phép, cấp cho binh lính trong sư đoàn.

Trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội Sài Gòn, Nguyễn Vĩnh Nghi thuộc loại giàu có, gia đình ông ta là chủ một rạp chiếu phim trên đường Lê Lai, Sài Gòn, do vợ ông ta trực tiếp kinh doanh. Mẹ vợ Nghi là ký giả báo Tia Sáng - một tờ báo thân chính quyền Thiệu. Được lòng cấp trên vì biết vâng lời,  lại không theo đám tướng trẻ bất mãn, tuyên bố vung vít nên nhiều lần Nguyễn Văn Thiệu đã "tuyên dương công trạng" Nguyễn Vĩnh Nghi trong thời gian Nghi nắm quyền điều binh khiển tướng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những năm 1966-1967 và 1970-1971.

Từ năm 1970 đến 1974, Nghi  được Thiệu cất nhắc làm Tư lệnh Quân đoàn 4, thay cho Ngô Quang Trưởng, và được phong hàm trung tướng. Tuy nhiên, trong thời gian làm Tư lệnh Quân đoàn 4, do bị tố cáo dính líu đến tham nhũng, tháng 11-1974 Nguyễn Vĩnh Nghi mất chức Tư lệnh Quân đoàn 4, về làm chỉ huy trưởng Trường Bộ binh Long Thành..

Quân giải phóng đánh chiếm dinh tỉnh trưởng Phan Rang.

3. Phan Rang là một thung lũng hẹp, một bên là biển còn bên kia là những rặng núi thấp chạy theo hướng đông bắc, tây bắc. Thời điểm đầu tháng 4/1975, muốn đánh Phan Rang chỉ có thể tiến quân từ 2 hướng, đó là từ hướng bắc theo Quốc lộ 1 qua đèo Du Long, và hướng tây, từ Krông Pha qua Tân Mỹ.

Theo quan niệm đó, khi nhận chức Tư lệnh tiền phương Vùng 3 chiến thuật, Nguyễn Vĩnh Nghi thảo ra kế hoạch phòng thủ Phan Rang. Đó là phía bắc, trên Quốc lộ 1, phải giữ cho được các cao điểm tại đèo Du Long bằng một hệ thống cứ điểm hùng hậu kéo dài từ Du Long đến Ba Râu, Ba Tháp để ngăn chặn mọi cuộc tấn công hướng vào thị xã hoặc vào bộ chỉ huy. Phía tây, trên Quốc lộ 11, bố trí binh lực án ngữ tại vùng Tân Mỹ để bảo vệ mặt tây và nam của sân bay Thành Sơn nhằm tạo điều kiện an toàn cho máy bay của Sư đoàn 6 Không quân xuất kích. Việc giữ an ninh trong thị xã và sân bay do một số đơn vị chính quy phối hợp với địa phương quân phụ trách…

Khi Phú Yên rơi vào tay Quân giải phóng, Nha Trang bỏ ngỏ thì Phan Rang đương nhiên trở thành tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ từ xa, bảo vệ Sài Gòn. Theo quyết định của Nguyễn Văn Thiệu, lực lượng bảo vệ phòng tuyến Phan Rang từ ngày 1 đến 3/4/1975 gồm Sư đoàn 6 không quân với 3 phi đoàn máy bay phản lực A37, 1 phi đội máy bay A1 Skyraider, 2 phi đội trực thăng tải thương, 2 phi đoàn trực thăng chiến đấu, 1 phi đoàn quan sát, Tiểu đoàn 5 thuộc Lữ đoàn 3 nhảy dù và một số đơn vị địa phương quân. Từ ngày 4 đến 12/4, Thiệu phối trí lại lực lượng này bằng cách thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3, đồng thời tăng viện thêm Lữ đoàn 2 nhảy dù gồm  3 tiểu đoàn và 1 tiểu đoàn pháo binh dù, cùng các đại đội trinh sát, công binh, truyền tin, quân y, tiếp vận.

Ngày 13/4, khi Quân giải phóng bắt đầu tiến hành những trận đánh mở màn, Thiệu rút Lữ đoàn 2 nhảy dù về Sài Gòn để bảo vệ mình vì lo sợ âm mưu đảo chính và thay thế bằng Liên đoàn 31 Biệt động quân gồm 3 tiểu đoàn, cùng Sư đoàn 2 bộ binh, 2 pháo đội 105mm, 2 chi đội thiết vận xa. Ngoài biển, bên cạnh Duyên đoàn 27 đã có mặt từ trước, Thiệu còn tăng cường thêm 2 khu trục hạm, 1 giang pháo hạm, 1 hải vận hạm cùng một số tàu yểm trợ.

Nguyễn Vĩnh Nghi nhớ lại: "Việc cung cấp nhiên liệu gặp rất nhiều trở ngại vì xe bồn không chạy được như bình thường mà nguyên nhân là cảng Cam Ranh đã bị chiếm. Vì vậy hàng ngày, tôi phải nhận tiếp tế từ Sài Gòn bằng máy bay C-130, nhưng số lượng chỉ đáp ứng  tối thiểu  mà thôi. Để tránh hỗn loạn khi bị pháo kích dồn dập, tôi phải cho nửa số máy bay về trú đêm ở Sài Gòn, sáng hôm sau trở ra với đầy đủ xăng nhớt".

Trưa ngày 16/4/1975, phòng tuyến Phan Rang bị tràn ngập bởi Quân giải phóng mà một trong những nguyên nhân chính, theo Nguyễn Vĩnh Nghi: "Liên đoàn 31 Biệt động quân vừa rút khỏi Chơn Thành sau nhiều ngày tác chiến gian khổ với nhiều tổn thất, chưa kịp nghỉ dưỡng quân thì lại bị tung ra tiền tuyến với quân số thiếu trầm trọng, tinh thần lính tráng rệu rã. Sư đoàn 2 Bộ binh sau khi tháo chạy từ Quảng Ngãi, vừa tập trung tại Bình Tuy và đang được bổ sung quân số thì được lệnh phải ra Phan Rang trong khi cả đơn vị hãy còn hoang mang, dao động. Vì chưa kịp bổ sung khí tài, đơn vị này phải thu lượm một số pháo và thiết vận xa để mang theo cùng với các trung đoàn khác ra Phan Rang bằng đường bộ".

Còn Phạm Ngọc Sang, ông ta nói: "Trong trận Phan Rang, việc biến căn cứ không quân Thành Sơn trở thành  tiền đồn là điều sai lầm vì khi cần đến máy bay xuất kích, nhưng dưới làn  đạn pháo kích của đối phương thì không thể sửa chữa, trang bị cho máy bay có khả năng cất cánh hành quân như yêu cầu được".

4. Sau khi bị bắt, Nguyễn Vĩnh Nghi đã thành khẩn khai ra tất cả những gì ông ta biết về quân đội Sài Gòn, từ vũ khí, khí tài đến cách bố trí lực lượng. Một trong những cán bộ đã trực tiếp hỏi cung Nghi, kể lại: "Khi tôi yêu cầu ông ta nhận định về Quân giải phóng, về cách Thiệu sẽ bố trí lực lượng giữ Sài Gòn thì thoạt đầu, Nghi rất dè chừng. Ông ta nói: "Các ông hỏi tôi những câu này thật khó trả lời". Chúng tôi bảo Nghi: "Vậy thì anh sẽ có thời gian để suy nghĩ".

Nhưng chỉ vài phút sau đó, Nguyễn Vĩnh Nghi đến bên tấm bản đồ, trình bày một  cách rành mạch các địa điểm tác chiến, các mặt mạnh, yếu, việc bố trí quân và ý đồ chiến thuật, chiến lược của chính quyền Sài Gòn. Nghi khẳng định: "Cách phòng thủ Sài Gòn hiện nay là phòng thủ từ xa theo hình vòng cung từ Gò Dầu Hạ, Lai Khê, Biên Hòa, Xuân Lộc, lực lượng mỗi hướng có khoảng một sư đoàn. Còn trong nội đô thì không có chủ lực, không tổ chức phòng ngự kiên cố, chỉ có lực lượng cảnh sát, địa phương quân, nhân dân tự vệ… Nếu các ông diệt được lực lượng án ngữ vòng ngoài, khống chế và làm tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa và chiếm được hai mục tiêu quan trọng là Bộ tổng Tham mưu và trại Hoàng Hoa Thám của quân dù thì các ông sẽ làm chủ Sài Gòn, Sài Gòn sẽ sụp đổ nhanh chóng".

Sau này, trong bản tự khai, Nguyễn Vĩnh Nghi thừa nhận: Một trong những thất bại lớn nhất của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là không chú trọng xây dựng tư tưởng cho quân đội Sài Gòn. Theo Nghi, lý tưởng chiến đấu chỉ  được Tổng cục Chiến tranh chính trị của Quân đội Sài Gòn tóm gọn trong 4 nhóm chủ đề là: "Tư tưởng quốc gia"; "ý thức chống Cộng"; "xây dựng đơn vị" và "tranh thủ nhân dân", nhưng thực chất việc học tập chính trị trong quân đội Sài Gòn không đạt được mục đích, binh sĩ thường bị các đơn vị viện cớ vì lý do hành quân mà tổ chức cho có lệ, dẫn đến người lính không biết mình cầm súng vì ai, vì cái gì…

Riêng Phạm Ngọc Sang, ông ta cay đắng: "Sư đoàn 6 Không quân rời Pleiku ngày 16/3/1975 đến tạm trú tại Nha Trang. Ngày 22/3/1975, được lệnh đến căn cứ Phan Rang đồn trú. Chưa kịp thích nghi với chiến trường  thì phải đương đầu với nhiều khó khăn kể từ lúc Nha Trang thất thủ. Liên tiếp trong 16 ngày, một căn cứ không quân bỗng trở thành một tiền đồn, vừa thi hành các phi vụ, vừa tham gia chiến đấu như bộ binh thì thảm bại là điều chắc chắn…"

V.C.
.
.