Hành trình của một bác sĩ Quân Giải phóng

Thứ Năm, 18/06/2015, 09:40
James G. Zumwalt viết cuốn sách "Bare Feet, Iron Will" - tạm dịch là "Chân trần, ý thép". Cuốn sách xuất bản ở Mỹ ngày 26/4/2010 đã làm thay đổi cái nhìn của rất nhiều người Mỹ về Việt Nam. Trong cuốn sách này, chúng tôi lược dịch và hiệu đính một chương - có tham khảo các tài liệu trong và ngoài nước - nói về một bác sĩ Quân Giải phóng, Chủ nhiệm Viện Quân y 211 là bác sĩ Lê Cao Đài…

KỲ I: CA ĐẠI PHẪU TRONG TẦM BOM ĐẠN

Nếu như Đô đốc Elmo Zumwalt, Jr., Tư lệnh Hải quân Mỹ phụ trách các lực lượng viễn chinh làm nhiệm vụ bảo vệ các vùng duyên hải và sông ngòi ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam, và cũng là người trực tiếp chỉ huy chiến dịch rải chất diệt cỏ dioxin (hay còn gọi là chất độc da cam) ở miền Nam Việt Nam, để lại nhiều di họa cho đến tận hôm nay thì con trai ông: James G. Zumwalt cũng theo chân ông tham gia cuộc chiến tranh xâm lược này trong vai trò một trung tá lính thủy đánh bộ Mỹ.

Cuối năm 2008, James G. Zumwalt trở lại Việt Nam, gặp gỡ, trò chuyện với nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi về Mỹ, ông viết cuốn sách "Bare Feet, Iron Will" - tạm dịch là "Chân trần, ý thép". Cuốn sách xuất bản ở Mỹ ngày 26/4/2010 đã làm thay đổi cái nhìn của rất nhiều người Mỹ về Việt Nam. Trong cuốn sách này, chúng tôi lược dịch và hiệu đính một chương - có tham khảo các tài liệu trong và ngoài nước - nói về một bác sĩ Quân Giải phóng, Chủ nhiệm Viện Quân y 211 là bác sĩ Lê Cao Đài…

1. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra năm 1946, Lê Cao Đài đang là sinh viên Y khoa của Trường đại học Y Dược Hà Nội do Giáo sư Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng. Ông kể với cựu trung tá James G. Zumwalt (từ đây xin gọi tắt là James): "Thời điểm ấy, bộ đội Việt Minh rất thiếu cán bộ y khoa nên tôi tình nguyện tham gia kháng chiến. Được sự dìu dắt của các thầy, các bác sĩ đàn anh đi trước, tôi nhanh chóng tiếp thu các kỹ thuật mổ xẻ, góp phần cứu sống nhiều thương bệnh binh, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ".

“Bare Feet, Iron Will” đã làm thay đổi cái nhìn của rất nhiều người Mỹ về chiến tranh Việt Nam.

Hòa bình lập lại chưa được bao lâu, nhân dân Việt Nam lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của người Mỹ. Năm 1966, khi đang là Trưởng khoa Phẫu thuật tại một viện quân y và đang chuẩn bị đi Bulgary làm luận án tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Đài tình nguyện vào Nam. Ông nói: "Lúc ấy tôi 37 tuổi, cấp trên đề nghị bác sĩ Võ Văn Vinh, Cục phó Cục Quân y và tôi cùng các anh Khuất Duy Kính, Trần Nam Hưng, Lê Công Viện đứng ra tổ chức và điều hành một bệnh viện để phục vụ chiến trường, gọi là Viện Quân y 211. Cuối cùng, chúng tôi chọn được 400 người gồm các bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý từ nhiều bệnh viện. Riêng phiên hiệu 211 lấy từ Viện Quân y 103 và 108. Con số 2 là sự cộng lại của hai con số 1, còn số 11 là 8 cộng 3".

Ngày lên đường vào Nam, ai nấy đều hăng hái nhưng không ai nghĩ rằng mình sẽ phải ở lại chiến trường suốt 8 năm. Bác sĩ Đài nói với James: "Hôm chuẩn bị xuất phát, một người bạn cùng đi với tôi dẫn vợ đến thăm tôi. Trong lúc trò chuyện, vợ bạn tôi hỏi: "Các anh vào trong ấy có lâu không?". Tôi trả lời là khoảng 6 tháng.

Vừa nghe xong, cô ấy khóc: "Vậy mà nhà em bảo là phải ở những một năm". Bác sĩ Đài ngậm ngùi: "Mà có phải một năm đâu. Bạn tôi sau đó hy sinh tại chiến trường miền Nam và ở lại mãi mãi".

Lên đường vào Nam, Viện Quân y 211 tách làm ba nhóm. Hai nhóm đi bộ, còn nhóm của bác sĩ Đài  đi bằng xe tải. Theo giải thích của ông thì con đường vận chuyển người và vũ khí, đạn dược, lương thực vào Nam - được gọi là "đường mòn Hồ Chí Minh" - liên tục bị Không quân Mỹ và những toán biệt kích đánh phá. Ông nói: "Chia làm ba như vậy để nếu nhóm này bị thiệt hại thì vẫn còn hai nhóm kia, và bệnh viện vẫn có thể hoạt động được".

Quả y như rằng, gần đến tỉnh Quảng Trị, nhóm đi xe tải của bác sĩ Lê Cao Đài bị máy bay Mỹ ném bom. Hậu quả là đoàn xe chiếc cháy, chiếc hư hỏng nhưng may mắn là không thiệt hại về người. Cuối cùng, tất cả đều đi bộ! Ông kể: "Vấn đề lớn nhất đối với chúng tôi lúc ấy là trang thiết bị y khoa. Tổng cộng có chừng 1.000 thùng nhưng nhiều thùng bị mất trong đợt không kích. Những thùng còn lại thì có cái thất lạc linh kiện, chẳng hạn như máy X- quang thiếu dây nguồn hoặc mất tấm bảng chì để ngăn tia phóng xạ…".

2. Hai tháng sau ngày lên đường vào Nam, ba nhóm gặp nhau ở Ngã ba Đông Dương thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum, là biên giới chung giữa Việt Nam- Campuchia-Lào. Viện Quân y 211 được dựng lên ngay khu vực đó nhưng chỉ khoảng 6 tháng, bác sĩ Đài - khi ấy là Phó Viện trưởng phụ trách khối Ngoại khoa gồm: chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật ngực bụng…, được lệnh di chuyển vào gần những nơi đang xảy ra giao tranh nhằm giảm bớt thời gian tải thương.

Bác sĩ Lê Cao Đài (ảnh chụp ở chiến trường Tây Nguyên).

Tuy nhiên, di chuyển cả một bệnh viện không đơn giản như di chuyển một khu phố vì ngoài 400 y bác sĩ, máy móc thiết bị, còn có 1.000 hoặc đôi khi là 1.400 thương bệnh binh. Bác sĩ Đài nói: "Một số khoa, phòng được dựng ngay trên mặt đất, ẩn náu dưới những tán cây rừng. Một số khác nằm chìm dưới lòng đất". Thông thường, những khoa, phòng nằm chìm dưới lòng đất là phòng mổ, phòng hồi sức, kho chứa thuốc và các dụng cụ phẫu thuật  Một số phòng dành cho thương bệnh binh sau mổ được thiết kế theo kiểu nửa nổi nửa chìm, mỗi phòng chứa được 4 hay 5 người. Ngoài ra còn có những hầm tránh bom chữ A và hầm chứa chất thải y tế".

Bác sĩ Đài nói tiếp: "Đào hầm để làm bệnh viện mất ít nhất một tháng tùy theo đất cứng hay mềm, có gặp mạch nước, rễ cây lớn hay không. Phần lớn thương bệnh binh không đủ sức khỏe để tham gia nên mọi việc dồn cả lên đầu 400 người lính quân y. Khi hoàn thành, nó có gần 300 hầm vừa chìm, vừa nửa nổi nửa chìm và hầm chữ A, chưa kể vài chục khoa, phòng dựng trên mặt đất. Hầm này cách hầm kia khoảng 30 mét để nếu chẳng may có một quả bom ném trúng thì nó chỉ phá được một hầm…".

Vẫn theo bác sĩ Đài: "Khoảng cách giữa hầm này và hầm kia gây không ít khó khăn cho đội ngũ y, bác sĩ. Nếu muốn đi thăm một bệnh nhân, đôi khi chúng tôi phải mất gần cả ngày vì bệnh viện được bố trí trên một diện tích rất rộng. Chưa kể mỗi lần người Mỹ phun chất dioxin làm rụng lá cây (chất da cam) là chúng tôi phải di chuyển đến một nơi khác rồi lại phải làm lại từ đầu. Có nơi chúng tôi ở 6 tháng, có nơi ở được 1 năm. Khó mà tính hết số hầm anh em đã đào…".

Tuy nhiên, tất cả những khó khăn ấy vẫn chưa là gì so với vấn đề an toàn của bệnh viện. Mặc dù nằm gần khu vực giao tranh để có thể kịp thời cứu chữa thương binh nhưng giữa bệnh viện và mặt trận vẫn có một vùng đệm. Thông thường, một đơn vị cấp đại đội - hoặc đôi khi là hai trung đội, kết hợp với du kích địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ bệnh viện nhưng đội ngũ y, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, kỹ thuật viên  cũng phải tự lo cho chính mình cùng các thương binh. Ở Viện Quân y 211 lúc ấy, bác sĩ Lê Cao Đài lập những tổ cảnh giới trên những cành cây cao để theo dõi máy bay trinh sát và đặc biệt là trực thăng thả biệt kích.

Trung tá lính thủy đánh bộ James G. Zumwalt và cha là Đô đốc Elmo Zumwalt, Jr. trong chiến tranh Việt Nam.

Khi phát hiện trực thăng, tổ cảnh giới báo cho bác sĩ Đài về số lượng cũng như hướng bay, cao độ. Bác sĩ Đài kể: "Từ những chi tiết này, chúng tôi phán đoán máy bay chỉ bay ngang qua, bay trinh sát hay thả biệt kích. Tôi đã từng thấy trực thăng thả biệt kích nhiều lần. Có lần chúng tôi mới chỉ bắn vài loạt đạn là nhóm biệt kích đã gọi trực thăng đến, bốc họ lên ngay. Cũng có lần tôi thấy vài biệt kích chết vì khi trực thăng thả thang dây xuống để họ leo lên, họ bị vướng vào cành cây, rơi xuống đất. Nếu biệt kích hoặc máy bay trinh sát phát hiện ra bệnh viện, chúng tôi phải di chuyển ngay vì tôi biết rằng ngay sau đó, máy bay phản lực hoặc B52 sẽ đến ném bom".

Một trong những cuộc ném bom xảy ra vào ngày 1/5/1970. Bác sĩ Đài nhớ lại: "Buổi sáng hôm đó trời trong xanh, mát mẻ. Tôi sang phòng mổ dự một ca cắt nửa đại tràng phải cho một bệnh nhân bị u đại tràng. Đây là một ca đại phẫu. Cầm dao mổ chính là bác sĩ Minh và bác sĩ Hướng, còn tôi đứng xem, cố vấn. Phòng mổ đặt trên sàn gỗ, mái bằng vải nhựa bọc kín xung quanh bốn cây cột nhà. Riêng cửa sổ được che bằng vải mùng, vừa để chống côn trùng mà vẫn có ánh sáng cho phòng mổ. Bệnh nhân được gây mê tĩnh mạch có đặt ống nội khí quản nhưng vẫn giãy giụa, thở gấp, ruột có khuynh hướng muốn phòi ra khiến cuộc mổ rất khó khăn…".

Khi bác sĩ Minh và bác sĩ Hướng bộc lộ ổ bụng, bác sĩ Lê Cao Đài thấy khối u to bằng nắm tay, dính vào thành bụng bên phải và vào đoạn hai của tá tràng. Đường rạch giữa bụng không đủ rộng để mổ, phải rạch thêm sang bên. Bác sĩ Đài nói: "Biết là sẽ kéo dài, tôi rửa tay rồi vào mổ với anh Minh. Cắt nửa đại tràng và khâu xong miệng nối, đang chuẩn bị đóng thành bụng thì tôi nghe có tiếng tiếng máy bay trinh sát lượn rất thấp".

Bác sĩ Thìn, Viện phó phụ trách Ngoại khoa lúc ấy đang ở ngoài phòng mổ. Lập tức, anh gọi tổ chiến đấu của khoa bố trí, sẵn sàng chiến đấu. Giây lát, tiếng máy bay trinh sát sà xuống thấp rồi ba tiếng nổ lụp bụp phát ra. Bác sĩ Minh kêu lớn: "Chúng nó bắn pháo hiệu cho phản lực".

Trên bàn mổ, bụng bệnh nhân vẫn đang mở rộng, các đoạn ruột phập phù. Bác sĩ Đài gọi y tá: "Đưa  tôi ống dẫn lưu, kim chỉ, nhanh lên…".

Một tiếng rít như một luồng gió mạnh từ trên không lao xuống, tiếp theo là một tiếng nổ làm rung chuyển nhà cửa, tiếng cành cây gãy kêu răng rắc. Mọi người trong phòng mổ xôn xao: "Chúng ném bom gần lắm anh à". Bác sĩ Đài lắc đầu: "Kệ cha nó, còn xa lắm".

Lại một tiếng rít thứ hai. Mấy kỹ thuật viên phụ trách gây mê hốt hoảng ngồi xuống. Một người đứng ở vòng ngoài lăn ra sàn phòng mổ. Phản xạ tự nhiên, bác sĩ Đài cũng cúi đầu xuống nhưng hai bàn tay mang găng vẫn đè chặt lên vết mổ: "Tôi cố khâu thêm một hai nút để đóng thành bụng lại trong lúc có một quả bom nữa rơi xuống. Lần này nó nổ gần, phòng mổ rung lên bần bật. Liếc nhanh ra ngoài, qua khung vải màn tôi thấy một thân cây cháy rừng rực như cây đuốc. Lửa tạt tới cửa sổ và bén vào màn che cửa. Thế đã hết đâu, một loạt đạn 20 ly nổ xé tai làm vỡ toang một góc phòng mổ. Chúng nó đã ném sạch bom và bắt đầu bắn đại bác. Tôi và bác sĩ Minh, mỗi người cuốn vội một tấm khăn mổ vô trùng quanh bàn tay rồi chạy xuống hầm. Lúc này mới biết một đầu ống thông khí quản bị tuột ra khỏi máy gây mê. Cũng may là bệnh nhân đã tự thở nên ca mổ lại được tiếp tục dưới hầm…".

Hoạt động trong rừng rậm, cách xa các nguồn tiếp tế nên Viện Quân y 211 cũng như khá nhiều những bệnh viện quân y khác ở chiến trường miền Nam lúc bấy giờ đều gặp phải vấn đề thiếu thốn thuốc men, y cụ. Để khắc phục, bác sĩ Lê Cao Đài cùng đồng đội đã lấy những vật dụng không ai ngờ tới: Dùng những lá thép - là bộ cánh định hướng của những quả rốckét, họ cắt, mài thành… dao mổ! Những mảnh nhôm xác máy bay được gò thành nồi hấp vô trùng, dây dù tách ra làm chỉ khâu vết mổ, ống cao su bọc dây điện và đuôi của loại pháo sáng cầm tay biến thành ống nghe! Bác sĩ Đài cười: "Chúng tôi không bỏ phí thứ gì từ các vật liệu chiến tranh của người Mỹ".

Cao Trí (lược dịch từ “Bare Feet, Iron Will” và các tài liệu liên quan)
.
.