Hành trình trả lại tên cho người chiến sĩ cách mạng

Thứ Bảy, 22/06/2019, 09:40
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, nhiều người hy sinh mà chưa được ghi danh. Và, để trả lại tên cho các liệt sỹ, để Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi công, đó là cả một hành trình dài.

Ông lang Vấn tên cúng cơm là Bùi Ngô Vấn (Ngô Quang Vấn), xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên  là một người trong số đó. 56 năm sau khi mất, ông đã được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng "Huân chương Kháng chiến" vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hình ảnh ông lang Vấn lúc sinh thời.

Đi tìm nhân chứng lịch sử

Giữa những ngày tháng 6 nắng như đổ lửa, ông Bùi Ngô Duyệt nguyên là chuyên viên chính của Văn phòng UBND TP Hà Nội liên tục đáp máy bay từ thành phố biển Nha Trang ra thủ đô Hà Nội để hoàn tất hồ sơ cho người cha của mình đang được đề nghị Nhà nước truy tặng liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào dịp 27-7 ngày thương binh liệt sĩ tới đây.

Ngày cha mất, ông mới chỉ là một cậu bé lên 3 đang còn được mẹ bồng ẵm. Còn bây giờ ông đã về hưu, mái tóc đã điểm sợi bạc nhưng vẫn đau đáu khôn nguôi về cái chết của cha và tiếp tục thực hiện ước nguyện trước khi mất của mẹ mình là bà Đào Thị Thìn, một cựu tù nhân ở nhà tù Hoả Lò.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã qua đi gần thế kỉ, đến nay những người biết ông lang Vấn lần lượt qua đời. Rất may, cách đây hơn chục năm nhiều học trò của ông lang Vấn khi còn sống đã viết những bức tâm thư da diết kể về cuộc đời người thầy của mình tham gia hoạt động cách mạng.  Trước những chứng cứ xác đáng khi nghiên cứu hồ sơ, Chủ tịch nước đã kí quyết định truy tặng "Huân chương kháng chiến" cho ông lang Vấn vào năm 2011.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Tuyết, nguyên Ủy  viên thường vụ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng cũ (bao gồm Hải Dương, Hưng Yên khi còn chưa tách tỉnh). Nhà bà nằm khuất trong một con ngõ nhỏ tại thôn Ngọc Bộ, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ở  tuổi 84, bà vẫn tinh anh mẫn tiệp, gương mặt đôn hậu, niềm nở tiếp chúng tôi trong ngôi nhà giản dị ấm cúng, trên tường phòng khách treo những bức ảnh kỉ niệm của một thời tuổi trẻ khi đất nước đang còn khói lửa.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, ông Lê Hữu Quế, ông Bùi Ngô Duyệt khi nói về ông lang Vấn.

Nhắc đến ông lang Vấn những kỉ niệm xưa cũ ùa về, bà bảo, ngày ông Lang mất bà tròn 20 tuổi, bà biết ông từ khi còn nhỏ, ông đã là một lương y nức tiếng vùng Cửu Cao. Sau này khi tham gia hoạt động cách mạng, bà được biết chính ngôi nhà của ông thời đó là nơi hoạt động bí mật của cơ sở cách mạng và ông lang Vấn nuôi giấu nhiều chiến sĩ của ta.

Dưới danh nghĩa khám chữa bệnh, nhiều cán bộ chiến sĩ đã ra vào nhà ông lang Vấn để che mắt quân địch mà không bị phát hiện. Bà nhớ lại, thời kháng chiến chống Pháp, Cửu Cao là một xã có địa bàn phức tạp, ở đây thực dân đô hộ và cai trị có phần khốc liệt hơn nhiều so với các xã khác. Ngoài ra còn có những tên bán nước cầu vinh, điên cuồng làm chỉ điểm cho người Pháp gây khó khăn cho hoạt động của ta, chỉ cần sơ sểnh sẽ bị lộ.

Nhưng ông lang Vấn vẫn lấy nhà mình làm nơi nuôi giấu cán bộ, và có không ít những kế hoạch của ta được bàn bạc trong ngôi nhà thơm mùi thuốc đông y, dưới ánh đèn dầu leo lét tại nhà cụ lang nức tiếng vùng Cửu Cao.

Bà Tuyết cũng cho biết thêm, ngày đó hoạt động cách mạng phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, và an toàn, nên người tham gia hoạt động cách mạng phải luôn giữ kín và không được để lộ tung tích. Và trong quãng thời gian đầy gian khó ấy, chưa có ai được phong chức sắc gì mà chỉ gọi chung là chiến sĩ cách mạng.

Ông Nguyễn Ngọc Linh, nguyên Bí thư huyện uỷ Văn Giang, Tỉnh uỷ viên tỉnh Hưng Yên mỗi khi nhắc đến câu chuyện của cụ lang Vấn không khỏi bùi ngùi, xúc động. Ông lang Vấn sinh năm 1891, là con út trong một gia đình 5 anh chị em, dòng dõi khoa bảng, nho gia nức tiếng trong vùng Văn Giang.

Năm 16 tuổi, ông được cha mẹ gửi sang Từ Sơn, Bắc Ninh để học nghề bốc thuốc đông y của một danh y nổi tiếng. Tuổi trẻ, chí lớn, đam mê và có nhiệt tâm, ông không ngừng học hỏi miệt mài đèn sách, cộng với khí chất trời ban nên ông mau chóng hiểu biết sâu sắc về nghề đông y. Từ những vị thuốc Nam, thuốc Bắc, ông đã nghiền ngẫm và thử nghiệm chế ra nhiều bài thuốc hữu hiệu để chữa bệnh cứu người. Năm 1910, khi mới 19 tuổi, tên tuổi ông lang Vấn đã nổi tiếng khắp vùng Văn Giang.

Huân chương kháng chiến ghi nhận công lao của ông Bùi Ngô Vấn (Ngô Quang Vấn).

Qua nhiều năm làm nghề đã gặp không ít những số phận khốn cùng, cảm thương với những mảnh đời cơ cực, ông đã chữa bệnh miễn phí. Bằng tài năng của người thầy và bằng sự đức độ của một tấm lòng nhân ái thương yêu, chỉ trong một thời gian ngắn tên tuổi của ông nổi tiếng khắp vùng, học trò theo học của ông ngày một đông.

Lấy những câu răn trong từ điển y đức của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, ông vẫn nói với học trò của mình: "Thầy thuốc là nghề cao thượng, vì thế phải giữ khí tiết cho trong sạch. Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của người. Chỉ lấy việc cứu người làm phận sự của mình mà không cần lợi kể công”. Chính cốt cách thanh tao từ trong ông lan toả đã làm cho học trò cảm phục.

Trong tập tư liệu của con cháu ông lang Vấn vẫn còn lưu giữ những trang giấy viết tay của những người học trò của ông, sau này là những chiến sĩ cách mạng bị tù đày trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở nhà tù Phú Quốc, Hoả Lò, cùng với những cán bộ Việt Minh trước đây được ông cưu mang tại nha.

Họ viết về cuộc đời đầy nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng kiên trinh của người thầy và cũng là ân nhân của mình. Ai cũng hướng đến ông với sự tôn nghiêm và kính trọng hết mực. Mỗi bức thư là một câu chuyện cảm động về người thầy. Hình bóng của ông lang Vấn vẫn lưu đậm trong kí ức của những học trò xưa.

Ông Bùi Ngô Duyệt cùng gia đình trước mộ của cha và mẹ.

Ký ức đẹp về người chiến sỹ cách mạng

Lương y Nguyễn Đức Chi, nguyên Chủ tịch Hội Đông y huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã viết: "Cụ nói đạo làm thuốc phải đạo đức như câu thơ của Hải Thượng Lãn Ông quên mình cứu chữa người bệnh, ngoài ra tất cả đều là phù vân...".

Ông Phạm Huy Thành, nguyên là cán bộ y tế xã Cửu Cao, huyện Châu Giang, Hưng Yên nhớ lại: "Từ năm 1950 đến năm 1952 tôi là người địa phương đã được cụ lang Vấn truyền nghề đông y. Cụ lang Vấn là thầy thuốc nổi tiếng khắp vùng, ai ai cũng biết đến cụ là người hiền lành, đức độ. Cụ Vấn luôn dạy bảo các học trò phải ăn ở từ thiện, giúp người là một thứ của để dành, lấy đức làm đạo sống, không được làm điều ác để còn có phúc về sau...".

Ông Phạm Văn Lạng là học trò út ảnh hưởng tinh thần yêu nước rất nhiều từ người thầy của mình, sau này ông là cán bộ y tế xã Long Hưng, huyện Văn Giang được Nhà nước khen thưởng về thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng có những trang lưu bút thấm đẫm tình thương và niềm kính trọng tưởng nhớ công ơn dạy dỗ ân tình của người thầy - ông lang Vấn.

Bà Đào Thị Thìn là người vợ thứ hai của ông, hai người nên duyên vợ chồng là bởi vì họ có chung một mục đích, một lý tưởng và quan niệm sống. Bà nguyên là cán bộ hoạt động cách mạng từ năm 1939, đã bị địch bắt giam tại nhà tù Hoả Lò từ trước khi làm vợ ông, từ năm 1940-1943. Hai vợ chồng tâm đồng ý hợp.

Bức tâm thư của lương y Nguyễn Đức Chi, nguyên Chủ tịch Hội Đông y huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh viết về người thầy của mình.

Sau này nhiều cán bộ lão thành cách mạng đã viết: nhà ông lang Vấn đã nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng, vận động nhiều người tham gia hoạt động cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đi theo tiếng gọi của tình yêu đất nước, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, ông và gia đình đã hết lòng ủng hộ tiền của, thóc, vàng cho cách mạng.

Cuộc sống thường có những biến cố khôn lường. Ông lang Vấn mất năm 1955 khi 65 tuổi. Ông để lại hai người vợ và 7 người con. Bà cả sinh cho ông 5 người con gái, bà hai với hai người con trai. Lúc ông mất, cậu con trai lớn lên 5 tuổi, cậu con trai út lên 3 tuổi.

Từ ngày ông mất, học trò như thành lệ mỗi năm hai lần đến thắp nhang cho thầy vào ngày giỗ và ngày tết. Cứ đều đặn như vậy từ ngày tóc trò còn xanh, sức khoẻ dồi dào cho đến khi tóc đã bạc, mắt đã mờ, nhưng vẫn thành kính và hiếu lễ với thầy. Nỗi niềm của người vợ lúc nào cũng canh cánh thương nhớ, xót xa cho thân phận người chồng quá cố của mình.

Năm 1999, bà Thìn vào tuổi 84 đã đích thân viết đơn lên các cấp lãnh đạo đề nghị xét truy tặng cho chồng. Cùng lúc ấy, nhiều học trò ngày xưa của ông lang Vấn, người cao tuổi nhất cũng gần 100, người thấp tuổi nhất cũng vào độ tuổi xưa nay hiếm đã viết những dòng đầy tâm huyết về người thầy của mình, tất cả đều chung một nỗi niềm mong được Hội đồng thi đua khen thưởng Nhà nước khen thưởng chế độ cho ông Bùi Ngô Vấn (Ngô Quang Vấn) tức ông lang Vấn.

Và, thật may, đây là câu chuyện có hậu. Ngày nhận giấy truy tặng Huân chương kháng chiến cho ông được coi là ngày vui chung của toàn thể gia đình và học trò thân thuộc, tiếc rằng hai người vợ hiền của ông đã khuất núi, học trò của ông nhiều người cũng đã ra đi.

Cũng đã 64 năm trôi qua kể từ ngày ông yên nghỉ. Ông Đặng Văn Diên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Hưng Yên hiện cùng những cán bộ địa phương đang nhiệt tình tháo gỡ khó khăn để đề nghị Nhà nước truy tặng ông là liệt sỹ.

Trần Mỹ Hiền
.
.