55 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc:

“Hạt giống đỏ” trong ký ức người thầy

Chủ Nhật, 18/10/2009, 19:25
Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, lực lượng kháng chiến chống Pháp của miền Nam (từ Quảng Trị trở vào) đã khẩn trương và rầm rộ chuyển quân ra Bắc tập kết. Trên boong những chiếc tàu lớn của Liên Xô (cũ), Ba Lan, người ra đi giơ hai ngón tay ước hẹn, hai năm sau sẽ trở về xây dựng miền Nam.

Nhưng Đảng và Bác Hồ thì biết trước, kháng chiến vẫn còn trường kỳ, ngay lúc này phải đào tạo những "hạt giống đỏ" thành đội ngũ cán bộ cách mạng cốt cán cho miền Nam và đất nước sau này.

Vậy nên, cùng với hoạt động chuyển quân, hàng ngàn con em của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và đồng bào miền Nam cũng lên tàu vượt biển, cập bến tại cảng Hới (hiện ở xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa). Các em được đón vào những ngôi trường miền Nam đã dựng sẵn trên đất Thanh Hóa, học tập suốt hai năm đầu tiên.

Vượt ngàn trùng khơi về cảng Hới

Tại một vị trí trang trọng trên cảng Hới hiện nay, có một bức phù điêu bằng đá, khắc giản dị mấy dòng chữ lớn: "Nơi đây, Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam".

Sự việc đã 55 năm, nhưng với ông Trần Trí Hợi (87 tuổi), nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch xã Quảng Tiến (huyện Quảng Xương) thì dường như vẫn đang diễn ra trước mắt. Ông luôn lưu giữ ấn tượng về việc được tham gia đón tiếp đồng bào miền Nam như một vinh dự lớn nhất trong đời mình: "Cửa Hới lúc bấy giờ là một cảng cá của người dân địa phương, do phù sa của sông Mã, sông Chu bồi đắp nhiều, nên các tàu lớn của Liên Xô (cũ), Ba Lan không vào bờ được, phải neo đậu phía ngoài xa chừng hơn 1 hải lý. Chúng tôi huy động hàng chục chiếc thuyền buồm, thuyền nan đánh cá của bà con ngư dân, chèo ra áp mạn chiếc tàu lớn, làm thủ tục rồi đưa các CBCS, cùng các em nhỏ của miền Nam cập vào chiếc cầu phao dài hàng trăm mét, để mọi người đi bộ vào bờ. Mỗi chiếc thuyền cá chỉ chở được khoảng 40 người, nên những chuyến thuyền cứ ra vào liên tục hơn nửa ngày trời mới đón hết đồng bào từ tàu há mồm. Khỏi phải nói cán bộ, nhân dân hai miền gặp nhau vui mừng, hồ hởi thế nào. Mọi người ùa vào nhau, ôm chặt lấy nhau mà thăm hỏi. Tôi nhớ có khoảng 62 đoàn khách của trung ương, tỉnh nhà, tỉnh bạn, huyện bạn..., về đón đồng bào miền Nam".

"Sự đón tiếp phải nói là rất nồng hậu, trọng thị, hết sức tuyệt vời !" - ông Châu Hồng Hải (79 tuổi, hiện ở thôn Thanh Ban, xã Vạn Hòa, Nông Cống), nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 307 anh hùng, sau này chuyển sang công an vũ trang, học khóa đầu tiên của C500, ấn tượng về lần đầu tiên đặt chân lên cảng Hới. Sau chuyến đi dài ngày, ai cũng mệt mỏi rã rời vì lần đầu lênh đênh trên biển, bị say sóng nặng. Đến cửa Hới, được nhân dân miền Bắc đón tiếp trọng thị, thân tình, thấy phố phường nhộn nhịp, dòng người đông vui, áo váy, cờ hoa rực rỡ, tiếng hát hò vui nhộn... thì sự mệt mỏi như biến đi mất. Bộ đội miền Nam dẫu trải qua trăm trận, nhưng vốn chủ yếu sống và chiến đấu ở rừng, đời sống gian khổ, nên nhìn thấy gì ở miền Bắc cũng mới mẻ, choáng ngợp.

Thầy giáo Lê Vạn Phiên trên bãi biển quê nhà.

 

Ông Hải nhớ rõ về những người đồng hành nhỏ tuổi với mình trên chuyến đi đó: "Ban đầu, khoảng 2.000 người lính chúng tôi tập trung ở Cà Mau, đi tàu lớn của Pháp ra Cần Thơ, rồi lên tàu biển của Liên Xô ra Bắc. Cùng đi với chúng tôi còn có rất nhiều cháu bé, hoặc có cha mẹ đi cùng, hoặc không. Đó là chuyến đi khá gian nan, ra đến Thanh Hóa thì lại gặp bão, tàu phải loanh quanh tránh ở đảo Hòn Mê mất hơn 1 ngày, đến tận 16 giờ ngày hôm sau mới được thuyền nhỏ ra đón vào bờ. Trong cơn biển động dữ dội, người lớn cũng say ghê gớm huống hồ các em nhỏ, ai nấy nôn mật xanh mật vàng nhớ đời. Vậy nên, chúng tôi được bà con đón tiếp tận tình bao nhiêu thì các em nhỏ càng được ưu tiên, quan tâm, chăm sóc hơn gấp bội. Rất nhiều người ra tận cầu cảng đón, người thì bế, người thì cõng các em về lán tắm táp, vỗ về, cho ăn uống, thay quần áo, chải đầu... Về sau tôi mới biết đó là các giáo viên và cấp dưỡng của Trường học sinh miền Nam đi đón học sinh của mình".

Trong số những người thầy ra bến tàu đón và bế học sinh miền Nam từ bờ biển có thầy giáo Đàm Lê Cẩn (nay đã 78 tuổi), một trong 7 nhà giáo được chọn để gặp Chủ tịch nước, Bộ Giáo dục và Trung ương Hội Cựu giáo chức nhân Ngày tôn vinh các thế hệ nhà giáo tại Phủ Chủ tịch ngày 20/11/2007. Tuy tuổi cao, nhưng thầy Cẩn còn khỏe mạnh, minh mẫn, phong thái đạo mạo, mô phạm nên nhiệt tình tham gia làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thị xã Sầm Sơn.

Đầu tháng 7/1954, khi thầy Đàm Lê Cẩn tròn 22 tuổi, đang là giáo viên của ngôi trường mang tên nữ Anh hùng liệt sĩ Bùi Thị Cúc thì được UBND tỉnh, Ty Giáo dục Thanh Hóa cử vào dạy ở Trường học sinh miền Nam. Những người thầy được chọn vào dạy ở đây đều phải đáp ứng đủ những tiêu chuẩn rất gắt gao, ngoài tuổi trẻ, trình độ chuyên môn cao, đạo đức tốt, phải có lòng yêu nghề mến trẻ, có năng khiếu về thể dục thể thao, văn nghệ... để ngay từ những bài học đầu tiên, các em học sinh sẽ được tiếp thu một sự giáo dục tốt nhất.

"Lúc đó, tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị nhiều trường học, tuy tranh tre nứa lá, nhưng khang trang, sạch đẹp để đón các em vào lớp. Các ngôi trường mang tên theo số thứ tự 1, 2, 3, 4..., nhưng đều được gọi chung là Trường học sinh miền Nam. Tôi dạy học ở Trường số 9 nằm gần chân núi Văn Trinh (làng Kỳ Vĩ, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương), với khoảng gần 200 em học sinh chia làm 4 lớp. Lớp do tôi phụ trách có khoảng 45 em, phần đông ở lứa tuổi 13-15, còn lại là các em bé hơn. Các em học tập, vui chơi và ăn uống tại lán trường, sau đó thì về ngủ ở nhà dân. Bà con yêu quý các em lắm, đến trường xin nhận các em làm con cái, lại đóng góp rất nhiều công sức tiền của để giúp đỡ nhà trường nuôi dạy các em. Các thầy cô giáo trẻ, do hầu hết đều chưa vướng bận gia đình, nên luôn ở bên quan tâm săn sóc các em bất kể ngày đêm".--PageBreak--

Ký ức về những "hạt giống đỏ"

Thầy giáo Lê Vạn Phiên (thôn 7, xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương) đã 82 tuổi, nhưng vẫn còn tráng kiện, minh mẫn, với chòm râu dài bạc trắng như cước và những nét chữ trên giấy trắng đẹp như phượng múa rồng bay, giao tiếp lưu loát bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp.

Trong ấn tượng của người thầy giáo già này thì học sinh trong trường miền Nam ngoan và hồn nhiên lắm. Thời gian đầu, các em nam còn dè dặt, sau thì cũng nghịch, đúng là "nhất quỷ nhì ma". Các em nữ thì hiền lành hơn, nhưng hay khóc nhớ nhà nên khiến thầy cô giáo trẻ vất vả không kém. Vì thầy trò cùng sinh hoạt như một gia đình lớn nên các em thường gọi "chú", "cô", xưng "con", mãi đến dịp 50 năm gặp lại, khi tóc của cả thầy và trò đều bạc, thì mới nghe các em gọi là "thầy" xưng "trò".

Thầy Lê Vạn Phiên cho biết thêm: "Mỗi lớp học có một thầy chịu trách nhiệm bảo ban, truyền thụ một cách toàn diện về kiến thức văn hóa, xã hội cho các em như những người cha. Có 3-5 nữ hộ lý chuyên chăm lo việc cấp dưỡng cơm nước ăn uống, sức khỏe, ngủ nghê, giặt giũ... như những người mẹ. Ngoài giờ học, các em thường được dẫn đi sinh hoạt ngoại khóa, được tắm táp, bắt chấy, dạy nữ công hay chơi thể thao. Các em còn nhỏ, lại sống xa gia đình vì bố mẹ ở lại miền Nam, hoặc ra Bắc thì đi làm nhiệm vụ ở các địa bàn khác, nên nỗi nhớ cha mẹ là khắc khoải nhất. Đêm đến, đặc biệt là các em nữ thì khóc đòi cha mẹ dữ lắm. Tôi vẫn nhớ như in trường hợp một học sinh đang đêm bỏ trường đi tìm cha mẹ vì nhớ quá. Lúc đó trời tối đen như mực, các thầy cô hốt hoảng đốt đuốc đi tìm, gào gọi. Đoán em học sinh ấy đi về hướng biển Sầm Sơn, nơi cha em đang đóng quân, nên mọi người dồn về hướng đó. Quả nhiên, đi khoảng 2km thì thấy em học sinh đó đang lủi thủi vừa đi vừa khóc. Các thầy cô lại phải bế về trường, dỗ dành mãi mới thôi".

Dòng người tập kết cập bến tại cảng Hới (Thanh Hóa) năm 1954 (ảnh tư liệu do Lê Anh Hoài cung cấp).

Những người tham gia công tác ươm mầm "hạt giống đỏ" mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều chung một ấn tượng xúc động về tấm lòng vô tư, trong sáng của các em học sinh miền Nam. Thời điểm năm 1954-1955, nhân dân miền Bắc đói lắm, tỉnh Thanh Hóa đói nặng, vùng quê Quảng Xương mặn mòi cát trắng lại càng đói hơn, vì cả nước vừa dồn hết sức lực, công của cho trận quyết chiến với thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên.

Nhưng ai cũng biết chủ trương của Đảng, của Bác Hồ, ai cũng muốn chăm lo thật tốt cho CBCS miền Nam tập kết, đặc biệt là học sinh miền Nam. Người chiến sĩ già Châu Hồng Hải rơm rớm nước mắt khi nhớ về thời gian ở cùng với dân, hàng ngày bộ đội mượn nồi niêu, bát đũa để nấu cơm ăn, nhưng thường thấy tối mịt bà con mới đem nồi về đỏ lửa.

Mãi sau mới biết, thì ra bữa ăn của bà con không có ngô gạo, chỉ toàn rau má, nên phải ăn giấu cho bộ đội yên tâm. Ở hoàn cảnh đó, học sinh miền Nam vẫn được Nhà nước và Bác Hồ đặc biệt quan tâm, bữa cơm ăn toàn gạo trắng tinh, không độn thêm khoai sắn gì, thức ăn đầy đủ thịt, gà, cá, trứng theo tiêu chuẩn 18 đồng/tháng, được chăm lo cẩn thận về y tế.

"Nhân dân liên tục đứt bữa, các thầy cô giáo cũng đói quá trời, nhưng tình cảm và trách nhiệm với các em thì luôn tràn trề. Nếu cần gì cho học sinh, thì dù con gà đang nhảy ổ, con cá, con tép hay củ khoai mới mót được ngoài đồng cũng không ai tiếc, sẵn sàng đem đến trường cho học sinh. Ngày lễ tết, các em được người dân đón về nhà cùng ăn bánh chưng, may cho quần áo mới, dù con cái trong nhà họ vẫn lam lũ, đói khát. Mỗi bữa cơm, học sinh đều tập trung ăn uống riêng tại trường, nên chưa biết cái đói khốc liệt của người khác, kể cả của các thầy, cô đang chăm bẵm mình. Người lớn khi đói thì dằn lòng bấm bụng được, nhưng đám trẻ con trong xóm đói bụng ngửi thấy mùi cơm gạo thơm phức, thì quên lời cha mẹ dặn, cứ đứng xa nhìn học sinh ăn. Mỗi lần bắt gặp các em học sinh lén đem bát cơm, miếng bánh của mình đưa qua hàng rào cho tụi trẻ, cả các thầy giáo và người dân cùng nghẹn ngào rơi lệ" - thầy giáo Lê Vạn Phiên cho biết thêm.

Cứ thế, tình cảm của người dân, của thầy và trò thêm gắn bó sâu sắc, như ruột thịt. Nhưng Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc chỉ đóng ở Thanh Hóa chừng gần 2 năm, đến năm 1956 thì có chủ trương chuyển ra các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Hà Tây... để học sinh có điều kiện học hành tốt hơn. "Đã quen đất mến người, mến thầy, nên khi chia tay, học sinh khóc dữ lắm, cứ đòi các chú đi với chúng con. Các thầy giáo được điều chuyển ra Bắc cùng học sinh, nhưng có nhiều thầy cô vì hoàn cảnh gia đình nên xin ở lại. Các thầy giáo, nhân dân cùng ra tiễn học sinh lên xe ôtô, lưu luyến lắm. Sau đó, thỉnh thoảng chúng tôi cũng nhận được thư của các em, có nhiều thư từ nước ngoài, gửi về thăm hỏi sức khỏe thầy cô cùng bà con lối xóm. Sau này chúng tôi được biết, những "hạt giống đỏ" ngày nào đều đã trưởng thành, đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng, trong kháng chiến cũng như công cuộc xây dựng đất nước hiện nay" - những người thầy giáo già tâm sự.

Suốt những năm từ 1954 đến 1975, Đảng và Nhà nước đã đưa hơn 30.000 học sinh miền Nam ra Bắc để đào tạo tại các trường phổ thông và bổ túc văn hóa. Nhiều học sinh sau đó tiếp tục được cử đi học ở nước ngoài để nâng cao kiến thức, nhiều em thì trở lại chiến trường miền Nam cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có những người hiện đang giữ những chức vụ quan trọng của đất nước nhưng cũng nhiều người thầy và cả học trò nhỏ ngày xưa đã không còn nữa...

Sau 50 năm, năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ban liên lạc Học sinh miền Nam trên đất Bắc đã mời các thầy giáo đến dự buổi gặp mặt cảm động tại Hải Phòng. Cả thầy và trò mái tóc đều đã bạc...

Hôm cuối tháng 9 vừa rồi, thầy giáo Đàm Lê Cẩn gọi điện hồ hởi báo tin: “Tháng 10 này chúng tôi sẽ được gặp lại các em học sinh miền Nam trên đất Bắc, tại Hà Nội, nhân dịp 55 năm...”

Lê Quân
.
.