Hệ thống "gái giải khuây" giúp binh sĩ... thư giãn
Vừa qua, thị trưởng trẻ tuổi của thành phố Osaka, Toru Hashimoto, đã khiến giới chức Tokyo Nhật Bản đau đầu vì những phát biểu rất phi chính trị. Tại một cuộc họp ngày 20/5, ông Toru bất ngờ tuyên bố: Nô lệ tình dục trong chiến tranh là cần thiết và thậm chí còn thừa nhận Nhật Bản đã dùng phụ nữ để giải quyết nhu cầu của các binh sĩ. Ông cho rằng hệ thống "gái giải khuây" đã giúp các binh sĩ đang mạo hiểm tính mạng có một cơ hội được nghỉ ngơi và thư giãn sau những cuộc chiến căng thẳng.
Toru Hashimoto còn bồi thêm rằng, ngay cả Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Hàn Quốc cũng từng dùng phụ nữ để mua vui. Phát biểu của Toru Hashimoto đang khơi dậy những nỗi đau chiến tranh còn tồn tại dai dẳng tại nhiều nước, làm dấy lên luồng phản ứng kịch liệt vì vấn đề lạm dụng phụ nữ luôn rất nhạy cảm và chưa được giải quyết xong.
Phát ngôn "vạ miệng" của Toru Hashimoto khiến nhiều quốc gia buộc phải bày tỏ mối quan ngại về cách dàn lãnh đạo Nhật Bản dẫn dắt tư tưởng đất nước và đào tạo thế hệ trẻ. Ông Hashimoto, người đồng sáng lập đảng Phục hưng Nhật Bản và được cho là thủ tướng tương lai của nước này, là một thống đốc trẻ nhất trong lịch sử Nhật Bản trước khi trở thành thị trưởng Osaka. Năm ngoái, chính trị gia trẻ tuổi này cũng từng gây sốc với phát ngôn rằng Nhật Bản cần một "nền chuyên chính".
Phát ngôn sốc và đề xuất “điên rồ”
Phát biểu với báo giới gần đây, Toru Hashimoto cho rằng Nhật Bản cần xem xét lại lịch sử và xin lỗi vì những nỗi đau đã gây ra với phụ nữ trong thời chiến. Mặc dù vậy, chính trị gia đang lên này khẳng định chế độ nô lệ tình dục là "cần thiết" cho những binh lính dũng cảm. "Trong tình huống mà đạn bay như mưa, người lính có thể mất mạng bất cứ khi nào. Nếu bạn muốn họ có được chút thanh thản trong tình hình như vậy thì hệ thống "gái giải khuây" là điều cần thiết và mọi người có thể thông cảm được".
Theo đó, nhận xét của Thị trưởng Hashimoto cho rằng những quân nhân được phép lui tới các nhà thổ hợp pháp để mang tới cho họ một lối thoát trước những nỗi thất vọng, nếu không có thể dẫn đến bạo lực hoặc tội phạm.
Tại cuộc họp báo khác hôm 21/5, Thị trưởng Osaka cũng cố gắng biện hộ khi cho biết mục đích của phát ngôn kể trên không phải là rũ bỏ trách nhiệm của Nhật Bản. "Tôi đã dùng từ "cần thiết", nhưng điều đó không có nghĩa là cá nhân tôi cho là cần thiết. Tôi nghĩ việc các binh sĩ sử dụng phụ nữ là một thực tế lịch sử".
Hai nạn nhân là phụ nữ Hàn Quốc từng bị ép làm nô lệ tình dục phản đối trước Đại sứ quán Nhật Bản. |
Thừa nhận là trong quá khứ quân đội Nhật đã làm những việc "kinh khủng" nhưng ông cũng muốn nói không chỉ riêng Nhật mới có vấn đề đó. Tại cuộc họp của đảng Phục hưng Nhật Bản, Toru Hashimoto đã tuyên bố sau Chiến tranh thế giới thứ 2, các binh sĩ Mỹ, Anh, Đức, Pháp và ngay cả binh lính Hàn Quốc cũng đã "xài" phụ nữ.
Hồi giữa tuần trước, trước các đài truyền hình, ông này cũng đã từng nói các phụ nữ châu Á phục vụ cho binh lính Nhật hoàng trong nhà chứa là điều cần thiết, nhưng lại thừa nhận đa số họ hành động "trái với ý muốn và bị ép buộc". Với lập luận này, ông đã trâng tráo bảo vệ chuyện binh lính Nhật hoàng bóc lột thân xác phụ nữ.
Bản thân Toru Hashimoto có vẻ thích thú khi nói chính binh lính Mỹ từng đóng quân trên đảo Okinawa đã giúp cho "nền công nghiệp sung sướng" ở đây phát triển. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Okinawa đã biến thành một nơi kết hợp giữa thiên đường nghỉ dưỡng và căn cứ chiến lược của Mỹ tại Thái Bình Dương với khoảng 47.000 lính Mỹ tại Nhật Bản, như một phần của thỏa thuận an ninh. Tội phạm cũng đi kèm với sự xuất hiện của hàng ngàn quân nhân trẻ, bao gồm cưỡng dâm và hành hung. Ở thời hoàng kim, khi phố đèn đỏ chưa bị chính quyền tỉnh Okinawa xóa bỏ, mỗi cô gái tại đây có thể phục vụ tới 10 khách nước ngoài mỗi ngày. Thậm chí một vài binh sĩ còn tiết lộ cả thứ bậc và căn cứ nơi họ đang đóng quân.
Ông công khai đặt ra câu hỏi rằng tại sao quân đội những nước khác cũng duy trì hệ thống nô lệ tình dục tương tự nhưng chỉ riêng Nhật Bản bị chỉ trích. Toru Hashimoto cho rằng riêng Nhật Bản là quốc gia duy nhất dám chịu trách nhiệm với những phụ nữ mua vui. Thị trưởng thành phố Osaka cho hay điều này khiến ông cảm thấy "xứ sở mặt trời mọc" đang bị xúc phạm nghiêm trọng vì một lỗi lầm "ở đâu cũng có" trong quá khứ.
Phần lớn các nhà sử học đánh giá có khoảng 200.000 phụ nữ bị ép buộc làm trò mua vui cho binh lính Nhật hoàng trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Hầu hết đó là các phụ nữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines Đài Loan và Indonesia làm trong các nhà chứa trong các căn cứ Nhật. Khoảng 75% số phụ nữ này đã chết trong khi những người sống sót phải chịu đựng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Vấn đề phụ nữ giải sầu trong thời kỳ này vẫn được coi như là một di chứng lịch sử liên quan trực tiếp đến trách nhiệm trong quá khứ quân phiệt của nước Nhật.
Chính Toru Hashimoto đã đưa ra một đề xuất táo bạo: Gia tăng số lượng "gái giải khuây" để giảm nạn hiếp dâm. Theo đó, binh lính một số quốc gia còn đóng tại Nhật Bản được phép qua lại với gái mại dâm, nếu có thể ngăn chặn nạn hiếp dâm nhằm vào các phụ nữ bản địa. "Hashimoto luôn giải quyết rắc rối theo cách mà những chính trị gia khác chỉ muốn tránh xa. Và đó chính là nét đặc trưng nhất của ông ấy", một gái gọi ở thành phố Naha, thủ phủ tỉnh Okinawa, bình luận về đề xuất mới nhất của thị trưởng.
Ý tưởng điên rồ xây dựng các "akasuri" nhằm hợp pháp hóa mại dâm ở Nhật Bản. |
Một tin vui cho Hashimoto là đề xuất của ông đã nhanh chóng được hiện thực hóa, dưới dạng các "akasuri" (tiệm mát xa toàn thân), với giấy phép mại dâm hợp pháp. Hầu hết các akasuri đều có chung một diện mạo, đó là ánh đèn đỏ mờ ảo, các cô gái xinh đẹp và những tấm áp phích đầy khiêu khích. Thậm chí, những người điều hành các akasuri còn gửi cả tờ rơi và phiếu giảm giá tới các quán bar, nhà nghỉ và khách sạn trong khu vực.
Tuy nhiên, thực tế xã hội Nhật Bản đang nghi ngờ về tính hiệu quả của đề xuất "điên rồ" này. Chẳng có cơ sở nào đảm bảo chắc chắn rằng tình trạng cưỡng bức sẽ không tái diễn khi các cô gái được hành nghề một cách hợp pháp. Không thể ngăn chặn những vụ cưỡng bức bằng cách sử dụng dịch vụ mại dâm. Một binh sĩ 29 tuổi cho biết anh hiểu những gì Hashimoto muốn nói, nhưng "đề xuất của ông ấy thể hiện sự thiếu tôn trọng với phụ nữ. Thật là thiển cận". Anh cho rằng, việc giáo dục lại binh sĩ là biện pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục.
"Gây bão" cả trong và ngoài nước
Đầu tuần qua, lời phát ngôn của chính trị gia trẻ tuổi này cũng gây ra làn sóng phản đối tại Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi đó phía Mỹ tuyên bố những lời nói của Toru Hashimoto là gây tai tiếng và lăng nhục. Tờ Yonhap của Hàn Quốc trích lời một quan chức chính phủ nói rằng phát ngôn của ông Hashimoto thể hiện "một sự thiếu hiểu biết về lịch sử trầm trọng cũng như thiếu tôn trọng quyền con người".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng việc ép buộc các nô lệ tình dục, còn được gọi là "gái giải khuây", là tội ác nghiêm trọng của quân đội Nhật Bản, là hành vi vi phạm nhân quyền làm ảnh hưởng tới nhân phẩm của các nạn nhân. "Cách Nhật Bản đối diện với quá khứ sẽ quyết định tương lai", người phát ngôn nói, và thêm rằng các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế sẽ phải chờ xem Nhật Bản lựa chọn như thế nào.
Các nhà lập pháp và tổ chức nhân quyền tại các quốc gia này đã nhanh chóng phản ứng với những lời bình luận của Toru Hashimoto. Shoko Toguchi, thành viên của một nhóm nữ quyền cho rằng Hashimoto thiếu ý thức về nhân quyền và không thể cảm nhận được nỗi đau của người dân Okinawa. "Hệ thống phụ nữ mua vui là không cần thiết. Những bình luận của ông Hashimoto là hoàn toàn sai trái. Nhật Bản là kẻ xâm lược rõ ràng trong chiến tranh, là một thực tế chúng ta phải đối mặt".
Hành động gây sốc của thị trưởng Osaka cũng vấp phải sự chỉ trích của người dân trong nước. Theo kết quả thăm dò của báo Nhật, 75% trong 3,600 người được hỏi nhận xét phát ngôn của Toru Hashimoto có vấn đề. Ngày 21/5, người phát ngôn chính phủ Yoshihide Suga buộc phải nhắc lại quan điểm chính thức rằng Nhật Bản đã thừa nhận gây đau khổ cho nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Trong bối cảnh kỷ niệm 41 năm Okinawa được Mỹ trả lại cho Nhật Bản (năm 1972), phản ứng càng trở nên dữ dội. 25 tổ chức phụ nữ tại Okinawa đã mạnh mẽ phản đối bình luận của Toru Hashimoto và yêu cầu một lời xin lỗi từ Thị trưởng Osaka bằng một bản thông báo nói rằng chuỗi đảo "vẫn sống giữa những vết sẹo chưa liền từ chiến tranh và những bạo lực hàng ngày do quân đội gây ra".
"Cho dù là trong thời chiến hay không, quan điểm sử dụng phụ nữ như một công cụ (để giải tỏa nhu cầu tình dục) là vô cùng quá quắt", bà Masako Ishimine, một thành viên của cơ quan phụ nữ địa phương cho hay. "Có phải ý của ông ấy là phụ nữ nên chấp nhận điều này bởi đàn ông đã phải làm việc vất vả?"
Những tuyên bố nhằm chứng tỏ tinh thần dân tộc của Toru Hashimoto đã khiến chính quyền Tokyo không khỏi lúng túng. Qua lời Tổng thư ký văn phòng nội các, Tokyo đã phải nhanh chóng lên tiếng nói rằng Nhật Bản thừa nhận những đau khổ mà nhiều dân tộc trong vùng phải chịu đựng. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản từng xin lỗi chính thức về vấn đề này hồi năm 1993, cũng tuyên bố không liên quan hay chịu bất cứ trách nhiệm nào liên quan đến phát ngôn của ông Hashimoto.
Các nhà phân tích thì cho rằng phát ngôn của nhiều chính trị gia nổi tiếng ở Nhật gần đây về lịch sử là kết quả của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang lên ở Nhật Bản và tình hình kinh tế nhiều vấn đề của nước này. Bình luận của Thị trưởng Toru Hashimoto trắng trợn thách thức công lý lịch sử và lương tâm nhân loại. Theo Zhou Yongsheng, chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, sự thật lịch sử không thể chối cãi là quân đội Nhật Bản ép rất nhiều phụ nữ làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong thời Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Trước sức ép dư luận rất lớn, ngày 24/5 vừa qua, Toru Hashimoto đã phải công khai xin lỗi trên truyền hình: "Tôi nghĩ mình phải xin lỗi vì những gì binh lính Nhật đã làm, đó là gặp những "gái giải khuây". Tôi rất xin lỗi vì nước Nhật đã có cả một hệ thống như vậy, dù "gái giải khuây" bị ép hay tự nguyện vào làm việc. Đó là một điều không hay ho và không bao giờ được lặp lại. Đó là kết quả của bi kịch chiến tranh, trách nhiệm thuộc về chiến tranh cũng như Nhật Bản".
Lẽ ra sẽ có hai bà lão người Hàn Quốc, từng là nô lệ tình dục bị ép buộc phục vụ binh sĩ Nhật, có mặt để nghe ông chính trị gia thích "vạ miệng" này xin lỗi trực tiếp, nhưng hai bà đã từ chối vào giờ chót vì sợ thấy ông thị trưởng "diễn trò xin lỗi". Song song với vụ việc này, Toru Hashimoto cũng phân trần rằng đã có những phát ngôn tế nhị gây hiểu lầm phía sau ý tưởng hợp thức hóa một hệ thống giải trí người lớn cho binh lính ngoại quốc tại Nhật. Ông thừa nhận không ngờ cụm từ "giải trí người lớn" bị dư luận hiểu lầm thành mại dâm, tuyên bố bản thân thiếu tế nhị ngoại giao và cần thêm thời gian để trau dồi vốn từ cũng như phong cách giao tiếp với công chúng...