Hiệp định Paris - Những góc nhìn đa chiều từ tư liệu lần đầu công bố

Thứ Hai, 16/07/2018, 21:32
Sau 45 năm ngày Hiệp định Paris được ký kết, lần đầu tiên, một triển lãm về Hiệp định cũng như quá trình dẫn đến ký kết Hiệp định, hành trình ròng rã tìm kiếm hòa bình cho các bên liên quan từ hơn nửa thế kỷ trước được cơ quan lưu trữ của 2 quốc gia Việt Nam và Mỹ phối hợp tổ chức.

Đây cũng là lần đầu tiên, diễn biến về Hội nghị Paris được giới thiệu với những góc nhìn đa chiều qua tư liệu của đầy đủ các bên tham gia.

Gợi mở ký ức

Những ngày này, trong số khách thập phương về tham quan Bảo tàng Hà Nội, có không ít nhà nghiên cứu lịch sử và cả những người cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, đặc biệt là thành cổ Quảng Trị những năm 1968, 1972. Họ không đến để chiêm ngưỡng các hiện vật cổ xưa về Thăng Long - Hà Nội mà tìm hiểu về những tư liệu, hiện vật của triển lãm “Hội nghị Paris - Đường đến hòa bình”.

Hình ảnh cố vấn đặc biệt của Chính phủ Hoa Kỳ - ông Henry A.Kissinger - và cố vấn đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - ông Lê Đức Thọ - bắt tay sau khi ký kết thực hiện Hiệp định Paris 1973 do Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ cung cấp.

Không quá ngạc nhiên nhưng vui mừng, đó là chia sẻ của PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử và cũng là của khá nhiều nhà nghiên cứu có mặt tại Bảo tàng Hà Nội trong ngày khai mạc triển lãm. Bởi, nói theo cách của PGS.TS Đinh Quang Hải thì 120 hiện vật được trưng bày lần này đã góp phần phản ánh một phần Hội nghị Paris và Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973.

Nhiều tài liệu trong đó, ông đã được tiếp xúc qua các “kênh” thông tin khác nhau và chủ yếu là tài liệu từ phía Việt Nam. Nhưng đáng quý là ở chỗ, được trưng bày tại triển lãm lại là tài liệu lưu trữ, là tài liệu gốc. Trong công tác nghiên cứu, tài liệu lưu trữ là tài liệu cấp 1, là tài liệu có giá trị nhất, nói lên sự thật về diễn biến, quá trình diễn ra đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định. Chắc chắn, số lượng tài liệu hiện vật lần này sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình biên soạn Lịch sử Việt Nam 30 tập mà Viện Sử đang thực hiện.

Cũng theo PGS.TS Đinh Quang Hải thì khá nhiều tư liệu, hiện vật trưng bày tại triển lãm “Hiệp định Paris - Đường đến hòa bình” không phải nhà nghiên cứu nào cũng dễ dàng có điều kiện tiếp cận. Ngay với một người làm công tác nghiên cứu lịch sử gần 40 năm như ông cũng tìm được khá nhiều điều mới mẻ, thú vị.

Có thể dễ thấy nhất là mô hình chiếc bàn tròn và sơ đồ về vị trí chỗ ngồi của 4 đoàn tham gia đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định Paris 1973. Nhắc đến Hiệp định này, hầu hết mọi người đều đã ít nhiều hiểu về tính chất quan trọng cũng như sự căng thẳng của các bên trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, căng thẳng đến mức phải đấu tranh cả vị trí ngồi đàm phán thì không phải ai cũng biết.

Thực tế, ngay tại triển lãm, không ít khách tham quan vô cùng ngạc nhiên khi được giới thiệu, chiếc bàn tròn phủ vải xanh ngay khu vực đầu tiên là mô hình bàn tròn 4 bên tham gia đàm phán tìm kiếm giải pháp cho hòa bình Việt Nam tại Paris 45 năm về trước. Vì không thống nhất được vị trí ngồi trên bàn đàm phán nên nước chủ nhà Pháp đã đứng ra nhận thiết kế, sắp xếp vị trí cho các bên. Sáng kiến được chấp nhận là chiếc bàn tròn, phủ vải màu xanh, được hoàn thiện chỉ sau 1 đêm để kịp phục vụ hoạt động đàm phán hôm sau.

Đại diện Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ và đại biểu bên mô hình bàn đàm phán Hiệp định Paris.

Dịp này, hàng loạt các câu chuyện hậu trường đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định và tư liệu liên quan cũng được giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Đó không chỉ là trọn vẹn lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm kháng chiến, cứu quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1966; là hình ảnh về những đoàn xe của quân dân Việt Nam  Dân chủ Cộng hòa ngày đêm chở hàng ra tiền tuyến từ những năm 1967; mà còn là bản đồ về tuyến phòng thủ Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn trong dịp tết Mậu Thân của Sư đoàn Không vận 101 (ngày 31-1-1968).

Đây là lần đầu tiên, tấm bản đồ được cơ quan Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ đưa đến Việt Nam trưng bày và cũng là một trong những hiện vật tạo sự chú ý đặc biệt của người làm nghiên cứu lịch sử. Hình ảnh những quả bom xếp thành hàng dài tăm tắp được Hải quân và Không quân Mỹ chuẩn bị cho chiến dịch Linebacker (Chiến tranh phá hoại) ở miền Bắc Việt Nam ngày 15-12-1972 do Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ cung cấp, kết hợp hình ảnh những ngôi nhà đổ nát, con phố Khâm Thiên tan hoang sau mỗi trận bom giúp người xem cảm nhận đến tận cùng sự tàn phá và nỗi đau của chiến tranh.

Nỗi đau ấy cũng không chỉ hiện diện từ phía người dân Việt Nam mà còn là nỗi đau chia cắt của cả người dân Mỹ được tái hiện bằng lá thư của cậu bé mới hơn 10 tuổi PamKapLan gửi Tổng thống Mỹ Nixon ngày 7-12-1970 đề nghị chấm dứt chiến tranh vì em họ của cậu đang chiến đấu tại Việt Nam. Lá thư này đã được Tổng thống Mỹ lưu giữ, chuyển cho cơ quan Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ bảo quản.

Để những đau thương không lặp lại

Trao đổi về triển lãm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng nhấn mạnh: Hội nghị Paris được coi như là một cuộc đấu trí lâu dài nhất trong lịch sử, là đỉnh cao và mốc son chói lọi của ngành ngoại giao Việt Nam. 45 năm đã qua nhưng những kinh nghiệm lịch sử, bài học quý giá của Hội nghị Paris vẫn được các học giả trong nước và ngoài nước nghiên cứu.

Tấm bản đồ về tuyến phòng thủ Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân của Sư đoàn Không vận 101 (ngày 31-1-1968) lần đầu công bố.

Triển lãm “Hiệp định Paris - Đường đến hòa bình” là hoạt động đồng hành cần thiết của người làm công tác lưu trữ với các nhà nghiên cứu trong hoạt động nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là Hiệp định Paris 1973. Gần 120 tài liệu lưu trữ, hình ảnh, hiện vật gốc nhằm tái hiện quá trình dẫn đến Hội nghị Paris, diễn biến và kết quả hội nghị, việc thực thi Hiệp định Paris và những tác động của Hiệp định tới cuộc đấu tranh giành độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước Việt Nam được giới thiệu rộng rãi đến công chúng cung cấp thêm nhiều góc nhìn đa chiều về sự kiện lịch sử này.

Tư liệu trưng bày được sưu tầm, công bố từ nhiều phía. Trong đó, phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa có bức thư của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu gửi Tổng thống Mỹ. Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ cũng đã cung cấp lá thư phúc đáp của Tổng thống Nixon về quan điểm của Mỹ về chiến tranh Việt Nam, hình ảnh cố vấn đặc biệt của Chính phủ Hoa Kỳ - Henry A.Kissinger và cố vấn đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - ông Lê Đức Thọ bắt tay sau khi ký kết thực hiện Hiệp định Paris 1973. Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc phóng viên vây quanh Tổng thống Nixon trong thời điểm tuyên bố thông qua Hiệp định, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam...

Chiếc xoong nhôm còn nguyên vẹn mảng xi màu đỏ tươi vốn là công cụ được các thành viên của phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mang đến bàn đàm phán và kỳ cạch “sản xuất” xi tại chỗ để niêm phong bản ký kết trong khi các đối tác chỉ việc nhẹ nhàng gắn lại bằng công cụ hiện đại là minh chứng không thể sinh động hơn về một thời gian khó của đất nước.

Thư gửi Tổng thống Mỹ của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.

Bảng tập hợp hơn 10.000 chữ ký của người dân Cuba được cẩn thận đóng bìa da từ trước Hiệp định Paris thêm một lần khẳng định sự đồng hành của bạn bè quốc tế với nhân dân Việt Nam trong cuộc trường chinh đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Tất nhiên, để có được kết quả ban đầu trưng bày tại triển lãm hôm nay là cả một hành trình không ngắn. Như tiến sĩ Trần Hoàng, nguyên Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước chia sẻ là hành trình này đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước. Cụ thể là vào khoảng năm 2007, đoàn công tác của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã có những buổi tiếp xúc đầu tiên với Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ.

Mặc dù người làm lưu trữ đã được biết đối tác có rất nhiều tài liệu quý hiếm, trong đó có cả những tư liệu của đất nước mà sau khi về lại Việt Nam, ông đã tìm khắp các nơi vẫn không có, mong muốn đưa trở lại công bố tại quê hương nhưng lực bất tòng tâm. Ông hy vọng, triển lãm lần này sẽ là khởi đầu nhiều tốt đẹp cho quá trình hợp tác giữa Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước với Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ. Với sự hợp tác này, chắc chắn, người làm nghiên cứu sẽ có thêm nhiều tư liệu, tiếp cận lịch sử một cách khách quan, chính xác hơn.

Về phía Mỹ, ông David S. Ferriero, Giám đốc Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ cũng chia sẻ: Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ hiện đang lưu trữ hơn 15 tỷ hiện vật, 14 thư viện về các đời Tổng thống Mỹ. Các giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam được thể hiện rất rõ trong các kho tư liệu lưu trữ này. Tài liệu lưu trữ tại Mỹ cũng cho thấy, chiến tranh không chỉ chia cắt người Việt mà còn chia cắt cả người dân Mỹ. Bản thân ông cũng từng là một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam.

Từ khi lên tàu rời Đà Nẵng với vai trò là thành viên của Bệnh viện Hải quân Mỹ năm 1971, đây là lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam. Ngay từ thời điểm ấy, ông đã vô cùng yêu thích vẻ đẹp của đất nước này và rất cảm kích trước mong muốn chấm dứt chiến tranh của người dân Việt Nam. Trở lại Việt Nam sau gần 50 năm để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai nhưng cũng là chuyến trở lại đầy cảm xúc. Hy vọng, triển lãm “Hiệp định Paris - Đường đến hòa bình” là hoạt động đầu tiên mở đầu cho sự hợp tác lâu dài giữa cơ quan lưu trữ 2 quốc gia.

Mong muốn thúc đẩy hợp tác của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước với Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ không chỉ là kỳ vọng của riêng ông David S. Ferriero hay những người làm công tác lưu trữ. Bởi, nói như cách chia sẻ của PGS.TS Đinh Quang Hải thì đây là sự hợp tác rất cần thiết.

Với người làm nghiên cứu, càng có nhiều điều kiện tiếp cận tài liệu từ nhiều phía, hoạt động nghiên cứu sẽ càng đảm bảo tính khách quan, tính khoa học, đi gần đúng với sự thật lịch sử hơn, người dân và cả bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, cùng rút ra những bài học quý báu để lịch sử, nhất là những trang sử đau thương không còn lặp lại.

Minh Hà
.
.