Hồ Chí Minh trên đất nước Lênin (tiếp theo)

Thứ Hai, 06/11/2017, 14:38
Sống và làm việc trên đất nước Liên Xô, quê hương của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện để nghiên cứu, tìm hiểu về cách mạng Nga. Nguyễn Ái Quốc đã viết bài báo quan trọng: Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa.

Ngày 20-6-1924, Đại hội V Quốc tế Cộng sản đã cử ra Ban thuộc địa do Đ.D.Manuinxki đứng đầu.

Nguyễn Ái Quốc còn dự Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ (từ 7 đến 22-7-1924) và phát biểu ý kiến ngày 21-7. Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội Quốc tế Cộng sản thanh niên và Hội nghị của Tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ (14 đến 15-7-1924).

Sống và làm việc trên đất nước Liên Xô, quê hương của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện để nghiên cứu, tìm hiểu về cách mạng Nga. Nguyễn Ái Quốc đã viết bài báo quan trọng: Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa. Mở đầu bài báo, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ:

"Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra. Cách mạng Nga rất hiểu rõ điều đó".

Thẻ đại biểu tư vấn cấp cho Nguyễn Ái Quốc để tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, tổ chức tại Thủ đô Mátxcơva năm 1924.

Quan điểm đó của Nguyễn Ái Quốc xác định mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng vô sản ở các nước tư bản với cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa. Trong bài báo, Nguyễn Ái Quốc đề cập tới Đại hội Bacu - thủ đô của Adecbaidan - đại hội của các dân tộc Phương Đông họp từ ngày 1 đến ngày 7-9-1921 đã tán thành đường lối của Đại hội II Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1920) về cách mạng thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc cho rằng, sau Đại hội lịch sử đó "

nước Nga cách mạng không hề một chút do dự trong việc giúp đỡ các dân tộc mà nó đã thức tỉnh bằng cuộc cách mạng anh dũng và thắng lợi".

Ngày 15-9-1924, trong dịp triển lãm nghệ thuật tạo hình Đức tổ chức ở Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã gặp họa sĩ Thụy Điển Erich Johanson. Họa sĩ đã ký họa chân dung Nguyễn Ái Quốc và Người đã ghi bằng chữ Hán dưới bức họa: "Nguyễn Ái Quốc-Ngày 15 tháng 9 năm 1924". Hình ảnh Nguyễn Ái Quốc để lại ấn tượng sâu sắc với người họa sĩ. Hơn 40 năm sau, năm 1967, họa sĩ sang Hà Nội và được Hồ Chí Minh tiếp. Họa sĩ đã có bài viết trên báo Buổi chiều (Thụy Điển) ngày 26-12-1967 và bản dịch trên báo Nhân Dân, ngày 16-5-1980. Họa sĩ viết: "Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người".

Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản ở Phương Tây chưa biết nhiều về tình hình các nước thuộc địa và do đó chưa có sự quan tâm đầy đủ đến phong trào cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa.

Phát biểu trên diễn đàn Đại hội V Quốc tế Cộng sản và các đại hội của các tổ chức thuộc Quốc tế Cộng sản; các bài viết của Nguyễn Ái Quốc về các thuộc địa, các nước Phương Đông hay Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ viết cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc cố gắng để Quốc tế Cộng sản, các Đảng Cộng sản hiểu được thực trạng, tình cảnh giai cấp vô sản và người lao động ở các thuộc địa, những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và nhu cầu đấu tranh để tự giải phóng.

Sống và làm việc ở Liên Xô, ở Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện giao tiếp với các nhà lãnh đạo của Liên Xô: Josef Stalin, Calinin, Grigori Dinoviev, Leve Kamenev. Ngày 15-3-1924, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Chủ tịch Quốc tế Cộng sản Dinoviev nhắc lại đề nghị được gặp để thảo luận vấn đề thuộc địa của Pháp. Tháng 4-1924, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư mời dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 tại Quảng trường Đỏ. Toàn văn bức thư:

"Mátxcơva, ngày 30 tháng 4 năm 1924.

Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Theo đề nghị của Thành ủy Mátxcơva Đảng Cộng sản Nga, Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản mời đồng chí ngày mai, 1 tháng 5, từ 12 giờ đến 2 giờ chiều có mặt tại Hồng trường để nói chuyện với những người biểu tình.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản

V.Colarov".  

Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc còn tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh vì hòa bình tổ chức tại Mátxcơva. Nguyễn Ái Quốc đứng cạnh K.E.Voroshilov và Dinoviev. Nguyễn Ái Quốc thường xuyên liên hệ với Pêtơrốp, Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và Đ.D.Manuinxki, Trưởng Ban thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc gặp gỡ và trao đổi ý kiến với nhiều nhà lãnh đạo các Đảng Cộng sản trên thế giới.

Trong khoảng thời gian không dài từ giữa năm 1923 đến cuối năm 1924, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô, đối với Nguyễn Ái Quốc là những năm tháng có ý nghĩa trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Nguyễn Ái Quốc nhận thức một cách cơ bản và sâu sắc những vấn đề lý luận và thực tiễn của con đường cách mạng, nhất là sự gắn bó cách mạng giải phóng các thuộc địa với cách mạng vô sản thế giới và con đường xã hội chủ nghĩa.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Liên Xô, tháng 8-1957.

Với trí tuệ, bản lĩnh và tư duy sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc thấy rõ sự cần thiết vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là những chỉ dẫn của Lênin vào thực tiễn cách mạng thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam duy nhất có mặt, hoạt động và khẳng định vai trò trong Quốc tế Cộng sản. Người không những là đại biểu mà còn là lãnh tụ của cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc trở thành chiến sĩ quốc tế tham gia vào đời sống chính trị thế giới với tất cả sự hiểu biết rộng, tinh thần trách nhiệm và tình cảm quốc tế trong sáng. Vì vậy, Người được các đồng chí quốc tế yêu mến, tin cậy, chia sẻ không chỉ với cá nhân Người mà với cả dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc cũng tiêu biểu cho giá trị văn hóa của dân tộc và thời đại mới như nhận xét của nhà thơ Xô viết Ôxip Mandenstam và họa sĩ Thụy Điển Erich Johanson.

Ngày 25-9-1924, Nguyễn Ái Quốc nhận quyết định của Quốc tế Cộng sản đi Quảng Châu (Trung Quốc). Quyết định ghi rõ: "Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cần đi Quảng Châu. Chi phí do Ban Phương Đông chịu".

Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu. Tại đây, Người thực hiện nhiệm vụ quốc tế đông thời có điều kiện thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên (21-6-1925); mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ, viết tác phẩm Đường Cách mệnh (1927). Chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đi đến thành lập Đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam.

Tháng 4-1927, Tưởng Giới Thạch làm đảo chính ở Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc bị đàn áp. Đầu tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng Châu đi Hồng Kông rồi lên Thượng Hải để tới cảng Vlaivostok vùng Viễn Đông Liên Xô trở về Quốc tế Cộng sản. Tháng 6-1927, Nguyễn Ái Quốc có mặt ở Mátxcơva. Nguyễn Ái Quốc báo cáo với Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản về kết quả thời gian công tác ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 6-1927, hình thành nhóm cộng sản Việt Nam ở Đại học Phương Đông gồm: Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm, Trần Phú. Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho chi bộ cộng sản Việt Nam.

Tháng 9-1927, Nguyễn Ái Quốc viết bài Những tội ác kinh khủng của chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Đông Dương. Tháng 10-1927, viết bài Sự thống trị của đế quốc Pháp ở Đông Dương. Các bài báo quan trọng đó tố cáo tội ác của thực dân Pháp và thức tỉnh tinh thần đấu tranh cách mạng của các dân tộc Đông Dương.

Tháng 11-1927, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản cử đi Pháp công tác. Tháng 12, dự cuộc họp Đại hội đồng Liên đoàn chống đế quốc ở Bruselles (Bỉ) sau đó tới Berlin (Đức). Tháng 3-1928, tại Berlin, Nguyễn Ái Quốc gặp 3 người Việt Nam trên đường từ Pháp đi Liên Xô: Trần Đình Long, Nguyễn Thế Thạch, Bùi Ái. Tháng 4-1928, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản ra quyết định cử Người trở về Đông Dương theo nguyện vọng. Tháng 6-1928, Nguyễn Ái Quốc từ Đức qua Thụy Sĩ rồi sang Italy và cuối tháng đáp tàu của Nhật Bản đi Xiêm (Thái Lan).

Người hoạt động ở Xiêm từ tháng 7-1928 đến cuối năm 1929. Tháng 11-1929, rời Xiêm đi Hồng Kông (Trung Quốc). Mùa Xuân 1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản (từ 6-1 đến 7-2-1930), sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là sự phấn đấu bền bỉ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, của các tổ chức cách mạng và các chiến sĩ cách mạng tiền bối cùng với ảnh hưởng to lớn của Lênin, cách mạng Nga và Quốc tế Cộng sản. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam và là bước ngoặt lịch sử của sự phát triển của cách mạng và dân tộc Việt Nam.

Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc làm việc ở Hồng Kông. Tháng 4-1930 đến Xiêm và sang Malaysia thực hiện nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản phân công. Tháng 5, hoạt động ở Singapore, cuối tháng trở lại Hồng Kông. Tháng 6, làm việc ở Thượng Hải, Nam Kinh (Trung Quốc). Tháng 8-1930, gửi thư cho các đồng chí ở Xiêm, Malaysia và Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1930, xuất bản tác phẩm Nhật ký chìm tàu.

Đầu năm 1931, Nguyễn Ái Quốc liên lạc mật thiết với Quốc tế Cộng sản. Ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc (Tống Văn Sơ) bị chính quyền Anh ở Hồng Kông bắt giam. Với ý chí đấu tranh vì chính nghĩa và được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là luật sư Lôdơby, đồng chí Pôn Vayăng Cutuyariê và bà Tống Khánh Linh, Nguyễn Ái Quốc đã được trả tự do.

Đầu năm 1934, Nguyễn Ái Quốc trở lại Mátxcơva, tiếp tục làm việc ở Quốc tế Cộng sản. Tháng 10-1934, Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Quốc tế Lênin. Cuối tháng 7 đến tháng 8-1935, dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Năm 1936, làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Năm 1937, làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa với đề tài luận án: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Châu Á. Đầu tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva đáp xe lửa về Phương Đông tới Trung Quốc. Từ cuối 1938 đến đầu năm 1941 hoạt động ở Trung Quốc. Ngày 28-1-1941, trở về Tổ quốc qua mốc biên giới Việt Nam-Trung Quốc số 108 về huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Nguyễn Ái Quốc (từ tháng 8-1942 với tên gọi Hồ Chí Minh) đã cùng Trung ương Đảng hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại mới của dân tộc Việt Nam, thời đại gắn liền độc lập dân tộc với xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 1-1950, Hồ Chí Minh đã thăm và làm việc tại Liên Xô, gặp gỡ với Josef Stalin và các nhà lãnh đạo Liên Xô, tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Tháng 10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 7-1955, Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên Xô.

Tháng 11-1957, Hồ Chí Minh có mặt ở Liên Xô, kỷ niệm 40 năm thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và dự Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa. Tháng 1-1959, Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô.

Tháng 11-1960, Hồ Chí Minh dự Hội nghị đại biểu 81 Đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới họp ở Mátxcơva và có bài phát biểu quan trọng và ký vào bản Tuyên bố chung của Hội nghị.

Tháng 10-1961, Hồ Chí Minh dự Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô. Những năm sau đó, Người nhiều lần tới làm việc ở Liên Xô, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên Xô đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chiến tranh chống Mỹ cứu nước, góp phần tăng cường đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Tư tưởng của Lênin, nước Nga và Liên bang Xô viết-đất nước Lênin - có ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh gắn bó với Liên Xô, với nước Nga bằng tình cảm đặc biệt sâu nặng. Đó là chủ nghĩa quốc tế trong sáng, là cội nguồn nuôi dưỡng và bồi đắp tình đoàn kết bền vững giữa hai dân tộc cho đến ngày nay và mãi mãi sau này.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc
.
.