Hồ Thị Bi - Con người và nghĩa khí (tiếp theo và hết)

Chủ Nhật, 17/01/2010, 15:40
Một lần, đoàn của bà đùm cơm nắm từ Tà-nốt đến Đồng-rùm. Mưa gió, bờ suối Tha La ngập nước. Cả đoàn phờ phạc. Họ chưa vào được bờ, voi bầy từ đâu sầm sập kéo tới. Đụng voi lại mắc nước, không ai chạy được...

Được gặp Bác hồ tại Việt Bắc

Đó cũng là thời điểm quân Pháp lồng lộn điên cuồng, nham hiểm chủ trương tiêu diệt mọi nguồn sống của quân và dân 6 tỉnh miền Đông. Chúng ra lệnh bắn giết hết trâu bò để không còn sức cày, kéo trong vùng kháng chiến. Chúng coi việc giết được một con trâu là diệt được một tiểu đội Vệ quốc đoàn. Vì lẽ đó, quân dân ta phải đào hầm sâu để bảo vệ trâu bò như bảo vệ sự sống của con người. Trong tình hình nước sôi lửa bỏng đó, bà được giao nhiệm vụ luồn qua đồn bót địch, về tận Giồng Dinh, qua Bến Lức mua trâu, mang về cho căn cứ 6 tỉnh miền Đông.

Năm ấy, có người phụ nữ bé nhỏ, mảnh mai đã  đưa cả đàn trâu vượt rừng. Đàn trâu gặp thú dữ đã quây tròn lại với nhau. Ngồi trên lưng con trâu đầu đàn, bà nắm chặt dây dàm, hai chân thúc vào hông trâu cho khỏi ngã. Mặt khác, bà cũng nới lỏng dây dàm để con trâu khi cần cũng có thể chiến đấu được. Trong tình thế đó, bà chỉ cần rơi khỏi lưng trâu là tan xác. Bằng cách ấy, bà đã mua được hàng trăm trâu bò, cung cấp cho các vùng kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ. Có được trâu, đơn vị bà còn mượn cả ruộng của đồng bào để mở rộng cày cấy, trồng khoai, trồng thuốc; học cách làm xa đánh bắt cá, làm mắm cất trong các kho, vận chuyển lúa gạo, muối về căn cứ dự trữ cho trận đánh Trà Đông - Tây Ninh.

Công việc xây dựng căn cứ địa đang được tiến hành thuận lợi, thì bà lại nhận được lệnh của đồng chí Lê Duẩn: "Phải tìm mọi cách để mở cho được con đường 12. Đó là con đường mang tính chất chiến lược cho cuộc kháng chiến sẽ đi đến giai đoạn tổng phản công kẻ địch khi có thời cơ. Từ đó, quân ta sẽ từ chiến trường ngoài tiến vào bằng hai con đường: Một mũi đi theo con đường ven biển Khu 5. Một mũi đi dọc theo xương sống Trường Sơn...”.

Bà lại cắt một tiểu đội dò dẫm đi sâu lên rừng già phía bắc Campuchia, lại phải đối phó với thú dữ, với biệt kích. Đến Kông-pông-chàm, bà đặt liên lạc với Tỉnh ủy, mở một trạm sản xuất lương thực. Thiên nhiên ở đây ưu đãi nên chẳng bao lâu trạm đã dồi dào lương thực, khô, cá dự trữ, một phần đem bán lấy tiền làm quỹ cho kháng chiến. Một lần, đoàn của bà đùm cơm nắm từ Tà-nốt đến Đồng-rùm. Mưa gió, bờ suối Tha La ngập nước. Cả đoàn phờ phạc. Họ chưa vào được bờ, voi bầy từ đâu sầm sập kéo tới. Đụng voi lại mắc nước, không ai chạy được.

Trong hoàn cảnh nguy ngập đó, những người lính chỉ kịp lôi xểnh người chỉ huy trên rừng nước. Đôi chân bà nát nhừ. Vượt được nạn voi rồi, cơm nước họ mang theo tuột mất hết. Họ phải đối mặt với cái đói. Cả tiểu đội chỉ còn vắt cơm nhỏ bằng nắm tay ngấm đầy nước. Cả đoàn chia sẻ nhau vắt cơm cầm hơi... Tiếp sau đó, bà lại được lệnh của Khu bộ trưởng: Bàn giao căn cứ lại cho Đoàn 999 để vượt Trường Sơn ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới.

Ấy là dịp đầu năm 1954.  Người phụ nữ bé nhỏ ấy lại khoác ba lô lên vai, lại xuyên rừng. Hơn 7 tháng vượt Trường Sơn, bà Hồ Thị Bi đã đến được căn cứ Việt Bắc. Lúc gặp bà, nhà thơ Tố Hữu hỏi chuyện chiến trường miền Nam không ngớt. Bà kể chuyện thật thà về chiến trường miền Đông, về Rỗng Ông Hồ, Tà Nốt, Đồng Rùm... Bà nói thao thao bất tuyệt. Bỗng một giọng nói ấm áp từ trên nhà sàn vọng xuống: "Ai mà nói rổn rảng, có phải “Nữ kiệt miền Đông" đó không vậy?". Bà ngẩng lên, ngỡ ngàng, sung sướng nhận ra Bác.

Cho đến giờ, bà vẫn không quên được ấn tượng lần đầu tiên gặp Bác: "Từ trên thang gác nhà sàn, một cụ già mặc bộ quần áo màu nâu giản dị, trên vai còn vắt chiếc khăn mặt, miệng ngậm điếu thuốc, dáng người thanh thanh. Chòm râu dài thưa, chưa bạc. Tóc thời đã hoa râm. Bác bước thong thả từ thang gác xuống, chẳng khác nào một ông tiên".

Trong niềm hạnh phúc ấy, bà đã òa khóc như đứa trẻ. Bác vỗ nhẹ lên vai bà, giọng thân tình như một người cha: "Mừng gặp Bác phải vui, phải cười, sao lại khóc?". Bà nghẹn ngào: "Thưa Bác, những ngày đánh nhau với giặc trong ấy, anh chị em chúng con thường đố rằng: Ngày Bác vô Nam, ai là người được đứng gần Bác... Bây giờ... chỉ có mình con". Bác hỏi đến chuyện con cái của bà rồi bảo: "Bây giờ cô Bi ra đây gặp Bác. Ít lâu nữa, đồng bào chiến sĩ cũng gặp Bác!". Lần gặp gỡ ấy Bác Hồ đã hóm hỉnh, thân thương gọi bà là: NỮ KIỆT MIỀN ĐÔNG.

Nỗi niềm ngày Bắc đêm Nam

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi. Bà Hồ Thị Bi được bố trí vào bộ phận chuẩn bị đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Từ chiến khu Việt Bắc, bà được điều về Tổng cục Chính trị. Công  việc ấy của bà lúc đó mang một ý nghĩa chính trị đặc biệt. Cuộc đón tiếp này phải xóa đi những thành kiến lâu đời về kỳ thị Nam - Bắc. Như một tặng phẩm của số phận, bà bất ngờ gặp lại Trương Văn Đa, đứa con trai đầu lòng sau bao năm dài xa cách. Cuộc gặp gỡ ấy đầy cảm động. Bà ôm con vào lòng, xiết bao mừng tủi.

Niềm hạnh phúc của bà được nhân lên  khi đứa con trai của mình nay đã trưởng thành, đã tiếp bước cha mẹ đến với con đường chiến đấu.  Nhưng bà đã có 20 năm trên đất Bắc. 22 năm xa quê biết bao nỗi niềm thương nhớ ngày Bắc đêm Nam... Năm 1958, bà là một trong những nữ quân nhân hiếm hoi được phong quân hàm Đại úy. Năm tiếp sau, bà đắc cử đại biểu Quốc hội liền trong hai khóa II và III. Bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà phụ trách công tác quản lý gia đình hậu phương quân đội, đảm bảo thực hiện chính sách của Đảng chăm lo hậu phương để cán bộ, chiến sĩ ở tiền phương yên tâm chiến đấu.

Trong những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của không quân Mỹ, bà Hồ Thị Bi được giao nhiệm vụ sơ tán những con em liệt sĩ, những con em có cha mẹ chiến đấu ra khỏi thủ đô Hà Nội. Mỗi phút dừng xe qua cầu là mỗi phút đứng trước tọa độ chết. Trách nhiệm của bà trước hàng trăm đứa trẻ thật lớn lao. Bà đã xông xáo, gào thét, sẵn sàng lao vào các barie buộc người phụ trách đưa các cháu sớm rời khỏi hiểm nguy. Nhiều người biết đến bà với tính cách quyết liệt ấy: "Bà đại úy mỗi bước đi là mỗi bước cự".

Để giải quyết chính sách công bằng và hợp lý, bà đã không ngần ngại đi vào Quảng Trị bằng chiếc xe Rumani cũ kỹ. Những năm ấy vào Quảng Trị cũng đồng nghĩa với "bay qua cõi chết". Thực tế ấy đã giúp bà nhìn tận mắt sự khốc liệt của chiến tranh. Bà hiểu thêm một điều rằng chẳng gì có thể bù đắp được trước sự hy sinh vô cùng lớn lao của người lính. Bà bắt tay ngay vào việc xây dựng khu nhà ở cho vợ con của những chiến sĩ vào miền Nam chiến đấu.

Trải qua nhiều mất mát trong đời riêng, bà thấu hiểu những khó khăn, bất hạnh của những người vợ vừa xa chồng vừa nuôi con. Ngôi nhà tình nghĩa ấy đã được xây dựng đàng hoàng dù không ít lần đi chở nguyên vật liệu về Hà Nội, bà suýt mất mạng vì máy bay B.52. Bà ngậm ngùi kể: "Trong chiến tranh, có những nỗi đau, mất mát hiện ra, dễ thấy; có những nỗi đau, mất mát lặn vào trong. Có một lần trong đời dì Năm đã nói dối. Đó là lúc cô Cầm - vợ của Trần Thế Truyện - Sư trưởng Sư 5 hy sinh trong cuộc tổng tiến công năm Mậu Thân 1968. Dì Năm biết tin nhưng giấu biệt vì Cầm lúc đó đang học thi làm bác sĩ. Dì Năm định bụng tìm thời điểm thích hợp để báo cho cô tin buồn đó. --PageBreak--

Vợ chồng Cầm và Truyện tập kết ra Bắc.  Hình như Cầm cũng nghe loáng thoáng chuyện Truyện hy sinh, vặn hỏi Dì Năm: "Chị nói cho em biết đi, có thật là anh Truyện đã hy sinh rồi không chị?!". Dì Năm nghe đau thắt ở tim nhưng cố trấn tĩnh, làm mặt tỉnh bơ: "Tầm bậy, chết đâu mà chết, lo học bài đi!". Nói rồi dì Năm quay mặt đi, kéo chăn đắp lên mặt làm bộ ngủ. Nhưng cô Cầm len lén giở chăn lên, quan sát gương mặt dì Năm có thay đổi không... Bây giờ nhớ lại lời nói dối năm đó, dì Năm còn nghe đau thắt ở tim...". Tiếng thở dài của bà sau câu chuyện như dấu lặng của những mất mát không gì bù đắp nổi,  khi những người vợ mất chồng, những bà mẹ mất con...

Hơn 20 năm ở miền Bắc, bà là chỗ dựa cho bao gia đình chính sách tập kết ra Bắc trở về Nam. Bà đã gỡ rối bao gút mắt lòng người, là chỗ dựa ấm áp cho các em nhỏ Miền Nam. Nhưng nỗi khao khát được trở về quê hương miền Nam ruột thịt vẫn vò xé bà ngày đêm. Cuối cùng bà quyết định: Ngày 15/12/1973, bà trở lại chiến trường miền Nam...

Người lính già vui vẻ

Ở tuổi 60, bà khoác ba lô trở về miền Nam, lại vượt qua bao con đường đầy bom đạn Mỹ. Xe của bà từng đi qua những con đường trơn như mỡ, qua Đường 9 Khe Sanh đầy những xác xe tăng, máy bay Mỹ, đi qua Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây... Tất cả những con đường họp lại làm thành một thế trận thiên la địa võng, liên kết nhau để bảo đảm giao thông, bảo đảm mạch máu kháng chiến không bị cắt rời với mọi miền đất nước. Trong ký ức bà vẫn còn ghi đậm những ngày sôi động ấy: Bài hát “Giải phóng miền Nam” thúc giục những đoàn quân lao lên phía trước, những tiếng "đồng hương" nghe sao mà đầm ấm, dạt dào tình cảm.

Chuyến đi này bà đã thu thập và giải tỏa hết số thư từ của B2 còn ứ đọng gửi hết cho cha mẹ, vợ con người thân ở hậu phương lớn miền Bắc. Bà lập một danh mục những thứ thiết yếu để đề nghị Tổng cục chi viện nhằm phục vụ cho các gia đình quân đội vừa được đưa ra vùng giải phóng. Đầu năm 1974, bà trở ra Hà Nội, trực tiếp gặp đồng chí Lê Đức Thọ chuyển bản danh mục yêu cầu chi viện cho các gia đình bộ đội, liệt sĩ đang gặp khó khăn ở chiến trường B2 và vùng giải phóng.

Nhìn bà ở tuổi 60 vượt Trường Sơn vào Nam ra Bắc tươi tỉnh, đồng chí Lê Đức Thọ phải thốt lên: "Bà già này cừ thật!". Không đầy 3 tháng, bà đã chuyển 30 tấn hàng gồm vải, quần áo trẻ em, thuốc chữa bệnh... Bà lại trở về chiến trường miền Nam. Lần này, chính bà chứng kiến những hình ảnh đất nước được giải phóng từ Quảng Trị, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Kon Tum, Sài Gòn... Đêm ở Đồng Xoài, bên ánh lửa bập bùng, nồi khoai mì đang nấu, bà lắng nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Sau phút lặng đi, mọi người vui sướng, reo mừng: "Toàn thắng về ta". Cuộc chiến tranh bà đã đi qua 30 năm, thế là kết thúc...

Bà trở về Hóc Môn sau những năm tháng chia xa. Bà gặp lại chị Oi, đứa con gái đã xa mẹ suốt trong những năm tuổi trẻ, chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Nhưng chị Oi vẫn trở thành một chiến sĩ nội thành, tiếp bước theo con đường của mẹ. Bà gặp lại Hồ Quang Ánh Đào, đứa con gái bé bỏng bà phải dứt ruột gửi lại cho người quen nuôi sau khi sinh mới 5 ngày...

Ngày tương phùng có biết bao giọt nước mắt mừng vui pha lẫn đắng cay, tủi xót. Chính hoàn cảnh riêng tư của mình có nhiều uẩn khúc, nỗi niềm khiến bà có thêm cái nhìn thấu lý đạt tình trong công tác giải quyết chính sách sau chiến tranh. Cuối năm 1978, bà là Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh. Ngày ấy, biên giới Tây Nam lại mịt mờ khói lửa. Bà - người lính già vẫn tràn đầy tâm huyết. Với sự thông cảm và tình yêu thương sâu nặng dành cho những người lính, bà lặn lội đến bất cứ nơi đâu, tranh thủ sự giúp đỡ từ nhiều phía để ổn định hậu phương, động viên cán bộ, tăng cường sức chiến đấu phía trước. Bà không thể để những đồng chí về hưu trong điều kiện không có nhà ở, giường nằm, chết không hòm ván... Dù phải luồn rừng lội suối, xin từng lít dầu, bà cũng không nản lòng để đưa từ rừng về 500 bộ khung gỗ, 400 bộ ván hòm, 55 giường nằm.

Năm 64 tuổi, bà nghỉ hưu nhưng vẫn không một ngày ngơi nghỉ. Bà là một trong những sáng lập viên của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Bà đã cùng các đồng chí Tổ Sử đi vận động, quyên góp để xây dựng nên ngôi nhà này. Bà đã có mặt bên công trình từ ngày đặt viên đá đầu tiên đến ngày hoàn thành. Năm 1990, bà tham gia Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh.

Có được cơ ngơi vững chắc ngày hôm nay, những cựu chiến binh năm ấy vô cùng cảm kích trước lòng nhiệt tình của người Đại đội trưởng 2804 năm xưa. Bà lại vận động mua hàng tấn cám, gạo giá rẻ để bán lấy lời, gây quỹ cho Hội. Bà tìm về những gia đình chính sách năm xưa, ngậm ngùi trước cuộc sống đói nghèo, còn biết bao điều bất công, ngang trái. Làm sao bà có thể dửng dưng trước nỗi bức xúc của gia đình, khi chồng, cha họ từng cùng chiến đấu với bà những năm chống Pháp ở Hóc Môn, hy sinh, mà mãi cho đến mấy mươi năm sau cũng chưa được công nhận liệt sĩ. Hai năm đằng đẵng trôi qua, hồ sơ truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Bâu - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 934 - một tiểu đoàn độc lập, chủ lực đánh Pháp vẫn bặt vô âm tín. Bà gửi thư ra Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ngày 1/6/2006, khi bà đến dự lễ kỷ niệm 60 năm nữ đại biểu Quốc hội, giữa hội trường, bà bày tỏ nỗi bức xúc của người làm công tác chính sách. Bà nói: "Công tác chính sách là lương tâm, đạo lý, tình người. Công tác ấy nhìn ngoài tuy đơn giản mà rất khó...". Nói đến đó, bà xúc động rời khỏi bục, chống gậy bước ra ngoài. Lúc ấy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng vội vã bước theo bà, hỏi rõ nguồn gốc hồ sơ... Vài tháng sau, gặp bà ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tôi chưa kịp hỏi "kết quả ra sao" thì bà vừa ăn trầu, vừa hồ hởi nói: "Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Bâu được truy tặng liệt sĩ rồi!".

Hồ Thị Bi - con người và nghĩa khí mãnh liệt và giản dị như vậy đó. Thiếu tướng Tô Ký - người chỉ huy đã cùng bà đánh giặc liên quận Đức Hòa - Hóc Môn - Bà Điểm, người thủ trưởng đã từng chứng kiến cảnh bà Hồ Thị Bi dắt chiếc xe đạp đi giữa mưa phùn, gió rét trên đất Bắc; kiên trì, bền bỉ làm công tác chính sách cho thương binh, liệt sĩ; lo cho những đứa trẻ có cha mẹ ở miền Nam chiến đấu xa đã nhận xét về bà: "Để phát huy và kế thừa tinh hoa của phụ nữ Việt Nam, chị Năm đã cùng với chị em làm nên cuốn sử Phụ nữ Nam Bộ và xây dựng nên một cơ đồ lớn, đó là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Mặc dù chưa được đầy đủ, nhưng đó là tinh hoa của người xưa, người nay; là tấm gương quý giá cho hậu thế soi chung". Vì những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng đất nước, năm 1995, bà được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Cho đến giờ, phần thưởng cao quý nhất đối với cuộc đời bà, vượt lên trên mọi huân, huy chương lấp lánh trên ngực áo là tấm lòng của nhân dân đã âm thầm, lặng lẽ che  chở, đùm bọc bà trên mọi nẻo đường đất nước, những người lính ngoan cường đã anh dũng ngã xuống nhưng mãi vô danh...

Trầm Hương
.
.