Hồ Thị Bi - Con người và nghĩa khí

Thứ Ba, 12/01/2010, 08:25
Đằng sau những tấm huân, huy chương thắm đỏ trên ngực áo của Đại tá, Anh hùng quân đội Hồ Thị Bi, khó ai hình dung bà là người phụ nữ rất giàu tình cảm, nhiều bi kịch, uẩn khúc. Cuộc sống và chiến đấu luôn đặt bà đứng trước sự lựa chọn, những khúc quanh nghiệt ngã trong cuộc đời.

“Bà chúa” rỗng ông Hồ

Phải đi ở đợ khi mới lên 6 tuổi, nếm đủ mùi tủi cực, Hồ Thị Bi (tên thật là Hồ Thị Hoa), người con gái quê hương Mười tám thôn Vườn Trầu, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn sớm đến với cách mạng. Ngay từ năm 1936, bà đã tham gia "Hội Ái  hữu". Và cũng năm ấy, mới 20 tuổi, bà được kết nạp Đảng.

Ngày 23/8/1945,  Hồ Thị Bi đã có mặt trong đoàn người nón lá, khăn rằn, tay cầm gậy tầm vông,  mã tấu đi chân không từ Hóc Môn, Bà Điểm rầm rập giăng cờ kéo xuống Sài Gòn giành chính quyền. Bà đã tham gia Hội Phụ nữ Cứu quốc Hóc Môn, với vai trò Đoàn phó, Trưởng ban tiếp tế rồi Đội trưởng Đội nữ binh sĩ của quận. Giặc Pháp quay trở lại, bà lúc ấy là mẹ của 3 đứa con nhỏ,  tổ chức kháng chiến của quận không yên tâm, khuyên bà trở về nhà làm ăn, nuôi con. Chồng bà lúc đó cũng đang công tác tại Ban an ninh của quận.

Hai lần bị từ chối, phải giải ngũ, bà rất đau khổ khi bị đặt ra bên lề của cuộc chiến đấu sôi động. Tấm lòng người mẹ lúc ấy có biết bao giằng xé, trăn trở. "Tôi nghĩ phải thắng giặc mình mới có độc lập, mới có hạnh phúc, gia đình mới được sum họp, các con mới được sung sướng". Nghĩ thế, bà đã buộc lòng xa con. Người mẹ với trái tim tan nát ấy đã cắn răng chạy ào vào đêm tối, để cùng đồng đội đi chiến đấu. Bà đã đứng ra tập hợp, động viên 6 đồng chí cùng có hoàn cảnh như bà, thành một đội vừa sản xuất tự túc nuôi thân, vừa đánh giặc... Đó là lực lượng tiền thân do bà xây dựng, tiền thân của Ban công tác số 12, của Đại đội 2804 sau này do bà chỉ huy...

Trận đánh đầu tiên làm cho địch hoang mang, khiếp sợ là trận đánh vào chợ Hóc Môn, vào Nhà Việc, vào nơi giặc đóng quân tại chùa Ông. Đối với bà, ý nghĩa của trận thắng này còn nhằm hạ uy thế địch, cảnh cáo tề ngụy, nâng cao uy thế của bộ đội để nhân dân ta phấn khởi yên tâm chờ đợi. Sau trận này, ông Trần Văn Trà, lúc đó chỉ huy bộ đội Hóc Môn về thăm, động viên đơn vị bà, tặng đơn vị khẩu súng ngắn, giao cho đơn vị nhiệm vụ làm kinh tế tự túc nuôi quân, vừa tham gia diệt tề trừ gian.

Cô gái mồ côi của Mười tám thôn Vườn Trầu tạo thanh thế lẫy lừng bằng chính những trận đánh trên quê hương. Nhân dân Hóc Môn vẫn còn nhớ những trận đánh ấy đến giờ. Đó là trận đánh vào đồn Chợ Cầu trên đường số 9  Hóc Môn đi Sài Gòn. Bà đã phối hợp binh vận, dùng nội công ngoại kích. Trận đánh diễn ra chưa đầy 10 phút, không tốn một viên đạn. Đơn vị bà còn thu được 1 khẩu FM đầu bạc, 1 khẩu Thomson, 2.000 viên đạn. Trong hoàn cảnh thiếu vũ khí trầm trọng của ta thời đó, những chiến lợi phẩm thu được ấy quả là vô giá.

Tiếp theo là trận pháo kích chia lửa chống lại cuộc tấn công của địch vào Bộ Tư lệnh Khu 7 ở Giồng Dinh - Quéo Ba, buộc địch rút về bảo vệ hậu cứ. Đơn vị của bà ngày càng lớn mạnh. Đã đến lúc bà cần có một địa điểm sinh hoạt bí mật, vừa giữ được sự an toàn cho nhân dân. Bà đã chọn Rỗng Ông Hồ làm căn cứ địa.

Ngày ấy, bà đã xây dựng căn cứ nơi một con rạch quanh co giữa cánh đồng bưng sình lầy, ken đặc lau sậy, những đám tre dày gai nhọn biến thành hàng rào phòng thủ thiên nhiên khá vững chắc.

Căn cứ của bà được xây dựng trên hai chiếc ghe cũ, có mái lá che ken lại như một mái nhà. Bà cũng chia căn cứ của mình ra thành từng cụm, từng tuyến, có vòng ngoài, vòng trong canh gác cẩn thận, cũng có những tín hiệu, ám hiệu mật để kiểm soát, phân biệt người lạ mặt. Từ Rỗng Ông Hồ, đơn vị bà bủa lưới tấn công vào Hóc Môn, ven Sài Gòn. Ban công tác số 12 ngày càng lập nhiều chiến công vang dội bằng những trận đánh xuất quỷ nhập thần, làm kẻ địch ăn không ngon, ngủ không yên. Đơn vị của bà có uy thế đến nỗi có việc gì tranh chấp, kẻ địch thề nhau: "Cho bộ đội bà Bi lấy họng".

Ngoài nhiệm vụ diệt giặc trừ gian, đơn vị bà còn sản xuất tự lực cánh sinh. Bí, bầu, chuối, rau... phủ kín những vạt đất trống. Họ cấy lúa trên những cánh đồng bị bỏ hoang. Hàng năm, đơn vị bà sản xuất hơn 1.000 giạ lúa, bán được hơn 30.000 đồng Đông Dương tiền thuốc lá. Thanh thế đơn vị của bà ngày càng lẫy lừng. Secteur Hóc Môn ra bố cáo: Nếu ai giết hoặc bắt sống được "Capitaine" Hồ Thị Bi, còn gọi là “Bà 131” sẽ được thưởng 100.000 đồng Đông Dương. Trong bố cáo có kèm theo hình vẽ chân dung bà (do không biết chữ, bà ký tên Bi bằng những nét rời nhau, thành 131)... Số tiền thưởng khổng lồ ấy không làm mờ mắt nhân dân. Bà vẫn sống, chiến đấu trong sự che chở, đùm bọc của đồng bào Hóc Môn...

Nơi căn cứ Rỗng Ông Hồ, bà được suy tôn như một vị nữ chỉ huy xuất sắc, một "bà chúa" nhưng bà cũng là một người vợ, người mẹ. Đã có bao đêm dưới tán tre dày bịt, nước mắt bà tuôn chảy vì nhớ thương con. Thỉnh thoảng, bà mới gặp được con trong những lần hành quân, chớp nhoáng ghé qua thăm nhà. Thỉnh thoảng, Đa - đứa con trai đầu lòng của bà dắt em đến gặp mẹ. Muốn ở bên con thật lâu nhưng rồi hoàn cảnh chiến đấu khiến bà hối thúc Đa phải quay trở về nhà ngay.  Bà đã nén lại nỗi đau để không òa khóc trước những người lính khi dõi theo bóng dáng thất thểu của con xa dần, mất hút. Bà cũng không thể quên đêm cuối cùng gặp gỡ chồng.

Lao vào cuộc chiến đấu, vợ chồng bà ít có dịp gặp nhau. Ông canh cánh nỗi lo: Nếu bà vì nước hy sinh, đàn con thơ dại sẽ bơ vơ. Ông muốn bà quay trở về với vai trò một người mẹ bình thường, bởi một mình ông tham gia công tác đã đủ. Bà thẳng thắn nói với chồng: "Muốn đánh thắng giặc, người chỉ huy không ra trận làm sao thắng được. Tôi hứa với anh, dù có bận công tác thế nào, tôi vẫn không quên bổn phận một người mẹ!".

Buổi sáng hôm đó, bà đang thu xếp cho một trận đánh mới thì một cậu trinh sát chạy về báo tin chồng bà hy sinh. Giặc giữ xác ông nhưng đồng bào đã mang về được một... cái xác không đầu. Mảnh vá tự tay bà khâu trên áo ông còn nguyên vẹn đó. Bà lặng lẽ lấy kim chỉ nhíp lại miếng vá trên vai ông cho lành lặn rồi tắm rửa, chôn cất ông. Chỉ khi còn lại một mình bà mới òa khóc như chưa từng được khóc.

Ngay sáng hôm đó, giặc bêu đầu chồng bà ngay giữa chợ. Tên Robert, Chỉ huy trưởng khu vực Hóc Môn đã hí hửng rêu rao: "Giết được cọp đực rồi. Còn con cọp cái nữa là xong Việt Minh!". Đồng bào kéo nhau ra chợ xem rất đông. Họ nói với nhau rằng dù ông mất đi nhưng mắt vẫn mở trừng trừng. Bất chấp sự canh gác cẩn mật của chúng, chiếc đầu ông vẫn được đồng bào mang về chôn cất cẩn thận. Nhân dân và sư sãi xã Thới Nhì đã bí mật lập bài vị thờ ông.

Chồng hy sinh được một tháng, em trai bà bị sa vào tay kẻ thù, bị thủ tiêu. Rồi đứa con gái chưa đầy 2 tuổi của bà mất. Chỉ trong vòng một tháng, ba cái tang đã phủ lên mái đầu bà. Mất mát, đau thương nhưng bà đã can đảm đứng lên, bà càng tỏ ra cứng cỏi. Đại đội 2804 của bà lúc ấy liên tiếp giáng vào kẻ thù những đòn chí tử. Tên quận trưởng phụ trách Secteur Hóc Môn liên tiếp gửi thư cho bà xin thương lượng, xin gặp gỡ, xin xác những tên lính bị giết... Bà trở thành nhân vật huyền thoại.--PageBreak--

Có một điều hết sức kỳ lạ là đơn vị bà có rất nhiều hàng binh người Âu đã chiến  đấu dưới sự chỉ huy của bà. Bà không dễ dàng quên đi mối thù kẻ cướp nước, đã gây ra bao tang tóc cho quê hương, cho bản thân bà, nhưng giờ đây họ là những hàng binh. Họ cần được đối xử bình đẳng, tử tế để thấy được chính sách khoan dung của chính phủ kháng chiến.

Bà đã nén lại sự căm thù để mở rộng vòng tay đón họ. Cách đối xử đầy tình người, lòng nhân hậu, cách sống và làm việc của bà đã chinh phục được họ. Từ tình cảm đến lý trí chính nghĩa đã đi đến chỗ họ sẵn sàng lấy máu để chứng minh lòng trung thành của họ đối với ta. Một số người đã hy sinh anh dũng trên chiến trường như những người lính Việt Nam thực sự.

Đồng bào Hóc Môn vẫn còn nhớ đến một hình ảnh rất đẹp của những hàng binh người Âu. Mỗi lần ra nhà dân hoặc đi đánh trận về, gặp đâu có cau trầu là họ tìm cách xin cho được. Bà con thấy vậy ngạc nhiên hỏi: "Tây mà cũng biết ăn trầu nữa à?". Họ đáp lơ lớ bằng tiếng Việt nghe rất dễ thương: "Đâu có, tui xin về cho chị Năm của tui".

Dưới trướng của bà có nhiều nữ binh. Họ ăn mặc rất đẹp, tóc cắt ngắn, thắt lưng to bản, khăn quàng màu hồng. Trong ký ức bà, hình ảnh Kim Anh không bao giờ tắt. Kim Anh là một cô gái đẹp, có mặt trong Ban công tác số 12 từ những ngày đầu thành lập. Cô là một nữ chiến sĩ làm công tác binh vận rất giỏi. Nhiều người lính Âu, Phi dưới sự vận động của cô đã trở thành hàng binh của bà Hồ Thị Bi. Trong một chuyến công tác, Kim Anh bị bắn gãy ngón chân cái. Trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, người ta đành phải cưa bỏ ngón chân cô bằng một cái cưa cùn, không có thuốc tê. Vậy mà cô vẫn cắn răng chịu đựng để không bật ra tiếng rên.

Trong một trận đánh, Kim Anh sa vào tay giặc. Chúng tra tấn cô vô cùng tàn bạo. Kim Anh bị chúng đốt cả hai bầu vú. Năm ấy, cô vừa tròn 20 tuổi. Chúng đã đốt dần, đốt dần cô để tra khảo nhưng không khai thác được gì... Rồi Kim Anh hy sinh.

Bà cũng không thể nào quên được tấm gương chiến đấu của em Ky. Khi bé Ky lọt vào tay giặc, tên lính Pháp La-bạt đem em ra giữa đám đông. Chúng bó em như đòn bánh tét vào gốc cao su. La-bạt hỏi chọc tức Ky: "Tao có làm chồng bà Năm Bi được không?". "Không". Ky trả lời. Hắn hỏi tại sao, em nói: "Mày là đế quốc, là thực dân!". Nghe tên thông ngôn dịch lại, hắn nghiến răng: "Mày muốn sống hay muốn chết?". Em trả lời: "Sống Việt Minh mà chết cũng Việt Minh". Hắn tức tối dùng miếng lu bể cứa cổ em cho đến chết.

Nhắc về họ, bà ngậm ngùi nói: "Những tấm gương can trường đó đã làm nên hào khí của Ban công tác số 12, Đại đội 2804 Hóc Môn trực thuộc Trung đoàn 312 Gia Định sau này... cũng như tôi không thể nào quên được anh Dường, anh Sường, anh Cò, anh Tiệm, anh Chỗ, anh Xinh... Những đồng đội đã sát cánh bên tôi khuấy động một vùng đất miền Đông khiến kẻ thù hoảng sợ. Những con người ấy gắn liền với tôi trong những ngày ở Rỗng Ông Hồ...

Xây dựng căn cứ địa Dương Minh Châu

Bà Hồ Thị Bi hết sức ngỡ ngàng trước nhiệm vụ được giao: xây dựng hậu cứ của khu ở căn cứ địa Dương Minh Châu và vùng biên giới giáp Campuchia, mua trâu bò từ Campuchia về  cung cấp cho dân, làm kinh tế, sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho các đơn vị và dự trữ, nghiên cứu mở hành lang đường 12 ven theo Nam Trường Sơn nối với đường ra Bắc... Thoạt đầu, bà từ chối nhiệm vụ đó vì nghĩ mình chỉ thích hợp với việc đánh giặc.

Đồng chí Lê Duẩn đã thuyết phục bà: "Chúng ta không chỉ có căn cứ Dương Minh Châu. Chúng ta cũng không có đứng ở đây. Chúng ta còn phải mở rộng căn cứ Tà Lài... Chúng ta phải tạo thế đứng chân rộng ra xa, và có trách nhiệm với bạn nữa chứ. Đông Dương là một chiến trường kia mà. Phải có căn cứ địa rộng lớn và mạnh, thì mới làm Cách mạng thắng lợi. Làm Cách mạng phải có tầm nhìn xa, nhìn rộng, đó mới là cái nhìn cơ bản, chứ đâu chỉ có nhìn ở mỗi nước ta. Chị cứ loanh quanh ở thị trấn Hóc Môn, vậy liệu có đúng không? Cần phải có con mắt và cái đầu nhìn với tầm cỡ của nó, chị ạ".

Bà Hồ Thị Bi (thứ 3 từ trái qua) cùng các Anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam ở Trung ương cục.

Bức lệnh khẩn ấy đã thúc giục bà ra đi. Bà không khỏi đau đớn khi phải xa những người chiến sĩ đã bao phen cùng bà vào sinh ra tử, xa các con. Ở Rỗng Ông Hồ, dù điều kiện chiến đấu ác liệt, gian khổ nhưng bà còn có đôi dịp gặp lại các con, hoặc ít ra cũng biết tin tức con qua những chiến sĩ, đồng bào. Giờ đây, bà phải đi về một nơi xa xăm, mờ mịt, biết bao giờ được gặp lại con. Hành trang của Đơn vị 999 đi xây dựng căn cứ là một tín phiếu kháng chiến 10.000 đồng tiền Đông Đương, một ít tiền mặt. Nhưng hỡi ơi, tín phiếu ấy đối với đồng bào Campuchia không chút giá trị.

Đến khi tiếp nhận quân số, bà càng nát ruột, nản lòng hơn. Các chiến sĩ của Đoàn 999 gồm hơn 30 anh chị em ốm yếu, bệnh hoạn, thương tật, có cả người già... Ngoài số súng đạn cần thiết, trên lưng họ còn có thêm cuốc, xẻng, hai bồng hột giống: bí, bầu, mướp, khổ qua, cải bẹ xanh... một ít thuốc xổ mà họ nghĩ rằng có thể thay cho ký ninh trị sốt rét.

Lệnh cho trận chiến đấu mới chỉ là một tờ giấy giới thiệu của Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Nó được xem như lá bùa hộ mệnh của tiểu đoàn. Đoàn quân ngày càng dấn sâu vào cánh rừng, chân trần giẫm lên gai góc, rắn rít, mối càng, tay vạch lá đầy vắt, ve mà đi tới. Trong đoàn còn có cả phụ nữ mang theo đứa con nhỏ mới 6 tháng. Mẹ của em cứ phải ấn miệng em vào vú để tránh tiếng khóc của con có thể làm lộ bí mật đoàn quân.

Vừa luồn rừng vừa đánh lạc hướng địch, đoàn quân di chuyển rất chậm. Để lập nghiệp, người nữ chỉ huy của họ quyết đi tìm nguồn nước. Bà chỉ biết được tên dòng suối ấy trên bản đồ, còn giờ đây trước mặt họ tứ bề là cánh rừng dày bịt... Rồi thì Đoàn 999 cũng tìm ra được suối Sa Mát. Họ đã lấy dòng suối thiên nhiên này nuôi sống mình, nuôi sống đơn vị. Họ gieo những hạt giống, chặt cây làm những xa cá làm mắm dự trữ thực phẩm. Một mặt đơn vị bà kết hợp với bộ đội nước bạn chống càn, chống biệt kích. Bà đi sâu vào các phum, sóc tắm rửa cho trẻ em. "Lục thum Bi, bà Tư lệnh Tà-nốt" trở thành cái tên đầy trìu mến trong lòng người dân Campuchia lúc ấy.

(Còn nữa)

Trầm Hương
.
.