Hồ sơ chuyên án đầu tiên bắt gián điệp biệt kích nhảy dù xuống miền Bắc (Kỳ 2)

Thứ Sáu, 19/08/2016, 11:15
Trước khi trở thành lính của Lữ đoàn liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống, cả 4 thành viên toán Castor đều là lính của sư đoàn 22 quân đội Việt Nam Cộng hòa. Với chủ trương tìm người dân tộc thiểu số ở miền Bắc trong các đơn vị quân đội, Lê Quang Tung đã cho rà soát tại tất cả các đơn vị. Giữa năm 1960, sĩ quan tình báo của sư đoàn 22 đã phát hiện ra Hà Văn Chấp, Đinh Văn Anh, Lò Văn Piếng, Quách Thức có đủ các điều kiện mà Tung đưa ra.

KỲ II: TIẾP ĐẤT VÀ CHẠY TRỐN

Hà Văn Chấp sinh năm 1927 ở Bản Mứng, xã Mường Chêng, châu Quỳnh Nhai, Lai Châu. Năm 17 tuổi, Chấp đi lính khố xanh và đóng quân ở thị xã Lai Châu. Tháng 4-1945, khi đơn vị được lệnh sang Trung Quốc đánh quân Nhật, trên đường hành quân, Chấp sợ chết nên bỏ trốn về quê làm ruộng. Đầu năm 1947, khi Pháp chiếm thị xã Lai Châu, Chấp lại được tuyển vào làm lính và cho đeo quân hàm binh nhì.

Sau hai năm, Chấp được cho đi học và phong quân hàm hạ sĩ và làm thư ký quân số tiểu đoàn 51 quân đội Liên hiệp Pháp. Tháng 4-1954, Chấp theo chỉ huy tiểu đoàn vào Sài Gòn. Tiểu đoàn này sau đó sáp nhập vào trung đoàn 42, Sư đoàn 22 bộ binh của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tháng 4-1960, khi đang làm lính tiếp liệu ở trung đoàn 42, Hà Văn Chấp nhận lệnh chuyển về lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống.

Đồng bào kịp thời báo cho lực lượng trực chiến về dấu vết của gián điệp biệt kích xâm nhập.

Cũng như Chấp, Đinh Văn Anh, người Mường, sinh năm 1931 ở Bản Lúa, xã Tân Phong, châu Phù Yên, Sơn La. Tháng 10-1960, đang làm lính ở đại đội trọng pháo, trung đoàn 42, Đinh Văn Anh được gọi lên thị xã Quy Nhơn để trình diện trung úy Nghệ, người của Văn phòng Phủ Tổng thống.

Sau cuộc gặp này, Đinh Văn Anh nhận quyết định chuyển về Lữ đoàn liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống. Bằng tuổi Đinh Văn Anh, Lò Văn Piếng người dân tộc Thái sinh ra ở Thuận Châu, Sơn La, cũng từng là lính trung đoàn 42. Còn Quách Thức trước khi được tuyển về lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống từng làm ở ban truyền tin trung đoàn 42.

***

Sau khi kết thúc khóa huấn luyện, một buổi sáng giữa tháng 3-1961, từ sân bay Tân Sơn Nhất, toán Castor lên máy bay ra sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, để buổi chiều sẽ ra Đà Nẵng. Đến nơi, đại úy Bình, nhân viên Phòng 45, người trực tiếp huấn luyện, đưa cả toán vào một căn phòng ở căn cứ không quân Biên Hòa. Tại đây, một nhân viên khác của Phòng 45 là đại úy Lò Ngân Dũng, người sẽ trực tiếp chỉ huy từ xa khi Castor ra Bắc, đã chờ sẵn, bên cạnh có một tấm bản đồ lớn đặt trên bàn và một tấm không ảnh.

Hà Văn Chấp nhớ lại: "Đại úy Bình cho chúng tôi xem tấm ảnh chụp một thung lũng, xung quanh là núi thấp. Thung lũng này có một con suối nhỏ, cách xa đó có một chỏm nhà trên núi, Bình chỉ vào thung lũng trong ảnh rồi chỉ vào một vị trí trên bản đồ và nói: "Các anh sẽ nhảy xuống đây. Chỗ này có một cái làng của người Mèo cách bãi nhảy khoảng 4 cây số, nhưng nay làng này đã dời đi nơi khác rồi.

Sau khi các anh nhảy xuống đất thì chôn dù ngay và thu lượm đồ đạc, máy móc chuyển qua suối phía tay trái có một khu rừng cây to chọn giấu đồ đạc và nấp ở đó. Sau đó các anh phải đánh điện về báo cáo cho trung tâm biết phi công thả có đúng chỗ không”. Dũng dặn chúng tôi sau khi tìm được chỗ ẩn nấp an toàn, chúng tôi cần tìm về quê liên lạc với gia đình để làm giấy tờ; sau đó đóng giả làm người đi buôn trên sông Đà để nắm tin tức. Bình phát cho chúng tôi mỗi người 250 đồng tiền miền Bắc và nói rằng dùng tiền này làm vỏ bọc buôn bán".

Ngoài số tiền phát chung cho cả nhóm, Hà Văn Chấp còn được Bình đưa cho 900 Kip Lào và 5 đồng bạc trắng hoa xòe. Bình dặn Chấp đây là tiền dùng để đề phòng khi bị lộ, mất hết máy liên lạc thì vượt sông Đà sang Lào rồi đi về tỉnh Phongsalỳ, từ đó đi theo hướng tây nam để về Viêng Chăn hoặc đi dọc biên giới Việt-Lào tìm về Savanakhét rồi liên lạc với trung tâm, Bình sẽ cho người đón về Sài Gòn.

Ngoài tiền bạc, Bình còn phát cho mỗi thành viên Castor một cái áo công tác. Trên cái áo ấy may tới 10 túi nhỏ và một túi to sau lưng, cùng bao súng ngắn may bên dưới nách trái chứa đầy đủ dụng cụ cần thiết gồm: một khẩu súng ngắn Browning kèm 3 băng đạn, 1 cái áo sợi, một bộ quần áo vải đen, một con dao con, một đèn pin, hai bản đồ, một bao thuốc lá hiệu "Hoàn Kiếm", một bao diêm "Thống Nhất", một bật lửa Trung Quốc, một cái địa bàn, bút chì, sổ tay, một mũ nồi đen và một khẩu phần lương khô.

Lò Văn Piếng bị bắt sau hai ngày chạy trốn trong rừng.

Trong kế hoạch do đại úy Dũng giao cho Đinh Văn Anh cũng đề phòng trong trường hợp toán trưởng Hà Văn Chấp bị thất lạc hay chết thì Anh sẽ thảo công điện, mật mã hóa rồi đưa cho Piếng đánh điện. Nội dung bức điện này sẽ là: "Nhảy xuống có an ninh, nhưng khi di chuyển bị du kích, bộ đội bắt, không thấy Castor 3, 4 đâu, không biết bị bắt hay thất lạc". Dũng dặn Đinh Văn Anh rằng phải tìm địa điểm an toàn trong khu rừng kín, xa làng mạc để làm nơi ở và lập căn cứ.

Sau khi tìm được nơi ở có thể tìm dân chúng để tuyên truyền gây cơ sở như tìm gặp người nào đi rừng, đi làm nương gặp họ thì nói mình từng đi lính cho Pháp, giải ngũ rồi đi sang Lào làm ăn nhưng không sống được nay quay về Việt Nam nhưng sợ bộ đội bắt, nhờ bà con mua bán cho lương thực và thức ăn. Khi đã gây được niềm tin với dân thì sẽ đưa tiền nhờ họ mua giúp lương thực, tiếp tế và dặn họ địa điểm liên lạc. Nhưng mỗi lần trước khi gặp họ để nhận đồ tiếp tế thì phải đứng ở một nơi quan sát, nếu họ đến một mình thì gặp, nếu họ đi đông người hoặc không đến chỗ hẹn thì phải trốn đi nơi khác.

Sau lần đầu đi nhảy dù không thành trở về, 3 chuyến đi trong tháng 4-1961, cả Dũng và Bình vẫn yêu cầu Castor nhảy dù xuống địa điểm ven sông Đà, phía bắc Văn Yên khoảng 25km, nơi đó khúc sông hình chữ "S", có bãi cát và rừng non, cạnh đó là rừng già, không nhảy xuống vùng Tạ Khoa vì khu vực đó khó và xa.

***

8 giờ sáng ngày 27-5-1961, lần thứ 7, toán Castor lại lên máy bay ra Đà Nẵng để tối hôm đó sẽ bay ra miền Bắc. Sở dĩ từ Sài Gòn phải bay ra Đà Nẵng vì C47 là loại máy bay vận tải có tầm hoạt động ngắn nên không thể bay thẳng từ Sài Gòn ra miền Bắc được mà phải xuống Đà Nẵng để tiếp nhiên liệu. Đi cùng toán Castor ra Đà Nẵng ngoài phi hành đoàn còn có đại úy Dũng, người sẽ chỉ huy từ xa với Castor khi toán hoạt động ở miền Bắc. Ra tới Đà Nẵng là 12 giờ trưa, đại úy Dũng đưa cả toán vào câu lạc bộ không quân ở trong sân bay ăn nghỉ.

20 giờ 45 phút, cả toán lên máy bay. Đại úy Dũng ở lại Đà Nẵng, lúc này chỉ còn phi hành đoàn 4 người do thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy. Trước khi chia tay, Dũng vẫn dặn cả toán nhảy dù xuống địa điểm phía bắc Văn Yên. Tuy nhiên, khi máy bay cất cánh, thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ thông báo lại rằng tùy theo tình hình, nếu tới nơi xem có thể được thì xuống bãi sông Đà, còn không thì sẽ vẫn nhảy xuống Tạ Khoa.

22 giờ 5 phút, khi máy bay đến địa điểm nhảy dù ở Tạ Khoa, đèn đỏ trên khoang bật sáng, cửa máy bay từ từ mở ra; vài phút sau đèn xanh bật lên, chuông reo, 3 nhân viên trong phi hành đoàn phụ trách việc nhảy dù lần lượt đẩy hai kiện hàng ra trước, tiếp đến Hà Văn Chấp lao ra khỏi máy bay rồi lần lượt Lò Văn Piếng, Quách Thức, Đinh Văn Anh. Khi Anh vừa rời khỏi máy bay, Nguyễn Cao Kỳ vội vã chuyển hướng bay sang Lào. Chỉ vài phút sau, chiếc C47 đã mất hút vào màn đêm.

20 năm sau cuộc chiến Việt Nam, Sedgwick Tourison, một cựu sĩ quan phân tích tin của Cục Tình báo quốc phòng Mỹ, từng có thời gian tham chiến ở Việt Nam, sau khi khai thác các hồ sơ giải mật của Chính phủ Mỹ và phỏng vấn nhiều gián điệp biệt kích, các nhân viên CIA từng  tham gia hoạt động gián điệp của CIA ở miền Bắc giai đoạn 1961- 1970, đã viết cuốn sách "Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật".

Trong cuốn sách này, Sedgwick Tourison viết về giây phút Castor vừa nhảy dù xuống miền Bắc: "Vừa đặt chân xuống đất được vài phút thì những ngọn lửa bập bùng đã tỏa ra để chào đón các biệt kích của Nam Việt Nam. Họ dùng điện đài gọi binh sĩ thuộc lực lượng chống biệt kích của quân khu Tây Bắc đến để lùng bắt các biệt kích đang lẩn trốn. Đinh Văn Anh, một trung sỹ của quân lực Nam Việt Nam, chạy trốn được hai ngày rồi cũng bị bắt. Đinh Văn Anh là người giữ mật mã của toán Castor. Trong cuốn sổ mật mã của anh ta đầy rẫy những khối chữ số được mã hoá bằng máy tính điện tử. Thế là những người bắt biệt kích Bắc Việt đã có đủ mọi thư á- hầu như thế…".

Sau này, khi đã "yên vị" trong trại giam, Lò Văn Piếng nhớ lại: "Xuống đến đất, nghe tiếng súng, sợ quá tôi chạy trốn. Ông Anh cũng chạy với tôi sang quả núi khác, chạy loanh quanh trong rừng. Đói quá, may mà Anh còn một cái bánh, chúng tôi ăn. Sau đó chúng tôi phải ăn lá cây. Trong thời gian chạy trốn, chúng tôi bàn đi về quê Anh để tìm cách liên lạc với gia đình, kiếm ăn rồi sẽ tùy tình hình tính tiếp. Anh nói về bản cũng sợ vì tình hình bây giờ đã thay đổi nhiều. Chúng tôi chạy chừng hai ngày đêm thì bị bắt. Hôm bị bắt, hai chúng tôi đang đứng trên núi, nghe tiếng hô đứng lại, hai chúng tôi lăn từ trên núi xuống, súng bắn nhiều, sợ quá tôi giơ tay hàng".

Còn Hà Văn Chấp kể: "Trong khi dù còn đang vướng vào một cành cây cách mặt đất khoảng hơn 2m thì tôi nghe thấy tiếng la ó ở gần đó. Tôi đâm sợ, giật dù cho rơi xuống thì nghe thấy tiếng súng nổ rất gần. Tôi vội tháo dù, tháo áo nhảy dù, trên người chỉ còn mặc chiếc "áo công tác" và một bình nước, tôi bắt đầu chạy. Lúc bấy giờ, tôi dùng địa bàn nắm hướng, tôi chạy theo hướng tây đến một quả núi gần đó, tôi chui vào một bụi rậm có cây cối, có nhiều cây nứa, tôi móc túi sau ra quyển "Hiệu triệu Hồ Chủ tịch", tháo thắt lưng và ca uống nước nhét vào bụi nứa rồi lại chạy tiếp. Khi lên đến đỉnh núi, tôi nằm xuống đám cỏ tranh nghỉ một lúc thì trời sáng. Tôi đứng trên đỉnh núi nhìn xuống chỗ bãi đã nhảy dù thì không thấy mấy tên cùng nhảy với tôi đâu, cũng không thấy có chiếc dù hay vật gì từ trên máy bay đã thả xuống lúc đêm. Chỉ thấy ở cách chỗ tôi nhảy độ 60m có hai làng đồng bào ở. Chính giữa hai làng có một đám ruộng lúa, gần đó là cái bãi mà chúng tôi đã nhảy. Không có lương thực nên không ăn uống gì cả, tôi dùng địa bàn ngắm hướng tây nam đi. Tôi định sang sông Đà để đến biên giới Việt Lào rồi trốn sang Lào. Cả ngày 28-5, tôi đi suốt ngày, tối ngủ lại trên rừng. Ngày này tôi không ăn uống gì cả, lúc ấy trong túi tôi có 2 thẻ bánh được phát phòng khi trốn tránh bị đói, nhưng tôi không ăn mà cố nhịn để đến sông Đà ăn lấy sức bơi sang sông. Sáng 30-5, tôi gặp một con suối nhỏ. Tôi đi dọc con suối này để tìm sông Đà, khi ra khỏi suối, tôi gặp 3 người đàn ông đi thuyền con dọc sông Đà, họ hỏi giấy tờ, tôi không có, họ bắt luôn, trói lại bỏ xuống thuyền chở tôi về làng cách đó độ 100m. Ba ông này đưa tôi về làng, cho ăn uống rồi dẫn giải tôi bằng thuyền đến một làng khác dọc theo đường ôtô. Chúng tôi đi theo đường ôtô đến một nơi có ôtô đỗ, họ cho tôi lên xe chở tôi về thị trấn Phù Yên".

Về đến Phù Yên, Chấp bất ngờ gặp lại cả toán Castor. Hóa ra Quách Thức bị bắt đầu tiên vào chiều 28-5 rồi đến Anh, Piếng. Vậy là sau 3 ngày nhảy dù xuống đất Bắc, toán Castor chính thức bị xóa sổ.

Nhiều năm sau, nhắc lại cái đêm 27-5-1961 ấy, Hà Văn Chấp vẫn không lý giải được tại sao khi ở căn cứ, các chỉ huy luôn khẳng định kế hoạch ra Bắc của nhóm Castor đã được chuẩn bị kỹ lưỡng tới từng chi tiết, vậy mà vừa xuống tới mặt đất, cả nhóm đã bị đánh tan tác?

Nguyễn Thiêm - Anh Hiếu
.
.