Hoàng đế Quang Trung: Tầm nhìn thời đại

Thứ Ba, 10/06/2014, 21:45

Xuất thân anh hùng áo vải cờ đào, Hoàng đế Quang Trung đã làm được điều mà rất ít những hào kiệt trong sử sách nước ta làm được. Đánh bại chúa Nguyễn, đập tan chúa Trịnh, đại phá quân Thanh.
Nhưng, quan trọng hơn cả chính là tầm nhìn mang tính thời đại của Hoàng đế Quang Trung trong chính sách đối phó với lân bang, Cụ thể là nhà Thanh của Trung Quốc.

Cuối thế kỷ XVII, khi mà chúa Trịnh ở miền Bắc, chúa Nguyễn ở miền Nam đều bắt đầu bước vào giai đoạn suy vong, thì ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ dấy binh ở Tây Sơn. Mục đích ban đầu, chỉ là chống nhau với chúa Nguyễn (đang trong lúc Trương Phúc Loan chuyên quyền) để giành đất Quy Nhơn mà lập thân.

Về sau, anh em nhà họ Nguyễn đã làm được điều mà tiếng thơm lưu mãi nghìn năm. Đặc biệt, là Nguyễn Huệ, người vào năm Mậu Thân (1788), chính thức tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế để có tính chính danh, chống lại giặc Thanh.

Chiêu Thống cầu Thanh

Tháng 7/1786, Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc đánh bại Trịnh Khải, thu toàn vẹn quyền bính. Vua Hiển Tông nhà Lê khi đó, phong cho Nguyễn Huệ chức Nguyên soái Phù chính Dực vận Uy Quốc Công. Để tỏ lòng yêu tài, Vua Lê Hiển Tông còn gả Công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Lúc này, giới sĩ phu Bắc Hà vẫn xem thường Nguyễn Huệ có xuất thân từ nông dân, họ gièm pha từ nết ăn ở cho đến phong thái, kiến trúc cung phủ của Nguyễn Huệ. Trong lúc này, tàn quân của chúa Nguyễn tại miền Nam vẫn không ngừng quấy phá.

Nguyễn Huệ, đã tính chuyện bỏ đất Bắc. Tháng 8 cùng năm, Nguyễn Nhạc ra Thăng Long. Sau khi quan sát tình hình, Nhạc yêu cầu Nguyễn Huệ về Nam. Trước đó, Nguyễn Huệ thông qua việc tham khảo ý kiến của công chúa Ngọc Hân đã lập Duy Khiêm (tức Lê Chiêu Thống) làm vua sau khi Vua Hiển Tông băng hà.

Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc về Nam mà không hề báo cho Chiêu Thống. Không còn Uy Quốc Công bên cạnh để trấn vía quần thần, Chiêu Thống năm ấy 21 tuổi, nhanh chóng rơi vào tình cảnh của các vua thời Hậu Lê trước đó, có tiếng mà không có thực quyền. Ngay lúc này, dư đảng của chúa Trịnh lại tụ tập, kéo quân về Thăng Long ép Lê Chiêu Thống phải thuần phục lại theo lối cổ xưa "Vua để thờ, Chúa để khiến". Chiêu Thống không còn lựa chọn nào khác là thuần phục. Thăng Long, nằm trong tay của chúa Trịnh (Trịnh Bồng) và kẻ phù trợ là Đinh Tích Nhượng.

Tháng 11/1786, đỉnh điểm mâu thuẫn giữa là Chiêu Thống và băng đảng chúa Trịnh nổ ra, liên quan đến Dương Trọng Khiêm. Dương Trọng Khiêm là kẻ phò Trịnh tuyệt đối, toan tính kích động chúa Trịnh phế ngôi Chiêu Thống.

Để tránh nguy cơ bị phế ngôi, Chiêu Thống viết chiếu thư cho tướng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, kêu gọi Chỉnh cần vương. Chỉnh nhận được thư, lấy danh nghĩa phù Lê, tuyển thêm quân, chỉ trong 10 ngày đã mộ được hơn 1 vạn binh. Kéo quân ra Bắc, Chỉnh nhanh chóng đánh bại Trịnh Bồng và Đinh Tích Nhượng. Chỉnh, trước là tướng nhà Lê, sau đầu hàng Tây Sơn, Nguyễn Huệ trọng tài nhưng vẫn khinh là quân phản phúc nên có ý bỏ rơi. Chính Chỉnh là người khuyên Nguyễn Huệ nên đánh chiếm Thăng Long. Khi Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc từ Thăng Long kéo về Nam, đã không thông báo cho Chỉnh biết. Chỉnh nghe tin vội chạy theo, Nguyễn Huệ giao cho Chỉnh giữ quân, trấn ở Nghệ An.

Được Chiêu Thống phong chức Đại Tư Đồ, Chỉnh ngày càng lộng quyền, dần ép luôn cả Chiêu Thống. Chiêu Thống mấy lần toan lập mưu giết Chỉnh, nhưng bất thành.

Chỉnh ở Thăng Long, liên tiếp đập tan các cuộc nổi loạn chống Chiêu Thống, thế lực ngày càng mạnh mẽ.

Đầu năm 1787, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ nảy sinh bất hòa. Nguyễn Huệ kéo 6 vạn quân từ Phú Xuân về thành Quy Nhơn hạch tội Nguyễn Nhạc. Bị quân Huệ vây rát, Nhạc đứng trên thành, khóc mà than rằng, "Bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn?" (Nồi da nấu thịt, lòng em sao nỡ?). Huệ nghe cảm, mà rút quân.

Nhân việc này mà Nguyễn Hữu Chỉnh có ý định kéo quân đánh chiếm đất của Tây Sơn.

Thế nhưng, ý đồ này của Chỉnh bất thành. Cuối cùng, Chỉnh bị tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm hạ lệnh xé xác ở thành Thăng Long, theo lệnh của Nguyễn Huệ. (Vũ Văn Nhậm sau bị chính Huệ sát hại vì khinh mạn, có ý muốn đánh Tây Sơn từ hậu cứ Thăng Long - PV).

Quân của Hoàng đế Quang Trung chiếm lĩnh Thăng Long.

Chỉnh bại vong, Chiêu Thống được hộ giá bỏ chạy về mạn Cao Bằng, Thái Nguyên. Lại xuống chiếu cần vương, Chiêu Thống mấy lần dấy binh chống Tây Sơn đều thất bại, phải nương náu ở đất Lạng Giang (Bắc Giang). Cùng đường, Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh, Trung Quốc.

Chiêu Thống lưu trú tại Lạng Giang, Hoàng Thái hậu mang theo Thái tử Long Châu với sự hộ giá của một ít cựu thần tìm đường sang Trung Quốc, cầu viện vua nhà Thanh là Càn Long, vua Thanh cho quân sang cứu viện. Càn Long, ban đầu không đồng ý.

Về sau, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị dâng biểu tâu với Càn Long, đại lược tâu: "Họ Lê là cống thần nước ta, nay bị giặc lấy mất nước, mẹ và vợ Tự quân sang cầu cứu, tình cũng nên thương. Và nước Nam vốn là đất cũ của nước ta, nếu sau khi cứu được nhà Lê và lại lấy được đất An Nam, thực là lợi cả đôi đường".

Càn Long nghe theo lời Tôn Sĩ Nghị, xuống chiếu sai Tôn Sĩ Nghị khởi binh bốn tỉnh là Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam sang đánh quân Tây Sơn.

Tôn Sĩ Nghị chia đại quân ra làm 3 đạo, sai quan Tổng binh tỉnh Vân Nam và Quý Châu lĩnh một đạo quân kéo sang mạn Tuyên Quang, sai Sầm Nghi Đống là tri phủ Điền Châu lĩnh một đạo kéo sang mạn Cao Bằng. Tôn Sĩ Nghị cùng Đề đốc là Hứa Thế Hanh tự thống lĩnh mang một đạo kéo sang mạn Lạng Sơn, hẹn ngày tiến binh đánh An Nam.

Tướng Tây Sơn trấn Thăng Long lúc này là Ngô Văn Sở thấy thế giặc mạnh, sợ chống không được, bèn bỏ Thăng Long rút quân thủy bộ kéo về giữ vùng núi Tam Điệp (đèo Ba Dội, chỗ giáp ranh Ninh Bình và Thanh Hóa) ra đến cửa bể rồi sai người về Phú Xuân cấp báo Nguyễn Huệ.

Không gặp bất cứ sự chống trả nào của quân Tây Sơn, Chiêu Thống theo quân Thanh về Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị làm Lễ tuyên đọc tờ sắc phong của Càn Long phong Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương.

Tiếng là Vương, nhưng bất cứ chuyện gì, Chiêu Thống cũng phải xin lệnh của Tôn Sĩ Nghị, văn thư đều phải đề niên hiệu Càn Long.

Sử chép: "Mỗi khi chầu xong, Vương lại đến dinh Sĩ Nghị để chầu chực việc cơ mật quân quốc. Vua cưỡi ngựa, đi với độ 10 người lính hầu. Sĩ Nghị thì ngạo nghễ, tự đắc, ý tứ xử với vua rất là khinh bạc. Có khi vua lại hầu, không cho vào yết kiến, chỉ sai một người đứng dưới gác truyền ra rằng, "Không có việc quân quốc gì, xin ngài hãy về cung nghỉ".

Người bấy giờ bàn riêng với nhau, "Nước Nam ta từ khi có đế vương đến giờ, không thấy vua nào hèn hạ đến thế. Tiếng là làm vua mà phải theo niên hiệu của Thanh, việc gì cũng phải đến bẩm quan tổng đốc, thế thì có khác gì là đã nội thuộc rồi không?".

Vua và triều thần việc gì cũng trông cậy vào Tôn Sĩ Nghị. Ngày đêm chỉ lo việc báo thù, chém giết những người trước đây theo Tây Sơn. Quân Tôn Sĩ Nghị thì cướp phá dân gian, làm lắm sự nhũng nhiễu".

Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh

Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ được tin quân nhà Thanh sang đóng ở Thăng Long, lập tức hội các tướng sĩ để bàn việc đem binh ra đánh. Các tướng đều xin hãy chính ngôi tôn, để yên lòng người rồi sẽ khởi binh.

Bắc Bình Vương bèn sai đắp đàn ở núi Bàn Sơn (núi Bân, Phú Xuân, Huế), ngày 25/11/1788 (Âm lịch, Mậu Thân), Vương làm lễ lên ngôi Hoàng đế, tự mình thống lĩnh thủy đại bộ binh đánh giặc Thanh.  Từ Phú Xuân ra đến Nghệ An, thì nghỉ lại 10 ngày để kén thêm binh. Cả thảy, được 10 vạn quân và hơn 100 thớt voi.

Ngày 20 tháng Chạp, đại binh đến núi Tam Điệp. Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhiệm (Nhậm) đều ra tạ tội, kể chuyện quân Thanh thế mạnh sợ đánh không nổi, cho nên phải lui về giữ chỗ hiểm yếu.

Hoàng đế Quang Trung cười mà nói rằng: "Chúng nó sang phen này, là mua cái chết đó thôi. Ta ra quân chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 lần ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất lấy làm xấu hổ lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ra sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa".

Quang Trung truyền cho tướng sĩ đón Tết Nguyên đán trước, để hôm trừ tịch (ngày 30 Tết) thì cất quân đi, định ngày mồng 7 tháng Giêng thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng.

Đúng hôm 30 tết, đại quân khua trống kéo binh ra Bắc. Khi quân sang sông Giản Thủy, cánh nghĩa quân của nhà Lê tan vỡ, bỏ chạy. Hoàng đế Quang Trung thần đốc các lộ quân đuổi theo đến huyện Phú Xuyên, bắt sống toàn bộ. Chính vì nhẽ này, quân Thanh đóng ở làng Hạ Hồi, làng Ngọc Hồi đều không biết tin.

Đêm mồng 3 tết, năm 1789 (Kỷ Dậu), quân Tây Sơn kéo đến làng Hạ Hồi vây kín đồn giặc, rồi bắc loa khuếch trương thanh thế. Quân Thanh hoảng sợ, kêu khóc ầm lên, không dám chống cự, quy hàng cả. Bởi thế, đại quân Tây Sơn lấy được tất cả khí giới, lương thực.

Tờ mờ sáng mồng 5 Tết, quân Tây Sơn đến làng Ngọc Hồi, quân Thanh từ trong đồn bắn hỏa khí ra dày như mưa. Quang Trung sai người lấy những mảnh ván, ghép ba mảnh lại làm một, lấy rơm cỏ giấp nước quấn bên ngoài, rồi sai quân kiêu dũng cứ 20 người khiêng một mảnh, mỗi người giắt một con dao nhọn, lại có 20 người cầm khí giới theo sau.

Hoàng đế Quang Trung đích thân cưỡi voi đốc quân, quân Tây Sơn kéo đến gần đồn giặc, quẳng ván xuống đất, rút dao ra xông vào tấn công, quân đi sau cũng thừa cơ xung trận. Quân Thanh địch không nổi, xéo lên nhau mà chạy, thây chết ngổn ngang, máu chảy như tháo đập. Quân Tây Sơn ở các đạo khác đều chiến thắng vẻ vang.

Quan nhà Thanh là Đề đốc Hứa Thế Thanh, tiên phong Trương Sĩ Long, Tả dực Thượng Duy Thăng đều tử trận. Quan phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống bị vây ở Đống Đa, thắt cổ mà chết.

Tôn Sĩ Nghị nhận được tin thua trận, hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa, không kịp mặc giáp, đem mấy tên lính kỵ chạy qua sông sang Bắc. Quân các trại khác của giặc Thanh, nghe tin thất trận cuống cuồng chạy trốn. Từ quân doanh, tranh nhau sang cầu để vượt sông Nhị Hà, cầu đổ, quân Thanh rơi xuống sông, chết đuối nhiều vô kể.

Chiêu Thống cùng Hoàng Thái hậu và vài người hầu cận theo Tôn Sĩ Nghị chạy sang Tàu. Đạo quân Vân Nam và Quý Châu đóng ở miền Sơn Tây nhận tin Tôn Sĩ Nghị đào tẩu, vội vã rút quân về.

Ngày hôm ấy, Quang Trung đốc quân đánh giặc, ngự bào bị thuốc súng bắn vào đen như mực. Đến lúc vào thành Thăng Long, Hoàng đế sai tướng truy đuổi quân nhà Thanh đến tận cửa Nam Quan. Dân chúng nhà mình ở gần Lạng Sơn sợ khiếp, đàn ông, đàn bà, con trẻ dắt díu nhau mà chạy, từ cửa ải về mé Bắc hơn mấy trăm dặm, tịnh không nghe tiếng nói của con người.

Lục soát dinh của Tôn Sĩ Nghị, quân Tây Sơn bắt được cả ấn tín lẫn tờ mật dụ của Vua Càn Long.

Đại lược, "Việc quân nên từ đồ, không nên hấp tấp. Hãy nên đưa hịch truyền thanh thế đi trước, và cho các quan nhà Lê họp nghĩa binh, tìm Tự quân nhà Lê đem ra đứng đầu để đối địch với Nguyễn Huệ, thử xem sự thể thế nào. Nếu lòng người nước Nam còn nhớ nhà Lê, có quân ta kéo đến, ai là chẳng gắng sức. Khi ấy, Nguyễn Huệ tất phải tháo lui, ta nhân ấy lấy Tự quân đuổi theo, rồi đại binh của ta theo sau, như thế không khó nhọc mấy nỗi mà nên được công to, đó là mẹo hay hơn cả.

Ví bằng suốt người trong nước, nửa theo đằng nọ, nửa theo đằng kia, thì Nguyễn Huệ tất không chịu lui. Vậy ta hãy đưa thư sang tỏ bảo đường họa phúc xem nó đối đáp làm sao. Đợi khi nào thủy quân ở Mân, Quảng đi đường bể sang đánh mặt Thuận Hóa và Quảng Nam rồi, bộ binh sẽ tiến lên sau. Nguyễn Huệ trước sau bị địch, thế thất phải chịu thua.

Bấy giờ, ta sẽ nhân đó mà làm ơn cho cả hai bên, tự đất Thuận Hóa, Quảng Nam trở vào Nam thì cho Nguyễn Huệ. Tự Châu Hoan, Châu Ái trở ra Bắc thì phong cho Tự quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm chế cả hai bên, rồi sẽ có xử trí về sau".

Hoàng đế Quang Trung bắt được mật dụ ấy, bảo với Ngô Thì Nhiệm rằng, "Ta xem tờ chiếu vua nhà Thanh, chẳng qua cũng muốn mượn tiếng để lấy nước ta thôi. Nay đã bị ta đánh thua một trận, tất lấy làm xấu hổ, không chịu ở yên. Hai nước đánh nhau chỉ làm khổ dân. Vậy nên dùng lời nói khéo, để khiến cho khỏi sự binh đao. Việc ấy nhờ nhà ngươi chủ trương mới được"

Ngô Nguyệt Hữu
.
.