Hoạt động đối ngoại của tôn giáo Việt Nam trong dòng chảy hội nhập Quốc tế

Thứ Tư, 22/08/2007, 08:30
Thời gian qua, tôn giáo Việt Nam đã tăng cường hoạt động đối ngoại, đạt được những thành tựu nhất định, không chỉ duy trì quan hệ bình thường, với các tổ chức tôn giáo các nước trong khu vực và thế giới, mà còn thể hiện rõ việc mở rộng quan hệ hợp tác và giao lưu quốc tế.

Về mặt pháp lý, các hoạt động đối ngoại tôn giáo được quy định rõ trong các văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam từ năm 1955.

Tại chương V về “Quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc” của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo công bố ngày 26/9/2004, các điều 34, 35, 36, 37 đã quy định cụ thể về các yếu tố liên quan đến các hoạt động quốc tế của các tôn giáo ở nước ngoài; về việc chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo tại Việt Nam.

Hoạt động đối ngoại tôn giáo đã góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Nhà nước Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Quan hệ đối ngoại của các tôn giáo thể hiện rõ nhất trong việc tổ chức các đoàn, các chức sắc, tín đồ ra nước ngoài học tập, dự hội nghị, hội thảo đối thoại về tín ngưỡng tôn giáo; đón và làm việc với các đoàn, các tổ chức tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam, phối hợp thực hiện các dự án tại Việt Nam do Tổ chức Phi chính phủ (NGO) có nguồn gốc tôn giáo tài trợ.

Hầu hết các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có mối quan hệ quốc tế ở các mức độ khác nhau.

Phật giáo Việt Nam có các quan hệ và giao lưu với Phật giáo các nước trong khu vực và trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan, Sri Lanca, Nga, Mông Cổ, Pháp, Mỹ, Nhật Bản và tham gia các tổ chức Phật giáo quốc tế như Hội nghị Phật giáo châu Á vì hòa bình, Liên đoàn Thân hữu Phật tử thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới.

Công giáo có mối quan hệ về tổ chức và là một bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ Vatican, có quan hệ giao lưu với Giáo hội Công giáo các nước Pháp, Mỹ, Philippines, Trung Quốc, các nước châu Âu, là thành viên của Liên Hội đồng giám mục Á châu. Hàng năm, các giám mục Việt Nam tới Roma và một số nước trên thế giới tham dự các sinh hoạt và hoạt động tôn giáo do Tòa thánh Vatican tổ chức và các tổ chức tôn giáo khác mời.

Tổng hội Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và một số hệ phái Tin Lành khác có quan hệ giao lưu quốc tế với các giáo hội Tin Lành Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Bắc Âu...

Mới đây, Đoàn liên minh Báptít thế giới gồm một số mục sư Mỹ, Anh, Ấn Độ... vào thăm, làm việc và giao lưu với Hội thánh Báptít Ân điển TP HCM. Đạo Hồi ở Việt Nam thường xuyên có mối quan hệ với cộng đồng Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á, như với cộng đồng Hồi giáo Malaysia, Indonesia, Arập Xêút  và Liên hiệp Hồi giáo thế giới. Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh nhưng cũng đã sớm có quan hệ quốc tế, đặc biệt với Tổ chức Omoto giáo, “Hội Huynh đệ và tình yêu đại đồng” của Nhật Bản và với Cao Đài hải ngoại.

Trong 3 năm gần đây 2004 - 2006, có 657 giáo sĩ, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo xuất cảnh để dự hội nghị, hội thảo và tham gia các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài.

Nhờ có mối quan hệ quốc tế rộng mở, đến nay, các Giáo hội tôn giáo Việt Nam đã đào tạo được đội ngũ tăng tài, giáo sĩ có trình độ cao, trong đó có hàng chục ngươì có học vị tiến sĩ, thạc sĩ thần học, triết học và hàng trăm giáo sĩ đang du học ở nước ngoài

Việt Nam đã cử hàng chục đoàn quan chức cấp cao và nhiều đoàn chức sắc đại diện các tổ chức quan chức tôn giáo trong nước đi dự các hội nghị, hội thảo, đối thoại về tín ngưỡng tôn giáo và hoạt động tôn giáo quốc tế, như đoàn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Roma hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI và hội đàm với Thủ tướng Vatican, Hồng y Tarcisio Bertone; đoàn do ông Đỗ Yên Thi, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ dẫn đầu đi thăm và làm việc tại Vatican và Pháp; 2 đoàn đi dự đối thoại tín ngưỡng tại Indonesia; đoàn đi dự Đối thoại về hợp tác giữa các tôn giáo tại Philipines; đoàn đi dự đối thoại về tự do tôn giáo Việt - Mỹ tại Washington; đoàn chức sắc đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi dự diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ nhất tại Hàng Châu - Trung Quốc; đoàn dự lễ Phật đản của Phật giáo Thái Lan; đoàn đi Pháp và Ucraina hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo cho Việt kiều; đoàn chức sắc các tôn giáo Việt Nam đi Mỹ dự Hội nghị Thượng đỉnh thiên niên kỷ của các nhà Lãnh đạo tôn giáo và tinh thần (8/2000), 2 đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ và một số chức sắc tôn giáo sang Mỹ trao đổi với các đối tác quan tâm đến vấn đề tôn giáo ở Việt Nam (5/2002 và 6/2004); đoàn Giáo hội Công giáo đi dự Đại hội truyền giáo Á châu tổ chức tại Thái Lan; đoàn dự Hội nghị Hội đồng Giám mục Á châu về vấn đề hôn nhân khác tôn giáo và đoàn đi dự Đại hội Thánh Mẫu tại Mỹ.

Việt Nam đã đón và làm việc với nhiều đoàn tôn giáo nước ngoài, nhiều cá nhân và tổ chức tôn giáo, tổ chức quốc tế đến trao đổi, tìm hiểu về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Điển hình là đoàn của Hồng y C.Sepe - Bộ trưởng Bộ truyền giáo Vatican; đoàn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo; đoàn Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế; đoàn Viện Can dự toàn cầu Mỹ; đoàn Hội đồng Giám mục Cộng hòa Pháp; đoàn đại biểu Tòa thánh Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Pietro Parolin làm Trưởng đoàn; đoàn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng phái đoàn Phật giáo quốc tế thuộc tăng thân Làng Mai, Pháp gồm 200 tăng ni từ 30 quốc tịch khác nhau về thăm Việt Nam 2 lần, mỗi lần 2 - 3 tháng; đoàn Bộ Lễ nghi - Tôn giáo Campuchia; đoàn Liên minh Phật giáo Lào; đoàn Trường Thần học Singapore...

Từ năm 2001 đến nay, đã có hàng chục cuộc đối thoại nhân quyền, tôn giáo được tổ chức tại Việt Nam, như đối thoại Việt - Mỹ, Việt Nam - Thụy Sĩ, Việt Nam - Thụy Điển, Việt Nam - Australia, Việt Nam - Na Uy, Việt Nam - EU, Việt Nam - EC... với chủ đề chính là nhân quyền và tôn giáo, ngoài ra còn đề cập đến một số vấn đề khác như: dân tộc, thông tin đại chúng, báo chí, phụ nữ, trẻ em... Các cuộc đối thoại từ song phương đến đa phương, từ khu vực đến thế giới đều nhằm mục đích tăng cường hiểu biết, góp phần kiến tạo hòa bình và giúp đỡ lẫn nhau trên con đường hội nhập quốc tế.

Tại các diễn đàn này, phía Việt Nam đã thể hiện sự minh bạch và cởi mở trong đối thoại, được dư luận quốc tế đồng tình và đánh giá cao, đồng thời Hoa Kỳ đã phải đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các nước đặc biệt quan tâm” về tôn giáo (CPC).

Kết quả của các hoạt động đối ngoại tôn giáo những năm gần đây đã góp phần làm cho thế giới ngày càng hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam - một quốc gia đa tín ngưỡng tôn giáo, yêu hòa bình, công lý; về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

TS Trần Văn Trình
.
.