“Hùm xám” Trị Thiên

Chủ Nhật, 25/09/2011, 22:40

Đến bây giờ mới viết về ông là quá muộn. Thực lòng, từ khi tập tọe nhảy vào làng báo, tôi đã có ý định viết về ông - một vị lão thành cách mạng, một cán bộ kỳ cựu của Lực lượng Công an nhân dân với bao huyền thoại; một "hùm xám" ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, qua tâm sự của đồng đội ông thời đó. Nhưng rồi, đành thôi! Ngại, ngại "múa rìu qua mắt thợ".

Nghe như có nhiều nhà văn đang chăm chút mảnh đất này, với nhiều cuốn tiểu thuyết đang được thai nghén mà nhân vật chính, xuyên suốt là ông. Ông là Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Bảy (tự Bảy Khiêm).

Tới đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, do mối quan hệ công tác, tôi trở thành thân quen với các con ông: Nhà báo Thúy Nga (Ban phát thanh Vì An ninh Tổ quốc) thuộc Tổng cục III Bộ Công an; Nguyễn Hồng Sơn (em trai của Thúy Nga), Trưởng phòng Bảo vệ An ninh nội bộ và văn hóa - Tư tưởng PA25 Công an Thừa Thiên - Huế, cùng hệ công tác nghiệp vụ với tôi, nên tôi mới có điều kiện gặp trực tiếp ông, chứ không thì dễ gì! Bởi ông thuộc bậc cha chú, một "đại lão gia" trong ngành, tiếng tăm vang khắp, công trạng đầy mình…

Thuở ông tham gia cách mạng, cha mẹ tôi còn chưa tỏ mặt nhau. Tới khi mẹ tôi quảy anh em tôi trong một đôi thúng từ Xứ Đoài quê tôi tản cư sang Phú Thọ thì ông đã là cán bộ Công an, ít năm sau đã trở thành Trưởng ban Điệp báo thuộc lực lượng Công an khu Trị Thiên (Quảng Trị - Thừa Thiên). Tới lúc tôi may mắn được đứng chung chiến hào bảo vệ an ninh đất nước với ông, thì ông đã là Trưởng ty Công an Bình-Trị-Thiên một tỉnh to đùng, dài ngoằng (sáp nhập 3 tỉnh: Quảng Bình+ Quảng Trị + Thừa Thiên).

Tưởng như dự định đã ngon lành, những ấp ủ bấy lâu sẽ dễ dàng trải ra trên trang giấy. Vậy mà vẫn ngại. Cái ngại bây giờ dường như còn nặng nề, áp lực hơn, đó là những thông tin về ông dồn dập đưa tới, hàng loạt cuốn sách của nhà văn Kim Cương xuất hiện: “Người quy phục Hoàng đế”, “Hoa Dạ Hương”, “Tiếng nổ sau chiến tranh”. Nhân vật xuyên suốt trong cả 3 cuốn tiểu thuyết dù có thay tên, đổi họ thì vẫn chính là ông.

Rồi nữa, cuộc thi ký và tiểu thuyết với chủ đề Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức trong 2 năm (1999-2002) ông đã "trình làng" cuốn hồi ký "Điệp báo Thành Huế" (do Thanh Hà ghi) một tác phẩm đầy tâm huyết viết về cuộc đời ông, đồng đội, đồng chí của ông những năm tháng đầy gian nguy thử thách nơi chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Và tác phẩm của ông đã được giải thưởng trong cuộc thi ấy.

Rồi, lại nữa, cuối năm 2010, nhân sự kiện Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông, nhiều báo cả trong và ngoài Lực lượng Công an đã có hàng loạt bài viết về Anh hùng Nguyễn Đình Bảy. Tất cả các tác phẩm, bài viết đều toát lên hình tượng người Anh hùng của một dân tộc Anh hùng, một cán bộ lão thành cách mạng đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp bảo vệ An ninh đất nước. Đã ngấp ghé tuổi bách niên vậy mà trong ông vẫn còn chất chứa bao nỗi niềm, day dứt về sự bình yên cho đất nước. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi chỉ xin đề cập đôi nét về ông, nỗi niềm của một vị lão thành cách mạng, người anh hùng sau cuộc chiến.

Người khách nơi xứ lạ

Thời chiến tranh chống Mỹ, tôi công tác ở chiến trường miền Đông và miền Trung Nam Bộ (Khu 7 và Khu 8). Chiến trường Khu 5 và Khu 6 chỉ là miền đất đi qua. Mãi tới sau hòa bình, thống nhất đất nước, nhờ những chuyến công tác mới được sống trên đất Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định. Song cũng chỉ là chốc lát, thoáng qua. Phải tới tháng 8/1996,  nhân Liên hoan phim Truyền hình Công an nhân dân lần thứ II tổ chức tại Huế, tôi được lãnh đạo Tổng cục XDLL cử vào Ban giám khảo, nên mới được gắn bó với  Huế lâu hơn. Đó là dịp may hiếm có để tôi  được tiếp xúc với nhiều nhà báo hình từ Trung ương tới tất cả các địa phương trong toàn quốc.

Chúng tôi tới Huế vào buổi chiều, nghỉ tại khách sạn Kinh Đô (nay là nhà nghỉ Kinh Đô). Sáng hôm sau, mới 6 giờ 30 phút đã nhận được thông báo có khách tới thăm. Thật quá bất ngờ nơi xứ lạ. Tôi vội xuống phòng lễ tân, đang ngơ ngác định hỏi cô gái thường trực thì bỗng nghe một giọng trầm ấm phía sau:

- Chào đồng chí. Biết tin đồng chí vô Huế tham gia Ban giám khảo truyền hình, tôi tranh thủ tới giờ này may ra mới gặp.

Tôi giật mình quay lại, một ông già tuổi chừng ngót nghét 80, cao to vào loại ngoại cỡ, tôi ngập ngừng:

- Có phải… bác là bác Bảy?

- Tôi là Bảy Khiêm đây. Vừa rồi ra Hà Nội có ý định gặp nhưng nghe nói đồng chí đi công tác vắng. Vừa rồi tôi có nhắn Thúy Nga…

Tôi ngước nhìn ông, ngỡ ngàng, cảm thấy như hai tai nóng ran, bởi trước hôm lên đường đi Huế, tôi có ghé qua trụ sở Ban Truyền hình An ninh Tổ quốc ở số 20 Phan Bội Châu để nắm rõ lịch trình, có tạt qua thăm anh em ở Ban phát thanh cùng làm việc ở đó. Thúy Nga báo tin: "Ông già ra Hà Nội, có tìm anh nhưng không gặp. Hình như có việc gì quan trọng lắm. Chuyến này vô Huế, anh sắp xếp thời gian…".

Máu văn nghệ sĩ bốc lên, tôi vui đùa: "Tớ chả gặp. Thời chiến đấu cùng chiến trường "B" với nhau, biết cụ có con gái lớn mà không gả cho tớ, thì nay tớ không gặp".

Đáp lại thịnh tình của "đại lão gia", chiều hôm đó, sau buổi hội ý Ban giám khảo, tôi nhờ anh em PA25 Thừa Thiên - Huế đưa tới thăm ông. Chúng tôi dừng lại trước cổng một căn nhà cấp 4 đơn sơ, nằm gần ngoại ô thành phố Huế, phía bên phải con đường đi bãi biển Hội An. Đối diện phía bên kia đường là một địa danh nổi tiếng, nơi mà gần 60 năm trước thi sỹ họ Hàn đã cảm tác làm nên thi phẩm nổi tiếng "Đây thôn Vĩ Dạ".

Tới thăm ông cho phải đạo, cũng là để tiếp kiến nhân vật huyền thoại mà từ lâu đã từng ước vọng. Cái buổi chiều thu xứ Huế hôm ấy trôi đi quá nhanh. Tới lúc phải chia tay ông trở về cho kịp chương trình làm việc buổi tối của Ban giám khảo mà câu chuyện vẫn còn dang dở, tôi xin được hầu chuyện ông vào một ngày gần nhất.

Dẫu chỉ mấy tiếng đồng hồ đàm đạo, tôi vẫn nhận ra trong ông còn chất chứa bao điều day dứt, tất cả đều liên quan tới an nguy đất nước, sự sống còn của chế độ. Những tâm sự của ông đều liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi. Đó là công tác bảo vệ An ninh nội bộ và An ninh văn hóa - Tư tưởng trong tình hình mới. Phải chăng, "Việc gì đó quan trọng lắm" mà Thúy Nga nói với tôi là ở đây?

Chùa Thiên Mụ tại Huế.

Chiến công sau ngày giải phóng

Nội dung đầu tiên ông nói với tôi hôm đó là tình hình và công tác Bảo vệ An ninh nội bộ. Đặc biệt là công tác cán bộ, nói với lớp cháu con, học trò, vậy mà "Đại lão gia" cũng phải rào đón kỹ lắm.

- Tôi nghỉ hưu trí lâu rồi, nhiều việc nói ra sợ các đồng chí cho là bảo thủ, lạc hậu… Tổ quốc thống nhất, đất nước thanh bình, nhưng âm mưu chiến lược của địch, thôn tính Việt Nam bằng "Diễn biến hòa bình", bằng "Kế hoạch hậu chiến" thì vẫn còn nguyên giá trị. Mũi quan trọng là kẻ địch tập trung vào địa bàn nội bộ các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương, nhằm xóa chủ nghĩa xã hội ngay từ trong nội bộ. Nói tới nội bộ là nói tới yếu tố con người. Bây chừ, hình như một bộ phận không nhỏ cán bộ đã khác trước (ông không dám dùng từ biến chất hoặc đạo đức xuống cấp như gần đây chúng ta thường nói). Cứ đà này thì kẹt lắm. Đây là mục tiêu số một, các thế lực nhắm vào đó. Chắc đồng chí còn nhớ vụ việc xảy ra ở tỉnh này 18 năm về trước.

- Dạ… chắc Bác Bảy nói tới sự kiện tháng 8-1978.

- Đúng vậy! Chuyện vừa vui, vừa buồn. Vui, vì các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), mà chủ yếu là lực lượng Công an, đã sớm phát hiện, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ, thẩm tra, xác minh kịp thời báo cáo về Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) để Bộ báo cáo lên Trung ương xử lý kịp thời; buồn, vì do chủ quan, thiếu tinh thần cảnh giác cách mạng, mà chúng ta đã để cho một phần tử xấu, một kẻ phản bội, một tên nội gián nguy hiểm đã tồn tại trong nội bộ ta nhiều năm, tạo cơ hội chui sâu, leo cao và trở thành nghị sĩ Quốc hội khóa VI sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Những lời tâm tình, pha chút ngậm ngùi, day dứt của ông đã đưa tôi trở về với quá khứ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Cái thời mà cỡ sĩ quan lèng xèng như tôi chưa từng được tỏ mặt ông, bởi lúc đó ông đã là một Trưởng ty Công an nổi tiếng ở một địa bàn nổi tiếng, vùng máu lửa của nhiều giai đoạn cách mạng.

Sự kiện trên, lực lượng chủ công là Công an Bình Trị Thiên thực hiện. Có sự phối hợp của các đơn vị chức năng của Bộ: Cục Bảo vệ - Chính trị I (Bí số KD3). Cục Bảo vệ Cơ quan và Văn hóa (Bí số KE3) tên giao dịch công khai với các cơ quan là D28.

Chiến tranh Việt Nam kết thúc bằng cái mốc lịch sử 30-4-1975. Chính quyền Sài Gòn đầu hàng quân Giải phóng vô điều kiện. Trong cuộc di tản hỗn loạn, họ đã bỏ lại hàng vạn mét khối hồ sơ, tài liệu. Tập trung ở Đô thành Sài Gòn và tất cả các địa phương trên toàn cõi Nam Việt Nam. Vì vậy, thời đó cơ cấu tổ chức của Bộ Công an chưa có cấp Tổng cục, nên Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ thị cho ông Dương Thông (lúc đó là Cục trưởng KE3) thành lập ngay một phòng chuyên đề khai thác hồ sơ địch để lại lấy bí số là P10. Lực lượng được huy động là cán bộ có kinh nghiệm ở công an các địa phương. Đây là một phòng tăng cường, lúc cao điểm, quân số lên tới gần 100 người. Vì vậy, anh em chúng tôi gọi vui là "đại phòng" vừa đông quân số, vừa to về số hiệu. Cố nhiên, ở các địa phương cũng hình thành một bộ phận làm công tác này. Quy mô có thể là đội hoặc tổ công tác nghiên cứu chuyên đề.

Với cả núi hồ sơ, tài liệu như vậy, trước mắt, đơn vị tập trung khai thác, nghiên cứu những tài liệu liên quan tới an ninh đất nước. Tập trung vào các kho lưu trữ tại: Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo, An ninh quân đội, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Nha Cảnh sát Đô thành, Đoàn công tác đặc biệt miền Trung (ĐCTĐBMT)… Tài liệu khai báo của những người thuộc chế độ Sài Gòn cũ đã không di tản, quyết tâm ở lại xây dựng đất nước. Những cứ liệu để Công an Bình Trị Thiên tiến hành thẩm tra xác minh về một nhân vật quan trọng, nằm trong loạt tài liệu này. Nó được phối kiểm qua hồ sơ khai thác trong kho lưu trữ của "ĐCTĐBMT" cùng với lời khai trực tiếp của một số người trong "ĐCTĐBMT" bị bắt tập trung cải tạo.

Chân tướng kẻ phản bội

Từ kết quả phong trào Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đầu năm 1977, Công an Bình Trị Thiên  nhận được một số thông tin về hoạt động mờ ám của một cán bộ đầu ngành trong tỉnh - Một người đã từng hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu V, trở thành kẻ đầu hàng, phản bội, làm tay sai cho địch.

Người mà quần chúng tố giác là ông N.T.T., đang giữ chức Vụ trưởng một cơ quan cấp sở, ty, đại biểu Quốc hội khóa VI.

Thông tin trên được báo cáo lên Bộ và cấp ủy địa phương theo đúng nguyên tắc quy định. Sau khi được chỉ đạo của cấp trên, Công an Bình Trị Thiên đã khẩn trương khai thác hồ sơ địch để lại và một số người bị bắt tập trung cải tạo, đặc biệt là những người đã từng làm việc trong chế độ Sài Gòn cũ thuộc lĩnh vực có liên quan tới ông N.T.T., trong đó có một viên sĩ quan làm việc trong “ĐCTĐBMT” trước đây. Xác minh các nguồn tài liệu thu thập, kết hợp với công tác trinh sát nghiệp vụ, cơ quan Công an từng bước làm rõ trường hợp này.

Theo tài liệu địch để lại thì tổ chức "ĐCTĐBMT"  ra đời năm 1955. Mỹ  và chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương sử dụng một số cán bộ của ta bị bắt nhằm thực hiện âm mưu tiếp tục đánh phá Cách mạng. Trong số những cán bộ của ta bị địch bắt, có một kẻ phản bội, đã từng cộng tác cùng ông N.T.T., đã khai báo chi tiết về ông T. "ĐCTĐBMT" đã bố trí cho nhận diện và giám sát mọi quan hệ, hoạt động của ông T. Ngày 2/6/1958, chúng đã bố trí bắt ông T. tại một địa điểm trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế

(Còn nữa)

K.M.D.
.
.