Huyền thoại K3 - Tam Đảo

Thứ Ba, 25/12/2018, 20:31
Sắt son với tổ quốc, dũng cảm và mưu trí trong chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo đã làm nên những chiến tích oai hùng từ chiến trường Khe Sanh đến 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; tô thắm huyền thoại về một Tiểu đoàn anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước…


Những anh hùng trên cao điểm 689

Tại căn nhà số 24, phố Tây Sơn, quận Hà Đông, Hà Nội, chúng tôi được dự buổi gặp gỡ giữa cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo: Các Anh hùng LLVT: Nguyễn Hữu Quyền, Trần Trọng Can, Hán Duy Long; Trung đội trưởng Trung đội 3, Đào Văn Phê, chiến sĩ quân lực Nguyễn Văn Hợi và đồng chí Kỷ - chiến sĩ tài vụ. Sắp tới đây, các anh sẽ cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức lễ ngày khánh thành Nhà tưởng niệm - mái ấm chung cho đồng đội đã hi sinh trên cao điểm 689 (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)…

Ngày 1-6-1968, tại binh trạm giao liên 15, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 2 nhận lệnh vào Khe Sanh chiến đấu mà trực tiếp là bao vây diệt quân Mỹ ở cao điểm 689, với mục đích: Là trận đánh mở màn cho chiến dịch đánh địch rút chạy khỏi Khe Sanh; tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giành thắng lợi đầu tiên, tạo lòng tin cho các đơn vị bộ binh của Trung đoàn quyết tâm đánh thắng Mỹ phòng ngự trong công sự vững chắc; nghiên cứu, rút ra bài học kinh nghiệm về tổ chức, chỉ huy và cách đánh cho trung đoàn và các đơn vị tham gia chiến dịch.

Các cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo họp thống nhất chương trình lễ khánh thành nhà tưởng niệm các liệt sĩ trên Cao điểm 689.

Cao điểm 689 có công sự trận địa vững chắc. Nếu Đường 9 - Khe Sanh được ví như Điện Biên Phủ thứ hai thì cứ điểm này có tầm quan trọng như cứ điểm đồi A1. Bắt đầu từ ngày 12 tháng 6 năm 1968, với phương châm: Vây - Lấn - Tấn - Phá - Triệt - Diệt, Tiểu đoàn 3 đã tổ chức đào hầm hào để vây ép địch.

Đêm 28 rạng sáng ngày 29-6, Trung đội 1 nhận lệnh tập kích địch. Bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song, mặc dù ở tình thế bất lợi nhưng Trung đội 1 đã tiêu diệt được hơn 100 tên Mỹ, phá hủy nhiều hầm ngầm lô cốt địch. Về phía ta hi sinh 14 và bị thương 6 đồng chí.

Trong trận Trung đội trưởng Trung đội 1, Phạm Ngọc Khánh sau khi bị thương nặng, cả người bê bết máu, đồng chí Khánh biết mình không thể tiếp tục chiến đấu được nữa nên đã giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị cho Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 Nguyễn Xuân Ba. Sau đó đồng chí Khánh lết đến một hầm đại liên đang bắn xối xả về phía ta, đồng chí hô lớn "Bác Hồ muôn năm" và ấn cả một chùm lựu đạn vào dập tắt ổ đại liên của địch.

Anh hùng Lực lượng vũ trang  Nguyễn Hữu Quyền nhớ lại: "Sáng 1 tháng 7 năm 1968, chúng tôi nhận lệnh siết chặt vòng vây chờ lệnh tổng tiến công tiêu diệt cứ điểm 689. Tôi chỉ huy một tiểu đội, mỗi người mang theo hai nắm cơm, chờ địch. Hơn 7 giờ, một tốp địch nống ra ngoài bị tiểu đội đánh bật vào trong. Khoảng 9 giờ, địch cho lực lượng tiến công theo hai mũi cũng bị tiểu đội chặn đứng".

Cả ngày hôm đó, lực lượng do đồng chí Nguyễn Hữu Quyền chỉ huy đã chặn đứng và đánh tan 4 đợt phản kích của địch, tiêu diệt 46 tên, đơn vị đạt danh hiệu "Đơn vị anh dũng diệt Mỹ", riêng đồng chí Nguyễn Hữu Quyền đạt danh diệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

Ngày 7-7, ta đã áp sát và tiêu diệt phần lớn quân Mỹ ở Cao điểm 689 do đại đội Charlie đồn trú. Để ứng cứu, địch bốc toàn bộ 3 đại đội (Bravo, Charlie, Alpha)  và tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 lính thủy đánh bộ Mỹ ở quanh các cao điểm 845, 832 đổ xuống 689, tổ chức phản công hòng chiếm lại các vị trí đã mất và mở đường máu cho lực lượng còn lại tháo chạy. Sau ít phút chiến đấu, ta đã chặn đứng các đợt phản công của địch. Không thực hiện được ý đồ, địch điều động không quân điên cuồng hủy diệt sự sống trên mỏm 689 bằng nhiều trận bom Napan. Cao điểm 689 của Mỹ hoàn toàn bị thất thủ.

Sau 11 ngày đêm chiến đấu, Tiểu đoàn 3 đã diệt hơn 400 tên Mỹ. Về phía ta gần 200 đồng chí đã hi sinh. Máu xương các anh đã hòa vào đất trời trên cao điểm 689. Trong ngày 8-7-1968, tin thắng trận đã bay về Thủ đô và trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh viên đọc có đoạn: "Cả nước xin được ôm hôn các dũng sĩ trên cứ điểm 689"

Trong chảo lửa Thành cổ Quảng Trị

Sau chiến trường Khe Sanh, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 246 được biên chế về tỉnh đội Quảng Trị lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo. Sáng 9-7-1972, tại làng Nhan Biều, Tư lệnh mặt trận B5 Lê Trọng Tấn giao nhiệm vụ đặc biệt cho K3-Tam Đảo trực tiếp chốt giữ bảo vệ bên trong Thành cổ Quảng Trị.

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hợi nhớ lại: Mờ sáng ngày 10-7-1972, K3-Tam Đảo hành quân từ Nham Biều vượt sông Thạch Hãn vào thành chốt giữ. Sở chỉ huy tiểu đoàn được đặt tại mép thành phía trong, kế cổng tây. Đại đội 12, đại đội hỏa lực bố trí ở phía Tây-Bắc, Đại đội 10 chốt giữ hướng Đông-Bắc, Đại đội 11 chốt giữ phía Đông-Nam, còn Đại đội 9 chốt giữ phía Nam và Tây - Nam thành.

Ngay ngày đầu vào thành, cả  tiểu đoàn phải hứng chịu một lượng bom khổng lồ dội xuống. Tất cả các đại đội, các phân đội trực thuộc phải xây dựng hầm hào chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Bom vừa dứt, trên trời máy bay L19 bay vè vè, vòng đi, lượn lại. Ban chỉ huy tiểu đoàn nhận định đây có thể là đợt trinh sát chuẩn bị tọa độ cho pháo binh và máy bay đánh phá trong Thành cổ.

Quả đúng như nhận định, chiếc L19 bất ngờ lao lên cao và chúc đầu xuống bắn một quả đạn khói vào trận địa 12,7mm của Đại đội 12. Lượt bổ nhào thứ 2 chúng bắn liền 2 quả đạn khói xuống cổng thành phía đông. Ngay sau đó, máy bay địch từng tốp xuất hiện, điên cuồng cắt bom, bắn tên lửa vào mục tiêu. Ngày đầu tiên, đã có hơn 30 cán bộ, chiến sĩ bị thương vong.

Địch cứ thế điều máy bay và pháo hạm bắn phá ác liệt vào Thành cổ. Rạng sáng ngày 14-7-1972, ở trận địa chốt của Trung đội 3 Đại đội 11 phía Đông-Bắc do Tiểu đội phó Lê Cảnh Tứ chỉ huy, phát hiện một tốp biệt kích ngụy đang luồn lách qua những bức tường thành bị bom pháo khoan thủng hôm trước, có ý định bò lên cắm cờ. Lê Cảnh Tứ bình tĩnh chỉ huy tiểu đội vận động ra sát mép thành mật phục.

Khi toán biệt kích địch vừa leo lên thành, Tứ lệnh cho toàn đội nổ súng tiêu diệt. Tên cầm cờ đi đầu trúng đạn gục ngã. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11 cũng kịp lúc đến hỗ trợ đánh địch. Cuộc tấn công bí mật chớp nhoáng nhằm cắm cờ của địch bị bẻ gãy. Chiến sĩ Nguyễn Văn Sĩ lao lên cướp lá cờ từ tay tên biệt kích bị bắn chết bàn giao cho cấp trên.

Các cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo, nói chuyện truyền thống với chiến sĩ trẻ Trung đoàn 246.

Những ngày tiếp theo địch "tắm" Thành cổ trong bom đạn. Có những ngày cả tiểu đoàn phải nhịn đói vì hậu cần bị chia cắt. Trưa 13-8, địch sử dụng bom tấn ném trúng cổng thành phía Tây, hàng trăm tấn gạch, bê tông sụp đè lấp, chôn vùi Sở chỉ huy tiểu đoàn cùng gần 10 cán bộ, chiến sĩ. Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến mò mẫm trong bom đạn đến từng chốt chiến đấu, động viên bộ đội: "Chúng ta hãy biến đau thương thành hành động, phải kiên cường chiến đấu, tiêu diệt địch, giữ vững Thành cổ Quảng Trị".

Anh hùng LLVT Hán Duy Long nhớ lại: Sau những ngày giữ thành, lực lượng của Tiểu đội còn lại 3 người: Tôi và hai chiến sĩ Sự và Đằng. Các đồng đội khác đã hi sinh và thương vong chuyển về phía sau. Ngày 23-8-1972, hơn 100 tên địch tổ chức tiến đánh hướng Đông - Nam vào vị trí phòng thủ của tiểu đội. 3 chúng tôi quyết tử bảo vệ thành. Địch thì co cụm thành từng đám ẩn nấp sau các chướng ngại vật.

Thấy vậy, tôi giao nhiệm vụ cho Sự cơ động dọc chiến hào, cứ cách vài mét thì bố trí một quả đạn B40 còn Đằng thì yểm trợ cho tôi dùng hỏa lực B40 hạ địch. Đầu tiên sẵn khẩu B41 có đạn tôi ngắm bắn địch đang co cụm sau bức tường cách đó không xa. Rồi sau đó, theo phương án tác chiến, tôi bỏ súng B41, ôm súng B40, lăn mình ra các vị trí Sự bố trí đạn, lắp đạn, ngắm bắn. Bắn được thêm 9 quả B40 thì bị ngất. Khi tỉnh dậy được đồng đội cho biết, địch bị hỏa lực B40 và B41 làm thương vong, khiếp sợ đã bỏ chạy, rút về phía sau.

Ngày 16-8-1972, K3 - Tam Đảo nhận lệnh rời Thành cổ, kết thúc 81 ngày đêm anh dũng trong chảo lửa bom đạn. Ngày 23-9-1973, với thành tích đặc biệt xuất sắc trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo đã được Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.

Trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội

Chiến tranh qua đi, nhưng những ngày sống trong lửa đạn bên đồng chí, đồng đội trong đội hình Tiểu đoàn 3 luôn giằng xé tâm trí CCB, thương binh ¼ Nguyễn Văn Hợi. Năm 1998, ông quyết định tìm lại đồng đội còn sống năm xưa để thực hiện công tác tri ân với những "đồng đội đã ngã xuống để cho chúng tôi được sống" (ông Hợi nói).

Sau gần 10 năm tìm kiếm và 35 năm xa cách, ngày 1-5-2007, tại tỉnh Nam Định, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo đã gặp nhau ở chiến trường Quảng Trị. Anh Đào Văn Phê cho biết trong buổi gặp mặt, chúng tôi chung ước mơ xây dựng trên cao điểm một tấm bia để ghi nhận sự hi sinh to lớn của đồng đội. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh, phần lớn các hài cốt đều không được tìm thấy. Mỗi khi đến đây, chúng tôi cảm thấy nghẹn ngào vì không làm tròn trách nhiệm trước vong linh đồng đội.

Bằng trái tim luôn hướng về đồng đội, Ban liên lạc CCB K3 - Tam Đảo đã vận động được khoảng 8 tỷ để xây dựng nhà lưu niệm trên cao điểm 689, và phục chế sở chỉ huy tiểu đoàn tại Thành cổ Quảng Trị. Song song đó, mỗi khi tổ chức hành trình về chiến trường xưa, Ban liên lạc còn vận động được hàng trăm phần quà tri ân đồng bào và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã cưu mang, giúp đỡ cho cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo trên chiến trường Quảng Trị đỏ lửa.

Việt Hà
.
.