Huyền thoại Tạ Đình Đề giữa đôi bờ hư - thực
Nhiều năm sau này, chính TS Dương Thanh Biểu cũng không thể ngờ được, mình lại trở thành người bạn vong niên với ông Tạ Đình Đề, sau những biến cố đắng cay của cuộc đời con người nổi tiếng ấy.
Những câu chuyện về ông Tạ Đình Đề dưới đây do TS Dương Thanh Biểu kể lại một cách trân trọng, từ những gì ông đã thu thập được cho thấy một huyền thoại Tạ Đình Đề trong hoạt động cách mạng. Những câu chuyện có thể vừa thực vừa hư. Nhưng, nói như TS Dương Thanh Biểu thì "những huyền thoại về Tạ Đình Đề ít nhiều bắt nguồn từ những hành động anh hùng có thật của ông rồi được nhân dân ta yêu mến rồi thêu dệt nên"...
"Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của bố mẹ tôi. Bố tôi là Tạ Đình Ky, người thông minh, sáng dạ nhưng sau kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình, ông quyết định ở nhà mở lớp dạy chữ cho con cháu trong thôn xóm. Mẹ tôi là bà Lê Thị Duyên. Ông bà sinh được 4 gái và 2 trai. Chị tôi là Tạ Thị Ào, Mẹ Việt Nam Anh hùng, có 3 người con hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Nghĩ về gia đình, tôi lại càng nhớ và tự hào về dòng họ Tạ của mình. Họ Tạ không chỉ có nhiều người thành danh về tri thức, khoa học mà còn có rất nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước… Chính truyền thống và những tấm gương cao đẹp ấy đã thôi thúc tôi học tập và làm theo những bậc hiền tài của dòng họ.
Ông Tạ Đình Đề (phải) với Giáo sư, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. |
Quê tôi đồng chiêm trũng, cái nghèo cứ đeo bám suốt năm tháng. Ấy thế mà gia đình đã dành mọi ưu tiên để cho tôi theo học tại Văn Điển, Hà Nội. Nhờ được học hành tử tế, tôi có điều kiện tiếp xúc với các tác phẩm văn học và những tư tưởng tiến bộ của các nhà cách mạng… Từ đây tôi mới hiểu thấu cảnh đời nô lệ, yêu thương người nghèo khổ, thích những gì là cao đẹp, quý trọng những việc làm lợi cho dân, cho nước. Không chỉ Thanh Oai có nhiều người nghèo khổ mà ngay ở Hà Nội cũng không hiếm những người đói rách lầm than. Khi nghe tin Công ty Hỏa xa Vân Nam tuyển công nhân thì tôi xin bố mẹ đi luôn. Mùa xuân năm 1935, tôi và anh Thái lên Hà Nội theo tàu hỏa sang Vân Nam.
Sau khi làm thủ tục với Công ty Hỏa xa Vân Nam, công ty của Pháp, họ thấy tôi biết tiếng Việt, một ít tiếng Pháp, tiếng Anh và Trung Quốc nên được giao làm công việc "cu li", đỡ cực nhọc hơn phu phen một tý. Anh Thái không được học hành như tôi nên bị xếp làm công việc rất cực nhọc. Chúng tôi bàn nhau để anh Thái về quê giúp gia đình, còn tôi ở lại Vân Nam làm cho Pháp.
Đến bây giờ tôi không thể quên được, lúc đó mình chỉ là người làm thuê mà cả gan dùng cán xẻng xúc than nện cho tên đốc công người Pháp một trận nhừ đòn. Có người cho rằng do tôi có tính nóng nảy nhưng có lẽ cũng do tụi chủ Pháp quá khinh rẻ và hay ăn hiếp người dân lao động làm thuê. Đây là kỷ niệm đậm nét về thái độ coi thường thợ thuyền làm thuê của giới chủ bóc lột mà sau này khi trở thành lãnh đạo, tôi luôn luôn đặt vị trí trung tâm của đơn vị là phải chăm lo cuộc sống vật chất cũng như tinh thần cho người thợ như thế nào.
Bị thải hồi, đang lúc bơ vơ, tôi được gặp người của tổ chức cách mạng - Hội Ái hữu Cứu quốc sau đổi tên là Việt Nam Giải phóng cứu quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo…
Thời gian ở Vân Nam có một kỷ niệm cứ theo tôi suốt cả cuộc đời. Trong thời gian khó khăn này, Bác Hồ, có tên là Lý Thụy cũng có mặt tại đây để lãnh đạo phong trào cách mạng. Những thanh niên nhiệt huyết như chúng tôi được phân công bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo khác. Bọn mật thám đánh hơi được nhà cách mạng Lý Thụy có mặt tại Vân Nam nên chúng đã xây dựng các phương án đối phó.
Lúc đó, chúng tôi rất khoái và buồn cười khi nghe bọn mật thám Pháp và bọn Việt gian lo sợ các chiến sĩ cách mạng rồi truyền tụng với nhau rằng các chiến sĩ bảo vệ Lý Thụy có tài xuất quỷ nhập thần, có tài bắn súng cả ngày lẫn đêm, bắn đâu trúng đấy nên bọn chúng rất sợ hãi, không thể nào tiếp cận được mục tiêu. Sau đó, tôi bị chúng theo dõi chặt chẽ.
Lễ truy tặng Huân chương Độc lập hạng ba cho đồng chí lão thành cách mạng Tạ Đình Đề. |
Tuy đã cảnh giác nhưng cuối cùng tôi đã bị bọn chúng bắt trong một lần chuyển mệnh lệnh khẩn cấp. Sau nhiều ngày tra tấn, dụ dỗ đòi tôi khai ra nơi ở của Lý Thụy và các đồng chí lãnh đạo nhưng chúng không khai thác được gì. Bọn mật thám đã dùng những cực hình tra tấn rất dã man mà không có kết quả, nên chúng quyết định thủ tiêu tôi. Rất may mắn, tôi đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí trong tổ chức của ta".
Trở lại với câu chuyện của Tạ Đình Đề. Rất nhiều lúc tôi thấy đôi mắt nhìn xa xăm của ông như đang lục nhớ điều gì đó trong ký ức. Chuyện tiếp tục: "Khi sang Vân Nam tôi cứ nghĩ, với khả năng của mình cũng chỉ mơ được làm nghề lái tàu hỏa là may mắn lắm rồi. Một hôm, vào đầu năm 1941, lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Lý Thụy và các đồng chí lãnh đạo thì tôi không ngờ được người của tổ chức gọi lên gặp gỡ, giao nhiệm vụ đi học quân sự. Lúc này tôi được tổ chức đặt cho bí danh là Lâm Giang. Từ đó, ngoài tên Tạ Đình Đề, tôi còn mang tên Lâm Giang.
Có thể nói, dù khóa học chỉ có hai năm nhưng chúng tôi được nhà trường trang bị đầy đủ các kiến thức về kỹ thuật, chiến thuật tình báo…
Tạ Đình Đề kể tiếp: "Công việc đang đà thuận lợi thì người liên lạc của chúng tôi bị bắt. Tình hình cách mạng trong nước lúc này đang phát triển. Tôi tìm mọi cách để bắt liên lạc với tổ chức... Tôi về đến quê hương đúng lúc nhân dân khắp nơi chuẩn bị nổi dậy cướp chính quyền. Giữa khí thế Cách mạng Tháng tám hào hùng đó, tôi đã bắt được liên lạc với tổ chức và tham gia cướp chính quyền tại huyện nhà. Lúc này tôi được cử làm cán bộ Ty Liêm phóng Hà Đông.
Tiếp đó tôi tham gia Vệ quốc đoàn và cùng một nhóm biệt động được cử thâm nhập vào Hà Nội. Đội biệt động chúng tôi được phân công vào ở nhờ nhà cô Thọ, sau này là vợ tôi. Tại ngôi nhà này, anh em chúng tôi đã thề với nhau là tuyệt đối trung thành với cách mạng, với Tổ quốc và với nhân dân. Đầu năm 1946, khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc nổ ra, tôi được điều sang Ban Tình báo Liên khu II, Đội trưởng Đội Biệt động thành Hà Nội...
Người thân của ông Tạ Đình Đề nhận huân chương mà ông được truy tặng. |
Khi quân Pháp chiếm lại Hà Nội, cơ quan của tôi được chuyển vào vùng tự do. Tuy vậy, do yêu cầu nhiệm vụ, hàng ngày chúng tôi phải vào ra nội thành để lấy tin tức. Trong kháng chiến chống Pháp, các cơ sở bí mật của chúng tôi ở nội thành Hà Nội hoạt động rất tốt.
Vì vậy, chúng tôi nắm rất chắc tình hình hoạt động của địch và báo cáo kịp thời với cấp trên để vạch kế hoạch đối phó, ngăn chặn. Trong những ngày đó, nhiều lần chúng tôi thoắt ẩn, thoắt hiện để thực hiện nhiệm vụ và đã lập được nhiều chiến công. Có một kỷ niệm mà bây giờ tôi vẫn nhớ mãi.
Vào thời gian cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, một hôm, chúng tôi nhận được tin của cơ sở mật báo: Hiện nay, Dubrat - một tên trùm tình báo Pháp khét tiếng phụ trách xứ Bắc Kỳ - đang tung một nữ điệp báo ra vùng kháng chiến của ta để nắm tình hình. Sau khi xây dựng kế hoạch đối phó và báo cáo, được cấp trên chỉ đạo chúng tôi tiến hành thực thi nhiệm vụ.
Tôi đã cử những cán bộ, chiến sĩ nhanh nhẹn, thông minh bí mật theo sát nữ điệp viên này. Các chiến sĩ của tôi được sự hỗ trợ của nhân dân theo sát nó bắt đầu từ lúc xuất phát. Nữ điệp viên này rất có tài hóa trang để che mắt bộ đội. Chỉ cần có chút xao nhãng là mục tiêu biến mất. Khi cô ả vừa lò dò đặt chân đến vùng kháng chiến thì đã bị anh em chúng tôi đón lõng tóm gọn. Đây là nữ điệp viên khá xinh đẹp. Chúng tôi đưa thị đến nơi an toàn rồi tiến hành đấu tranh khai thác.
Thị khai mình là người Hà Nội, chuyên đi buôn thuốc nam từ thành phố ra vùng chiến khu. Hôm nay ra đây để mua nguyên liệu đưa về thành phố thì bị bắt. Tôi nghi ngờ điều thị khai, bèn chỉ đạo các cơ sở của ta tại Hà Nội xác minh lời khai của cô gái này. Từ các tài liệu, thông tin thu thập được, chúng tôi đã đấu tranh với thị.
Cuối cùng, với những tài liệu bằng chứng xác đáng, thị đã cúi đầu thú nhận: Y đã được bọn tình báo Pháp, đứng đầu là tên Dubrat tuyển mộ và huấn luyện. Y được giao nhiệm vụ ra vùng chiến khu để nắm tình hình, phục vụ âm mưu đánh phá vùng chiến khu cách mạng. Ngoài ra, nữ điệp viên này đã khai ra nhiều tin tức quan trọng về những âm mưu thâm độc của bọn viễn chinh Pháp trong việc chuẩn bị mở chiến dịch đánh ra vùng chiến khu... Nhờ vậy, chúng ta đã chủ động đối phó, làm thất bại âm mưu của kẻ địch.
Trong vụ điệp báo này, chính Dubrat đã thừa nhận thất bại trong việc thu thập tin tức trong vùng chiến khu của ta và rất khâm phục sự tài giỏi đối phó của tình báo Việt Minh".
Nghe chuyện Tạ Đình Đề kể, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, những huyền thoại về ông ít nhiều bắt nguồn từ những hành động anh hùng có thật của Tạ Đình Đề rồi được người dân yêu mến và thêu dệt nên. Từ câu chuyện của ông, tôi lại nhớ vào một buổi sáng mùa thu năm 1995, tôi đến thăm Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tại nhà riêng và cũng thật tình cờ gặp ông Đề đang ở đây.
Thượng tướng nhìn tôi rồi chỉ qua Tạ Đình Đề và giới thiệu: "Trước đây, khi tôi là Phó Tư lệnh Quân khu III, thì anh Đề là Phó ban Tình báo Quân khu. Anh Đề đã chỉ đạo Ban Tình báo nắm chắc tình hình và đã tham mưu chính xác, có hiệu quả cho Đảng ủy, chỉ huy Quân khu đánh địch và giữ vững tình hình chính trị trên địa bàn. Anh là con người nhiệt huyết, trách nhiệm".
Thượng tướng nhìn Tạ Đình Đề cười rồi nhìn tôi kể: "Tạ Đình Đề là người nhiệt huyết trong hoạt động tình báo lại yêu, ghét theo kiểu Lục Vân Tiên, nên những việc làm của anh được người dân yêu thích và truyền tụng. Huyền thoại về anh Đề cũng một phần do nhân dân ta khát vọng anh hùng, khát vọng yêu nước, thương dân nên đã truyền tụng cho nhau nghe những câu chuyện đó. Nhưng một phần cũng do chính bọn lính Pháp và ngụy quân trong thời tạm chiếm vì nơm nớp lo sợ, thêu dệt nên những huyền thoại "thần xuất, quỷ nhập". Đến mức bọn Pháp và ngụy quân ở Hà Nội và Khu III tưởng chừng như lúc nào ông Đề cũng có mặt giám sát hành động của chúng".
* “Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời".
(Còn tiếp)