Kết luận mới nhất về cái chết của Hoàng đế Napoléon

Thứ Ba, 29/05/2007, 16:30
Cuộc đời của Napoléon Bonaparte (1769-1821) đầy những sự kiện hiển hách. Từ một sĩ quan tầm thường, ông đã leo dần lên đài danh vọng và trở thành Hoàng đế của nước Pháp vào năm 1804.

Trong thời gian trị vì hơn một thập kỷ, Napoléon từng chinh phục  phần lớn châu Âu, bị đánh bại, trở thành tù binh và chịu cảnh lưu đày; sau đó, ông đào thoát trở về, phục hồi danh vị hoàng đế rồi cuối cùng bị đánh bại ở trận Waterloo.

Những năm tháng cuối đời, ông sống cảnh lưu đày trên đảo Saint Hélène và mất ở đó vào năm 1821.

Cái chết của Napoléon làm cho bao nhiêu đối thủ chính trị của ông thở phào nhẹ nhõm. Ông còn sống ngày nào, họ không yên ngày đó. Cũng chính vì thế mà cái chết của ông được thêu dệt đủ điều.

Không ai chịu tin vào hồ sơ mổ tử thi để khám nghiệm được thiết lập từ thế kỷ XIX, theo đó, Napoléon đã chết vì bệnh ung thư dạ dày. Nhưng cũng có giả thuyết đầy tính giật gân về âm mưu đầu độc Napoléon bằng arsenic?

Vào những thập niên thuộc nửa cuối thế kỷ XX, kết quả  phân tích tóc của Napoléon cho thấy có  nhiều dấu vết arsenic trong đó. Điều này đã làm phát sinh  giả thuyết về việc các đối thủ và kẻ thù của ông đã đầu độc ông bằng cách cho người trộn vào thức ăn và rượu vang của ông mỗi ngày một ít arsenic bởi lo sợ ông có thể vượt ngục và trở lại nắm quyền.

Napoléon bị ngộ độc chậm nên không hề hay biết gì cho đến ngày ông qua đời ở tuổi 52.

Gần đây, nhà nghiên cứu Owen Connelly, tác giả nhiều quyển sách viết về Napoléon, hiện là Giáo sư  Sử học Trường đại học Nam Carolina (Mỹ), cùng một số nhà khoa học đã có những cuộc nghiên cứu dài hơi về nguyên nhân gây ra cái chết của Napoléon và cuối cùng đã bác bỏ giả thuyết về âm mưu đầu độc bằng arsenic.

Họ lập luận rằng sự hiện diện của arsenic trong tóc ông không đủ để củng cố cho các giả thuyết có trước, vì độc chất này có thể ở trong  dược phẩm hay dầu xức tóc mà Napoléon thường sử dụng.

Điều đáng nói là kết quả phẫu thuật tử thi không ghi nhận hiện tượng xuất huyết bên trong trái tim như vẫn thường thấy ở những người bị ngộ độc arsenic.

Trong khi đó, căn cứ vào hồ sơ y khoa thiết lập sau cái chết của Napoléon, Connelly và các nhà khoa học khác tìm ra những chứng cứ  rõ rệt về bệnh ung thư dạ dày như: sụt cân nhanh, dạ dày chứa đầy những chất nổi hạt thường thấy trong trường hợp bị xuất huyết ruột – dạ dày. 

Robert Genta, nhà bệnh lý học kiêm giáo sư  về nội khoa Trường đại học Texas (Mỹ), cho rằng từ  ngõ vào đến ngõ ra (xuống ruột) của dạ dày Napoléon có một khối thịt to, dài ít nhất 10 cm và đây là dấu hiệu rõ nét của ung thư dạ dày.

Các nhà khoa học đã đối chiếu  50 ảnh chụp của những bệnh nhân bị loét dạ dày, nhưng không bị ung thư và 50 ảnh chụp của những bệnh nhân bị ung thư dạ dày và kết luận rằng căn bệnh dẫn đến cái chết của Napoléon  chính là ung thư dạ dày.

Giáo sư Genta cho biết thêm, những tổn thương ghi nhận trong dạ dày của Napoléon  là hậu quả sự  tấn công của vi khuẩn Helicobacter pylori, thủ phạm gây ra bệnh loét dạ dày và lâu ngày có thể dẫn đến ung thư. Điều này, cũng theo Genta, do khẩu phần ăn của những tướng tá, binh sĩ đi đánh trận xa vào thế kỷ XVIII thường thiếu thịt tươi, trái cây, rau củ nên bệnh loét dạ dày khá phổ biến.

Hiện nay lý do giải thích căn bệnh ung thư dạ dày của Napoléon không hẳn đã nhận được sự đồng tình của nhiều người, vì thực phẩm của một hoàng đế như ông không dễ gì thiếu chất tươi, nhưng dù vậy, việc ông bị bệnh ung thư dạ dày cũng đang trở thành giả thuyết dễ thuyết phục hơn là giả thuyết về sự ngộ độc arsenic.

Câu hỏi được đặt ra là liệu đây có phải là giả thuyết cuối cùng được mọi người chấp nhận về cái chết của nhân vật lịch sử lừng danh này hay không?

Lê Nguyễn (Tổng hợp)
.
.