Kho báu dưới đáy biển miền Trung: Sự xuất hiện của đoàn chuyên gia Nhật
Vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) đã từng dậy sóng bởi nạn săn lùng cổ vật. Ở đáy biển này, qua các cuộc khai quật khảo cổ cấp quốc gia một tàu cổ bị chìm vào thế kỷ XV - XVI đã thu được hàng trăm nghìn cổ vật có giá trị "liên thành", chủ yếu là đồ gốm sứ Chu Đậu, Hải Dương. Tuy nhiên, ngư dân cũng phát hiện được một con tàu khác vỏ bằng sắt có một số vàng bạc và cả thuốc phiện được giấu trong những chiếc bếp "lò xô".
Có phải đây là một trong số tàu hải quân Nhật Bản chở báu vật bị phe Đồng minh ném bom đánh chìm vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2? Lần theo tại liệu chúng tôi đã thu thập được nhiều thông tin đáng tin cậy...
Chuyện ghi trên đảo Ngọa Long
Cù Lao Chàm còn gọi là đảo Ngọa Long, vì nó có hình dáng con rồng đang nằm giữa bốn bề trùng khơi sóng vỗ. Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn thời Vua Tự Đức biên soạn, ghi rằng, đảo Ngọa Long nằm ngất ngưởng giữa biển, cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía đông. Đảo này còn gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm…
Sau khi đất nước thống nhất (1975), các nhà khoa học đã có điều kiện tiến hành khai quật tại Bãi Làng, Cù Lao Chàm và phát hiện nhiều mảnh gốm đời Đường niên đại từ thế kỷ VII - X, những mảnh gốm Chăm, gốm Islam của vùng Trung Cận Đông khoảng thế kỷ IX - X… Từ đó họ đưa ra kết luận rằng, hòn đảo này nằm trên trục con đường tơ lụa nối liền các trung tâm buôn bán lớn của các quốc gia vùng Đông Nam Á và Trung Cận Đông.
Về gốm sứ cổ, có một thời vùng biển Cù Lao Chàm từng là tâm điểm thu hút các trùm buôn bán cổ vật xuyên quốc gia. Vì dưới đáy biển ngoài khơi Cù Lao Chàm, trước khi có cuộc khai quật khảo cổ cấp quốc gia, con tàu cổ bị đắm chở đầy đồ gốm sứ Chu Đậu, Hải Dương. Vào đầu thập niên 90, nhiều ngư dân các làng chài ven biển duyên hải miền Trung cũng đã lặn lấy được vô số cổ vật từ con tàu cổ này. Có điều đáng tiếc, do không biết giá trị "liên thành" của cổ vật nên họ đã bán nó rẻ như... rau muống.
Bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu "kho báu" dưới đáy biển mà từ năm 1964, các thương gia đã đệ đơn xin tướng "râu dê" Nguyễn Khánh của chế độ Sài Gòn cho được hợp tác khai thác ăn chia theo thỏa thuận, chúng tôi lặn lội tìm gặp, dò hỏi một số ngư dân từng có bề dày kinh nghiệm về lặn tìm cổ vật ở biển Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, công việc thu thập tin tức chẳng khác nào "mò kim đáy bể"...
Đến đầu tháng 3/2012, bất ngờ chúng tôi được một ngư dân ở làng chài Bình Sơn, Quảng Ngãi tiết lộ thông tin rằng, có nghe được chuyện một vài người dân sinh sống trên đảo Cù Lao Chàm, trước năm 1975, trong lúc đánh bắt cá vô tình phát hiện được một con tàu vỏ sắt, trong tàu có nhiều đồ trang sức. Câu hỏi được đặt ra, có phải đây là một trong số các con tàu của quân đội Nhật Bản chở châu báu bị đắm vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2? Sự tò mò đã khiến chúng tôi thực hiện chuyến đi ra đảo Cù Lao Chàm vào cuối tháng 3/2012, khấp khởi niềm hy vọng ở hòn đảo giữa biển này sẽ thu thập được chút ít manh mối về "kho báu" dưới đáy đại dương…
Một trận chiến trên Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ 2. |
Sau hơn 20 phút ngồi ca nô cao tốc, chúng tôi đặt chân lên cầu cảng Bãi Làng, Cù Lao Chàm. Nhưng, mất hẳn một ngày lân la dò hỏi các ngư dân sinh sống trên đảo mà chúng tôi không tìm ra chút manh mối nào về những ngư dân phát hiện con tàu vỏ sắt có đồ trang sức trong khoang. Người dân sinh sống ở hòn đảo này dường như ai cũng lắc đầu trả lời không biết chuyện mà ngư dân ở làng chài Bình Sơn, Quảng Ngãi đã kể. Đến lúc chúng tôi thất vọng định quay về, tình cờ trong lúc ngồi uống nước trong một quán nhỏ ở Bãi Ông, chuyện phiếm với ngư dân tên là Trần Hai, bỗng anh này vỗ đùi đánh đét, nhìn chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi thốt lên:
- Có!... Chuyện đó lúc còn sống ông già tui có kể cho tui nghe!…
Nhìn khuôn mặt chữ điền cháy nắng hằn in bao vất vả của ngư dân Trần Hai, chúng tôi ngỡ anh đã ngoài ngũ tuần, nào hay mới bước sang tuổi 44. Anh Hai nói rằng, cha của anh là ông Trần Tau, sinh năm 1913, đã mất cách đây 7 năm, lúc còn sống có kể cho anh nghe về một con tàu mà ông cùng một vài người bạn lặn thấy ở khu vực biển Hòn Dài có độ sâu 45 sải (khoảng 70m). Hỏi cặn kẽ mới hay, cha của anh Hai phát hiện con tàu vỏ sắt đắm ở biển Hòn Dài, Cù Lao Chàm vào thời điểm trước ngày miền Nam được giải phóng. Câu chuyện này cũng được giữ kín như bưng nên rất ít người trên đảo được biết rõ…
Theo lời kể của ngư dân Trần Hai, lúc lặn thấy con tàu, cha anh và những người bạn đã chui vào sục tìm trong khoang, gạt lớp bùn đất thì phát hiện một số đồ nữ trang và đặc biệt là những chiếc "lò xô" (bếp lò sử dụng bằng dầu hôi) chứa đầy thuốc phiện bên trong thùng chứa dầu… Anh Hai nói rằng, lúc còn sống cha của anh không hề tiết lộ rõ số nữ trang tìm thấy trên tàu là bao nhiêu, song theo xác định của anh thì con tàu mà họ phát hiện không phải là tàu chở châu báu của hải quân phát xít Nhật. Vì nếu "trúng đậm" châu báu, cha của anh không để cuộc sống phải chật vật, con cái phải nhọc nhằn, vất vả mưu sinh…
Trong cuộc trò chuyện, anh Hai còn cho biết thêm, có lần anh trông thấy một ngư dân ở làng chài Duy Vinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) khoe thanh kiếm lính Nhật đã hoen gỉ, nói rằng tìm thấy ở một con tàu chìm ngoài khơi Cù Lao Chàm…
Như vậy, có thể ngư dân ở duyên hải miền Trung và đảo Cù Lao Chàm mặc dù không biết đến tài liệu kho báu mà vào đầu năm 1964 các thương nhân đã làm đơn đệ trình lên Nguyễn Khánh xin khai thác. Nhưng, trong khi đánh bắt hải sản, hoặc lặn tìm cổ vật từ những con tàu cổ bị đắm, có khả năng họ cũng đã tìm thấy một vài con tàu của quân đội Nhật vào cuối Thế chiến II bị máy bay phe Đồng minh ném bom đánh chìm…
Khai thác cổ vật ở biển Cù Lao Chàm. |
Có còn kho báu dưới đáy biển?
Tình cờ, được biết Thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô cũng đã cất công tìm hiểu về tài liệu "kho báu" từ những con tàu quân đội phát xít Nhật bị phe Đồng minh đánh đắm trên biển miền Trung. Qua trao đổi, chúng tôi đã được ông tiết lộ thêm những chi tiết khá thú vị. Rằng, trong thời điểm các thương nhân gửi đơn đến tướng "râu dê" Nguyễn Khánh thì có một ngư dân tên C. ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng gửi đơn cho Nguyễn Khánh xin khai thác phế liệu chiến tranh là những con tàu của quân đội phát xít Nhật bị đắm trên biển miền Trung. Thực tế, đây là chiêu trò lập lờ nhằm khai thác châu báu từ những con tàu của hải quân Nhật Bản bị đắm. Song, ông C. "trùm sò" hơn là thể hiện rõ ý đồ câu móc Khánh để chỉ hai bên cùng ăn chia sau khi khai thác được mà thôi!...
Về việc tìm kiếm các con tàu quân đội phát xít Nhật bị đánh chìm trên vùng biển miền Trung vẫn chưa có tài liệu nào ghi rõ ràng. Song, theo Thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô thì có một chi tiết cần quan tâm. Đó là vào năm 1963, mặc dù cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam diễn ra ngày càng khốc liệt, vậy mà phía Nhật Bản vẫn cử một đoàn công tác đến Đà Nẵng tìm gặp các ngư dân để nghiên cứu các loại ghe, thuyền. Các thành viên trong đoàn cũng đã lân la dò hỏi ngư dân về việc họ đánh bắt thủy sản có phát hiện những con tàu bị chìm ngoài khơi Cù Lao Chàm hay không. Vì sao phía Nhật Bản quá "mặn mà" với việc nghiên cứu ghe, thuyền của ngư dân ngay trong thời điểm chiến trường Khu V diễn ra ác liệt, đầy bom rơi, đạn lạc?...
Thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô cho biết, trong một báo cáo được gửi đi từ Đà Nẵng vào ngày 11/7/1963, nằm trong hồ sơ kho báu của chế độ cũ, có đoạn ghi: "Chuyên viên thống kê ngư nghiệp của Nhật là Keigi Torikei đã đến Đà Nẵng để nghiên cứu thành lập thống kê hải ngư trong 2 năm cho Quảng Nam. Ngày 17/7/1963, chuyên viên về ngư thuyền người Nhật là Kiratsuka đến Đà Nẵng để nghiên cứu các loại ghe thuyền".
Các "chuyên gia kinh tế biển của Nhật" liên tục tiếp cận hàng ngàn ngư dân Quảng Nam và Đà Nẵng "để giúp ngư dân phát triển nghề cá". Theo đó, có 2 chuyên gia phụ trách 2 lĩnh vực khác nhau: một người chuyên giảng về các phương thức tìm luồng cá và cách đánh bắt; người thứ hai chuyên khảo sát, đo vẽ các ngư cụ, nhất là thuyền và mô hình thuyền đặc trưng của ngư dân Quảng Nam, các lớp trên được tổ chức tại Đà Nẵng và Hội An...
Từ sự phân tích của Thạc sĩ Lưu Anh Rô, chúng tôi xác minh qua một số lão ngư ở các làng chài ven biển duyên hải miền Trung thì ai cũng xác nhận việc các chuyên gia người Nhật giảng dạy, dò hỏi những con tàu bị đắm là có thật. Ông Huỳnh Diễn đã hơn 80 tuổi ở làng chài Nam Ô, TP Đà Nẵng, xác tín với chúng tôi: "Hồi đó họ (các chuyên gia người Nhật - NV) về làng chài Nam Ô ở mấy ngày liền, ngoài việc giảng dạy kỹ lưỡng cách thức đánh cá họ còn dò hỏi rất kỹ những câu đại loại như "Lúc đánh bắt có gặp chướng ngại vật là một con tàu gỗ bị đắm, tàu mũi nhọn?", "Có gặp con tàu nào hình thù lạ, vỏ bằng sắt bị chìm gần Cù Lao Chàm?"...
Trên hành trình tìm hiểu những lá đơn mà các thương nhân đã gửi cho tướng Nguyễn Khánh, chúng tôi cũng tiếp xúc một số lão thành cách mạng ở TP Hội An, Quảng Nam, các cụ đều xác nhận, có việc máy bay phe Đồng minh ném bom đánh những con tàu hải quân phát xít Nhật trên biển Cù Lao Chàm vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2.
Liên hệ đến sự việc ông Trần Văn Tiệp (97 tuổi) cất công đi tìm kho báu ở núi Tàu (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) làm xôn xao dư luận thời gian qua cho thấy, khả năng tài liệu về những lá đơn của các thương nhân gửi cho Nguyễn Khánh như đã nêu là có cơ sở. Vì hồ sơ ông Tiệp cung cấp cho báo giới, cũng nêu: Vào cuối Thế chiến II, tướng Nhật là Yamashita sau khi đầu hàng phe Đồng minh đã đưa 84 tàu chiến chở đầy vàng tới núi Tàu nằm bên vịnh Cà Ná để chôn giấu. Nhưng, sau đó quân Đồng minh đã trở mặt đánh chìm 66 tàu của quân Nhật tại vịnh biển Cà Ná, còn lại 18 tàu bỏ chạy tứ tán...
Có nhiều nguồn tài liệu khác cũng chỉ đích danh người khởi động tìm kho báu mà tướng Yamashita và quân lính của ông ta chôn giấu ở núi Tàu là "ông cố vấn" Ngô Đình Nhu khét tiếng một thời. Điều này trùng khớp với lời kể của ông Nguyễn Văn Hườn, được ông Phan Chu Tế viết trong đơn gửi Nguyễn Khánh, xác định: Ngô Đình Nhu đã cho đại tá Quyền và Nguyễn Văn Hay tổ chức đưa tàu lặn ra Cam Ranh và Quảng Nam tìm kiếm 7 ngày nhưng không có kết quả, vì không xác định được tọa độ...
Đáng chú ý, các chuyên gia lặn tìm đồ gốm sứ Chu Đậu, Hải Dương từ con tàu cổ bị đắm ở biển Cù Lao Chàm, cũng phát hiện một số ụ đất dưới đáy biển giống như ụ đất của con tàu cổ trước khi được tìm thấy và đưa ra nghi vấn, đây là những xác tàu bị đắm. Liệu các ụ đất kia bên dưới là những xác tàu của quân đội phát xít Nhật, trong đó có tàu chở châu báu? Và như thế, kho báu dưới đáy biển miền Trung vẫn đang còn là một ẩn số...