Kho báu dưới đáy biển và những tranh chấp không hồi kết

Thứ Bảy, 03/04/2021, 15:34
Những con tàu chở vàng bạc, châu báu cách đây hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, không may bị đắm dưới đáy biển sâu luôn là món hàng hấp dẫn với các công ty săn tàu đắm. Hãng thám hiểm đại dương chủ chốt của thế giới đang tranh chấp số bạc nén trục vớt được từ con tàu đắm Tilawa…


Con tàu chở đầy bạc

Ngày 20-11-1942, tàu Tilawa nhổ neo, chở hàng hóa và hành khách từ Bombay (Ấn Độ) đến Nam Phi. Mới trước đó các tàu của hãng Tàu biển Ấn Độ thuộc Anh cứ 2 tuần lại đi theo hải trình đó 1 lần, nhưng chiến tranh nổ ra, tàu thường chậm đến cả tháng hoặc hơn nữa.

Trước khi nhổ neo, người chen chúc ở cảng, nên cảnh sát phải giãn người đưa tiễn. Trong tàu nhồi nhét đến gần 1.000 khách, nhiều người trong số đó đã phải trực nhiều tuần để chờ xếp xong hàng vào khoang đáy, trong đó có 2.391 nén bạc cho xưởng đúc tiền ở Pretoria - để làm thành những đồng tiền, huân huy chương và phù hiệu cho toàn bộ châu Phi, từ Congo thuộc Bỉ đến Ethiopia.

Thợ săn kho bạc

Tàu Tilawa bị tàu ngầm Nhật Bản I-29 tấn công vào đêm thứ hai của hải trình. Dính 2 quả thủy lôi, con tàu chìm sau vài phút. Trước khi chìm, tàu đã kịp phát tín hiệu SOS. Mấy ngày sau, tàu cứu hộ Birmingham được Anh phái tới và chở về Bombay 673 hành khách cùng đội tàu Tilawa. 281 người đã bị chết, sau đó họ cùng với hàng hóa chìm trong đáy biển lãng quên.

Tranh chấp sau 70 năm

Tháng 3-2012, Ross Hyett, 59 tuổi, người Anh, đăng ký hãng Argentum Exploration với mục tiêu duy nhất là tìm được và cất lên số bạc trong con tàu Tilawa mà theo tính toán, qua 70 năm, giá trị đã lên tới 32 triệu bảng Anh. 18 tháng sau, hãng này tìm ra chỗ tàu đắm: những mảnh vỡ vương vãi ở Tây Bắc quần đảo Maldives ở độ sâu khoảng 3.500 mét. Mất 2 năm để chuẩn bị, và hãng thuê tàu đặc biệt Seabed Worker của hãng Swire (Na Uy), tháng 1-2017, công việc trục vớt được bắt đầu.

Người của Hyett lo rằng có nhiều kẻ cạnh tranh nên cố gắng hành động sao cho thật cẩn thận. Cứ mỗi 4 tuần, Seabed Worker lại phải trở về bến cảng ở Salalah miền Nam Oman để thay ca kíp. Để giữ bí mật tuyệt đối, tàu trục vớt có trạm nghỉ ở rìa hải phận của Oman, tại đấy tàu "nhả" xuống đáy biển những nén bạc vớt được trong những lưới thép, sau đó con tàu không hàng mới tiến vào bến cảng để đón kíp thợ mới. Suốt 6 tháng trời, tàu Seabed Worker làm việc tại nơi tàu Tilawa bị đắm và đến tháng 6-2017 đã trục vớt được 2.364 nén bạc.

Tàu Tilawa trước khi khởi hành chuyến cuối cùng vào năm 1942.

Con đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải đi qua kênh đào Suez. Vấn đề là kênh đào này đi qua Ai Cập mà Hyett và hãng của ông muốn tránh xa, bởi năm 1942, bạc của tàu Tilawa đã có thể được dành cho xưởng đúc tiền của Ai Cập, nếu họ nhớ đến điều đó thì gay go… Cho nên phải đi đường vòng qua châu Phi. Trên đường, tàu Seabed Worker dừng nghỉ ở quần đảo Seychelles và Mũi Hảo Vọng (Nam Phi), cả 2 lần ấy cũng làm như ở Oman: thả bạc xuống đáy biển ở hải phận quốc tế. Ngày 3-9-2017, bạc giấu ở bờ của Nam Phi được chuyển lên tàu Pacific Askari, con tàu khác do chủ thầu của Argentum Exploration thuê. Một tháng sau tàu cập bến Southampton của Anh, họ cất bạc vào kho của Hải quan và khai là di vật từ con tàu đắm. 

Mặc dù đó là chuyện tuyệt mật nhưng hãng Mỹ Odyssey Marine Exploration vẫn đánh hơi được. Hãng Odyssey có thể đã để ý đến Tilawa từ năm 2012, khi trục vớt bạc từ tàu Gairsoppa của hãng tàu biển Ấn Độ thuộc Anh cũng bị đánh chìm trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Khác với Hyett, Odyssey không định chạy trốn những chủ nhân trước của món hàng này. Bởi năm 1942, bạc thuộc sở hữu của Nam Phi nên hãng định mượn sự ủng hộ của Cộng hòa Nam Phi, nhưng không dễ. Đại biểu của Odyssey mất cả năm để thiết lập quan hệ với các nhà chức trách Nam Phi, thuyết phục họ công khai ý định của mình, đến tháng 9-2017, một nhà sáng lập của Odyssey mới tiến hành đối thoại.

Ông ám chỉ rằng tại vùng tàu đắm có sự tích cực đáng ngờ và khuyên đừng chậm trễ, nếu không kho báu sẽ vào tay quân "cướp biển" là Hyett và Argentum Exploration. Tháng 2-2018, hai phía đạt thỏa thuận: chính quyền Nam Phi chỉ nhận 15% số bạc, còn lại là của Odyssey. Tuy nhiên lúc đó Hyett đã kịp trục vớt Tilawa và chuyển bạc về Anh. Nhưng trong thỏa thuận Odyssey đã tiên lượng phương án ấy, hãng hứa sẽ nhận trách nhiệm trì hoãn việc của tòa án và quan tâm làm sao Cộng hòa Nam Phi nhận được phần của mình ngay cả trong trường hợp kho báu rơi vào tay người khác.

Từ thời khắc đó, thế chủ động chuyển từ đội săn kho báu sang các luật sư. Tháng 9-2018, Chính phủ Nam Phi tuyên bố số bạc từ Tilawa là quyền sở hữu của mình. Sau nhiều lần trao đổi, hãng của Hyett đồng ý nhả ra nếu như Cộng hòa Nam Phi chịu bồi thường cho việc trục vớt từ đáy biển theo định ước của Anh về buôn bán bằng đường biển. Bị từ chối, Hyett kiện ra tòa.

Số phận kho bạc nén trên tàu Tilawa

Tháng 12-2020, Tòa án Hàng hải Anh xét xử về cuộc tranh cãi xung quanh Tilawa. Luận chứng chủ yếu của Argentum Exploration cho là Nam Phi có kế hoạch sử dụng bạc vào những mục đích thương mại, do đó nên coi đó là hàng hóa, còn hàng hóa trên con tàu đắm của Anh thì thực tế đã định rồi, phải thuộc quyền sở hữu của người tìm ra nó. Các luật sư phía Nam Phi phản bác quan điểm này vì cho rằng bạc dùng để đúc tiền, đấy không phải thương mại mà là nhiệm vụ quốc gia.

Hành khách tàu Tilawa khi gặp nạn

Để tìm ra sự thật, Chánh tòa Nigel Teare phải tìm đến lưu trữ của Bộ Thuộc địa Anh đã từ lâu không còn, thấy những tài liệu cho biết số bạc của Ấn Độ có lẽ dành cho xưởng đúc tiền Ai Cập. Bởi vì mục đích của những hợp đồng với nước ngoài như thế chắc là có lãi, nên tòa phán quyết rằng số bạc trong tàu Tilawa chìm năm 1942 có chức năng thương mại. Theo luật của Anh về quyền miễn trừ quốc gia thì các nước ngoài không phải chịu sự xét xử của tòa án Anh, nhưng lại có một điều khoản ngoại trừ hiệu lực đối với những tàu chở hàng thuộc quốc gia khác nếu như cả con tàu, cả hàng trong tàu ở thời điểm xuất hiện cơ sở để đâm đơn kiện là có mục đích thương mại.

Theo quan điểm của Argentum Exploration, chức năng của tàu Tilawa không thay đổi từ năm 1942, khi nó nhận kế hoạch sử dụng vào những mục đích thương mại. Các luật sư của Nam Phi lại có ý kiến khác, họ đòi phải xem cơ sở để kiện chỉ xuất hiện năm 2017, khi đó khối hàng trên không nhằm mục đích gì, cả thương mại lẫn quốc gia. Đã thế thì Cộng hòa Nam Phi không phải theo luật pháp của Anh, khỏi phải bồi thường cho Argentum Exploration về công việc đã làm.

Tòa lại xem chức năng của số hàng không thể thay đổi nếu thiếu quyết định của chính quyền Nam Phi. Nếu quyết định có hiệu lực trước giữa năm 2017, khi Argentum Exploration trục vớt được bạc từ đáy biển và tạo cơ sở để đâm đơn kiện. Nhưng những cuộc hiệp thương ráo riết giữa chính quyền Nam Phi với đại biểu Odyssey lại bắt đầu muộn hơn, có nghĩa, ở thời điểm đó chưa có quyết định về Tilawa và chức năng của nó vẫn là chức năng thương mại. Do đó, pháp luật đứng về phía Argentum Exploration.

Nhưng chiến thắng của Hyett không được lâu dài. Tháng 1-2021, tòa xử lại, Chánh án Nigel Teare thú thực rằng luận chứng của Cộng hòa Nam Phi đâu có mất cơ sở và ông đã cho phép họ kêu oan. Vì thế cho tới lúc này số phận của khối bạc vẫn chưa được định đoạt khi tòa phúc thẩm hiện đang xem xét hồ sơ vụ kiện.

Thế giới những người săn tìm kho báu

Việc tranh chấp số bạc trên tàu Tilawa không phải lần đầu tiên mà đội săn kho báu Odyssey dính vào. Chính họ đã trục vớt vàng từ tàu Central America bị đắm năm 1857, trong đó kỹ sư Tommy Thompson, người đoán ra bí mật đã chẳng được hưởng một xu, đến nay đang phải ngồi tù.

 Odyssey còn dính đến vụ khác khi năm 2007, hãng tuyên bố đã trục vớt được 17 tấn vàng bạc từ tàu Nuestra Senora de las Mercedes của Tây Ban Nha bị đắm năm 1804. Tây Ban Nha đã chiếm giữ chiếc tàu nghiên cứu mà Odyssey sử dụng và đòi lại kho báu. Sau nhiều năm giằng co, cuối cùng Odyssey phải tuân thủ.

Trước khi nổi tiếng vì liên quan tới những vụ kiện tụng này, Ross Hyett chỉ được báo chí Anh gọi là tay đua ô tô, giành chiến thắng trong Giải đua "24 giờ Le Mans" ở Pháp năm 1989 và 1990, sau đó đứng đầu Câu lạc bộ Tay đua ôtô của Anh, có đường đua Silverstone. Ngoài sở thích ấy, Ross Hyett còn làm tài chính trong giới của Paul Marshall, nhà đầu tư người Anh sáng lập quỹ phòng hộ Marshall Wace lớn bậc nhất thế giới. Hơn 50% của hãng Argentum Exploration đăng ký để tìm kiếm tàu Tilawa thuộc về Marshall.

Một khởi nghiệp tìm kiếm kho báu nữa của Hyett là hãng Maritime Archeology Consultans Switzerland (MACS), từng tìm lại tàu San-Jose của Tây Ban Nha chở châu báu trị giá hàng tỷ USD bị đắm ở đầu thế kỷ XVIII. Các chuyên gia của MACS tìm được vị trí tàu đắm nhưng sau đó việc trục vớt bị đình trệ bởi những vụ gian lận.

Truy tìm chủ nhân thực sự của MACS chỉ thấy chuỗi văn phòng đáng ngờ dẫn tới chỗ treo biển Trans-Siberian Ltd được đăng ký tại quần đảo Cayman. Trong số cổ đông của MACS có Anthony Clake và một sếp của hãng là Oliver Plunkett (lãnh đạo hãng Ocean Infinity chuyên trục vớt tàu đắm), cả 2 người đều là chiến hữu lâu năm của Marshall. Trans-Siberian Ltd xuất hiện năm 2017 và vào cuộc tìm kiếm chuyến bay MH 370 của hãng Malaysia Airlines. Để được chính quyền Malaysia đồng tình, hãng đồng ý làm việc miễn phí và hy vọng nếu thành công sẽ được thưởng hậu. Điều kiện có vẻ bất lợi đến nỗi nảy sinh một số thuyết: mượn danh tìm kiếm máy bay, Ocean Infinity đi săn những thứ khác như kho báu chẳng hạn, hoặc thỏa thuận để tiếp cận với những dữ liệu bản đồ do những đội tìm kiếm chuyến bay MH 370 trước đây thu thập được để săn kho báu.

Năm 2012, ngân hàng Anh Robert Fraser Group công bố một hồ sơ để mời chào khách hàng đầu tư 250.000 bảng vào một trong số hãng kiếm tìm kho báu. Theo đó, nếu tham gia, khách hàng sẽ được ngân hàng cho vay 750.000 bảng (thành 1 triệu bảng). Nếu tìm được kho báu, số tiền nhà đầu tư được nhận lại sẽ cao gấp 5 lần tiền đã đầu tư; trong trường hợp thất bại, khách hàng vẫn nhận được tín phiếu khấu trừ thuế là 1 triệu bảng. Ngân hàng ấy được 129 doanh nhân và nhân vật nổi tiếng ở Anh tham gia, trong đó có Paul Marshall và Anthony Clake. Còn tìm kiếm kho báu bằng tiền của họ có những hãng như Odyssey Marine Exploration của Mỹ.

Đăng Bẩy (Tổng hợp)
.
.