Không tiếc tuổi thanh xuân trong cuộc chiến với tội phạm ma túy

Thứ Năm, 28/07/2011, 15:00

Cuộc chiến chống tội phạm ma túy ngày càng trở nên nóng bỏng, khốc liệt. Hơn 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy đã có tới 17 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Mỗi người ra đi đều khiến rất nhiều người ở lại mang nỗi đau mất mát khôn nguôi…

I- Cho tới bây giờ, đã hơn một năm rồi nhưng khi ngồi nói chuyện với tôi, nhắc tới chồng, chị Hà Thị Thủy, vợ Trung úy Sùng A Trư, người đã hy sinh trong trận vây bắt trùm ma túy Vàng A Khua hôm 5/2/2010, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt luôn phảng phất buồn.

Năm nay mới 25 tuổi, nhưng sau những biến cố đau buồn, Thủy già hơn tuổi và gương mặt dù cố cười vẫn không giấu được nỗi buồn.

Đầu năm 2007, hai người làm đám cưới. Cưới được một tháng, Trư xin cho vợ đi học lớp trung cấp sư phạm mầm non của Trường Sư phạm Hải Dương. Vậy là chưa quen hơi bén tiếng, cặp vợ chồng trẻ đã phải xa nhau. "Ngày ấy, lớp học của em đặt ở chỗ Mỹ Đình, một tháng anh ấy từ Mai Châu xuống thăm em được một lần, tháng nào rảnh thì được hai lần. Hai vợ chồng đèo nhau đi  chơi loanh quanh Hà Nội một ngày rồi anh ấy lại về".

Cuối năm 2009, Thủy tốt nghiệp và về Mai Châu, thuê căn phòng nhỏ ở Phố Vãng để được gần đơn vị của Trư, chăm sóc cơm nước cho chồng. Nhưng mới ở được chừng một tháng thì đến dịp tết của đồng bào Mông (1/12 âm lịch), Trư bảo vợ về chăm sóc bố mẹ thay mình.

Nhắc lại cái ngày 5/2 thảm khốc ấy, Thủy kể chiều hôm trước Trư còn về thăm vợ. Sáng 5/2, khi biết chồng đang đi bắt truy nã ở Hang Kia, Thủy còn nhắn tin cho chồng "hôm ấy rất nắng vì thế em nhắn tin dặn anh ấy anh cố gắng giữ sức khỏe, vì em và vì con. 12h trưa, em gọi điện thì anh ấy bảo vẫn chưa xong việc". Và Thủy không thể ngờ đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của hai vợ chồng.

4h chiều hôm ấy, nghe mấy người nói bên xã Hang Kia công an vây bắt đối tượng buôn ma túy, mẹ chồng bảo Thủy gọi điện thoại cho chồng, nhưng không thấy Trư nghe máy. "Mãi 6h tối, chú Chếnh, Phó Công an xã Pà Cò đến bảo mọi người đi vây bắt đã ra hết rồi nhưng chưa thấy Trư ra thì cả nhà hoang mang. Lúc ấy em chỉ nghĩ chắc anh ấy bị thương thôi".

Sau này, nghe mọi người kể lại, Thủy mới biết Vàng A Khua bị truy nã đặc biệt từ tháng 11/2006 về hành vi vận chuyển, buôn bán ma túy. Rạng sáng ngày 5/2/2010, biết Khua đang lẩn trốn tại nhà nên công an tỉnh quyết định bao vây bắt giữ. Nhưng từ hơn 7h sáng, dù công an cùng chính quyền vận động, thuyết phục Vàng A Khua đầu hàng nhưng chỉ được đáp trả bằng súng AK từ trong nhà bắn ra.

Đến giữa buổi chiều, khi biết con trai tự nguyện ra khỏi nhà và phát hiện công an tiến đến gần, Khua đã dùng súng AK bắn thẳng vào công an, làm con trai hắn và 3 cán bộ công an hy sinh là Đại tá Hà Thái Yềm, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu, Thượng úy Bùi Quốc Đại - chiến sĩ đội hướng dẫn điều tra án ma túy Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hòa Bình, và Trung úy Sùng A Trư - chiến sĩ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Mai Châu.

Sau khi tiêu diệt Vàng A Khua, rút về nơi an toàn, điểm quân mọi người mới giật mình khi thấy vắng Trung úy Sùng A Trư. Cũng khi ấy, nguồn tin trinh sát cho hay, Trư đã hy sinh nhưng thi thể vẫn đang ở sào huyệt của Vàng A Khua. Mọi phương án đưa ra đều không khả thi vì những kẻ quá khích tuyên bố sẽ bắn bất cứ ai xuống lấy xác Trư.

Không thể để con mình nằm lại đó, gia đình Trư họp và thống nhất để chính bố đẻ Trư vào lấy xác con về. 9h đêm 5/2, ông Phử và một số thành viên trong dòng họ đã băng rừng vào Hang Kia. Tại đó, sau một hồi thuyết phục, người nhà Vàng A Khua đã đồng ý để ông và mọi người đưa thi thể Trư về. Nửa đêm, khi mọi người đưa được Trư về, Thủy chỉ kịp nhìn mặt chồng rồi ngất luôn.

Sùng A Trư hy sinh để lại người vợ trẻ mới có bầu 1 tháng chưa có việc làm. Sau đó Công an Hòa Bình quyết định nhận Thủy vào làm văn thư ở Công an huyện Mai Châu…

Tôi theo Thủy xuống thăm căn phòng tập thể của hai mẹ con. Nhìn căn phòng nhỏ chỉ hơn chục mét vuông ở trong dãy tập thể công an huyện nhưng vẫn thấy rộng thênh thang, bởi ngoài hai chiếc giường đơn, tài sản đáng giá nhất chỉ là chiếc tivi mầu cũ kỹ mà không khỏi chạnh lòng. Thủy bảo rằng sau khi sinh con, hết thời gian nghỉ, mẹ chồng cô cũng phải theo con dâu xuống ở cùng để trông cháu vì bé Sùng Hà Sơn mới được hơn 9 tháng nên chẳng thể gửi nhà trẻ.

Nghe tôi hỏi chuyện tương lai, Thủy cười buồn "phong tục người Mông không lập bàn thờ và treo ảnh người đã mất, vì thế em chỉ mong bao giờ có nhà riêng để mẹ con em có nơi đặt bàn thờ anh Trư, chứ ở đây là nhà tập thể nên không thể làm được".

Nhưng cái ước mong ấy có lẽ còn rất lâu mới thành hiện thực. Trước lúc gặp Thủy, trong câu chuyện với tôi, Thượng tá Hà Công Cận, Trưởng Công an huyện Mai Châu, trăn trở khi nói tới gia cảnh của hai mẹ con Thủy. Với đồng lương hạ sĩ và chế độ thân nhân liệt sĩ, hai mẹ con Thủy chỉ có khoảng hơn 3 triệu đồng/ tháng nên chẳng có tích lũy. Ở phố huyện có một gia đình mới chuyển về TP  Hòa Bình có căn nhà đang muốn bán với giá 180 triệu đồng, nhưng với mẹ con Thủy thì số tiền ấy có nằm mơ cũng không có. "Các anh ở báo có cách nào vận động mọi người giúp mẹ con cháu Thủy có cái nhà thì tốt quá chứ ở đây anh em đều nghèo, muốn giúp cũng chịu" - Thượng tá Cận băn khoăn.

II- Nhưng, Trung úy Trư chỉ là một trong 5 cán bộ, chiến sĩ ở Công an Hòa Bình hy sinh khi truy bắt tội phạm ma túy từ năm 2008 tới nay.

Đã hơn một năm kể từ ngày 5/2/2010 đau thương ấy nhưng trong ngôi nhà số 19 phố Cù Chính Lan - TP Hòa Bình này, ông bà Bùi Minh Đạo - Nguyễn Thị Thu Hà, bố mẹ Thượng úy Bùi Quốc Đại vẫn chưa hết bàng hoàng.

Vừa nghe nhắc tới con, bà Hà đã bật khóc. Đại không chỉ là niềm tự hào của ông bà mà còn của cả dòng họ. Năm cuối cùng cấp 3, Đại đoạt giải 3 học sinh giỏi toàn quốc môn Lịch sử nên được tuyển vào thẳng vào đại học, và Đại đã chọn  Học viện Cảnh sát nhân dân.

Đó là năm đầu tiên Học viện Cảnh sát mở chuyên ngành phòng chống ma túy, Đại tự nguyện xin là sinh viên của khóa đầu tiên ấy. Ra trường, anh được phân công về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Công an tỉnh Hòa Bình.

Ngày con đến Công an tỉnh nhận công tác, bà Hà lo lắng khi biết con được phân công về đơn vị thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm. Biết mẹ lo lắng, Đại luôn động viện mẹ yên tâm bởi làm gì đều có kế hoạch rồi, vả lại, đã làm công an, vào đơn vị nào chẳng có vất vả.

Làm trinh sát được 2 năm, với thành tích xuất sắc, Đại được làm điều tra viên và là điều tra viên trẻ nhất của Công an tỉnh Hòa Bình. Thấy con say mê công việc, trưởng thành nhanh chóng, dù mừng nhưng cứ mỗi lần thấy con chuẩn bị đi công tác, bà lại mơ hồ một nỗi lo lắng, thấp thỏm. "Tôi được cơ quan cấp cho mảnh đất, vợ chồng bàn nhau có mỗi Đại là con trai, em gái nó thì sắp lấy chồng nên quyết định bán lấy tiền sửa sang nhà cửa đàng hoàng để một hai năm nữa có con dâu là vừa".

Nhưng mong ước ấy không bao giờ thành sự thật. Bà vẫn nhớ cái buổi chiều 5/2/2010, 3h chiều hôm ấy, đang ở cơ quan thì bà nhận được điện thoại của người chị gái. Vừa mở máy, bà đã nghe thấy chị gái giục "em điện cho thằng Đại đi" rồi cúp máy. Nghe vậy, bà luống cuống bấm máy cho con nhưng không gọi được. Bà gọi lại cho chị gái mình thì chị gái bà đã không dám nhận cuộc gọi ấy của bà nữa.

Hơn 16h, thấy có xe cảnh sát đỗ trước cửa, bà lao từ trong nhà ra, không thấy con trai đâu cả. Chỉ thấy người bác ruột Đại bước xuống xe, nhìn thấy bà, ông bật khóc: "Hà ơi, thằng Đại nó chết rồi". Nghe có thế, người mẹ quỵ trước cửa nhà và ngất đi.

Ông Đạo kể rằng chiều hôm ấy ông đang đi đặt cỗ chuẩn bị đám cưới em gái Đại. 16h, nhận được tin con, cơ quan ông cho mượn xe đưa ông lên Mai Châu. Khi đến Bệnh viện Mai Châu thì có mấy người họ hàng và các anh cùng phòng Đại ở đó đang nấu nước thơm tắm cho con. Nhìn đứa con yêu quý, ông không khóc nổi…

Thấm thoắt đã hơn một năm kể ngày Đại nằm lại trong nghĩa trang của những người công nhân xây dựng thủy điện Hòa Bình đặt ở bên kia sông Đà, nhưng trong ngôi nhà này, ông bà vẫn muốn lưu giữ hình ảnh, những kỷ vật của Đại như là anh đang đi công tác. Chiếc xe máy của Đại vẫn đặt ở góc nhà.

Tôi theo ông bà lên phòng của Đại trên tầng 2. Tất cả vẫn được giữ nguyên như trước hôm anh lên đường đi làm nhiệm vụ. Ở góc phòng là cây mắc quần áo vẫn treo bộ đồ ngủ và chiếc áo sơ mi trắng. Trên bàn làm việc, cùng với những bằng khen mang tên Thượng úy Bùi Quốc Đại đã lập thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng chống ma túy vẫn được bà Hà lau chùi cẩn thận còn có 5 cuốn sách bìa vẫn còn mới nguyên anh mua trong lần lên thăm người yêu ở Hà Nội chưa kịp đọc; chiếc điện thoại di động của Đại vẫn được ông Đạo sạc pin và giữ nguyên số đặt trong tủ cùng với chìa khóa xe và cái ví đựng giấy tờ. Hôm tôi đến đúng ngày rằm nên ông Đạo vừa sang mộ thắp hương cho con về. Tuần nào ông bà cũng sang thăm con và mang theo mấy tờ báo Bóng đá, tờ báo mà Đại vẫn đọc hàng ngày, đặt lên mộ.

Trên bàn thờ anh, người mẹ vẫn ngày ngày lên thay nước và đặt lên đó tờ báo Bóng đá vừa mua. Bà muốn ở nơi xa xăm ấy, Đại của bà vẫn được chăm sóc như ngày nào.

Trong căn phòng này, vợ chồng ông Đạo vẫn giữ nguyên những kỷ vật của con.
Bà Mùi chỉ khóc khi có người nhắc tới con.

III- Cách nhà Đại không xa là ngôi nhà nhỏ của gia đình Thượng úy Đỗ Mạnh Linh, Đại đội phó Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, người vừa hy sinh tối 18/5/2011 khi vây bắt ma túy ở Xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Hôm tôi đến là hơn một tháng kể từ ngày Linh hy sinh, nhưng bà Nguyễn Thị Mùi vẫn chưa qua trận ốm. Năm nay mới 56 tuổi, nhưng sau mấy chục năm vất vả một mình nuôi con, giờ đây lại thêm nỗi đau mất con, nhìn bà già sọm như một bà lão.

Trước kia bà làm công nhân, nhưng từ ngày chồng mất, sức khỏe yếu nên bà xin nghỉ "một cục". Để có tiền nuôi con, bà chuyển sang chạy chợ, bán rau, dưa cà ở chợ trung tâm.

Bà Mùi bảo rằng hơn 10 năm một mình kẽo kẹt với gánh rau, vại dưa cà nuôi con, khi các con có công ăn việc làm, bà đã mừng và nghĩ sau bao năm vất vả giờ có thể hưởng tuổi già an nhàn rồi. Đầu năm 2011, sau khi sửa sang nhà cửa, Linh cưới vợ, một cô gái xinh đẹp đang công tác tại Trường cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, bà mong từng ngày có cháu bế. Vậy mà chẳng ngờ…

Bà Mùi vẫn nhớ trưa hôm 18/5, Linh còn về nhà ăn cơm với bà, "hôm ấy là thứ tư, ăn cơm trưa xong, trước khi đi nó còn bảo với tôi con đi trực nốt hôm nay sẽ được nghỉ. Vậy mà đấy là bữa cơm cuối cùng nó ăn với tôi".

Linh hy sinh để lại người vợ trẻ mới cưới được hơn một tháng. Bà Mùi bảo rằng mỗi khi nhìn con dâu bà lại thấy thương, con dâu bà mới 23 tuổi vậy mà đã phải chịu cảnh góa bụa…

Nghe bà giãi bày, bất giác tôi nhìn lên bàn thờ, nơi có tấm ảnh hai người đàn ông mà không khỏi chạnh lòng. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ này, có hai người đàn bà góa bụa…

IV- Tôi rời Mai Châu khi trời đã sập tối, đúng ngày mưa nên dãy núi phía sau khu tập thể Công an huyện sương giăng mù mịt. Nhìn Thủy bế bé Sơn đứng thẫn thờ trước căn phòng nhỏ trống tuềnh, tôi cứ ám ảnh bởi niềm ước ao của Thủy là có một mái nhà riêng để có chỗ đặt bàn thờ chồng, chợt nhớ câu thơ viết về cảnh góa bụa mà không khỏi day dứt: "Quanh đây hiu hắt màu hương khói/ Hương bay không níu được chân người/ Một vầng trăng mất đi phân nửa/ Nửa ở lại buồn khóc lẻ loi…"

Nguyễn Thiêm
.
.