Kostroma – Địa danh tự hào về lãnh tụ Georgi Dimitrov

Thứ Hai, 13/10/2014, 16:10

Cho dù những thay đổi về thể chế và ý thức hệ ở nước Nga cùng sự tan rã của Liên Xô đã trôi qua hơn 20 năm, nhưng tên tuổi của Georgi Dimitrov (1882-1949), người con vĩ đại của dân tộc Bulgaria, vị Tổng Bí thư kỳ cựu của Phong trào Cộng sản Quốc tế, vẫn khắc sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ công dân ở Kostroma - thành phố nằm cách Moskva 372km về phía đông bắc, một địa danh nổi tiếng nằm trong lòng Cộng hòa Liên bang Nga.

Tên của nhà lãnh tụ quốc tế cộng sản vĩ đại vẫn được đặt cho quận Trung tâm - 1 trong 3 quận của thành phố, một đại lộ chính sầm uất xuyên suốt Kostroma từ đông sang tây, một trường cao đẳng dạy nghề, Câu lạc bộ Hữu nghị Quốc tế, cũng như nhiều tổ chức thanh thiếu niên khác thuộc tỉnh cùng tên...

Công dân danh dự của Kostroma

Một trong những "địa chỉ Đỏ" được du khách lưu tâm nhất là Viện Bảo tàng mang tên Georgi Dimitrov. Còn thế hệ công dân Kostromam với những người ở ngưỡng tuổi 80, 90 - những người có diễm phúc được tiếp xúc với Dimitrov thuở trước, thường ôn lại đầy vẻ tự hào những kỷ niệm khó phai mờ về ông.

Chính tại đô thị Nga cổ kính nằm trên bờ sông Volga này, G. Dimitrov là một trong những vĩ nhân lịch sử được đề cập tới nhiều nhất. Mọi người nói về ông với sự ngưỡng mộ, đầy khâm phục, lòng kính trọng tràn đầy yêu thương. Georgi Dimitrov hiện hữu trong từng căn nhà, như hòa quyện trong tâm tưởng mỗi người Kostroma - vì sự nghiệp vô sản quốc tế cao cả mà ông hằng đeo đuổi.

Tuy gần 80 năm đã trôi qua kể từ những ngày tháng 12 đáng ghi nhớ ấy, khi G. Dimitrov lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố, để diễn thuyết trong các cuộc tiếp xúc với cử tri, nhân dịp ông được đề cử vào Xôviết Tối cao Liên bang, trong vai trò Dân biểu đại diện cho Kostroma và vùng phụ cận, nhưng những kỷ niệm ấy vẫn luôn sống động trong trái tim bất cứ công dân Kostroma nào từng có dịp gặp nhà lãnh tụ đại tài, được mục kích và nghe ông nói.

Một trong những người ấy là cụ Ilia Batalov, 99 tuổi, cựu thành viên Ủy ban Bầu cử Xôviết tối cao Liên Xô khu vực Kostroma. Lúc đó Batalov là Phó giám đốc Nhà máy điện thành phố, sau ông ra mặt trận chiến đấu chống quân phát xít xâm lược, bị thương, phục viên và trở về làm Phó tổng giám đốc Xí nghiệp liên hợp mang tên Lenin - một trong những tổ hợp dệt len hàng đầu Liên bang Xôviết.

"Do điều kiện sức khỏe không được tốt giữa những ngày đông giá buốt, Georgi Dimitrov chỉ lưu lại Kostroma đúng một ngày, đó là ngày 8/12/1937. Sự kiện trọng đại và hiếm hoi này được ghi vào cuốn biên niên sử của cả vùng.

Cụ I. Batalov nhớ lại: Từ ngày 12/11/1937, Ủy ban bầu cử chúng tôi đã nhận được bức điện của đương kim Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản G. Dimitrov, cho biết là ông chấp thuận ra ứng cử chức danh đại biểu Xôviết Tối cao tại địa phận Kostroma. Sau đó thì chúng tôi thỏa thuận với Văn phòng Quốc tế Cộng sản về ngày giờ vị ứng viên lỗi lạc sẽ gặp gỡ với cử tri địa phương - nhằm hôm 8/12/1937. Đó là một ngày giữa mùa đông giá rét, tiết trời lạnh buốt xuống đến -200C, nhưng hàng nghìn người Kostroma vẫn nô nức kéo về phía nhà ga xe lửa. Họ mang theo rất nhiều bích chương, biểu ngữ.

Quảng trường lớn trước sân ga ngập tràn những tiếng reo hò: "Hoan hô!", "Vinh quang Người anh hùng của Leipzig!" (địa danh mà bè lũ Quốc xã từng mở phiên tòa xét xử G. Dimitrov tội âm mưu đốt Nhà Quốc hội Đức, nhằm triệt tiêu Phong trào Cộng sản Quốc tế), "Georgi Dimitrov muôn năm!"…

Người dân Kostroma nồng nhiệt đón chào ứng viên Xôviết Tối cao G. Dimitrov (giữa).

Tối đến, tại Nhà hát A. Ostrovsky là cuộc mít tinh chào mừng Nhà lãnh tụ của cử tri thuộc tổ bầu cử số 312, thuộc vùng Kostroma, nơi G. Dimitrov ghi danh ứng cử. Nhiều giờ trước thời điểm khai mạc, các hàng ghế trong ngôi nhà hát khổng lồ này đã kín chỗ. Còn những ai chưa kịp vào bên trong, thì lắng nghe như nuốt lấy từng lời của G. Dimitrov - qua hệ thống loa phóng thanh gắn khắp nơi. Tổng Bí thư của Phong trào Vô sản Quốc tế phát biểu chừng một tiếng rưỡi đồng hồ, đề cập tới tất cả những vấn đề quan trọng nhất thuộc đường lối đối nội cũng như đối ngoại đương thời của chính thể Xôviết.

Cá nhân tôi vẫn còn nhớ như  in những câu nói tâm huyết của Dimitrov làm nức lòng mọi người: "Thưa các đồng chí, tôi sẽ và vẫn luôn ở vị trí người lính tiên phong của cuộc cách mạng vô sản, tôi sẽ tận tụy trọn đời với các ý tưởng vĩ đại của Lenin". Rõ ràng đấy là ngôn từ của một nhà tổ chức hàng đầu luôn thấm nhuần chân lý quốc tế vô sản lỗi lạc. Mọi người chăm chú lắng nghe ông, những ai có mặt đều nhớ rõ đến những tình tiết cụ thể nhất hiện hữu trong bài diễn thuyết bất hủ ấy. Tới khuya thì ông lên tàu về thủ đô Moskva, 4 ngày sau Georgi Dimitrov trúng cử chức danh Đại biểu Xôviết Tối cao Liên Xô.

Đến ngày 18/12/1937, Ủy ban Bầu cử Trung ương chính thức công bố kết quả kiểm phiếu cuối cùng, cho thấy người Tổng Bí thư kiên trung của những người cộng sản quốc tế đã đắc cử tới 99,40% số phiếu lựa chọn hợp lệ từ cử tri Kostroma.

Qua hôm sau nữa thì tất cả các thành viên thuộc Ủy ban bầu cử chúng tôi có mặt ở Moskva, trong tòa nhà mới của Cominterna (trụ sở Quốc tế Cộng sản) gần Điện Kremlin. G. Dimitrov đón tiếp chúng tôi vô cùng trọng thị, cởi mở đầy tình thân hữu, với bản tính chân thành toát ra từ con người ông. Người trò chuyện tâm đắc cùng chúng tôi như những người bạn thân lâu ngày gặp lại. Phái đoàn chúng tôi trao tặng Người Kỷ niệm chương Công dân Kostroma Danh dự; đồng thời đề xuất những vấn đề nổi cộm mà thành phố đang gặp phải như thiếu điện trầm trọng cho sản xuất và sinh hoạt, rồi các lĩnh vực khác như nhà ở, giao thông, đường sá cũng vậy…

Người lắng nghe và đã giúp chúng tôi qua vai trò đại diện dân cử của vùng. Ngay tuần sau, Kostroma nhận được nguồn điện tăng viện từ Gorki và Ivanovo, nhiều cơ sở kỹ nghệ của thành phố được cung cấp thêm những thiết bị hoàn hảo mới, một liên hợp xí nghiệp sản xuất nhựa đường cũng được khánh thành, giúp cho việc duy tu đường sá thuận lợi hơn.

G.Dimitrov vẫn duy trì đều đặn các mối quan hệ với giới cử tri Kostroma cho tới giữa năm 1945, khi ông trở về tổ quốc Bulgaria mới được giải phóng khỏi ách phát xít. Ông là người con vĩ đại của nhân dân Bulgaria, một nhà cách mạng quốc tế lỗi lạc, một chiến binh kiệt xuất trong đội ngũ của những chính khách Leninist hàng đầu, và người dân Kostroma chúng tôi luôn nhắc tới ông với lòng ngưỡng mộ cao cả" - cụ I. Batalov thổ lộ tiếp với vẻ đầy tự hào.

Người nước ngoài có hai nhà bảo tàng trên cùng một địa danh

Lễ kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của G. Dimitrov (18/6/1882-18/6/2014) vừa rồi được cả vùng Kostroma tổ chức hết sức long trọng. Đâu đâu cũng thấy hội thảo, mít tinh, tọa đàm, triển lãm ảnh và hiện vật, chiếu phim tư liệu về thân thế và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản, đại biểu nước ngoài duy nhất trong Xôviết Tối cao kiêm Cố vấn Cao cấp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ngoài ra, để tỏ lòng ghi nhớ công lao của nhà cách mạng lỗi lạc, trên con phố thương mại chính Samokovska ở Kostroma, chính quyền thành phố đã cho khánh thành thêm một nhà bảo tàng nữa về G. Dimitrov. Sự kiện này phải nói là độc nhất vô nhị trên thế giới, khi một người ngoại quốc có vinh hạnh được dựng 2 tòa bảo tàng tưởng niệm cùng tên trên cùng một địa danh - thành phố tỉnh lị.

Tượng nhà lãnh tụ vô sản quốc tế tại công viên trung tâm Kostroma.

Tại chi nhánh Câu lạc bộ Hữu nghị Quốc tế thuộc Trường phổ thông cơ sở số 18, bà Albina Martianova, 54 tuổi, chủ nhiệm lâu năm của câu lạc bộ cho biết, rằng: "Tất cả học sinh ngay từ năm lớp 1 đã được học về tiểu sử của G. Dimitrov. Hầu như các em đều đam mê với sở thích sưu tập mọi tranh ảnh và tư liệu liên quan đến cá nhân Người, bất chấp sự hậm hực của những ai đó - thường tự rêu rao là đại diện cho các thế lực "sư phạm mới" ở Kostroma tìm cách cản trở… Mặc kệ, người anh hùng Dimitrov luôn là di sản bất di bất dịch của thành phố chúng tôi, chính tên tuổi của Người đã cổ vũ nhiều thế hệ công dân Kostroma qua những giai đoạn khó khăn nhất tưởng chừng không vượt qua nổi. Và bất cứ ai gắn bó với vùng đất này đều thấu hiểu điều đó!".

Còn ký giả cự phách Konstantin Kobalov, đương kim Chủ tịch Câu lạc bộ Hưu trí Kostroma, cựu Phó tổng Biên tập nhật báo Sự thật phương Bắc, kể lại với giọng đầy xúc động: "Cho đến tận bây giờ, khi đã gần đất xa trời, chẳng lúc nào tôi không nghĩ tới cái ngày 8/12/1937 khó quên ấy. Cả thành phố tưng bừng với những cuộc mít tinh, ai cũng muốn nhìn thấy Dimitrov, được nghe giọng nói của Người. Trong nhà hát thành phố, nơi có sức chứa tối đa khoảng 800 người thì hơn 1.300 người đã ùa vào, còn hàng nghìn người khác - trong tổng số 20.000 dân Kostroma - đứng trên quảng trường bên ngoài và các đường phố xung quanh lắng nghe qua mạng truyền thanh.

Rất lâu sau khi cuộc mít tinh chào mừng kết thúc, bất chấp tiết trời lạnh cóng, mọi người vẫn nấn ná ở lại chẳng chịu giải tán. Họ bình luận không ngớt về bài phát biểu của G. Dimitrov, cũng như quá đỗi vui mừng, khi biết được chính nhà cách mạng hàng đầu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ấy sẽ đại diện cho họ trong cơ quan dân cử tối cao ở thủ đô. Ngoài ra, G.Dimitrov cũng phát âm tiếng Nga bằng giọng cực chuẩn, rõ ràng, khúc chiết và dễ hiểu. Những người có mặt thường ngắt lời Người bằng những tràng pháo tay cùng những tiếng hô khẩu hiệu.

Trong nhiệm kỳ của G. Dimitrov, đoàn đại biểu thành phố chúng tôi đã đến gặp Người, và Người đã đề nghị Bộ Giáo dục Liên bang Xôviết cấp kinh phí giúp chúng tôi xây dựng một ngôi trường hiện đại mới cho con em công nhân lao động vùng ngoại ô, đó chính là Trường trung học cơ sở Số 18".

Giờ đây, bất kỳ ai có dịp đi ngang Quảng trường Hòa bình mới được mở rộng, nơi từng tọa lạc nhà hát mang tên A. Ostrovsky thuở trước, đều kính cẩn ngả mũ nghiêng mình trước bức phù điêu nhỏ bằng đồng, trên đó tạc hàng chữ: "Nơi đây đã vinh dự được tiếp đón Georgi Dimitrov"

Kim Dung (theo Komsomolskaya Pravda)
.
.