Ngày xuân tìm về miền dã sử: Bất khuất sử thi

Thứ Ba, 12/01/2021, 08:42
Ước tính đến nay, khu vực biên giới quy tụ khoảng trên 40 sắc dân với nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau. Chính những sắc dân này luôn hoài chứa trong mình những huyền thoại, đồng thoại và dã sử do dân gian lưu truyền trong bản sắc văn hóa tộc người và tạo nên những nền văn hóa đặc thù, đa dạng.


Đi giữa trùng trùng trầm tích, sẽ ngỡ ngàng nhận ra một miền dã sử với những câu chuyện hàm chứa ý thức bảo vệ, giữ gìn bờ cõi quốc gia, đất đai cha ông để lại được truyền từ đời này sang đời khác qua những trang sử dân gian một cách giản dị mà đầy hiệu quả.

Hành trình di cư và phát triển của đồng bào Thái trên đất Việt là một câu chuyện dài hơn câu khắp giăng ngang núi, trong đó, việc xung đột, chống cát cứ để tạo nên một “đế chế” Thái hùng mạnh dưới thời Tạo Ngân (thế kỉ XIV). Đến Mường Lò, sẽ không khó để được người già ở đây kể cho trích đoạn trong các sử thi di sản của dân tộc Thái như “Táy Pú Xấc” (có nghĩa là người Thái đánh giặc) hoặc “Căm Hánh tặp sấc klương” (Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng).

Được viết theo lối hát “khắp” truyền thống vốn được coi là làn điệu dân ca được dùng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa đời thường và nghi lễ của cộng đồng Thái, “Táy Pú Xấc” cho thấy quá trình thiên di xuống phía Nam của dân tộc Thái đầy gian truân qua 2 đợt chính là vào khoảng thế kỉ thứ IX-X và đầu thế kỉ thứ XI. Nguyên nhân “Người Thái xưa ở đất Hán rủ nhau xuống ăn Mường Lò” (dân ca Thái ở Mường Muổi, Thuận Châu - Sơn La) là do không chịu thần phục chính sách đồng hóa của Hán tộc nên họ đã từ thượng nguồn Tây Giang theo dòng chảy của sông Đà và sông Mê Kông di cư xuống phía Nam.

Tác giả và nghệ nhân A Lưu - pho sử thi sống của dân tộc Ba-na.

Hành trình của họ trải qua nhiều gian truân để trở thành chủ nhân một vùng đất rộng lớn với đặc điểm “vùng đất ba dải, miền chín lưu vực con sông”. Các sự kiện lịch sử được ghi trong “Táy Pú Xấc” khá chi tiết, ấn tượng nên rất có giá trị về mặt lịch sử cũng như văn hóa xã hội. Nghệ nhân Lò Xuân Thương ở xã Púng Tra, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là một trong số ít các nghệ nhân biết hát “Táy Pú Xấc”. Nghe bài khắp có tiết tấu chậm rãi, ngâm nga kể lại từng chi tiết trong quá trình “cha ông đánh giặc” nơi đầu sàn nhìn ra hướng rừng, có cảm giác như thấy được từng trường đoạn anh hùng và bất khuất của các thể hệ người Thái đấu tranh giữ đất và tranh đoạt mở mang địa hạt, thống nhất bờ cõi.

Nếu “Táy Pú Xấc” đã trở thành một áng hùng thi của ngàn năm thì “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng” lại là câu chuyện của một giai đoạn mà trong đó, người Thái Đen cùng nhân dân các dân tộc Mường Lò là chủ thể khởi nghĩa chống giặc khăn vàng từ phương Bắc xâm lược nước ta dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Cầm Hánh. Là sự thật lịch sử từng diễn ra tại Mường Lò trong nhiều thế kỷ, người Thái Mường Lò cũng như đồng bào Thái cả nước đều vô cùng tự hào về trang sử chiến đấu bảo vệ Tổ quốc bằng thơ này.

Nghệ nhân Lò Văn Biến, bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã dành nhiều tâm sức để sưu tầm và dịch lại bộ sử thi từ các nghệ nhân cao tuổi khác để văn bản hóa tác phẩm. Sử thi có đoạn: “Giặc cờ vàng âm mưu xâm chiếm nước ta. Ở Mường Lò có bốn anh em là Cầm Hánh, Cầm Chiêu, Cầm Tú và Cầm Hiệp đứng lên chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Sau những trận giao tranh quyết liệt, với số quân đông và vũ khí mạnh hơn, quân giặc bắt được Cầm Hiệp, Cầm Tú và Cầm Chiêu. Cầm Hánh thế cô, bị vây bốn bề đành cho quân sĩ lên các bản người Mông, Dao... lánh nạn, còn ông dùng thanh gươm chiến của mình tự sát để giữ tròn khí tiết. Bởi vậy ngày nay, người Thái, Mông, Dao vẫn coi nhau như anh em ruột thịt. Cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm không thành nhưng đã khơi dậy ý chí đấu tranh quật cường của người Thái và bà con các dân tộc Mường Lò, không chịu làm kiếp ngựa trâu”.

Không quên ơn người xưa, đồng bào Thái vẫn hương khói phụng thờ anh hùng Cầm Hánh ở đền thờ đặt tại phường Tân Anh, thị xã Nghĩa Lộ. Thanh gươm ông từng tắm máu giặc ngoại xâm và tự mình tuẫn tiết đã trở thành báu vật của đồng bào Thái. Mấy trăm năm sau, hậu duệ của những người anh hùng theo Cầm Hánh đánh đuổi quân xâm lược ấy đã khơi nguồn lịch sử, sôi máu hùng anh để tham gia cuộc khởi nghĩa Cần Vương do lãnh tụ Nguyễn Quang Bích lãnh đạo ở Yên Bái và Tây Bắc. Ngoài ra, hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta cũng có sự cống hiến xứng đáng của đồng bào Thái trên vùng nước non Tây Bắc.

Cũng là những chủ nhân lâu đời của Tây Bắc điệp trùng mây, dân tộc Hà Nhì với 3 nhóm địa phương là Cồ Chồ, Là Mi và Hà Nhì Đen đã góp thêm một sắc màu văn hóa rực rỡ và giàu giá trị nhân bản trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong kho tàng văn hóa dân gian có thể nói là vô cùng phong phú của dân tộc này, sau một thời gian dài nghiên cứu, các nhà văn hóa học đã xác định rằng, truyên thơ dài  “P’hùy ca Na ca” (còn được gọi là Xa Nhà Ca) là một sử thi đúng nghĩa.

Nghệ nhân Lò Văn Biến (áo trắng) gặp thầy Mo để sưu tầm sử thi “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng”.

Từ nhiều hoạt động biên khảo, điền dã thực địa chuyên sâu, nhà nghiên cứu Bùi Quốc Khánh đã mạnh dạn gọi sử thi theo cách của người Hà Nhì là “Há pà” bởi đây là thuật ngữ được đồng bào dùng để chỉ hành động hát kể. Song, cho đến nay, sau rất nhiều công trình nghiên cứu được công bố về dân tộc Hà Nhì, vẫn chưa có một văn bản chính thức nào thừa nhận  “P’hùy ca Na ca” là sử thi.

Sẽ không mất quá nhiều thời gian để nghe trọn bộ Há pà “P’hùy ca Na ca” từ đồng bào Hà Nhì ở vùng biên Tây Bắc. Giai điệu trầm buồn được cất lên giữa sân nhà tràn ngập màu nắng cúc quỳ và nồng ấm đỏ vàng của bức tường trình còn mới. Khi ấy, khung cảnh núi rừng lặng phắc tôn vinh lời hát của người nghệ nhân già. Còn con suối Păng Pơi mùa lũ cũng ghìm dòng nước chảy dìu dặt hơn để không làm át lời dân tộc. Thiết tưởng sẽ không thể tìm thấy không gian nào thưởng thức  “P’hùy ca Na ca” phù hợp hơn ở chính nơi nó được sinh ra.

Điều rất lý thú là khi miêu tả về vùng đất mới thuộc cương thổ của nước Đại Việt xưa, sử thi “P’hùy ca Na ca” chỉ ra rằng, Khó Ma là “nơi có nhiều sản vật” và “uống rượu ngọt không cần phải trộn men, hạt cơm ăn cũng chẳng dùng chày giã” (trích sử thi). Đối với cánh lính biên phòng thì việc tìm địa danh Khó Ma chẳng có gì là khó. Đồn trưởng đồn Pa Vệ Sử cho chúng tôi biết địa bàn đồn anh đứng chân chính là vùng đất tổ của cộng đồng Hà Nhì Cồ Chồ trên đất Viêt. Loại cây thần kỳ đó của người Hà Nhì chính là cây báng, móc, cọ... là những loại cây trong lõi có bột, hiện vẫn được người La Hủ trên địa bàn dùng để ăn và nấu rượu. Đồng bào La Hủ cũng cho biết, khi họ đến đất này đã thấy có ruộng bậc thang bị bỏ hoang. Có lẽ sau một thời gian quen khí hậu, hợp thông thổ, người Hà Nhì đã tìm ra những vùng đất mới tốt hơn và di xuống những vùng thấp hơn.

Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tự hào nói rằng, dẫu có kết cục bi thảm, song  nhiều trường đoạn kể về sự chiến đấu dũng mãnh rất hấp dẫn và nhiều lần nhắc đi nhắc lại một mệnh đề như khẳng định quyết tâm giữ đất của người Hà Nhì. Hình ảnh một bản Hà Nhì với hệ thống phòng thủ rất nghiêm ngặt như một làng chiến đấu được gợi tả “Có hàng rào đan bằng dây thép/ Bao bọc bảo vệ khắp xung quanh/ Bản ở giữa cũng bao hàng rào thép/ Bảy mươi đôi cọc cắm đều nhau. Chúa tể rừng xanh con voi to đuôi ngắn/ Tổ tiên ta thuần phục được nó về/ Để giữ ranh giới Hà Nhì - Hán/ Trấn thủ dòng Ha Sa nước lớn/ Là con rồng lặn dưới đáy sông sâu”. Cùng với đó là thái độ kiên quyết không nương tay với những kẻ có âm mưu xâm lược đất đai của người Hà Nhì: “Nếu một ngày trâu ngựa bước chân sang/ Sẽ đánh cho chết ngay lập tức/ Cho phân mốc xương mục ngay tức khắc/ Đánh cho chân ngựa chổng lên trời/ Đánh cho ruột ngựa phơi ra đất...”.

Nhắc đến sử thi thì không thể không nhắc đến Tây Nguyên, miền đất gợi biết bao suy tưởng về một không gian đầy huyền thoại. Tâm hồn, cuộc sống của người dân Tây Nguyên xa xưa được biểu thị xuyên suốt qua những pho sử thi sống động. Với khoảng 622 sử thi được phát hiện và sưu tầm, đây có thể coi là vùng đất có mật độ sử thi lớn nhất Việt Nam bởi một số địa bàn khác chỉ có khoảng từ 3 đến 5 sử thi. Thậm chí, có một số quốc gia trên thế giới chỉ có vỏn vẹn 1 sử thi mà thôi. Các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành lập hồ sơ để đệ trình Unessco đưa sử thi Tây Nguyên vào danh mục văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại với đại diện là một số sử thi tiểu biểu, mang giá trị nghệ thuật cao của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Người Êđê có sử thi Khan “Đăm San”, “Đăm Di”, “Khinh Dú”, “Đăm Đơ roăn”, “Y Pơrao”, “Mơ Hiêng”... Ngưởi Ba-na có sử thi Hơ-mon “Đăm Noi”, “Giông nghèo tám vợ”, “Tre vắt ghen gét Giông”, “Dyông Wiwin”, “Xing Chi Ôn”... Sử thi Hơ-ri của người Jarai là “Chilơkôk”, sử thi Akha juka của người Raglai là “Uđai Ujà”, sử thi Dăm Diông của người Xê Đăng và sử thi Ôtnrong của đồng bào Mơ-nông là “Cây nêu thần”, “Mùa rẫy bon Tiăng” hay “Đi cướp lại bộ cồng từ Sơm, Sơ”... Hàng trăm tác phẩm trên làm nên một bộ sử thi kể về cuộc đời nhiều thế hệ anh hùng của các dân tộc bản địa Tây Nguyên đã có công lập buôn làng, chiến đấu bảo vệ quê hương và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Người Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu tham gia bảo vệ biên giới.

Trong khoảng thời gian một tháng công tác tại Tây Nguyên, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ các nghệ nhân đang lưu giữ các bộ sử thi của dân tộc mình như nghệ nhân A Lưu, nghệ nhân A Bek, nghệ nhân Điểu Klung, nghệ nhân A Jar, nghệ nhân Y Blu, nghệ nhân Y Guang Hwing... để nghe các cụ hát kể một số trường đoạn sử thi tiêu biểu của dân tộc mình. Yếu tố nhân vật anh hùng được hiển thị trong đại đa số sử thi Tây Nguyên. Sử thi “Đam San” cho thấy một Đam San anh hùng chiến thắng kẻ thù xâm hại lợi ích cộng đồng dân tộc mình và trở thành “tù trưởng của mọi tù trưởng”. Sử thi “Anh em Giông, Giở...” của người Ba-na nói về chiến thắng của anh hùng Giông trước tên Xtret nham hiểm... Bối cảnh lịch sử trong các sử thi đều biểu đạt một thời kỳ đồng bào sống cô lập, nhỏ bé giữa núi rừng và thiên nhiên khắc nghiệt. Việc đấu tranh với thiên nhiên, với các cộng đồng khác rắp tâm tranh đoạt đất đai, của cải, phụ nữ... là thường xảy ra. Chính vì vậy, mỗi cộng đồng đều cần phải đoàn kết thành một khối thống nhất dưới sự dẫn dắt của một vị thủ lĩnh.

Nhà nghiên cứu Phan Thị Hồng từng nhận xét: “Người anh hùng sử thi Tây Nguyên, những pho tượng sừng sững, sống động, hiên ngang, con người hiển hách luôn sát cánh với cộng đồng”. Hầu hết sử thi đều nói lên sự vươn lên mạnh mẽ của con người trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống. Cuối cùng, cái thiện sẽ thắng cái ác để trường tồn. Nó như gián tiếp nói lên sức sống của người Tây Nguyên giữa bao khó nghèo lạc hậu để tồn tại đến ngày nay.

(Còn tiếp)
Phạm Vân Anh
.
.