Hồ sơ chuyên án đầu tiên bắt gián điệp biệt kích nhảy dù xuống miền Bắc

Thứ Tư, 17/08/2016, 10:30
Với mục đích “đánh Cộng sản trong lòng Cộng sản”, trong những năm 1961-1970, CIA và Cơ quan Tình báo Việt Nam Cộng hòa đã tung hàng trăm gián điệp biệt kích ra miền Bắc. Đây được coi là chiến dịch quy mô và tốn kém nhất mà Chính phủ Mỹ thực hiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, hầu hết các toán gián điệp biệt kích đều bị bắt, tiêu diệt khi vừa đặt chân tới miền Bắc.

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống của Lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2016), Chuyên đề An ninh thế giới xin giới thiệu với bạn đọc về chiến công của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc chiến chống gián điệp biệt kích, một cuộc chiến âm thầm nhưng cũng rất khốc liệt cách đây hơn nửa thế kỷ…

KỲ I: NHỮNG KẺ TIÊN PHONG

20 giờ 45 phút đêm 27-5-1961, tại sân bay Đà Nẵng, một chiếc máy bay vận tải C47 sơn màu xanh nước biển không có số hiệu cất cánh, bay về hướng Bắc. 

Đêm nay, chiếc C47 do thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ, một phi công kỳ cựu, Chỉ huy trưởng căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, người sau này trở thành Thủ tướng rồi Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trực tiếp cầm lái thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, đó là chở một toán 4 lính gián điệp biệt kích mang biệt danh Castor, ra Bắc để nhảy dù xuống tỉnh Sơn La ở Tây Bắc Việt Nam. 

Ngồi ở phía sau, toán Castor gồm thượng sĩ, toán trưởng Hà Văn Chấp cùng 3 trung sĩ: Đinh Văn Anh, Quách Thức và Lò Văn Piếng.

Đây đã là chuyến thứ 7, toán Castor nhận lệnh lên đường ra Bắc. Sáu lần trước, có hai lần máy bay gặp trục trặc nên phải quay về giữa chừng; bốn lần đã ra tới miền Bắc nhưng vì sương mù không tìm được địa điểm nhảy dù đã dự tính từ trước nên cũng lại về, vì thế ai cũng có vẻ bồn chồn, không biết lần này có phải quay về nữa không? Thỉnh thoảng Đinh Văn Anh lại vạch tấm vải che cửa sổ máy bay ngó xuống dưới. Đêm nay có trăng, lại đã bốn lần bay theo đường bay này nên khi máy bay từ biển chuyển hướng vào đất liền, Đinh Văn Anh nhận ra máy bay đang bay qua Bùi Chu, Phát Diệm, Nho Quan rồi bay dọc theo sông Đà hướng lên Tây Bắc.

Khi nghe Đinh Văn Anh thông báo đã bay đến Tây Bắc, Hà Văn Chấp có tâm trạng rất khó tả. Bởi trong những bản làng dưới cánh máy bay này, Chấp còn có nhiều anh em, họ hàng. 6 năm trước, khi theo tiểu đoàn 51 quân đội Liên hiệp Pháp rời miền Bắc, Chấp không nghĩ sẽ có lúc mình trở về bằng con đường đặc biệt này.

Cố vấn Mỹ và chỉ huy Liên đoàn 77 hoạch định kế hoạch tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc.

Sài Gòn giờ đã cách rất xa, nhưng Chấp biết giờ này ở trụ sở Liên đoàn 77, các thượng cấp của Castor đang hồi hộp theo dõi, chờ tin. Bởi trước Castor, vào tháng 3-1961, toán biệt kích Atlat được đưa ra Bắc nhưng đã "bặt vô âm tín". Vì vậy, nếu lần này Castor nhảy dù trót lọt và gây dựng được cơ sở trên đất của cộng sản sẽ mở màn cho một chiến dịch lớn của CIA và Liên đoàn 77, một chiến dịch mà CIA và Tổng thống Ngô Đình Diệm đã mất tới 5 năm chuẩn bị.

***

Chuyện bắt đầu từ sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Mỹ lập khối quân sự Đông Nam Á (SEATO) và đưa miền Nam Việt Nam đặt dưới sự "bảo hộ" của khối này. Cùng với việc áp đặt sự cai trị của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, Mỹ cũng triển khai hoạt động tình báo, gián điệp, chuẩn bị sẵn các điều kiện cho các bước leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.

Người đầu tiên được đích thân Tổng thống Eisenhower cử tới Sài Gòn là chuẩn tướng không quân Edward Geavy Lansdale. Lansdale (1908-1987) được CIA đánh giá là chuyên gia lật đổ và chống nổi dậy, chuyên về chiến tranh tâm lý từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai; sau đó từng đến Philippines đầu những năm 1950 giúp Ramon Magsaysay đánh bại phong trào Cộng sản Huk. Lansdale cũng là kẻ chủ mưu chính trong cuộc di cư ồ ạt của gần một triệu người từ Bắc vào Nam sau Hiệp định Genève. Vì thế mà Lansdale được cho là nguyên mẫu của  nhân vật Alden Pyle trong cuốn tiểu thuyết "Người Mỹ trầm lặng".

Tổ chuyên án chống gián điệp biệt kích Công an Sơn La họp bàn phương án đón bắt gián điệp biệt kích.

Nhiệm vụ của Lansdale là đến Sài Gòn giúp Ngô Đình Diệm củng cố chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tiêu diệt hết các nhóm chống đối Diệm ở miền Nam; đồng thời tổ chức những cơ sở bán quân sự nằm vùng tại miền Bắc. Tổ chức của Lansdale tại Việt Nam có tên gọi Phái bộ quân sự Sài Gòn (Saigon Military Mission- SMM).

Đầu năm 1956, SMM đưa 100 lính Mỹ thuộc lực lượng đặc biệt tới Sài Gòn nghiên cứu tình hình, chuẩn bị xây dựng lực lượng đặc biệt ở miền Nam Việt Nam. Tiếp đó, SMM giúp chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập nhiều cơ quan tình báo đặc biệt trực thuộc Phủ Tổng thống do Trần Kim Tuyến phụ trách.

Trong đó, bộ phận chuyên đảm nhiệm các hoạt động biệt kích là Liên đội biệt động, ẩn dưới tên gọi là "Liên đội quan sát số 1" thuộc "Sở Liên lạc" do trung tá Lê Quang Tung chỉ huy, thiếu tá Trần Khắc Kính phụ tá và phụ trách tuyển mộ nhân viên là thiếu tá Lê Quang Triệu (em ruột Lê Quang Tung) dưới hình thức chỉ huy một đại đội trong đơn vị phòng vệ Phủ Tổng thống để che giấu hoạt động bí mật.

Một trong những nhiệm vụ của "Liên đội quan sát số 1" là tung người ra miền Bắc hoạt động tình báo, phá hoại, xâm nhập.

Cuối năm 1956, Lansdale tuyển chọn 65 sỹ quan tình báo và quân sự của Ngô Đình Diệm đưa đi huấn luyện tại Philippines và sau đó bổ túc nghiệp vụ tại Mỹ rồi đưa về Nha Trang làm hạt nhân xây dựng lực lượng biệt kích quân đội Việt Nam Cộng hòa. Khóa đầu tiên gồm 18 toán do cố vấn Mỹ trực tiếp huấn luyện.

Cuối năm 1957, Mỹ - Diệm phát triển "Liên đội quan sát số 1" thành "Sở khai thác địa hình" trực thuộc Phủ Tổng thống do Lê Quang Tung, lúc này đã đeo lon đại tá, trực tiếp chỉ huy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cố vấn Ngô Đình Nhu và Tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong cơ cấu tổ chức của Sở khai thác địa hình thì Phòng E hay còn gọi là Phòng 45 (Sở Bắc) chịu trách nhiệm về những hoạt động biệt kích ở miền Bắc Việt Nam, trên lãnh thổ Lào và Campuchia.

 Tháng 8-1958, Ngô Đình Diệm tiếp tục yêu cầu Mỹ giúp đỡ để tiến hành các hoạt động bí mật chống Cộng sản Việt Nam. CIA sau đó lập Ban Ngoại vụ tại Sài Gòn để làm việc với Phòng liên lạc Phủ Tổng thống, do Russell Miller làm Trưởng ban.

Tháng 11-1958, theo chỉ đạo của Russell Miller, Lê Quang Tung tuyển chọn được 12 sĩ quan cấp bậc thiếu úy, trung úy, đặt dưới sự chỉ huy của trung úy Ngô Thế Linh đưa đi đảo Saipan, một hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Mariana của Mỹ, cách đảo Guam 190km về phía bắc, để đào tạo 2 tháng về nghiệp vụ tình báo, tác chiến, phương thức phá hoại và chỉ huy đường dây tình báo. Kết thúc khóa huấn luyện,  Ngô Thế Linh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng 45.

Tháng 2-1959, CIA và Phòng 45 tuyển 5 sĩ quan đưa đi Saipan huấn luyện khóa ngắn hạn 6 tuần. Sau đó CIA cử nhân viên đến Sài Gòn huấn luyện 2 khóa trong thời gian 12 tuần, gồm những sĩ quan trẻ quê miền Bắc, là người dân tộc thiểu số. Trong khi tổ chức các khóa huấn luyện gián điệp biệt kích, Phòng 45 đã lập kế hoạch 5 năm để xâm nhập miền Bắc.

Tháng 11-1960, Phòng 45 thuộc Sở khai thác địa hình đổi tên thành Liên đoàn 77, còn gọi là Lữ đoàn liên minh phòng vệ Phủ Tổng thống đặt dưới sự theo dõi trực tiếp của Ngô Đình Diệm, do Đại tá Lê Quang Tung chỉ huy.

Liên đoàn 77 có nhiệm vụ xâm nhập bằng đường bộ, đường thủy, đường không vào những địa bàn trọng điểm của miền Bắc, chủ yếu là những vùng tập trung nhiều giáo dân, vùng dân tộc thiểu số để tổ chức lực lượng ngầm, phá hoại cơ sở kinh tế, quốc phòng.

CIA còn bỏ tiền thành lập 4 trung tâm huấn luyện gián điệp biệt kích với các thiết bị, vũ khí hiện đại nhất cùng đội ngũ chuyên gia huấn luyện dày dạn kinh nghiệm, gồm Trung tâm huấn luyện Long Thành (Biên Hòa); Trung tâm huấn luyện người nhái ở Mỹ Khê (Đà Nẵng); Trung tâm Loong Chẹng (Lào) và Trung tâm Phú Bài (Huế). Các trung tâm này do Lê Quang Tung và Trần Khắc Kính chỉ huy, cùng hai cố vấn Mỹ là Smith và Bell cùng linh mục Nguyễn Viết Khai làm "cố vấn tinh thần". 

Tiêu chí mà Lê Quang Tung và các cố vấn Mỹ tuyển chọn người vào lực lượng gián điệp biệt kích là những nam thanh niên tuổi từ 18 đến 35, là người gốc miền núi phía Bắc lưu vong ở Lào hoặc di cư vào Nam. Việc tuyển chọn không tiến hành ồ ạt mà xây dựng lực lượng dự trữ bằng cách thành lập những đơn vị quân đội riêng của từng dân tộc, từng địa phương của miền Bắc; qua quá trình đào tạo, huấn luyện trong quân đội, theo dõi, thẩm tra kỹ để tuyển vào biệt kích. Ngoài tiêu chuẩn về sức khỏe, năng khiếu, thành phần xuất thân, am hiểu địa lý và phong tục tập quán, khả năng thuyết phục quần chúng thì còn phải có tư tưởng căm thù Cộng sản.

Sau khi qua được vòng tuyển chọn, các toán lính sẽ được đưa về các trung tâm huấn luyện biệt kích huấn luyện về công tác tình báo, mật mã, kỹ thuật truyền tin, sử dụng các loại vũ khí, chất nổ và các phương tiện xâm nhập, nhảy dù… thời gian huấn luyện thường kéo dài khoảng 6 tháng. Kết thúc khóa huấn luyện, các toán sẽ được phân chia địa bàn sẽ hoạt động và chờ ngày lên đường.

Dù địa bàn hoạt động khác nhau nhưng tất cả đều có chung nhiệm vụ là khống chế các tuyến đường huyết mạch ở các tỉnh miền núi phía Bắc, xây dựng lực lượng ngầm và gây phỉ, làm rối loạn địa bàn, thu tin tình báo, chỉ điểm cho không quân các cơ sở kinh tế, quân sự để đánh phá… và Castor là một trong những toán như vậy.

***

Vào một buổi sáng cuối tháng 1-1961, Tổng thống John F. Kenedy, người vừa tuyên thệ nhận chức được một tuần, đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận về tình hình Việt Nam. Tại cuộc họp này, Lansdale trình bày "Kế hoạch chống nổi loạn cơ bản cho Việt Nam" đã được đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gửi cho Washington đầu tháng 1-1961.

Bản kế hoạch nhấn mạnh: "Việc vô hiệu hóa và đánh bại thách thức của Việt Cộng ở Nam Việt Nam, một nhiệm vụ sẽ đơn giản hơn nhiều nếu sự giúp đỡ của miền Bắc Việt Nam bị loại trừ. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh du kích, một cuộc chiến tranh không giới tuyến hoặc chiến trường, cần có những chính sách và chiến lược mới. Mọi điều ở Nam Việt Nam cần được thay đổi".

Tại cuộc họp Tổng thống Kenedy tuyên bố "muốn có du kích hoạt động ở miền Bắc, hãy cho miền Bắc nếm thử những gì họ đang làm đối với chúng ta ở miền Nam và ngay lập tức". Đây được coi là mệnh lệnh mở màn cho chiến dịch hoạt động ngầm tốn kém và lớn nhất mà Chính phủ Mỹ thực hiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Vào thời điểm ấy, Hà Văn Chấp và 3 thành viên của toán Castor lên đường ra Bắc mà không biết rằng họ đã trở thành những nhân vật đầu tiên trong hoạt động gián điệp bi thảm của Washington ở miền Bắc Việt Nam…

Nguyễn Thiêm - Anh Hiếu
.
.