Hoạt động đen của Thiên Địa hội ở Nam Kỳ
Đã vậy, Thiên Địa hội còn bày trò "lạc quyên" vào những dịp lễ, tết. Cứ đến tết Đoan Ngọ, tết Trung thu, tết Nguyên đán, những đội múa lân không mời mà gặp, tự động sồng sộc vào cửa nhà người ta, trống gõ thùng thùng, thanh la não bạt chập cheng loẻng xoẻng, con lân chạy tới chạy lui, ông Địa khề khà vẫy quạt một lát rồi… đòi tiền.
Từ hoạt động bảo kê…
Ngược dòng thời gian, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Cần Vương thất bại và cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ (lục tỉnh) do Võ Duy Dương và Thủ khoa Huân lãnh đạo bị thực dân Pháp dập tắt thì Thiên Địa hội ở Nam Kỳ bắt đầu phát triển mạnh, nhất là tại Gia Định, Biên Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu... nơi có nhiều Hoa kiều cư ngụ.
Xe ngựa trước chợ Bến Thành. |
Khi ấy, nó gồm 2 nhóm lớn: Nhóm Nghĩa Hưng - hay còn gọi là Đồng Hưng, Nhân Hưng, Kèo Xanh, Kèo Đỏ, chủ yếu là người Hoa gốc Phúc Kiến, hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, có xu hướng hoạt động chính trị rõ rệt. Họ liên kết với quân "Cờ Đen" của Lưu Vĩnh Phúc - là thuộc hạ của tướng Ngô Côn trong phong trào Thái Bình Thiên Quốc, từng phối hợp với quân triều Nguyễn giết chết hai sĩ quan Pháp là Francis Garnier và Henri Rivière. Nhóm thứ hai là Nghĩa Hòa, tức Kèo Vàng của người Hoa gốc Triều Châu, hoạt động chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên. Ngoài ra còn nhóm của người Hẹ (Khách trú) nhưng vì ít người nên quy mô tổ chức cũng nhỏ hơn.
Lúc này, số đông người Việt ở Nam Kỳ có tham gia "hội kín" hoặc có cảm tình với các "hội kín" nhìn thấy một sức mạnh tiềm tàng nơi Thiên Địa hội, có thể dựa dẫm được. Phương cách hoạt động thần bí của Thiên địa hội lại rất phù hợp với bản tính liều lĩnh, can đảm, sùng bái thần quyền, ưa phiêu lưu mạo hiểm, tin vào bùa ngải của họ. Vì vậy, khi gia nhập Thiên Địa hội, họ vẫn giữ các truyền thống do người Hoa lập nên, như trộn lẫn phép thuật, bùa chú, uống máu ăn thề với việc dùng tiếng lóng, dấu hiệu riêng để liên lạc…, nhưng thay đổi mục tiêu "phản Thanh phục Minh" của người Hoa thành "phản Pháp phục Nam".
Để chiêu binh mãi mã, khởi đầu những người lãnh đạo Thiên Địa hội ở Sài Gòn, Chợ Lớn nhắm vào số phu xe ngựa và thành lập "Hội Vạn Xe". Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, "vạn" là một hình thức nghiệp đoàn, như "vạn chài", "vạn cấy". Người trong một "vạn" liên kết với nhau rất chặt chẽ dưới sự chỉ huy, điều động của "vạn trưởng". Nếu một người trong "vạn" bị ức hiếp, đánh đập hoặc tài sản bị chiếm giữ thì lập tức cả "vạn" ồ ạt kéo đến bênh vực, trả thù. Khi bị chính quyền Pháp bắt, hầu như họ không bao giờ khai báo về tổ chức của "vạn" hoặc chỉ khai phần ngọn. Nếu phải ở tù, gia đình người tù sẽ được "vạn" giúp đỡ rồi khi ra tù, "vạn" lại tiếp tục giao cho họ công việc và phương tiện mà trước đó họ đã làm.
Địa bàn hoạt động của Hội Vạn Xe khi ấy kéo dài từ bến Bình Đông ra khu vực Phú Lâm, từ đình Minh Phụng sang cầu Xóm Chỉ, từ chợ Nancy xuống khu An Bình, Chợ Lớn. Ở vùng Sài Gòn, Hội Vạn Xe làm chủ rạch Bến Nghé, bến Bạch Đằng, các kho hàng bên Khánh Hội và các con đường nay là Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… Sự thống nhất về giá cả, về sự liên kết - nhất là khi một thủy thủ người Pháp say rượu từ đường Lê Lai thuê xe về bến Bạch Đằng, đã chẳng những không trả tiền mà còn tát tai người phu xe khiến cả chục "vạn phu" kéo đến, đánh cho gã thủy thủ một trận thừa sống thiếu chết khiến những "Hộ trưởng" (là người đứng đầu một khu phố - tương tự như chủ tịch phường bây giờ), hoảng hốt. Lập tức, các Hộ trưởng bẩm báo với chính quyền, nhưng người Pháp khi ấy bỏ ngoài tai vì cho rằng "đây chỉ là hành động tự phát của một nhóm phu xe khi thấy đồng nghiệp bị hiếp đáp".
Mặc dù người Pháp cũng mở cuộc điều tra, nhưng chỉ điều tra cho có lệ bởi lẽ họ chẳng khai thác được gì nơi những người "Vạn Xe". Tất cả đều "không biết, không nghe, không thấy, không tham gia". Được nước, Lý Vỹ, kẻ cầm đầu Thiên Địa hội vùng Sài Gòn, Chợ Lớn dấn thêm một bước: Không chỉ phu xe ngựa, Vỹ ra lệnh cho hội viên, bằng hình thức này hay hình thức khác, mỗi người phải kết nạp thêm 3 người trong giới bồi bếp, người phục vụ ở các nhà hàng, quán ăn, công nhân các xưởng sản xuất thủ công, làm thuê cho các hiệu buôn…, những hội viên mới này cứ đóng tiền "hội phí" hằng tháng là được Thiên Địa hội che chở…
Theo báo cáo của mật thám Sài Gòn, cuối năm 1889, số lượng thành viên của Hội Vạn Xe vào khoảng 6.000 người, được tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới, đứng đầu là một người Việt tên Bạch - thường được gọi là "Cai" Bạch. Xuất thân từ một phu lục lộ (công nhân làm đường giao thông), do mẫn cán nên Bạch được cất nhắc lên làm "cai", trông coi 1 tổ gồm 40 người, chịu trách nhiệm trong việc rải đá dăm, nấu nhựa đường. Được một người Hoa tên Phóng móc nối, Bạch gia nhập Thiên Địa hội rồi chỉ một thời gian ngắn sau, cả 40 người trong tổ của Bạch cũng trở thành hội viên Thiên Địa hội.
Các hội viên Thiên Địa hội thề trước bàn thờ Ngũ tổ. Ảnh minh họa. |
Việc cai Bạch trở thành người lãnh đạo Hội Vạn Xe đã khiến Ngọc "Móng Cái" bất bình. Là người Hoa gốc Nùng, Ngọc từ Móng Cái, Quảng Ninh tha hương vào Sài Gòn làm nghề đánh xe ngựa kiếm sống. Lúc chưa có sự xuất hiện của cai Bạch, Ngọc "Móng Cái" là người cầm đầu hơn 300 phu xe ngựa, xe kéo. Tới hồi bị hất cẳng, lại thêm sự khích bác của đồng nghiệp, Ngọc phát tín hiệu, đề nghị cai Bạch tỉ thí để phân định chủ, tớ.
Trận tỉ thí diễn ra suốt 6 ngày, mỗi ngày đánh nhau 1 tiếng, địa điểm là trước dãy nhà kho bến Hàm Tử trước sự cổ vũ của các phu xe ngựa, xe kéo, công nhân bốc vác. Do cả hai đều giỏi võ nên 5 ngày đầu bất phân thắng bại. Đến chiều ngày thứ 6, bằng một cú đá liên hoàn, cai Bạch dồn Ngọc "Móng Cái" vào vách tường rồi tung ra đòn quyết định là cú đấm móc ngược từ dưới hàm lên. Dính đòn hiểm, Ngọc "Móng Cái" choáng váng. Và khi cai Bạch định kết thúc bằng một cú đấm nữa thì Ngọc giơ tay xin hàng.
Trở thành người lãnh đạo Hội Vạn Xe, theo chỉ đạo của Lý Vỹ, cai Bạch ra lệnh cho các phu xe rằng nếu như trước kia, một cuốc xe từ chợ Nancy đến Nhà hát lớn chẳng hạn, phu xe đòi 2 cắc nhưng sẵn sàng đồng ý 1 cắc rưỡi nếu khách trả giá thì bây giờ, 2 cắc rưỡi là 2 cắc rưỡi, khách không đi thì thôi trong lúc cứ mỗi cuối ngày, phu xe vẫn phải nộp tiền "hụi chết" cho Thiên Địa hội.
Để có tiền nộp, phu xe phải nghĩ ra những trò bất lương như chở khách đi vòng vèo rồi đòi thêm tiền. Nếu khách có nhiều hành lý, giữa đường phu xe than nặng, ngựa kéo không nổi rồi tăng giá. Gặp khách phản ứng, phu xe quăng hết hành lý của khách xuống và đợi một xe khác chạy ngang qua rồi ra dấu là chỉ một lúc sau, sẽ có hàng chục chiếc xe ngựa kéo đến gây áp lực.
Với những người làm nghề bồi bàn, bồi bếp, thợ thủ công, hình thức thu tiền "hụi chết" được Thiên Địa hội nói thẳng với chủ tiệm, chủ nhà hoặc chủ xưởng. Cuối tháng, người của Thiên Địa hội đến gặp chủ tiệm rồi sau khi thu tiền bảo kê cho tiệm, chủ tiệm phải trả luôn tiền bảo kê cho những bồi bàn, công nhân làm trong tiệm, xưởng của mình. Phần tiền này sẽ được trừ vào lương. Ông Nhơn, năm nay 76 tuổi, nhà ở trong một con hẻm trên đường Lê Quang Sung, quận 6 cho biết: "Hồi đó tôi nghe ba tôi kể là mỗi lần đình Minh Phụng có gánh hát bội về hát là Thiên Địa hội cử người đến thu tiền bảo kê. Có lần, một gánh dưới Lục tỉnh lên, nghe Thiên Địa hội đòi tiền thì họ không đưa, mà họ báo "mã tà" (cảnh sát). Tới hồi gần đến giờ mở màn, bà con chuẩn bị vô xem thì ngay ở cửa, hàng chục phu xe ngựa đứng dồn cục, tay cầm roi bện bằng da, cố tình chắn lối. Mã tà chỉ có một người nên bất lực. Cuối cùng, chủ gánh phải bấm bụng xì ra một ít tiền mới xong".
Bảo kê cho người sống chưa đủ, Thiên Địa hội còn bảo kê cho cả… người chết bằng cách lập ra những "hội tương tế" mà thực chất là bán hòm, tổ chức tang ma hậu sự. Một báo cáo của Sở Mật thám Nam Kỳ viết: "Không thể bắt quả tang bọn này vì khi hỏi, gia chủ luôn luôn trả lời là họ tự nguyện chứ không bị ép buộc. Một "lính kín" (nghĩa là người chỉ điểm) của ta cài vào nhóm Thiên Địa hội ở bến Bình Đông suốt 3 tháng không moi được tin tức gì, mà sau đó lại chết đuối(?!). Ở nhiều nơi, dân không nghe theo hội trưởng, mà răm rắp tuân lời chánh hội, phó hội, hương chủ…, là những chức vụ ngầm do Thiên Địa hội đặt ra".
Thế lực ngầm ngày càng phát triển và do không đủ nhân lực nên dần dà, một số người Việt trở thành lãnh đạo Thiên Địa hội, người Hoa chỉ còn đóng vai trò cố vấn, phụ trách nghi lễ. Thành phần tham gia Thiên Địa hội đông nhất là nông dân và dân nghèo thành thị, hầu hết ở tuổi thanh niên. Khi gia nhập hội, họ phải đọc 36 lời thề, nội dung hết lòng với huynh đệ, sống chết không phản bội, không lấy công làm tư, không tham lam gian tà, không dụ dỗ vợ của hội viên khác… nếu sai lời sẽ bị muôn đao phanh thây xẻ xác. Trích máu ăn thề xong, hội viên sẽ được cấp cho một lá bùa "Hồng môn hộ mạng", vừa để bảo vệ thân thể trước súng đạn, lại vừa dễ nhận ra nhau..
Thiên Địa hội ở lục tỉnh Nam Kỳ
"Ở đâu có người Hoa là ở đó có Thiên Địa hội". Báo cáo của Sở Mật thám Đông Dương khẳng định. Nhất là ở những vùng quê, những xóm chợ ven sông, một tiệm thuốc Bắc mà ông thầy xem mạch là người Hoa, hoặc một quán mì, quán trà đều có thể là đầu não chỉ huy hội viên Thiên Địa hội tại vùng đó.
Vai trò của Thiên Địa hội xuất hiện rõ nét nhất là ở tỉnh Bạc Liêu. Lúc ấy, khu vực chợ Bạc Liêu xảy ra bệnh dịch tả nên viên chủ tỉnh (tương tự như chủ tịch tỉnh ngày nay) ra lệnh cho tất cả các tiệm ăn phải quét dọn sạch sẽ và đặc biệt là cấm khạc nhổ, đi tiêu bừa bãi nơi công cộng nếu ai vi phạm sẽ bị phạt. Trước lệnh này, chủ các tiệm ăn, quán trà, chủ các sạp hàng buôn bán trong chợ là người Hoa đồng loạt đóng cửa tiệm, đóng cửa sạp hàng để phản đối. Báo cáo của viên chủ tỉnh gửi Toàn quyền Đông Dương có đoạn viết: "Chúng tôi tịch thu được nhiều loại giấy tờ có đóng dấu đỏ với những ký hiệu rất lạ, với những lời lẽ và con số giống như nói về chuyện tiền bạc. Một lính kín mà chúng tôi cài vào làm công cho tiệm mì Huê Ký ở chợ Bạc Liêu khẳng định rằng đó là lệnh bãi thị của Thiên Địa hội… Gửi trát đòi mấy chủ tiệm người Hoa lên hỏi thì họ trả lời rằng họ không phải là người viết tờ giấy đó, và nội dung của nó chỉ là giấy tính tiền mua hàng ở Sài Gòn mà thôi".
Trước những hoạt động bí ẩn của Thiên Địa hội, người Pháp rơi vào trận hỏa mù. Những tài liệu mật thám Pháp thu được ở Sài Gòn Chợ Lớn, ở các tỉnh miền Tây đều na ná như nhau. Đó là vài thanh gươm, cán có chạm chữ "Thiên", vài bộ truyện Tàu, những tờ giấy "dó" - một loại giấy làm theo phương pháp thủ công trong đó loằng ngoằng những ký tự tiếng Hoa và những con số giống y như đơn đặt hàng hay biên lai tính tiền.
Một báo cáo viết năm 1909 của Henri Dusson, Chánh án Nam Kỳ đã mô tả về sự phát triển Thiên Địa hội ở Long Xuyên như sau: "Khi đưa những người trong phong trào Duy Tân ở Mỹ Tho do Trần Chánh Chiếu cầm đầu ra tòa vào tháng 4/1909, chính quyền thuộc địa đã kết án quá nhẹ. Trần Chánh Chiếu cùng một số đồng phạm khác trắng án khiến dân Long Xuyên tin rằng nếu gia nhập "hội kín" thì chẳng ai làm gì được…".
(Còn tiếp)