Nguyễn Hữu Hanh – Cố vấn kinh tế cho hai đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa (kỳ 2)

Thứ Tư, 18/11/2015, 20:15
Qua sự khôn khéo trong thương thuyết, Nguyễn Hữu Hanh đã giúp Ngô Đình Diệm thu hồi được hơn 33 tấn vàng bị quân Pháp mang theo khi rút quân về nước năm 1955. Trở thành "người hùng" của Ngô Đình Diệm nhưng Nguyễn Hữu Hanh lại là cái gai trong mắt của vợ chồng cố vấn Ngô Đình Nhu. Ông lại là người cương quyết từ chối những đề nghị "giúp đỡ" của Ngô Đình Thục, ngay cả khi có sự can thiệp của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Khi trở thành cố vấn kinh tế tài chính cho Tổng thống, Nguyễn Hữu Hanh giúp Ngô Đình Diệm sắp xếp lại nền kinh tế đang lệ thuộc Pháp và kiến thiết lại nền tài chính tiền tệ của VNCH. Sau nhiều lần sang Paris, Nguyễn Hữu Hanh đã thuyết phục được Bộ trưởng Tài chính Antoine Pinay (sau này là Thủ tướng Pháp) nhượng bộ và ký kết những thỏa ước kinh tế quan trọng.

Đặc biệt, qua sự khôn khéo trong thương thuyết, ông đã giúp Ngô Đình Diệm thu hồi được hơn 33 tấn vàng bị quân Pháp mang theo khi rút quân về nước năm 1955. Trở thành "người hùng" của Ngô Đình Diệm nhưng Nguyễn Hữu Hanh lại là cái gai trong mắt của vợ chồng cố vấn Ngô Đình Nhu. Ông lại là người cương quyết từ chối những đề nghị "giúp đỡ" của Ngô Đình Thục, ngay cả khi có sự can thiệp của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Thành lập ngân hàng thương mại lớn nhất miền Nam

Trong những tháng đầu tiên của năm 1955, trong lúc rút quân ra khỏi Việt Nam, thực dân Pháp đã cố lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm bằng cách vũ trang và xúi giục các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên, cùng với các sĩ quan quân đội bất mãn chống lại Ngô Đình Diệm. Tình trạng khủng hoảng chính trị và xã hội tiếp sau đó đã tạo nên một sự bất an và rối loạn trong giới kinh doanh, tất cả các mặt hàng nhập cảng chủ yếu bị dừng lại, đe dọa nguồn cung cấp còn đang mong manh của VNCH. Giá cả tăng vọt và thị trường chợ đen lũng đoạn. Những công ty Pháp đang thống trị thị trường hàng nhập khẩu không chịu nhập hàng vào miền Nam, các ngân hàng thương mại hầu hết do người Pháp sở hữu cũng thẳng thừng từ chối việc tài trợ nhập cảng.

Nguyễn Hữu Hanh lúc làm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, năm 1965.

Trước tình hình đen tối như thế, giữa năm 1955, Ngô Đình Diệm quyết định thành lập một ngân hàng thương mại tại Sài Gòn để cạnh tranh với các ngân hàng Pháp và hỗ trợ cho nền kinh tế. Ông Diệm giao việc này cho Nguyễn Hữu Hanh với một sắc luật cho phép ngân hàng trung ương cấp một khoản tín dụng là 200 triệu đồng để thành lập một ngân hàng mới.

Nguyễn Hữu Hanh liền xuất tiền mua lại trụ sở Ngân hàng Banque de l'Indochine và tuyển dụng nhân viên, chuẩn bị cho việc ra đời một ngân hàng thương mại. Khi công việc xây dựng hoàn chỉnh, ngân hàng mới có tên là Ngân hàng Thương Tín chính thức đi vào hoạt động vào tháng 1/1956. Nguyễn Hữu Hanh thôi chức Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia để làm Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương Tín. Ông mời một người Pháp tên Roger Becker trước đây ở Ngân hàng Trung ương Ðông Dương về làm việc. Người Pháp này đã giúp Nguyễn Hữu Hanh rất nhiều trong việc thiết lập các phương thức hoạt động và điều lệ ngân hàng. Sau một thời gian hoạt động, Ngân hàng Thương Tín trở thành ngân hàng thương mại lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ.

Tháng 9/1956, toàn bộ hệ thống ngân hàng và cả miền Nam rung chuyển bởi một vụ xì-căng-đan ở Ngân hàng Quốc gia. Những tờ giấy bạc được đánh dấu để thiêu hủy đã bị lấy cắp khỏi hầm chứa. Số tiền lên đến 250 triệu đồng, tương đương với 8 triệu đôla lúc bấy giờ. Người đứng đầu bộ phận kiểm ngân là Vũ Đình Đa và viên thủ quỹ người Pháp tên là André Heurtier bị bắt. Ngô Đình Diệm yêu cầu Nguyễn Hữu Hanh trở về lại Ngân hàng Quốc gia để làm một cuộc điều tra sâu rộng và tổ chức lại toàn bộ ngân hàng để tránh một tai nạn tương tự trong tương lai. Ngô Đình Diệm ký ngay lập tức một sắc lệnh bổ nhiệm Nguyễn Hữu Hanh một lần nữa làm Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia.

Sau khi Nguyễn Hữu Hanh nộp bản báo cáo mô tả chi tiết vụ mất cắp và trách nhiệm của nhiều thành viên cao cấp trong ban điều hành, nhưng không cáo buộc Vũ Quốc Thúc một lỗi nào, ngoại trừ sự chểnh mảng và thiếu năng lực, Ngô Đình Diệm vẫn cách chức Thống đốc của Vũ Quốc Thúc và thay bằng Trần Hữu Phương lúc này đang là Bộ trưởng Tài chính.

Cuộc thương thuyết với Bộ trưởng Tài chính Pháp

Tháng 11/1956, sau khi đã hoàn tất việc tổ chức và sắp xếp lại Ngân hàng Quốc gia, Nguyễn Hữu Hanh quyết định tiến công vào các vấn đề đang cấp bách: phải thương lượng một hiệp định tiền tệ mới với Pháp, chuyển số dự trữ bằng đồng phơ-răng (franc) Pháp qua các loại tiền khác để tránh bị hao hụt thêm trị giá dự trữ ngoại tệ, vì lâu nay đồng tiền này không có giá trị quy đổi ra đôla Mỹ, bảng Anh hay yên Nhật. Và đặc biệt là phải thu hồi số vàng đang nằm ở Ngân hàng Quốc gia Pháp... Được sự đồng ý của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Hữu Hanh đến Paris, tiếp xúc với Ngân hàng Quốc gia và Bộ Tài chính Pháp. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp không được thông báo chính thức về chuyến công tác của Nguyễn Hữu Hanh. Vì vậy không có cuộc tiếp xúc chính thức nào được diễn ra.

Đến tháng 6/1957, nhận thấy đồng phơ-răng càng lúc càng mất giá, Nguyễn Hữu Hanh khuyên Ngô Đình Diệm nên ra lệnh rời bỏ sự ảnh hưởng của đồng phơ-răng mà không cần có sự thỏa thuận với Pháp. Nhưng trước khi dùng tới biện pháp cuối cùng này, Chính phủ VNCH nên thương lượng với Chính phủ Pháp để đạt được một hiệp định mới giữa hai bên. Nhận ra tầm quan trọng và sự cấp thiết của vấn đề, Ngô Đình Diệm yêu cầu Nguyễn Hữu Hanh xúc tiến ngay việc này.

Được sự ủy quyền chính thức của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Hữu Hanh lại đi Pháp. Lần này nhà chức trách Pháp đã được Tòa đại sứ Pháp ở Sài Gòn thông báo chính thức về chuyến công tác của Nguyễn Hữu Hanh. Họ tiếp đón ông nồng hậu, nhưng không có ai trong chính quyền Pháp tỏ vẻ hào hứng với những cuộc thảo luận bất lợi như vậy. Thực tế đó không phải chuyện thương lượng đơn thuần mà là vấn đề chính trị hết sức phức tạp và gai góc. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên nước Pháp thương thuyết về một hiệp ước tiền tệ với một nước thuộc địa cũ. Và bất cứ một nhượng bộ nào của Pháp cũng sẽ bị các nước thuộc địa cũ và các nước trong Liên hiệp Pháp coi là tiền đề của những đòi hỏi gây nhiều rắc rối cho "nước mẹ Pháp" về sau này.

Qua sự giúp đỡ của René Bousquet - cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Dương, lúc này đang là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Pháp, Nguyễn Hữu Hanh có cuộc hội kiến với Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Antoine Pinay. Antoine Pinay là một nhân vật rất nổi tiếng ở châu Âu, được tướng De Gaulle bổ nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính Pháp vào đầu năm 1957 (về sau ông này trở thành Tổng thống Pháp).  

Mọi việc đang diễn ra tốt đẹp thì bất ngờ Tòa đại sứ VNCH tại Paris chuyển lệnh của Ngô Đình Diệm yêu cầu Nguyễn Hữu Hanh về nước. Chưa biết sự việc thế nào, Nguyễn Hữu Hanh vô tình gặp Ngô Đình Luyện (Đại sứ VNCH tại Anh) đang công tác ở Paris. Ngô Đình Luyện khuyên ông cứ ở lại và tiếp tục công việc, ông ta sẽ gọi điện cho anh trai Ngô Đình Diệm ngay lập tức. Nhưng Nguyễn Hữu Hanh vẫn quyết định quay về. Thì ra, vì sự ghen ghét cá nhân, Nguyễn Hữu Hanh bị Ngô Đình Nhu và Bộ trưởng Phủ tổng thống Nguyễn Đình Thuần nhỏ to với Ngô Đình Diệm rằng Nguyễn Hữu Hanh đang làm một công việc không tưởng, không ai ở nước Pháp thèm tiếp một tay Tổng giám đốc quèn như ông. Tuy nhiên sau khi nghe báo cáo tiến trình công việc, Ngô Đình Diệm mới nhận ra rằng ông đã nghe những lời tố cáo phi lý. Ông ta yêu cầu Nguyễn Hữu Hanh sắp xếp quay trở lại Paris.

Trở lại Pháp, Nguyễn Hữu Hanh gặp Pierre Sadrin, Giám đốc và Georges Lapeyre, Phó giám đốc Tài chính Hải ngoại Pháp, sau đó gặp Thống đốc Ngân hàng Baumgartner và Phó thống đốc Calvet của Ngân hàng Quốc gia Pháp. Và đặc biệt, với sự giúp đỡ của René Bousquet cùng các bạn của ông ta, Nguyễn Hữu Hanh được hội kiến với Bộ trưởng Tài chính Pháp Antoine Pinay. Lúc này, Antoine Pinay đang nằm trên giường bệnh nhưng cũng đồng ý tiếp Nguyễn Hữu Hanh.

Hai người đã thảo luận một danh sách dài các vấn đề giữa hai quốc gia, trong đó có vấn đề dự trữ ngoại tệ của VNCH, hệ thống chi trả với nước Pháp, số vàng của VNCH và một số vấn đề khác của ngân khố VNCH. Nhưng trên hết, Nguyễn Hữu Hanh yêu cầu đồng phơ-răng thu được từ việc xuất khẩu qua Pháp và qua các thuộc địa của Pháp phải đổi được ra các tiền khác. Antoine Pinay cho biết đây là một điều rất khó khăn và rất nhạy cảm về mặt chính trị, bởi vì việc cho phép hoán đổi một phần hoặc toàn bộ đối với một thành viên trong khu vực đồng phơ-răng là điều không thể tưởng tượng được vào lúc đó, về cả mặt chính trị lẫn kỹ thuật. Việc nước Pháp nhượng bộ như vậy sẽ gây nên một cơn địa chấn chính trị.

Tại Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương 3 nước Đại Hàn, Trung Hoa (Đài Loan), Việt Nam Cộng hòa tại Đài Bắc, năm 1966.

Tuy nhiên, Antoine Pinay yêu cầu Nguyễn Hữu Hanh phải có một văn kiện ghi rõ các đề tài thảo luận. Ông ta hứa sẽ trả lời sớm và vui lòng ký kết một thỏa ước tiền tệ mới như đề nghị và sẽ viện trợ kinh tế, tài chính cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng trước mắt ông muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai nước hiện đang ở mức thấp nhất kể từ sau vụ truất phế Quốc trưởng Bảo Đại và vụ bắt giam hai người Pháp bị buộc tội gián điệp đầu năm 1956. Antoine Pinay yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm trả tự do cho hai người Pháp như một cử chỉ thiện chí.

Trong chuyến đầu tiên sang thăm Sài Gòn, Antoine Pinay hứa sẽ hối thúc việc giải quyết các vấn đề và tổ chức viện trợ kinh tế tài chính cho VNCH, còn Ngô Đình Diệm hứa sẽ thả hai gián điệp Pháp. Antoine Pinay trở lại Sài Gòn lần thứ hai vào cuối năm 1958. Qua hai ngày thảo luận và thống nhất những điều khoản, bản thỏa ước đã được ký kết chính thức.

Cuối cùng nước Pháp đã nhượng bộ cho Chính phủ Ngô Đình Diệm nhiều điều khoản quan trọng về mặt kinh tế tài chính cũng như cấp những khoản viện trợ kinh tế:

1. Đồng phơ-răng có thể đổi sang tiền khác để chi trả cho mặt hàng xuất khẩu qua Pháp; do đó tránh được tình trạng hao hụt trị giá dự trữ ngoại tệ trong trường hợp đồng phơ-răng mất giá hay bị phá giá.

2.  VNCH bước ra khỏi khu vực đồng phơ-răng Pháp. Sau đó VNCH gia nhập khu vực đồng đôla Mỹ.

3. Thu hồi được hơn 33 tấn vàng nằm trong Ngân hàng Quốc gia Pháp, số vàng đó đã được đứng tên Ngân hàng Quốc gia VNCH ở trong hầm chứa của Ngân hàng Quốc gia Pháp.

4.  Đòi lại được số tiền mà Ngân khố Pháp nợ Ngân khố VNCH.

5. Tranh thủ được số viện trợ kinh tế mà Bộ trưởng Antoine Pinay, sau này là Thủ tướng đã hứa cho Chính phủ Ngô Đình Diệm, mở đường cho những đợt viện trợ tài chính sau này của Pháp.

Bất mãn và ra đi

Những việc làm của Nguyễn Hữu Hanh ngày càng tạo lòng tin tuyệt đối đối với Ngô Đình Diệm. Ngoài chức danh Cố vấn Kinh tế, Ngô Đình Diệm còn yêu cầu Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đưa tên Nguyễn Hữu Hanh vào danh sách thành viên Hội đồng Tối cao Tiền tệ. Đây là cơ quan thảo luận và quyết định mọi vấn đề tài chính, kinh tế và tiền tệ của chính quyền VNCH. Ngô Đình Diệm muốn có một chuyên gia thật sự trong hội đồng, các thành viên khác đều là các chính trị gia được bổ nhiệm.

Thế nhưng, vì nắm giữ những chức vụ chủ chốt về kinh tế và dám có những quyết định táo bạo, quyết liệt, cứng rắn, vô tình Nguyễn Hữu Hanh đã tạo cho mình nhiều kẻ thù. Hai trong số đó là Ngô Đình Thục và Ngô Đình Nhu. Mặc dù vậy, ông vẫn chống đối vợ chồng Ngô Đình Nhu tới cùng và sẵn sàng từ chối những đề nghị hợp tác, giúp đỡ của Ngô Đình Thục, ngay cả khi có sự can thiệp của Ngô Đình Diệm. Chính vì vậy, cuộc sống của ông ngày càng trở nên ngột ngạt.

Ngày 15/9/1960, Nguyễn Hữu Hanh quyết định từ chức để ra nước ngoài làm việc, nhưng Ngô Đình Diệm không đồng ý. Đến tháng 3/1961, ông lại một lần nữa xin từ chức. Trong khi Ngô Đình Diệm còn đang tìm cách giữ chân ông thì Ngô Đình Nhu lại hối thúc việc ký quyết định. Cuối cùng, Ngô Đình Diệm đành chấp nhận trong sự tiếc nuối.

Những kẻ ghen ghét, ganh tị với Nguyễn Hữu Hanh coi như đó là dấu chấm hết cho một sự nghiệp đầy danh vọng của ông. Tuy nhiên, khó ai ngờ rằng vài năm sau đó, Nguyễn Hữu Hanh lại quay về Sài Gòn với những chức vụ không kém phần quan trọng trong chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

(Còn tiếp)

Duy Tường
.
.