Vụ thủ tiêu ‘điệp viên’ Thái Khắc Chuyên: Chết vì biết quá nhiều?

Thứ Ba, 03/02/2015, 15:00
Gửi một báo cáo cho chỉ huy trưởng Mũ nồi xanh ở Sài Gòn là đại tá Bob Rheault để xin chỉ thị, Brumley đề xuất nhiều cách giải quyết và nhấn mạnh rằng Thái Khắc Chuyên là một nhân vật rất nguy hiểm vì anh ta biết quá nhiều về nhân sự, các mục tiêu hoạt động cũng như hệ thống tổ chức mạng lưới tình báo Mỹ ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Phụ tá của Brumley là Facey đề nghị giam Chuyên trong một côngtenơ cho đến khi chiến tranh kết thúc. Người khác nói nên đưa Chuyên vào rừng rồi thủ tiêu, hoặc cho lên máy bay, bay ra biển rồi đạp xuống, hoặc tiêm thuốc độc, hoặc thắt cổ rồi dàn dựng như một vụ tự tử...
>> Mở lại hồ sơ vụ thủ tiêu “điệp viên” Thái Khắc Chuyên

1. Ra đến Nha Trang lúc 10 giờ đêm thì 4 giờ sáng hôm sau Thái Khắc Chuyên lại bị thẩm vấn, nội dung xoay quanh tấm ảnh chụp một chiến sĩ Quân Giải phóng đứng cạnh một sĩ quan có nét mặt giống Chuyên do Mũ nồi xanh thu được, về vợ của một điệp viên Cộng sản nào đó ở Mộc Hóa, về kế hoạch C&C (tình báo chiến lược thuộc Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ tại miền Nam Việt Nam - MACV), về một nhân vật có tên Thu Linh.

Khi Brumley mệt, Boyle tiếp tục thẩm vấn với sự giám sát y khoa tâm thần của bác sĩ Allison. Boyle xoay quanh thời kỳ Chuyên ở Vũng Tàu và một điệp viên tên Huỳnh. Đặc biệt hơn nữa, vụ phục kích ở Mộc Hóa lại được nhắc đến.

Căn cứ B57 ở Nha Trang.

Theo trung sĩ McIntosh, trong cuộc phục kích ấy Chuyên không hề bắn một phát nào rồi sau đó giải thích rằng súng bị kẹt đạn, chưa kể một sĩ quan khác của Mũ nồi xanh là Mesa còn phát hiện máy truyền tin đã bị đổi tần số, dẫn đến việc nhóm phục kích không thể liên lạc được với không quân hay pháo binh. Theo Boyle, Thái Khắc Chuyên đã cố tình làm thế để bảo vệ đồng đội là Quân Giải phóng.

Bốn giờ chiều ngày 17/6, sau 6 ngày thẩm vấn liên tục với máy phát hiện nói dối và thuốc Sodium Pentathol, Chuyên nổi giận, bất hợp tác với điều tra viên rồi chửi rủa "bọn Mỹ chúng mày ngu ngốc, không hiểu gì về Việt Nam", và "chúng mày sẽ thua trận". Đây cũng là ngày thẩm vấn cuối cùng vì số phận của Chuyên đã được định đoạt!

Gửi một báo cáo cho chỉ huy trưởng Mũ nồi xanh ở Sài Gòn là đại tá Bob Rheault để xin chỉ thị, Brumley đề xuất nhiều cách giải quyết và nhấn mạnh rằng Thái Khắc Chuyên là một nhân vật rất nguy hiểm vì anh ta biết quá nhiều về nhân sự, các mục tiêu hoạt động cũng như hệ thống tổ chức mạng lưới tình báo Mỹ ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Phụ tá của Brumley là Facey đề nghị giam Chuyên trong một côngtenơ cho đến khi chiến tranh kết thúc. Người khác nói nên đưa Chuyên vào rừng rồi thủ tiêu, hoặc cho lên máy bay, bay ra biển rồi đạp xuống, hoặc tiêm thuốc độc, hoặc thắt cổ rồi dàn dựng như một vụ tự tử...

Việc thủ tiêu Thái Khắc Chuyên càng cấp bách hơn khi Chuyên liên tục la hét, đập phá vách tường để mong có ai đó nghe thấy, giải cứu. Chỉ huy B57 là đại tá Bob Rheault chấp thuận việc giết Chuyên nhưng không công khai ra lệnh vì sợ rắc rối đến giấc mơ ngôi sao chuẩn tướng. CIA cũng vậy, họ cũng không dám ra lệnh do lo ngại hệ lụy về ngoại giao nếu chính quyền Sài Gòn phát giác nội vụ. Tuy nhiên, mọi người trong B57 đều ngầm hiểu rằng sự im lặng suốt 10 ngày của CIA kể từ khi Chuyên bị thẩm vấn đồng nghĩa với sự chấp thuận vì có bao giờ CIA nhận hoặc chối những gì họ làm, và có bao giờ họ làm điều gì một cách công khai minh bạch đâu!

Vậy là, coi như "đèn xanh" không "sáng" nhưng đã được "bật". 7 giờ tối thứ Năm, ngày 19/6, một nhóm sĩ quan B57 lên xe do Boyle cầm lái chở Thái Khắc Chuyên ra bờ biển Nha Trang. Ở đó đã có một chiếc ghe máy đợi sẵn. Chuyên bị đè sấp xuống, trói thúc ké, miệng bịt kín bằng băng keo, tiêm morphine rồi nhét vào poncho. Williams và Marasco khiêng Chuyên thả xuống lòng ghe. Khi morphine giảm tác dụng, Chuyên vật vã trong poncho thì morphine lại được bồi tiếp.

2. Ra khỏi bờ khá xa, Brumley bảo Williams gác đầu Chuyên lên thành ghe "để máu khỏi làm bẩn ghe" rồi rút khẩu Colt 45, lên đạn, kê vào màng tai Chuyên bóp cò nhưng súng không nổ. Thấy Brumley không bắn được, Marasco chĩa khẩu Beretta có gắn bộ phận hãm thanh vào đầu Chuyên nhưng lạ thay, súng lại bị kẹt đạn. Giật khẩu súng từ tay Marasco, Brumley kéo khóa nòng cho viên đạn văng ra rồi nhét một viên khác vào.

Đại tá Bob Rheault, người trực tiếp ra lệnh giết Thái Khắc Chuyên.

Lần này, sau cú bóp cò của Marasco, một tiếng kêu tựa như tiếng vỏ xe xì lốp phát ra từ ống hãm thanh. Tại lỗ thủng trên tấm poncho, máu tươi chảy thành dòng. Williams kéo xác Chuyên vào giữa ghe, quấn quanh poncho nhiều vòng xích sắt cùng với hai chiếc mâm bánh xe tải, bảo đảm đủ nặng để xác Chuyên không thể nổi lên rồi hất xuống biển.

Mọi vật dụng cá nhân của Chuyên như bút máy, đồng hồ, thắt lưng, ví da…, Brumley giao cho một nhóm Mũ nồi xanh đang chuẩn bị xâm nhập địa bàn tỉnh Đồng Hới, bảo vứt lại ở đó. Chưa hết, Brumley còn ra lệnh cho trung sĩ Wayne Ishimato, người gốc Nhật đóng vai Chuyên đi Campuchia rồi gửi về những báo cáo giả, chứng minh rằng Thái Khắc Chuyên còn sống và vẫn đang công tác.

Thấy chồng không về, bà Phan Kim Liên - vợ Thái Khắc Chuyên cùng cô em dâu là Lâm Hoàng Oanh đến Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn xin gặp những người có trách nhiệm ở B57 nhưng Brumley tránh mặt. Không bỏ cuộc, bà Liên nhờ một số dân biểu Quốc hội Sài Gòn can thiệp với MACV. Qua đó, báo chí Sài Gòn mới biết được vụ mất tích bí ẩn của Thái Khắc Chuyên. Vài ngày sau, Lâm Hoàng Oanh được học bổng du học tại Đại học Columbia, Mỹ, lại càng làm cho B57 thêm lo lắng: Hà Nội gửi điệp viên vào tận đất Mỹ!

Về phía trung sĩ Sands - người đã giới thiệu Thái Khắc Chuyên với CIA và cũng là người trực tiếp chứng kiến vụ thẩm vấn Chuyên, sợ rằng mình sẽ là nhân vật kế tiếp bị thủ tiêu để giữ bí mật vì Sands không tán thành việc giết Chuyên. Sands sợ đến độ không dám ngủ tại phòng của mình mà lặng lẽ lấy một tấm nệm, mỗi đêm ngủ một nơi khác nhau, súng ngắn lúc nào cũng để ngay trên đầu, phòng khi lỡ có việc gì thì tự sát chứ không để bị bắn như Thái Khắc Chuyên.

Vụ giết Thái Khắc Chuyên đến tai tướng Abrams, Tư lệnh MACV. Theo luật của quân đội Mỹ, không ai có quyền đơn phương xử tử nghi can nên tướng George Marbry, phụ tá tình báo thừa lệnh Abrams ra quyết định bắt giam những nhân vật chủ chốt và những người liên quan đến vụ Thái Khắc Chuyên, gồm Brumley, Boyle, Marasco, Williams, Middleton, Crew, Ken Facey, Kautson, Wayne Ishimato. Riêng trung sĩ Sands bị bắt và bị dẫn độ về Sài Gòn một mình vì Sands là nhân chứng rất quan trọng. Theo lời khai của Sands, người chủ mưu chính trong vụ giết Thái Khắc Chuyên là đại tá Rheault, Chỉ huy trưởng Mũ nồi xanh.

Boyle bị giải về căn cứ quân sự Long Bình, Biên Hòa, thừa nhận mình đã thẩm vấn Thái Khắc Chuyên để chứng minh Chuyên là điệp viên Hà Nội. Crew khai nửa chừng rồi thôi và đòi phải có luật sư. Marasco tự đánh máy lời khai, nhận tội nhưng không khai Rheault. Ken Facey khai Rheault có ra lệnh giết Chuyên rồi khóc lóc rầm rĩ. Trong nhà giam, Brumley giấu lưỡi lam dưới nệm giường mà khi bị phát hiện, ông ta nói là để… cạo râu! Trung sĩ Kautson, người lái ghe đưa Chuyên đi thủ tiêu khai đầy đủ chi tiết. Trung sĩ Wayne Ishimato cũng khai về kế hoạch đóng giả Thái Khắc Chuyên ở Campuchia…

Khi hồ sơ hỏi cung các bị can hoàn tất, Theodore Shackley, Chỉ huy CIA ở miền Nam Việt Nam trình sự việc cho đại sứ Bunker để xin chỉ thị. Bunker nói việc này không dính đến ngành ngoại giao rồi bảo Shackley hỏi ý kiến tướng Abrams. Abrams cho rằng B57 do CIA tài trợ và điều hành nên quân đội không chịu trách nhiệm. Ông bảo vụ thảm sát Mỹ Lai chưa đủ rắc rối hay sao mà quân đội Mỹ còn ôm thêm chuyện này!

Phiên tòa xét xử vụ Thái Khắc Chuyên diễn ra ở căn cứ quân sự Long Bình từ tháng 8/1969. Dựa vào luật Mỹ, các luật sư phía bị cáo yêu cầu phải có đủ nhân chứng và bằng chứng, kể cả tài liệu của chính quyền Sài Gòn lẫn CIA, nhất là phải có tử thi của Thái Khắc Chuyên vì các bị cáo đều là người Mỹ! Vụ xét xử nổi tiếng đến mức tất cả những tờ báo lớn ở Mỹ như New York Times, Charlotte Observer, Time, International Herald Triburn, Washington Post, Life, Los Angeles Times, Chicago Triburn, Newsweek và các đài truyền hình như CBS, NBC, ABC… đều cử phóng viên đến Sài Gòn tường thuật trực tiếp. Một số tờ báo ở Sài Gòn nhân dịp đó cũng ăn theo để chửi CIA.

Từ yêu cầu của giới luật sư, Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ ở Sài Gòn gửi điện đề nghị Đội săn tìm thủy lôi của Hạm đội 7 ở Trân Châu cảng (Pearl Harbor) cung cấp phương tiện tìm kiếm xác Chuyên trong vùng biển Nha Trang. Khi bị Hạm đội 7 từ chối vì đây không phải là trường hợp khẩn cấp, tướng Potts phải mượn lệnh của Abrams mới được Tư lệnh Hạm đội 7 chấp thuận.

Bảy ngày sau, tàu dò mìn USS Woodpecker đến duyên hải Nha Trang tìm xác Thái Khắc Chuyên. Trong ngày đầu, nhóm thợ lặn báo cáo sóng to gió lớn, luồng chảy ngầm khá mạnh, bùn ngập tới đầu gối và tầm nhìn xa dưới nước tối đa chỉ 2 mét nên yêu cầu dời lại hôm sau. Chiều tối hôm sau, thợ lặn tìm thấy cái neo định vị nặng 100kg của chính con tàu dò mìn, hôm trước mới thả xuống nhưng chỉ 24 giờ đã trôi xa gần 100 mét. Họ cho rằng với cường độ sóng gió như vậy, xác Thái Khắc Chuyên hẳn đã trôi ra đến đảo Hoàng Sa!

3. Tham dự phiên tòa, ngày 18/8/1969 tờ Washington Post đưa tin vụ án đã bị cho chìm xuồng vì lý do chính trị. Thấy mình là vợ Thái Khắc Chuyên mà chẳng được đả động đến, bà Phan Kim Liên đến tận Tòa Đại sứ Mỹ đưa thư khiếu nại nhưng không ai tiếp. Hôm sau, đại diện của đại sứ Bunker đến nhà tìm bà rồi dặn bà hãy khiếu nại với quân đội Mỹ vì chồng bà làm việc cho Mũ nồi xanh. Với lời cố vấn ấy, bà Liên yêu cầu Tòa Đại sứ và quân đội Mỹ phải bồi thường thiệt hại. Ẵm hai con trai nhỏ một đứa 2 tuổi và một đứa mới sinh, bà đến cổng Tòa Đại sứ khóc lóc, quy trách nhiệm cho Chính phủ Mỹ. Bà nguyền rủa rằng linh hồn chồng bà sẽ không tha thứ cho bọn giết người.

Người nhái trên tàu dò mìn USS Woodpecker chuẩn bị lặn tìm xác Thái Khắc Chuyên.

Ngày 2/10/1969, một sĩ quan CIA phụ trách tài chính đến nhà bà Liên trao cho bà 6.472USD - tương đương với 3 tháng lương của Thái Khắc Chuyên trích từ quỹ đen của CIA đồng thời yêu cầu bà ký cam kết không khiếu nại gì nữa.

Tại Mỹ, Đài truyền hình NBC đưa tin quân đội Mỹ khép hồ sơ vụ án, còn Đài CBS thì bảo rằng chính CIA và Tổng thống Nixon đã cho nội vụ chìm xuồng. Khi tin chính thức tha bổng các bị can được loan ra, một số nhà báo nước ngoài đã phỏng vấn bà Liên ngay trước Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Trong bộ áo tang trắng, bà Liên khóc sướt mướt: "Chồng tôi giúp người Mỹ mà người Mỹ lại giết anh ấy rồi trốn tránh trách nhiệm. Họ phải chịu hậu quả về cái chết của chồng tôi. Linh hồn chồng tôi sẽ theo họ suốt đời!".

Về phía đại tá Rheault, sau khi được tha, ông ta đi chuyến bay Trans World Airways cùng 7 người trong vụ giết Thái Khắc Chuyên về Mỹ. Khi xuống sân bay San Francisco, Rheault lọt vào vòng vây của đội ngũ các nhà báo. Trả lời câu hỏi: "Cá nhân ông có ra lệnh xử tử người đàn ông Việt Nam mà ông cho là điệp viên nhị trùng không?", Rheault trơ trẽn nói: "Chẳng có gì chứng minh rằng nhân vật ấy có thật!". Một nhà báo khác hỏi tiếp: "Rốt cuộc ông chối là không giết người à?". Rheault trả lời ngay không suy nghĩ: "Đúng vậy".

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Phan Kim Liên cùng hai người con trai vẫn ở Sài Gòn, còn ba người anh trai và hai chị em gái của Thái Khắc Chuyên ở miền Bắc cũng sống như những công dân bình thường. Thái Quốc Việt, con trai cả của Thái Khắc Chuyên vẫn tin rằng cha mình chưa chết.

Anh viết thư cho nhà báo  Jeff Stein - người đã viết những bài lên án thái độ ném đá giấu tay của CIA đồng thời là tác giả cuốn sách "Một vụ giết người - Câu chuyện chưa được công bố về một "gián điệp" đã làm thay đổi tiến trình cuộc chiến Việt Nam" để hỏi về số phận cha mình. Trong thư, anh bày tỏ: "Thật khó sống với những tháng năm dài ngờ vực…".

Nhưng Thái Quốc Việt đâu biết đến nay, người dân Mỹ - nhất là các cựu chiến binh vẫn còn ngờ vực về sự lành lặn của vết thương chiến tranh Việt Nam…

Cao Trí
.
.