Kỷ niệm 63 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Có một đoàn quân như thế

Thứ Hai, 18/08/2008, 11:00

Tôi có thể quả quyết rằng rất nhiều người Việt Nam chúng ta đều biết và đã từng gặp họ, dù là trực tiếp hoặc gián tiếp qua màn hình. Thậm chí, không ít người, nhất là thế hệ trẻ qua các thời kỳ đã từng thuộc lòng lời người chỉ huy của họ. “Tôi, Thiếu tá Ngô Chí Doanh, Đội trưởng Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam... Kính chào đồng chí... (hoặc ngài tổng thống, thủ tướng) nước... Kính mời đồng chí (ngài) duyệt Đội Danh dự”.

Đó là giai đoạn thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Còn bây giờ, người đội trưởng ấy đã đeo quân hàm cấp tá 4 sao với chức vụ Lữ đoàn trưởng Đoàn Nghi lễ 781 (cấp Lữ đoàn). Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thuộc Quân khu Thủ đô.

Tôi cũng lại quả quyết rằng, nhiều người, kể cả người viết bài này chưa hiểu sâu về họ. Biết chăng, cũng chỉ là sơ sơ, đại loại: Họ là những quân nhân “gạo cội” được chọn từ các đơn vị chiến đấu. Nếu thuộc lớp tân binh cũng phải lựa chọn kỹ càng. Vì thế mới hình thành một đội quân oai phong, “bảnh trai”, vinh dự đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng nghênh đón nguyên thủ quốc gia của tất cả các nước trên hành tinh này khi tới Việt Nam.

Với Đoàn Quân nhạc thì khỏi nói, thật “hoành tráng” gồm toàn những nhạc sĩ, nhạc công “cự phách” hòa tấu quốc thiều của tất cả các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam... Rồi nữa, hình như tất cả họ đều là “lính cậu”, an nhàn, “bám” thủ đô “mút mùa” không phải xông pha chiến trận...

Rất may, người viết bài này có 2 người bạn thuộc lớp nghĩa vụ quân sự năm 1963 được tuyển thẳng về Đoàn 781. Và cũng năm đó, cả 2 người đều vinh dự được tham gia Đội Danh dự trong buổi Bác Hồ đón Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ sang thăm Việt Nam. Đó là anh Vũ Xuân Thìn và Bùi Đình Kiên. Nhờ 2 anh mà từ chỗ biết, tôi đã hiểu, gọi là “hơi bị” sâu về họ – một Binh chủng đặc biệt thuộc Lực lượng vũ trang, có bề dày lịch sử không ngờ, đáng nể – 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (20/8/1945 - 20/8/2008).

Thì ra, những hiểu biết của tôi trước đây về họ chỉ là phiến diện, cảm tính. Ngoài nhiệm vụ nghi lễ quốc gia (đơn vị danh dự và quân nhạc), họ còn đảm nhiệm nhiều việc quan trọng khác. Họ đâu phải “lính cậu” chỉ “bám trụ” ở thủ đô, mà ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, rồi tới chống Mỹ, trong hòa bình, họ đã từng có mặt ở nhiều địa bàn, nhiều chiến trường, góp phần bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng, bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các cơ quan quan trọng của Đảng; bám theo các đoàn quân chủ lực ra trận, trong đó có đoàn “Tây Tiến” năm xưa. Rồi sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, họ lại có mặt trên chiến trường nước bạn Campuchia...

Tôi ngưỡng mộ họ ngay từ những ngày xa xưa ở chiến trường. Bởi thế, sau ngày giải phóng miền Nam, trở về Hà Nội đúng mùa hoa trắng. Cái hình bông hoa y như chiếc kèn xung trận của người lính, tôi đã cảm tác bài thơ “Mùa hoa loa kèn” có mấy câu kết như sau: “...Một thoáng mơ màng hoa gợi nhớ Thuở chiến tranh/ Kèn xung trận giục giã đời lính chiến/ Để hôm nay đứng trước bình hoa trắng/ Ta bâng khuâng giữa rộn rã đô thành”.

Ra đời từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám và trưởng thành cùng với sự phát triển của Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 20/8/1945, Ban Âm nhạc Quân giải phóng ra đời do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy trên cơ sở Đội nhạc binh dưới chế độ thực dân Pháp với gần 100 nhạc công sớm giác ngộ và đi theo cách mạng.

Chỉ hơn 10 ngày tập luyện, họ đã phục vụ thành công lễ Tuyên ngôn Độc lập vào sáng 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình, tạo nên điều kỳ diệu. Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Quốc thiều Việt Nam Độc lập lan tỏa khắp năm châu, bốn biển báo tin nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Họ là nền móng, tiền thân của Đoàn Quân nhạc Việt Nam ngày nay.

Thời kỳ toàn quốc kháng chiến (12-1946) tới tháng 7/1954, Ban Âm nhạc Quân giải phóng trở thành lực lượng xung kích phục vụ chiến đấu, tham gia các đội tuyên truyền, vận động quần chúng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, toàn đơn vị chia thành 2 bộ phận - một bộ phận do đồng chí Kim Liên và Phan Viết Huyền phụ trách tham gia đoàn vũ trang tuyên truyền “Tây Tiến” đi phục vụ chiến trường miền Tây Bắc Tổ quốc. Số còn lại do Đoàn trưởng Đinh Ngọc Liên và Chính trị viên Lê Vân phụ trách hành quân lên chiến khu Việt Bắc phục vụ nghi lễ của Nhà nước và Quân đội.

Lễ tổng duyệt chuẩn bị làm nhiệm vụ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, những người lính quân nhạc lại trở về thủ đô phục vụ nghi lễ quốc gia, lễ duyệt binh, tham gia hoạt động tuyên truyền văn hóa cách mạng, tham gia chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, tham gia các trận chiến đấu bằng âm thanh với kẻ địch.

Hẳn đồng bảo miền Nam yêu quý, kể cả những người lính “Cộng hòa” phía bờ nam sông Bến Hải sẽ không quên sự kiện ngày 20/7/1964, từ đầu cầu Hiền Lương phía bắc một dàn âm thanh hoành tráng gồm trống và kèn đồng của các chiến sĩ Quân nhạc Việt Nam đã phát đi những bản nhạc cách mạng hào hùng, góp phần hun đúc, khích lệ ý chí đấu tranh kiên cường, củng cố niềm tin của bà con phía bờ nam đối với hậu phương lớn miền Bắc; át đi những giọng điệu tuyên truyền sặc mùi chiến tranh tâm lý và những nhạc phẩm buồn thảm, não nề phát đi từ phía bờ nam.

Có một bộ phận cùng ra đời với quân nhạc, đó là đơn vị làm công tác bảo vệ căn cứ địa cách mạng, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và đặc biệt là bảo vệ nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cơ cấu tổ chức một đại đội có bí số là C33 (trực thuộc Tiểu đoàn 144 Bộ Tổng tham mưu, do đồng chí Cao Văn Cổn làm Đại đội trưởng, đồng chí Lê Văn Liêm làm Chính trị viên. Để sau này tách khỏi Bộ Tổng tham mưu về trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô mang tên Đội Danh dự do đồng chí Lê Văn Khang, Đại đội trưởng; đồng chí Nguyễn Công Nguyên, Chính trị viên và hai cấp phó là đồng chí Trần Khắc Từ và Đặng Văn Tụ. Rồi sau đó, đơn vị được giao thêm nhiệm vụ kiểm soát quân sự nhằm góp phần duy trì kỷ luật quân đội thời chiến với quân nhân và phương tiện quân sự đi qua thủ đô Hà Nội.

Năm 1970, nâng cấp thành Tiểu đoàn 47 và 5 năm sau, theo Quyết định số 128/QP của Bộ Quốc phòng trở thành Trung đoàn 47 là đơn vị chủ lực của Lực lượng Vũ trang thủ đô làm nhiệm vụ sẵn sàng cơ động chiến đấu và bảo vệ một số mục tiêu quan trọng của Trung ương và Hà Nội. Thay mặt cho toàn quân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: kiểm soát quân sự và nghi lễ danh dự góp phần đảm bảo công tác phục vụ nghi lễ quốc gia, phối hợp các đơn vị chức năng của Lực lượng Công an góp phần bảo vệ an ninh chính trị an toàn xã hội ở địa bàn thủ đô.

Ngày 5/3/1979, theo Sắc lệnh số 28 của Chủ tịch nước, Quân khu Thủ đô được thành lập trên cơ sở Bộ Tư lệnh Thủ đô. Trung đoàn 47 cùng Đoàn  Quân nhạc trở thành Đoàn Nghi lễ quốc gia mang bí số Đoàn 781 cơ cấu cấp Trung đoàn. Nay là Lữ đoàn (bao gồm Tiểu đoàn Danh dự, Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự, Đoàn quân nhạc (bao gồm cả trường huấn luyện), các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần; Đội pháo lễ và đội công binh. Tới năm 1992, nhận thêm nhiệm vụ nghi thức tang lễ cấp Nhà nước từ Lữ đoàn 144 Bộ Tổng tham mưu chuyển về.

Nhìn vào lịch sử mấy thập niên xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đoàn 781 cho thấy sự phát triển của họ đến chóng mặt. Ấy là về chức năng nhiệm vụ. Còn hoạt động cụ thể thì sao? Với vốn hiểu biết hạn hẹp của mình về họ, tôi xin được điểm qua một vài sự việc như sau: Chỉ tính từ tháng 3/1977 tới tháng 12/1978, đơn vị kiểm soát quân sự đã cử tới 140.133 lượt cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở 16 điểm chốt cả nội và ngoại thành Hà Nội. Phải chấn chỉnh 8.139 trường hợp, trong đó phải xử  lý 408 quân nhân vi phạm kỷ luật; cùng thời gian đó, lực lượng danh dự đã cử 15.450 lượt cán bộ, chiến sĩ đón 4 đoàn nguyên thủ quốc gia và nhiều đoàn khách quốc tế vào Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử cách đó 10 năm, sự kiện tháng 9/1969 – Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đơn vị nghi lễ danh dự còn ở cấp Đại đội – 1/2 lực lượng do Đại đội trưởng Lê Văn Khang, chỉ huy tại Sân bay Gia Lâm, nghênh đón 40 đoàn khách quốc tế vào viếng Bác; số còn lại do Chính trị viên Nguyễn Công Nguyên chỉ huy tại Hội trường Ba Đình, túc trực từ đêm 5/9 tới ngày 9/9 phục vụ 50 vạn lượt người vào viếng và dự lễ truy điệu Bác.

Với lực lượng quân nhạc, chỉ tính hơn 10 năm kể từ khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện chủ trương đổi mới và chính sách ngoại giao rộng mở, đơn vị đã tự biên soạn hơn 1.500 bài giáo khoa cá nhân cho hơn 10 loại nhạc cụ. Hơn 100 quốc ca của các nước đã được Đoàn biên soạn, phối khí, tập luyện để phục vụ khi các đoàn nước ngoài tới Việt Nam.

Riêng giai đoạn này, Đoàn 781 đã hơn 200 lần thực hiện nghi lễ đón nguyên thủ quốc gia cùng đoàn ngoại giao cấp cao nước ngoài và hàng ngàn buổi nghi lễ trong nước. Chỉ đơn cử một số sự kiện diễn ra trong cái mốc thời gian ngắn ngủi nêu trên cũng đủ cho chúng ta thấy cường độ công tác, lao động của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 781 tới mức nào.

Điều quan trọng là tất cả những sự kiện chính trị nêu trên diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đầy biến động phức tạp. Hoạt động khủng bố, gây rối, gây bạo loạn... xảy ra ở nhiều nơi. Các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng sự cố ở nước ta vào mục đích phản tuyên truyền nhằm làm giảm uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, thì việc đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn mọi hoạt động của mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giữ vững ổn định - chính trị, phát triển kinh tế đất nước trong sự nghiệp đổi mới, thì quả là những chiến công to lớn.

Để ghi nhận chiến công đó, Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy quân sự Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô đã tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công, Cờ thi đua tiêu biểu, thi đua xuất sắc... và niềm vui làm nức lòng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 781 là sự kiện năm 2001 đơn vị được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới.

Song, người viết bài này trộm nghĩ, thành tích đó còn là công lao của các thế hệ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, chiến sĩ, nhân viên toàn đơn vị mà thế hệ hôm nay là đại diện,  kế thừa truyền thống của lớp cha anh đi trước. Điển hình cho sự đại diện ấy, tôi muốn nhắc tới vai trò lãnh đạo đơn vị. Đó là Lữ đoàn trưởng Ngô Chí Doanh, con người như số phận sắp bày từ người lính binh nhì của Đoàn 781 (năm 1975) để 25 năm sau (tháng 8/2000) trở thành người chỉ huy cao nhất của toàn lực lượng. Đó là các vị Chính ủy, Thượng tá Phạm Trung Kiên; Lữ đoàn phó, Thượng tá Lê Quang Bắc, Thượng tá Nguyễn Văn Đông, Thượng tá Trần Văn Phức cùng các Đoàn trưởng chính ủy và Phó đoàn trưởng tiền nhiệm: Lê Thế Hùng, Nguyễn Đức Ngẫu, Lê Xuân Sáng, Nguyễn Bá Ngừng, Trần Đình Hoàng, Trần Văn Nấng, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Xuân Hà, Lê Hồng Nhật, Nguyễn Phúc Diến, Trần Mai Huyên, Nguyễn Văn Hòa, Phạm Hồng Lạc, Phạm Văn Đán.  Họ là những sĩ quan trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ và trong xây dựng hòa bình đã chung tay, góp sức lái “con tàu 781” tới bến bờ vinh quang.

Nhân ngày truyền thống của Lữ đoàn, là người lính, vinh dự được khoác 2 màu áo (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) trong không khí tưng bừng cả nước chuẩn bị kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tôi viết bài này thay cho một lẵng hoa chúc mừng các anh, các đồng chí, những người tôi vô cùng ngưỡng mộ, những người đã góp phần tạo nên diện mạo oai phong của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúc các đồng chí luôn giữ vững và phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, xứng đáng niềm tin yêu của Đảng và nhân dân cả nước

.
.