Ký ức Khu Cháy

Thứ Bảy, 23/01/2021, 15:13
Dòng sông Nhuệ hợp lưu với sông Châu Giang chảy từ Cầu Giẽ tới Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội) chừng 20 km. Trục đường 428 (đường đê) bám theo dòng sông này và đã từng được coi là tuyến biên giới của "Thủ đô kháng chiến" một thuở. Đây là vùng ATK phía nam Hà Nội của quân dân ta sau lệnh Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). Nơi giáp ranh này gồm mươi xã được gọi là  Khu Cháy, bởi đã có thời giặc Pháp đến càn quét, đốt phá xóm làng trơ trụi.


Những trận đánh  Khu Cháy

Đứng bên tượng đài Khu Cháy anh hùng, tôi bồi hồi với những ký ức sôi nổi của một chiến binh trực bên khu Bảo tàng Khu Cháy (xã Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội). Cảm xúc trong tôi bỗng trào dâng khi giai điệu bài hát "Hà Tây quê lụa" một thời vang lên trong lời ca: "Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng khu Cháy. Hà Tây cửa ngõ thủ đô". Đúng vậy, đây chính là cửa ngõ thủ đô. Hình ảnh Khu Cháy ngùn ngụt trong khói bom cùng với cuộc chiến đấu đầy khốc liệt của quân và dân ta mỗi khi giặc Pháp tràn về. ATK phía nam này cách trung tâm Hà Nội chừng 50 cây số.

Tượng đài Khu Cháy (Ứng Hòa, Hà Nội)

Khu Cháy bám đường số 1A và đường số 428. Đây được coi là vùng tự do mà giặc Pháp không đủ lực lượng vươn tới. Trong đó xã Tào Khê và Trầm Lộng là những cơ sở trung tâm. Vùng diện tích ATK còn được mở rộng sát với huyện Kim Bảng (Hà Nam). Đặc biệt ngôi nhà phía sau chùa Tào Khê là nơi đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ làm việc. Trong chùa có hầm bí mật để các đồng chí lãnh đạo rút xuống mỗi khi có biến. Sát với các làng bên kia sông thuộc Phú Xuyên hay Thường Tín là vùng Tề (do giặc Pháp chiếm). Vùng giáp ranh này thường bị giặc Pháp tổ chức càn quét để tiêu diệt lực lượng ta. Hàng ngàn ngôi nhà và lũy tre tan hoang. Mỗi lần chúng đổ bộ đến đây đều gặp sự chống trả quyết liệt của quân và dân các xã quanh vùng bảo vệ ATK.

Sau đó tôi cùng mọi người tới ngôi chùa Viên Đình (làng Đào Xá, xã Đông Lỗ) thăm lại chiến trường của trận đánh lớn. Vào ngày 28-5-1951, giặc huy động hàng trăm xe cơ giới kể cả máy bay và tàu chiến cùng với 10 tiểu đoàn lính bộ. Lần này với khẩu hiệu "Đốt sạch-phá sạch" chúng hùng hổ tấn công chớp nhoáng. Được tin nhiều đơn vị chính quy của bộ đội chủ lực rút khỏi địa bàn mấy xã trong Khu Cháy. Lực lượng còn lại chỉ còn các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích của mấy xã. Giặc vượt qua sông Châu Giang đánh thọc sâu vào trung tâm ATK (Trầm Lộng) nhưng đã gặp sự kháng cự kiên cường của quân và dân ta tại Viên Đình, Đông Lỗ. Chỉ với hai tiểu đội du kích đã phối hợp với bộ đội địa phương cầm chân quân Pháp suốt một ngày.

Sau đó kẻ địch ồ ạt đánh thọc sâu từ nhiều phía nhưng không sao thực hiện được mục đích tiêu diệt gọn lực lượng kháng chiến và thiêu rụi xóm làng. Chúng luôn bị động bởi cách đánh đột kích bất ngờ của quân và dân Khu Cháy. Quân và dân ta tìm cách cô lập lực lượng chúng ra nhiều phía để tấn công. Giặc tổ chức 11 lần tấn công bắn phá nhưng đều bị đánh bật trở lại. Mặc cho lực lượng địch huy động cả máy bay, xe tăng và pháo cao xạ nhưng quân và dân xã Đông Lỗ đã chiến đấu ngoan cường.

Học sinh, thiếu nhi thắp hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Khu Cháy

Hai bên giành giật nhau từng xóm ngõ. Cuối cùng giặc phải bỏ chạy vì bị thiệt hại và chết bỏ xác trên những cánh đồng. Người hướng dẫn cho biết cho dù nhiều xã bị tàn phá tiêu điều nhưng cuộc chiến đấu của quân dân Khu Cháy đã đánh tan âm mưu kẻ địch muốn chiếm lại vùng tự do. Cuộc chiến đấu dai dẳng kéo dài 15 ngày liên tiếp. Giặc Pháp không ngờ sức mạnh kiên cường của quân dân Khu Cháy. Với 33 cuộc tấn công càn quét không thành, giặc Pháp đã bị tiêu diệt 1.100 tên cùng với 32 xe cơ giới. Trong đó có hơn 100 tên bị bắt sống.

Sau chiến công này, quân và dân Khu Cháy được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. Những lời thư khen của Bác Hồ đã khích lệ tinh thần kháng chiến của quân và dân ATK ngày một lên cao. Mặc dù sau cuộc tàn sát khốc liệt đó, nhiều người dân đã phải đi tản cư lên vùng tự do ở Hòa Bình. Nhưng các chiến sĩ dân quân du kích và bộ đội địa phương vẫn bám trụ bảo vệ chiến khu.

Đồng thời hàng trăm thanh niên thiếu nữ đã xung phong ở lại chiến đấu không hề nao núng. Cũng từ đây, quân và dân Khu Cháy đã ngày một lớn mạnh và tổ chức tấn công đồn bốt giặc từ phía xa. Không ít lần đã đánh thẳng vào trại tập trung Đông Quan do Mỹ giúp Pháp xây dựng thí điểm phía bắc Khu Cháy (đầu năm 1953). Phong trào kháng chiến ngày một lớn mạnh kéo dài cho đến chiến dịch Điên Biên Phủ.

Theo tổng kết, quân và dân Khu Cháy đã đánh 615 trận, tiêu diệt tới 2.687 tên địch. Đứng trên mảnh đất còn nóng bỏng những ký ức chiến tranh, chúng tôi ai nấy xao xuyến trước cánh đồng quê thẳng cánh cò bay. Ngôi chùa Viên Đình cổ kính vẫn còn đó trầm mặc với những câu chuyện cổ tích về hai cây duối ngàn năm. Điều bất ngờ khi chúng tôi biết ở nơi đây nhiều văn nghệ sĩ kháng chiến đã tới và làm việc ở Khu Cháy. Họ để lại những tác phẩm gắn bó với lịch sử cách mạng thủ đô.

Những bản nhạc và phiên chợ trời

Khi đi qua cầu Cống Thần (làng Thần, xã Minh Đức) đoàn chúng tôi dừng chân với những câu chuyện thú vị của Khu Cháy xưa. Cầu được xây dựng tại ngã ba sông. Đây là phụ lưu sông Đáy cắt sông Châu Giang tiếp nối dòng sông Nhuệ. Nơi đây đã hình thành một cái chợ thuộc vùng tự do của "Thủ đô kháng chiến". Chợ phát triển dọc hai bên đường kéo dài mấy cây số tới từ chợ Đại (Thịnh Đại-Kim Bảng) tới Cống Thần. Chính vì thế người ta gọi tên là Chợ Đại-Cống Thần (hoặc còn gọi là chợ Kênh đào). Điều thú vị chợ này còn là nơi tập họp các người buôn bán của cả hai vùng "Tự do" và "Tề".

Ngay những người Pháp có đồ cũ cũng cho gửi tới bán. Chợ họp từ xế chiều cho tới khuya để tránh bị giặc Pháp bắn phá bất ngờ vào các buổi sáng. Chợ kéo dài thành dãy với những quán hàng được dựng tạm. Nhất là khi đêm đến, hai bờ sông lập lòe ánh sáng của nến và đèn dầu. Khi đó Chợ Đại-Cống Thần càng đông. Các thuyền bè đậu bến ngủ lại bán nốt hàng cho tới sáng hôm sau. Cảnh chợ lung linh, tấp nập như vào hội. Ở đây tạm thời đã xóa đi không khí chiến tranh và tàn sát mặc dù thi thoảng có tiếng pháo dội từ xa vọng về. Tiện đường thủy trên các tuyến sông Đáy người phía bắc cũng chở hàng tới bán. Hoặc những thương hồ phía nam đi từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh cũng lần mò theo sông Châu Giang tới tìm mua. Chợ vùng tự do không thiếu thứ gì.

Theo như nghệ nhân Đào Văn Soạn người làng Đào Xá (Đông Lỗ) cho biết nhiều anh em văn nghệ sĩ theo kháng chiến đã đi qua đây. Có nhiều người tản cư vào khu chợ Đại và vùng tự do Khu Cháy. Trong đó còn có nhóm ca nhạc gia đình nhạc sĩ Ngọc Bích mở quán cà phê Thủy Tiên. Hay quán cà phê Lan cũng rất đông khách. Không ít văn nghệ sĩ đã về trụ ở đây khá lâu như thi sĩ Đinh Hùng, Huyền Kiêu hay Lê Đại Thanh… Các họa sĩ hoạt động ở Việt Bắc đôi khi cũng về đây đi thực tế.

Một góc chợ Đại

Trong danh sách họa sĩ đã từng về đây vẽ tranh cổ động và tuyên truyền, có những cái tên quen thuộc như Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, hoặc Phạm Văn Đôn hay Quang Phòng. Thậm chí họ đã về tận chợ Đại mở triển lãm để trưng bày và tuyên truyền cho công cuộc kháng chiến chống Pháp. Chợ có những sạp bán tạp hóa to không kém gì trong phố. Không khí kháng chiến thủ đô cùng các phiên chợ trên sông Đáy tạo niềm hưng phấn cho những cảm xúc sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Trong hồi ức của nhiều anh em văn nghệ sĩ theo kháng chiến đều có những kỷ niệm với Chợ Đại-Cống Thần. Khi có dịp nghỉ phép hay đi công cán họ thường ghé về nghỉ tại khu chợ trời này. Dân tiểu thương ở chợ Đồng Xuân đi sơ tán cũng về đây mở quán. Thậm chí đến cả những tên mật thám của thực dân Pháp cũng được cử về chợ để thăm dò tin tức từ ATK. Quân đội ta cũng có những nhóm chiến sĩ hoạt động tình báo hoặc các tổ đội biệt động trà trộn trong phiên chợ để theo dõi gián điệp và nghe ngóng chuyện của vùng tề. Đụng độ đã xảy ra nhiều lần.

Nhưng bao giờ những tên mật thám đội lốt dân buôn cũng phải lủi vào bãi lau hoang rồi chuồn mất. Nghệ nhân Đào Văn Soạn rất nhớ đến cái tên nhạc sĩ Văn Cao. Ông kể chính từ ngôi làng Đào Xá, nơi cả làng làm đàn Nguyệt và đàn Tam thập lục, nhạc sĩ Văn Cao đã viết bản nhạc "Tiến về thủ đô". Bản nhạc đã được tấu lên tại sân chùa Viên Đào. Bài hát đã được nhạc sĩ Văn Cao viết theo lời yêu cầu của cấp trên từ năm 1949. Đó là một sự kiện được dự báo trước về ngày chiến thắng của quân và dân ta khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sẽ có môt ngày bộ đội ta trở về giải phóng thủ đô. Bài hát đã sớm được truyền đi trong chiến khu tạo nên ngọn lửa tinh thần cho cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại.

Và "Đôi mắt người Sơn Tây"

Chợ Đại-Cống Thần được coi là chợ chiều của vùng tự do. Nó được tạo nên một cách tự nhiên từ năm 1947 và thu hút nhiều nghệ sĩ từ chiến khu Việt Bắc và Liên khu III và IV hội tụ. Có người còn coi chợ như là nơi dưỡng sức khi nghỉ phép đều tạt qua. Họ rất thích ở lại mấy hôm để đi chợ đêm. Không ít người đã về ở một thời gian dài vì được an toàn và tham gia kháng chiến. Đáng chú ý văn nghệ sĩ rất hay tạt vào quán Thăng Long để ca hát và trao đổi sáng tác. Bởi chủ nhân là ông Phạm Đình Phụng rất yêu quý văn nghệ sĩ và đánh đàn nguyệt rất hay. Ông chính là thân phụ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sau này. Đồng thời hai con gái của ông cũng là những ca sĩ nổi danh Thái Hằng và Thái Thanh. 

Nghệ nhân Đào Văn Soạn còn nhớ trên chi lưu sông Đáy này nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác tình khúc "Tiếng đàn tôi" (1948) tặng cho người yêu của mình. Đó là cô Hiếu xinh đẹp sinh sống bên Chợ Đại-Cống Thần. Hình ảnh nhạc sĩ Phạm Duy vừa đàn vừa hát trên sông lang thang trên một con thuyền nhỏ vẫn lưu dấu trong ký ức nghệ nhân. Ông còn nhớ câu hát mà nhạc sĩ Phạm Duy đã viết: "Mênh mông là ơi/ Thuyền về tới bến Mê rồi/ Khoan khoan hò ơi/ Dặt dìu trong tiếng đàn tôi…"

Nhưng có lẽ điều thú vị hơn cả khi nghệ nhân Đào Văn Soạn còn kể tới hai bài thơ của cố thi sĩ Quang Dũng. Đó là "Đôi bờ" và "Đôi mắt người Sơn Tây" cũng được bắt nguồn từ Chợ Đại-Cống Thần này. Trong một chuyến đi phép, thi sĩ Quang Dũng đã rẽ về Chợ Đại-Cống Thần để tìm một nhan sắc mà ông đã từng xao xuyến nhớ thương. Theo chuyện kể, đó là một thiếu nữ người Sơn Tây có đôi mắt to đượm buồn. Nàng theo gia đình tản cư về đây mở quán bán hàng cùng mẹ ở bên sông chợ Đại. Rung động trước sắc đẹp dịu dàng, nhà thơ đã gửi gắm tình cảm qua hai bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" và "Đôi bờ".

Quang Dũng sáng tác những thi phẩm này vào năm 1949. Trước đó ông đã có bài thơ nổi tiếng "Tây Tiến" (1948- viết ở Phù Lưu Chanh-Hà Nam). Lời thơ thân thương đã gieo vào lòng người với nỗi tình khôn nguôi: "Thương nhớ ơ hò thương nhớ ai/ Sông kia từng lớp lớp mưa dài/ Mắt kia em có sầu cô quạnh/ Khi gió heo về một sớm mai" (Đôi bờ).

Sau này bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" càng được nhiều người biết đến khi được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc. Bài hát luôn được các ca sĩ nổi tiếng trình diễn. Những lời thơ làm lay động tâm hồn bao thế hệ trong hơn 70 năm qua. Người yêu thơ ông luôn cất tiếng theo giai điệu mượt mà sâu lắng với hồn thơ trầm ấm thiết tha: "Vừng trán em vương trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương/ Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương".

Nay chợ kênh đào đã lui vào dĩ vãng. Nhưng chợ Đại vẫn còn đó như dấu tích ẩn chứa những ký ức sôi động. Nhìn từ phía xa, dòng sông Đáy và Châu Giang trong xanh vẫn cuồn cuộn trôi về phương Nam. Đó cũng là dòng thời gian luôn ẩn giấu một thời kháng chiến oanh liệt cùng với quân và dân Khu Cháy anh hùng.

Vương Tâm
.
.