Ký ức nghĩa tình của người cựu chiến binh XôViết

Thứ Ba, 02/07/2019, 10:56
Nhà Xuất bản Công an nhân dân chuẩn bị ra mắt bạn đọc quyển 2, tập hồi ức "Việt Nam không thể nào quên", do dịch giả - ông Ninh Công Khoát, Cựu sĩ quan ANND, chuyển ngữ. Đây là tập hồi ức của các cựu chiến binh (CCB) Xôviết trong những năm 1965-1974 đã sang Việt Nam huấn luyện Bộ đội Không quân và Bộ đội Tên lửa Phòng không sử dụng thành thạo các loại vũ khí hiện đại do Liên Xô viện trợ.

Chuyên đề ANTG xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc trích đoạn bài hồi ức "Ký ức dưới bầu trời Việt Nam" của CCB Xôviết Todorashko Valentin Ivanovich.

Ông  Todorashko nguyên là Thượng úy trong đoàn chuyên gia quân  sự Liên Xô đầu tiên đem theo khí tài tên lửa phòng không từ Liên Xô sang Việt Nam hồi tháng 4-1965.

Ông là giáo viên hệ lập lệnh của Trung đoàn Tên lửa Phòng không đầu tiên - Trung đoàn 236. Trận đầu ra quân của Bộ đội Tên lửa Phòng không diễn ra trong ngày 24-7-1965 tại xã Phú Sơn, huyện Ba vì, Hà Nội, hai tiểu đoàn 63 và 64 của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 đã bắn rơi 3 máy bay F4 của Không lực Hoa Kỳ và bắt sống được giặc lái. Đây là những chiếc  máy bay thứ 399, 400 và 401 của Mỹ bị các lực lượng Phòng không trên miền Bắc nước ta bắn hạ.

Ông Todorashko ôm di ảnh đồng đội Trương Văn Ta.

Năm 2007, khi đó Bộ Quốc phòng Việt Nam chưa có chương trình hàng năm mời các đoàn CCB Xôviết sang Việt Nam, ông Todorashko đã sang Việt Nam bằng kinh phí cá nhân cùng với 2 người bạn của mình theo kênh của Hội Hữu nghị Nga - Việt thành phố Ekaterenburg, vùng U-Ran, Liên bang Nga. Hai người bạn của ông, năm 2004 đã sang thăm Việt Nam, nên việc tổ chức chuyến đi lần này có nhiều thuận lợi

Điểm đến đầu tiên ở Việt Nam của đoàn là Tp Hồ Chí Minh. Tại đây, họ được gặp những người bạn Việt Nam đang tham gia diễn đàn trên mạng điện tử mang tên "Nước Nga trong tâm hồn tôi".

Ông  Todorashko đã trao cho các thành viên của diễn đàn "Nước Nga trong tâm hồn tôi" một số tấm ảnh của những người bạn Việt Nam, mà ông vẫn lưu giữ hơn 40 năm và tha thiết đề nghị họ tìm kiếm địa chỉ của những người trong ảnh.

Với lòng nhiệt tình của những người tham gia, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, khi còn đang ở Tp Hồ Chí Minh, các CCB Xôviết đã nhận được thông tin về những người bạn Việt Nam cùng chung chiến hào với mình cách đây trên 40 năm.

Ông Todorashko cùng các học trò Việt nam thăm lại trận địa tên lửa ở xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội. Từ trái qua: Đồng chí Đoàn Đức Long, đồng chí Lã Đình Chi, ông Todorashko, đồng chí Nguyễn Văn Thân, và người ngoài cùng - đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực.

Tại TP Hồ Chí Minh, các CCB Xôviết rất vui mừng và cảm động được gặp lại những CCB Bộ đội Tên lửa Phòng không. Buổi gặp diễn ra trong không khí ấm áp thân mật, chẳng khác nào những người thân trong gia đình lâu ngày được đoàn tụ.

Buổi gặp mặt diễn ra tại gia đình đồng chí Huỳnh Văn Thanh, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội Bệ phóng tên lửa thuộc Tiểu đoàn 61 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236. Tiểu đoàn 61 là đơn vị đã ra quân trận đầu được triển khai tại xã Gia Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chỉ với 3 quả đạn tên lửa, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 61, sáng ngày 21 tháng 8 năm 1965 đã bắn tan xác 4 máy bay Mỹ trong đội hình máy bay đến trút bom xuống thị xã Phủ Lý tỉnh Hà Nam hòng cắt đứt đường tiếp viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam của quân và dân ta.

Ông Todorashko nhớ lại: "Tới dự buổi diễn đàn này có rất nhiều bạn Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học ở Liên Xô, tất cả mọi người đều biết tiếng Nga. Các bạn Việt Nam đã nồng nhiệt chúc mừng tôi, tặng tôi quà và một lẵng hoa lớn. Và trong niềm vui này có một điều bí ẩn nào đó chưa nói hết ra được. Hình như mọi người đang chờ đợi ai đó sẽ đến. Và đây rồi! một người đang ôm hoa đi tới.

Từ xa, tôi chưa nhận ra đó là ai. Và khi anh đến gần hơn, tôi vui mừng nhận ra Nguyễn Đình Khoan, người mà tôi đã dạy học cách đây hơn 40 năm và là người mà tôi đã cùng kề vai sát cánh trong suốt những ngày tháng chiến đấu khốc liệt và oai hùng đó. Chúng tôi hướng dẫn cho đồng chí Nguyễn Đình Khoan đảm bảo việc điều khiển tên lửa đến thời điểm nổ khi tên lửa gặp máy bay kẻ thù trên không trung.

Bây giờ anh ấy cũng là Cựu chiến binh Bộ đội tên lửa như tôi. Đối với cả hai chúng tôi, cuộc hội ngộ sau hơn 40 năm là một bất ngờ thú vị. Chúng tôi ôm nhau, hôn nhau như những người bạn thân nhất. Chúng tôi vui mừng vì còn sống và chúng tôi hạnh phúc khi được trải nghiệm một khoảnh khắc vui vẻ.

Từ trái qua: Đồng chí Nguyễn Văn Thực, đồng chí Nguyễn Văn Thân, bà Nguyễn Thị Tuyên, con trai Thiếu tá Trương Văn Ninh, ông Todorasko và người con gái Trương Thị Hiền - thành viên diễn đàn "Nước Nga trong tâm hồn". Ảnh chụp tại gia đình đồng chí Trương Văn Ta.

Chúng tôi nhớ lại những giai đoạn của cuộc chiến tranh đã qua, nhớ đến các đồng đội của chúng tôi, và kể cho nhau nghe về cuộc sống hạnh phúc sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ. Nguyễn Đình Khoan tặng tôi một bức ảnh cả gia đình anh. Các phóng viên đã chăm chú quay khoảnh khắc đầy xúc động của chúng tôi.

Trong diễn đàn này, tất cả chúng tôi đều nâng cốc chúc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Liên bang Nga - Việt Nam, chúc Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn luôn cảnh giác và đứng vững trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước.

Sau đó, rất nhiều người trong chúng tôi đã hát vang các bài hát của Nga. Nữ ca sĩ Tuyết Thanh đã biểu diễn rất nhiệt tình. Mọi người đều im lặng lắng nghe. Các bạn Việt Nam rất thích những bài hát Nga, đặc biệt là bài "Kachiusa", "Chiều Moscow" cũng như các bài hát chiến tranh: bài "Cư dân trái đất"... Thật tuyệt vời khi ở trong một bầu không khí thân thiện và đầy cảm xúc như thế này, chúng tôi cũng hát với họ. Valery Vasilyevich Skoryak đã giới thiệu với các bạn Việt Nam những bức ảnh đã ngả màu vàng chụp trong chiến tranh ở Việt Nam.

Vào cuối buổi gặp gỡ, chúng tôi đã chúc nhau sức khoẻ, đạt nhiều kỳ vọng trong cuộc sống. Buổi giao lưu này cho thấy đất nước Xôviết chúng ta, với sự giúp đỡ vô điều kiện và có hiệu quả mà chúng ta đã dành cho nhân dân Việt Nam trong những năm khó khăn, đã chinh phục được tâm hồn của người Việt Nam" .

Các CCB Xôviết được các CCB Việt Nam đưa đi thăm lại chiến trường xưa, trận địa Tên lửa Phòng không ở xã Phú Sơn và xã Cẩm Lĩnh huyện Ba Vì, Hà Nội. Tại đây, ông Todorashko đã nhận ra những ngôi nhà đơn giản mà các chuyên gia quân sự Liên Xô đã sống trong thời kỳ chiến tranh. Đến thăm trận địa Phú Sơn, ông Todorashko đã đứng trên quả đồi chùa Gềnh và bồi hồi xúc động chỉ cho mọi người vị trí đặt bệ phóng tên lửa trong trận đánh ngày xưa.

Ông xúc động nói: "Sau trận đánh này, tôi được tặng thưởng Huân chương Hữu nghị và một phần thưởng chiến công đặc biệt". Ông Todorashko nói tiếp: "Được trở lại thăm Việt Nam là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi. Được gặp các bạn chiến đấu Việt Nam đã làm cho tôi rất xúc động. Bốn mươi hai năm đã trôi qua, song tình hữu nghị và tình đồng chí chiến đấu vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của mỗi chúng ta và chúng mãi mãi ở trong tâm trí chúng ta".

Trên đường từ Phú Sơn, Ba Vì trở về trung tâm Hà Nội, các CCB hai nước  đã vào thăm gia đình đồng chí phiên dịch Trương Văn Ta. Thắp nén tâm hương trên bàn thờ đồng chí Trương Văn Ta, ông Todorashko không cầm được nước mắt và xin phép được ôm di ảnh của đồng chí Trương Văn Ta.

Ông xúc động kể lại những tháng, ngày ông được đồng chí Trương Văn Ta là người trợ giảng và là trợ lý của ông, giúp ông hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả. Ông cũng rất vui mừng nhận thấy những người con của bạn mình đã đi theo con đường mà cha họ đã đi qua: Người con trai là cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn thuộc đơn vị mà người cha đã phục vụ, người con gái là thành viên diễn đàn "Nước Nga trong tâm hồn tôi". 

Trở về nước, ông Todorashko đã kể cho những người thân và bạn bè về những ngày tuyệt đẹp khi trở lại Việt Nam, được gặp lại những người bạn cùng chiến hào, được tận mắt nhìn thấy những đổi thay và phát triển của đất nước và con người Việt Nam.

Ông Todorashko gửi thư cám ơn những người tham gia diễn đàn "Nước Nga trong tâm hồn tôi" đã giúp ông tìm gặp lại những đồng đội của mình.

Theo lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam, tháng 7 năm 2015, ông  Todorashko là thành viên trong Đoàn CCB Xôviết sang thăm Việt Nam dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam ra quân trận đầu đánh thắng (24-7-1965/24-7-2015).

Trong buổi Liên hoan giao lưu ở nhà văn hóa xã Phú Sơn, khi đã ngồi vào bàn ăn, sau vài lần nâng cốc chúc mừng lẫn nhau, ông Todorashko xúc động nhắc lại một kỷ niệm không bao giờ quên.

Đó là cũng vào giờ này trưa ngày 24-7-1965, kíp chiến đấu của ông được ăn xôi và thịt gà do Hội phụ nữ xã đem ra trận địa. Ông nói với mọi người rằng, đó là sự quan tâm của những người mẹ, người chị; đó là tình đoàn kết quân dân, là tình đoàn kết Việt - Xô mà ông không bao giờ quên được.

Chỉ sau chưa đầy 1 phút, đồng chí Phùng Đức Thân - Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn đã dẫn một người phụ nữ tuổi ngoài 70 đến gặp ông Todorashko, đó là bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Phú Sơn trong thập niên 1960. Ông Todorashko rất vui mừng và cảm động được gặp bà Thanh. Ông say sưa kể lại cho bà Thanh và mọi người nghe những kỷ niệm về những ngày ông ở Việt Nam mà ông nhớ mãi.

 Mọi người đang say sưa ôn lại những kỷ niệm cách đây 50 năm, bản nhạc Nga "Kalinka" được cất lên từ một chiếc dương cầm do một nhạc công của Nhà văn hoá Quân chủng Phòng không - Không quân thể hiện. Thế là ông Todorashko cùng các CCB Xôviết bị cuốn hút vào điệu nhảy mà các bạn thanh niên địa phương đang mời chào.

Ôi thật là quá sự tưởng tượng của mọi người khi nhìn thấy ông Todorashko cùng với bà Nguyễn Thị Thanh đang hòa mình theo nhịp điệu bản nhạc "Kalinka".

Ninh Công Khoát
.
.