Làm bậy cứ xin lỗi là xong?
Tờ Huffingtonpost mới đây đưa tin Mark Sanford, cựu Thống đốc bang Nam Carolina thuộc đảng Cộng hòa, đã giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử đặc biệt hôm thứ ba tuần trước để giành lại chiếc ghế cũ trong Hạ viện Mỹ mà ông từng nắm giữ trước khi được bầu làm Thống đốc năm 2001...
Nhiều người coi đây là mốc quan trọng, đánh dấu sự hồi sinh của Sanford sau một thời gian dài bị ngắt quãng vì những chuyện tai tiếng, không phải vì có thành tích phục vụ nhân dân, mà có lối sống buông thả triền miên. Vì trò chơi tình ái với một người phụ nữ Argentina, và việc lạm dụng ngân quỹ bang để tiêu xài, chiều chuộng nhân tình… vụ việc vỡ lở đã khiến Sanford mất tất cả, gia đình tan nát, gián đoạn sự nghiệp chính trị và ông ta trở thành biểu tượng xấu bị lên án gay gắt trong đảng Cộng hòa.
Bởi vậy, ngay sau khi kết quả bầu cử vào Hạ viện được công bố, một nhà báo đã mỉa mai: Chỉ mất vài lời xin lỗi cử tri, một ông nghị tai tiếng đã được ngay những cái gật đầu tha thứ để trở lại chính trường. Liệu người dân Mỹ có quá dễ tính và mạo hiểm với lựa chọn của mình hay chăng?
Chính trị gia nổi loạn
Mark Sanford là con trai của một bác sĩ phẫu thuật tim xuất thân từ Florida. Cha ông là người tiết kiệm, ở nhà chỉ cho chạy một máy điều hòa nên khi đã vào trung học, ông vẫn cùng các anh em ngủ chung trong phòng của cha mẹ. Trong thời gian làm việc tại Hạ viện, từ năm 1995 đến 2001, Sanford được xem là một kẻ nổi loạn.
Trong thời gian làm thống đốc (7 năm), Sanford thường xuyên mâu thuẫn với các chính khách ở cả hai đảng. Ông thích dùng quyền phủ quyết của thống đốc bác bỏ các đạo luật đã được cơ quan lập pháp bang thông qua, để rồi lại bị họ dùng quyền của số đông quật ngược. Sanford còn khác người ở chỗ trong thời gian 6 năm làm việc tại Hạ viện, ông không xài đến khoản phụ cấp nhà ở mà ngủ trong một "cái cũi" đặt tại văn phòng. Là một người tằn tiện, ông thường yêu cầu nhân viên sử dụng cả hai mặt giấy.
Mark Sanford hứng chịu nhiều chỉ trích do vi phạm kỷ luật và dính phải bê bối ngoại tình với Maria Belen Chapur.
Chỉ vài năm trước, Mark Sanford vẫn còn nằm trong danh sách những nhân vật nổi bật nhất của đảng Cộng hòa với thành tích từng làm Hạ nghị sĩ, hai lần đắc cử Thống đốc bang Nam Carolina với số phiếu vượt trội so với đối thủ. Sanford được biết tới là vị chủ tịch rất tài năng và thông minh của Hiệp hội nhóm các thống đốc của đảng Cộng hòa, và hầu như ai cũng tin sẽ có ngày ông ra tranh cử tổng thống. Đùng một cái cả nước Mỹ sửng sốt khi nghe tin ông lén trốn sang tận Argentina để gặp người tình.
Trước hành động "kỳ quặc" này của ông, Quốc hội tiểu bang đã nhóm phiên họp đặc biệt để thông qua văn bản chỉ trích ông về mặt đạo đức. Có thể nói không sai là từ đó, tên ông bị gạt khỏi chính trường nước Mỹ.
Năm 2008, màn "bốc hơi" của Mark Sanford sang Argentina đã trở thành một câu chuyện chính trị nóng hổi. Nhiều chính trị gia đã đặt câu hỏi về tinh thần trách nhiệm của ngài thống đốc, bởi ông ra đi mà chẳng có liên lạc gì với nhân viên thuộc cấp, thậm chí cả người thân trong gia đình, trong nhiều ngày.
Chính Mark Sanford đã phải thú nhận tội ngoại tình với Maria Belen Chapur, 41 tuổi, một cựu phóng viên truyền hình Argentina mà còn nhiều lần "vượt giới hạn" với những phụ nữ khác trong suốt cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm. Vợ ông, bà Jenny Sanford đã biết chuyện sau khi phát hiện một lá thư mà chồng viết cho tình nhân. Hai người đã âm thầm sống ly thân một thời gian ngắn, sau đó chia tay trong im lặng.
Nhưng ngay cả sau những tiết lộ trên, Sanford khẳng định ông vẫn phù hợp để làm thống đốc và không có ý định từ chức. "Tôi đã và vẫn có thể làm tốt công việc của mình", Sanford nói trong khi thừa nhận ông là một khán giả tại "đám tang chính trị của chính mình".
Hai ứng viên Mark Sanford và Elizabeth Colbert Busch (trái) tranh cử vào Hạ viện. |
Chuyện tình cảm lăng nhăng trên đã khiến Sanford đối mặt với nhiều sóng gió trên chính trường. Mark Sanford bị chỉ trích vì đã chi 12.000 USD tiền công quỹ để thăm "người tình của cuộc đời", trong khi nhất quyết không trả lại một xu. Bản thân ông còn tự ý hủy liên tiếp các cuộc họp quan trọng của tiểu bang về vấn đề kinh tế để dành thời gian làm lành với vợ. Người dân Mỹ nổi giận bởi sự lẫn lộn giữa công và tư của một người đứng đầu bang như Mark Sanford. Tiền thuế của dân góp để phát triển bang, trớ trêu thay lại như tiền riêng của ông để "nuôi" bồ nhí.
Mark Sanford còn bị cáo buộc là thiếu trung thực, không nhất quán giữa lời nói và việc làm. Sanford từng lớn tiếng chỉ trích dữ dội gói kích thích kinh tế 700 tỉ USD của Tổng thống Barack Obama vì cho rằng đó là sự lãng phí tiền thuế của dân và cương quyết từ chối số tiền kích thích 700 triệu USD chính quyền liên bang chuyển giao cho bang Nam Carolina. Chính hành động đó đã giúp Mark Sanford trở nên nổi tiếng hơn trên chính trường Mỹ.
Chưa hết, năm 1998 ông là một trong số nhiều chính trị gia đòi "lật đổ" Tổng thống Bill Clinton vì tội ngoại tình. Nhưng ông đã tự vả vào mặt khi thú nhận cũng ngoại tình, lại còn sử dụng tiền thuế của dân không đúng mục đích.
Chưa hết, sau khi điều tra công phu, Ủy ban đạo đức bang Nam Carolina còn phát hiện Mark Sanford vi phạm kỷ luật đạo đức trong ít nhất 37 trường hợp. Trong đó, có 18 trường hợp gian dối mua vé máy bay hạng VIP với 12 chuyến bay ra nước ngoài, vi phạm luật của bang quy định chỉ được mua vé loại rẻ nhất, 9 trường hợp lạm dụng chuyên cơ của bang để đi chơi hoặc mua sắm và 10 trường hợp lạm dụng tiền quỹ tranh cử vào việc riêng. Chưa có vị thống đốc nào ở Mỹ có khả năng phá vỡ kỷ lục vi phạm nhiều lỗi lầm như Sanford trong gần 30 năm qua.
Trước sức ép rất lớn, Sanford buộc phải từ chức Chủ tịch Hiệp hội nhóm các thống đốc của đảng Cộng hòa và đã cân nhắc tới khả năng từ chức Thống đốc Nam Carolina, nhưng sau đó quyết định sẽ ở lại đến hết nhiệm kỳ vào tháng 1/2011 bất chấp phản đối từ dư luận.
Trở lại chính trường
Có lẽ Mark Sanford phải vô cùng biết ơn nghị sĩ Tim Demint khi ông này bất ngờ từ bỏ vị trí trong Hạ viện và nhận lời về điều hành Viện Nghiên cứu The Heritage Foundation của cánh bảo thủ trong đảng. Thế là nghiễm nhiên một cuộc bầu cử chớp nhoáng được loan báo trong các đảng để tìm ra ứng viên ngồi vào vị trí do Tim Demint để lại. Cả 2 phía Cộng hòa lẫn Dân chủ đều có một lực lượng khá hùng hậu, toàn những người có uy tín với dân chúng ở đơn vị bầu cử cũng như ở toàn tiểu bang. Trong số những người quyết định tranh cử có Mark Sanford, nổi tiếng với tiền lệ chưa hề thua bất kỳ một cuộc tranh cử nào, dù trong những cuộc đua chính trị này ông thường bị xếp vào hàng ứng cử viên không mấy sáng giá.
Nụ cười chiến thắng đánh dấu sự quay trở lại chính trường của Mark Sanford sau một thời gian dài im lặng. |
Chẳng ai ngờ dự đoán này hoàn toàn không đúng chút nào. Mark Sanford nhanh trí đến mức ngay trong buổi vận động tranh cử đầu tiên, ông đọc ngay một bài diễn văn dài, toàn lời xin lỗi người dân và thẳng thắng thừa nhận khuyết điểm. "Xin hãy tha thứ cho những gì tôi đã làm trong quá khứ. Hy vọng các bạn cho tôi cơ hội để làm lại từ đầu, tiếp tục những gì tôi luôn luôn ước mong sẽ làm cho người dân", Sanford nói.
Sau buổi gặp gỡ với những lời lẽ đầy xúc động đó, ông cho báo chí biết ông tin tưởng cử tri hài lòng khi biết ông thành thật xin lỗi họ. Chính điều đó đã giúp ông thắng cuộc đua sơ bộ, trở lại vị trí của một chính trị gia được cả nước Mỹ để ý tới, cho dù đã từng "dính vào bê bối tình ái" và bị chính cử tri Nam Carolina xếp vào danh sách "thân bại danh liệt."
Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Sanford đã đánh bại bà Elizabeth Colbert Busch, một thành viên đảng Dân chủ, với tỷ lệ phiếu bầu 55% - 45%. Gần 55% cử tri ủng hộ ông, dù các cuộc thăm dò được thực hiện trước khi phòng phiếu mở cửa đều nói ông chỉ từ thua đến hòa, khó có cơ hội nhìn thấy chiến thắng. Chiến thắng trước đối thủ Elizabeth Colbert Busch đưa Mark Sanford trở thành hạ nghị sĩ mới nhất của Quốc hội Mỹ, và buộc đảng Cộng hòa phải thay đổi thái độ đối với ông.
Chỉ vài phút đồng hồ sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Ủy ban vận động bầu cử Quốc hội của đảng Cộng hòa ra thông cáo cho rằng chiến thắng của Mark Sanford là dấu hiệu đầy khích lệ cho đảng trước cuộc bầu cử giữa kỳ 2014, là bằng chứng xác nhận cử tri "vẫn tin tưởng vào đường lối hoạt động và chính sách" đảng này đề ra.
Một số chuyên gia lạc quan cũng cho rằng đây chính là thời điểm để chính trị gia Mark Sanford lấy lại phong độ trước kia, tiếp tục khẳng định là một nhân vật quan trọng của đảng. Họ có cái nhìn xa hơn khi nhận định Sanford sẽ trở thành một nhân vật nổi bật ở nghị trường, tựa như thuở ông chưa bị phanh phui chuyện tình ái. Vấn đề nằm ở chỗ trong suốt thời gian diễn ra vận động tranh cử, Mark Sanford luôn đi rất sát với các quan điểm của đảng Cộng hòa, từ vấn đề kinh tế, ngân sách, cho tới lao động, di dân và chính sách y tế Obamacare. Dù không hề đưa ra bất cứ bình luận nào nhưng rõ ràng đảng Cộng hòa vô cùng hài lòng với cung cách làm việc của Sanford nhằm lấy lòng cử tri. Dễ hiểu tại sao chính trị gia này đã trở lại ban lãnh đạo đảng tại Hạ viện.
"Không riêng tôi mà mọi người đều không ngạc nhiên với thái độ của đảng Cộng hòa" là nhận xét của nhà phân tích Ron Bonjean ở tiểu bang Nam Carolina. "Đồng ý là sự nghiệp chính trị của ông có nhiều sôi nổi, nhưng bây giờ Sanford đã đắc cử, trách nhiệm của đảng là không thể bỏ rơi ông ta được. Đương nhiên họ phải nắm bắt cơ hội để chào đón ông ta, mời ông ta tham dự vào những hoạt động của đảng. Đương nhiên là đảng Cộng hòa cũng phải canh chừng ông ta, sợ ông ta lại dính tới một chuyện tai tiếng nào đó".
Phía đảng Cộng hòa liên tiếp ra thông cáo, chúc mừng ông Sanford chiến thắng và hứa hẹn sẽ giúp ông hoàn thành trách nhiệm với cử tri ở Nam Carolina "trong vai trò một nghị sĩ thành viên của khối đa số". Họ coi đây là vinh quang của lực lượng bảo thủ, gia tăng được sức mạnh chính trị nhằm hướng tới các chiến dịch tranh cử lớn hơn trong năm. Trong khi đó, đảng Dân chủ không xem kết quả cuộc bầu cử mới diễn ra ở Nam Carolina là một thất bại. Nhưng đa số chính khách của đảng này nhìn nhận rằng chiến lược cạnh tranh sẽ phải "đánh rất mạnh" vào những đơn vị bầu cử mà ứng viên Mark Sanford, từng dính vết nhơ bê bối, vẫn chưa khôi phục được lòng tin của người dân.
"Chúng tôi sẽ đặt câu hỏi với cử tri là về mặt đạo đức, liệu họ có sẵn lòng ủng hộ Mark Sanford hay không, sau những bê bối cùng lời xin lỗi chỉ mang tính tượng trưng để tranh cử vừa qua?", nghị sĩ Steve Israel, Trưởng ban vận động tranh cử Hạ viện của đảng Dân chủ cho biết