Lance Armstrong - Trút áo thần tượng lộ hình tay gian lận sừng sỏ

Thứ Sáu, 26/10/2012, 10:20

Ngày 10/10 vừa qua, Cơ quan Phòng chống chất kích thích thể lực (doping) của Mỹ (USADA), đã cho công bố một báo cáo dày 1.000 trang, trong đó đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi, buộc tội vận động viên đua xe đạp huyền thoại Lance Armstrong đã sử dụng và lôi kéo các đồng đội của mình sử dụng doping trong hơn một thập niên, biến đây trở thành một cuộc gian lận tinh vi chưa từng thấy trong lịch sử thể thao.

Bảy danh hiệu vô địch liên tiếp có nguy cơ tuột khỏi tay, tiếp đến là Nike, nhãn hiệu thể thao mà Amstrong là hình ảnh đại diện cũng quyết định chấm dứt hợp đồng với anh. Thế giới bỗng chốc như sụp đổ trước mắt cua-rơ huyền thoại người Mỹ này và tượng đài về một Lance Amstrong với nghị lực và sức mạnh phi thường cũng tan thành mây khói trong mắt những người hâm mộ trên toàn thế giới.

Cuộc gian lận chưa từng có trong lịch sử thể thao

USADA đã đưa ra một báo cáo dài khoảng 1.000 trang và những bằng chứng khẳng định Lance Armstrong đã tàng trữ, sử dụng và phân phát cho đồng đội mình các sản phẩm có doping một cách có hệ thống. Tài liệu này sẽ được đăng tải toàn bộ trên hệ thống website của Cơ quan Phòng chống doping của Mỹ và đồng thời còn được gửi tới Liên đoàn Xe đạp quốc tế UCI và Cơ quan Phòng chống doping thế giới AMA.

Giám đốc cơ quan USADA, ông Travis Tygart khẳng định đã thu thập bằng chứng từ 26 nhân chứng khác nhau, trong đó có 15 vận động viên đua xe có biết việc sử dụng doping của Amstrong. Một số cựu đồng đội của Amstrong kể lại chi tiết tay đua này đã sử dụng chất kích thích thể lực EPO ra sao, anh đã tự truyền dịch như thế nào để có thể qua mặt được các bài kiểm tra chống doping. Thậm chí có hai đồng đội của Armstrong khẳng định anh ta bị kết quả kiểm tra dương tính với doping trong cuộc đua vòng quanh Thụy Sĩ năm 2001 nhưng Amstrong đã mua chuộc Liên đoàn Xe đạp quốc tế để hủy các kết quả xét nghiệm.

Không chỉ liên quan tới Amstrong và các đồng đội mà nhiều bằng chứng còn cho thấy cựu HLV Johan Bruyneel đã trực tiếp tham gia việc tiêm doping cho các tay đua của mình. Sau khi USADA đưa ra báo cáo về việc sử dụng doping của tay đua huyền thoại này, cuộc điều tra của cơ quan này đã mở rộng đến Johan Bruyneel, cựu HLV của Armstrong. Johan Bruyneel đang là một trong những ông chủ của đội đua xe đạp RadioShack.

Khó khăn càng thêm chồng chất với Lance Armstrong khi tờ Sunday Times của Anh cho biết đang cân nhắc khả năng lật lại cuộc chiến pháp lý với Lance Armstrong vào năm 2004 mà anh đã giành phần thắng để đòi lại quyền lợi. Khi đó, Sunday Times đã viết một bài báo cáo buộc Armstrong dùng doping nhưng Armstrong đã kiện tờ báo này và được bồi thường 1 triệu USD.

Theo những lời khai và các chứng cứ USADA thu thập được, cua-rơ huyền thoại đã sử dụng chất kích thích trong suốt sự nghiệp của mình từ năm 1996 đến 2006. Trong đó đội đua Mỹ, US Postal là một "đội quân" gồm các bác sĩ chuyên về sử dụng doping, những kẻ buôn bán chất kích thích khét tiếng đã trở thành ê kíp không thể thiếu trên mỗi chặng đường đua.

Đáng nói hơn, theo tài liệu này, Armstrong được cho là kẻ cầm đầu trong các hoạt động sử dụng doping. Thậm chí vào năm 2002, Armstrong từng gọi một đồng đội đến căn hộ của mình ở Girona (Tây Ban Nha) và nói rằng, muốn tiếp tục gắn bó với đội đua thì phải thực hiện các quy trình sử dụng doping theo bác sĩ của mình. Theo điều tra, tại một số cuộc đua, các chai nước của cua-rơ Đội US Postal đều có chứa EPO (một chất kích thích bị cấm trong thể thao). Các nhà điều tra có bằng chứng việc Armstrong đã chuyển số tiền khoảng 1 triệu USD vào tài khoản của bác sĩ người Ý Michele Ferrari trong thời gian từ năm 1996 đến 2006.

Cũng theo hồ sơ, trước thềm Tour de France, các cua-rơ của US Postal được truyền máu đã hòa chất kích thích bằng những thủ thuật nhằm vượt qua các cuộc xét nghiệm doping. Loại máu này thúc đẩy khả năng vận chuyển ôxy trong cơ thể giúp các cua-rơ có khả năng chịu đựng tốt hơn và là một yếu tố chính giúp Armstrong giành 7 chức vô địch Tour de France liên tiếp.

Lance Amstrong 7 lần đoạt danh hiệu áo vàng chung cuộc trong các giải Tour de France.

Sau khi tài liệu điều tra của USADA được công bố, phía Armstrong vẫn án binh bất động. Trước đó, sau khi bị USADA buộc tội sử dụng doping và cấm hoạt động thể thao suốt đời và tước tất cả các danh hiệu đạt được từ năm 1996 đến 2005, Armstrong từng cho biết sẽ không kháng cáo vì quá mệt mỏi khi chạy theo những cuộc điều tra không công bằng, chứng cứ một chiều và có chủ đích nhằm chống lại anh.

Trong sự nghiệp của mình, bên cạnh danh hiệu cua-rơ xuất sắc nhất mọi thời đại, Amstrong còn là một tấm gương sáng về nghị lực phi thường trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư, anh là người truyền cảm hứng cho rất nhiều khán giả hâm mộ.

Thế nhưng, bản báo cáo của USADA đã dựng lên một hình ảnh Armstrong không chỉ là một vận động viên thể thao gian lận mà còn là người tha hóa tinh thần thể thao và lôi kéo người khác vào các hoạt động sử dụng doping. Nội dung tài liệu điều tra của USADA đã vẽ một bức tranh hoàn toàn trái ngược khi một tượng đài như Armstrong bỗng chốc trở thành một tay gian lận sừng sỏ, một kẻ chèn ép người khác và lừa dối người hâm mộ.

Luật sư của Lance Armstrong đã tố cáo tài liệu của USADA là dựa trên những sự bội bạc hàng loạt của các đồng đội, các nhân chứng bị cưỡng ép và những câu chuyện được kể ra dưới sự đe dọa.

Nhà vô địch huyền thoại bị hạ bệ

Lance Amstrong tên thật là Lance Edward Gunderson sinh ngày 18/9/1971, là một vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp nổi tiếng đã phá kỷ lục giải Tour de France khi giành chiến thắng bảy lần liên tục mặc dù anh mắc phải căn bệnh ung thư tinh hoàn. Vì vậy Amstrong đã sáng lập và là Chủ tịch của Quỹ Lance Amstrong (hay Livestrong), một tổ chức nghiên cứu và hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư qua các hoạt động như bán đấu giá những chiếc áo vàng chung cuộc sau mỗi giải đấu để gây quỹ. Anh đã quyên góp được gần 500 triệu USD để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.

Amstrong được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư tinh hoàn vào năm 1996 với một khối u đã di căn tới não và phổi và tiên lượng bệnh ban đầu xấu. Quá trình điều trị ung thư của anh bao gồm giải phẫu não và tinh hoàn, hóa trị kéo dài. Tuy vậy, tay đua này vẫn thi đấu và giành chiến thắng liên tiếp từ năm 1999 đến 2005 và là người duy nhất chiến thắng 7 lần, phá vỡ kỷ lục trước đó là các chiến thắng 5 lần của Miguel Indurain, Bernard Hinault, Eddy Merckx, và Jacques Anquetil.

Năm 1999, Amstrong được Hãng ABC tặng danh hiệu là vận động viên của năm. Năm 2000, anh giành giải thưởng Hoàng tử xứ Asturias cho lĩnh vực thể thao. Năm 2002, Amstrong tiếp tục được tạp chí Sports Illustrated bình chọn là nhà thể thao của năm. Anh cũng từng giành được giải thưởng ESPY của ESPN cho vận động viên xuất sắc nhất các năm từ 2003 đến 2006 và danh hiệu nhân vật thể thao nước ngoài của BBC năm 2003. Armstrong tuyên bố giải nghệ ngày 24/7/2005 khi Tour de France 2005 kết thúc nhưng rồi đã trở lại thi đấu vào và về thứ 3 trong giải Tour de France năm 2009. Anh chính thức giải nghệ ngày 16/2/2011.

Tuy nhiên, với các bằng chứng khẳng định việc Amstrong sử dụng doping trong tất cả các giải đấu, USADA đã quyết định cấm thi đấu trọn đời và tước bỏ kết quả thi đấu trong 14 năm của Armstrong, bao gồm tất cả 7 chức vô địch Tour de France.

Với "nỗi buồn lớn" Nike vẫn quyết định chấm dứt hợp đồng với người đại diện Lance Amstrong.

Một tuần sau khi báo cáo của USADA được công bố, ngày 17/10 vừa qua Amstrong đã quyết định rời khỏi chiếc ghế chủ tịch Quỹ từ thiện Livestrong cho các bệnh nhân ung thư mà chính anh sáng lập để tổ chức này không phải chịu hậu quả do scandal của anh. Amstrong cho biết: "Như việc điều trị ung thư của tôi đã kết thúc, tôi đã tạo ra một quỹ để phục vụ những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh ung thư. Từ một giấc mơ, nó đã trở thành một tổ chức như ngày hôm nay, phục vụ cho 2,5 triệu người và thúc đẩy một sự thay đổi văn hóa trong cách nhìn nhận của thế giới về việc người bị ung thư đã sống sót như thế nào".

Ngay sau khi Lance Amstrong tuyên bố rời khỏi ghế chủ tịch quỹ từ thiện do mình sáng lập, nhãn hiệu thể thao danh tiếng Nike cũng quyết định chấm dứt hợp đồng với tay đua này. Trong thông báo của Nike có đoạn: “Việc chấm dứt hợp đồng với Armstrong là một nỗi buồn lớn. Nhưng những bằng chứng về việc Lance Armstrong đã sử dụng doping và lừa dối Nike trong hơn một thập niên qua là không thể chối cãi. Trong nỗi buồn lớn, Nike đã quyết định kết thúc hợp đồng với Amstrong. Nike không thể bỏ qua việc sử dụng các loại thuốc kích thích hiệu suất thi đấu dưới bất cứ hình thức nào. Nike có kế hoạch tiếp tục ủng hộ Quỹ Livestrong để tiếp tục tạo ra sự đoàn kết, truyền cảm hứng và mang lại niềm tin cho những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh ung thư”.

Trong những ngày qua, Nike cũng không thoát khỏi những ánh nhìn nghi ngờ của dư luận và phải đứng dưới rất nhiều áp lực khi bị cáo buộc là đã từng đưa 500.000 USD cho cựu Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp quốc tế (UCI) Hein Verbruggen, nhằm che đậy một kết quả kiểm tra phản ứng dương tính với doping. Nike đã kịch liệt phủ nhận việc làm này và cho biết họ không bao giờ bỏ qua việc sử dụng các loại thuốc nhằm nâng cao hiệu suất thi đấu.

Chính vì thế mà sự hợp tác giữa Armstrong và Nike đã phải chấm dứt. Trước khi đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng, Nike vẫn luôn tìm cách bảo vệ Armstrong. Trước đó, Nike cho biết: Họ rất buồn về việc Lance Armstrong không được phép tham gia một số cuộc đua và những danh hiệu của anh cũng bị ảnh hưởng. Lance Amstrong đã tuyên bố là mình vô tội và đã vững vàng ở vị trí này.

Thông qua việc hợp tác với Nike, Quỹ từ thiện Livestrong đã quyên góp được hơn 80 triệu USD bằng việc bán những vòng đeo tay Livestrong màu vàng kể từ năm 2004. Nike cũng đã sản xuất và bán một số sản phẩm mang thương hiệu Liverstrong, bao gồm giày dép và áo phông. Trung tâm thể dục Lance Armstrong tại trụ sở của Nike ở Beaverton dự kiến cũng sẽ được đổi tên khác.

Theo phân tích của tạp chí Forbes, ngôi sao đua xe đạp người Mỹ có thể mất ít nhất 50 triệu USD trong 5 năm tới liên quan đến những hợp đồng với Nike và những công ty khác

Hải Yến - Tấn Bình (tổng hợp)
.
.