Lật mặt những “quân cờ đen” trong kế hoạch hậu chiến của địch

Chủ Nhật, 06/09/2015, 22:35
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngoài việc tăng cường nhiều chiến dịch tổng lực nhằm tiêu diệt lực lượng Cách mạng, họ còn liên tục mở nhiều chiến dịch đàn áp phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân; dồn dân vào ấp chiến lược, nhằm thực hiện kế hoạch "tách cá khỏi nước".

Bên cạnh đó, họ còn xây dựng một đội quân ngầm, cài cắm sâu vào nội bộ ta để thu thập thông tin tình báo, phục vụ cho trước mắt và hậu chiến. Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng An ninh kết hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh và kiểm tra  hàng ngàn mét khối hồ sơ do địch để lại. Từ đó làm rõ được nhiều đầu mối nội gián nguy hiểm. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc hai trong số hàng ngàn những "quân cờ đen" mà lực lượng An ninh đã vạch trần.

Vụ nội gián mang bí số 109 tại Long An

Thực hiện chỉ thị của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về bóc gỡ mạng lưới nội gián của địch, với yêu cầu trước mắt là tập trung điều tra xác minh, làm rõ những vấn đề về lý lịch chính trị chưa rõ ràng của một số cán bộ đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, Ty Công an (nay là Công an tỉnh) Long An đã triển khai lực lượng trên toàn địa bàn tỉnh, bước đầu xác định được một số đầu mối trước đây làm việc cho địch, đã cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho địch đánh phá Cách mạng. Trong đó có vụ T.H.P. là Phó ban Cải tạo Công thương nghiệp Tư bản tư doanh tỉnh Long An. Ban lãnh đạo Ty chỉ đạo Phòng Bảo vệ An ninh nội bộ cùng một số cán bộ an ninh phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra xác minh làm rõ vụ này.

Các chiến sĩ An ninh vũ trang miền Nam đánh chiếm Bộ Chỉ huy Cảnh sát quốc gia phi Cảng Sài Gòn, tháng 4/1975.

T.H.P. (bí danh Ba Ký, Hai Hùng) sinh năm 1928 tại huyện Mộc Hóa - Kiến Tường, tham gia Cách mạng năm 1946, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1948. Quá trình hoạt động Cách mạng liên tục từ năm 1946 - 1979, đã có nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu. Gia đình có nhiều người tham gia Cách mạng và có người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Năm 1970, P. là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Kiến Tường, phụ trách khối dân vận.

Nắm rõ tư tưởng cầu an, thiếu rèn luyện về đạo đức, phẩm chất chính trị, ham sống sợ chết, ngại gian khổ, khó khăn của P., Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bước đầu đã tổ chức móc nối với Năm L., là vợ lẽ và cũng là giao liên của P., và kết nạp Năm L. vào mạng lưới bí mật của CIA. Sau đó, CIA giao nhiệm vụ cho Năm L. vận động P. gia nhập vào CIA, với phần thưởng cho P. là một khoản chế độ ưu đãi lớn, như được cung cấp một số đồ dùng cá nhân, gia dụng loại đắt tiền, đồng thời CIA sẽ bảo vệ cuộc sống lâu dài, khi đi đến đâu hoạt động Cách mạng cũng không bị đánh phá… Do mang tư tưởng ham sống sợ chết, sau khi nghe vợ lẽ đặt vấn đề này và các yêu cầu đã nêu, P ngay lập tức đồng ý, làm tình báo viên cho CIA ở Kiến Tường từ tháng 2/1970 (mang bí số 109).

Đầu năm 1972, Tỉnh ủy Kiến Tường bầu lại Ban Chấp hành mới. Do chưa có thông tin chính thức về hoạt động phản Cách mạng của P nên trong danh sách dự kiến vẫn có tên P.. Tuy nhiên, qua trao đổi bước đầu của lực lượng An ninh, Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ đã báo cáo Tỉnh ủy đưa P. ra khỏi danh sách bầu Ban Chấp hành. Qua khai thác hồ sơ địch sau ngày giải phóng, lực lượng An ninh đã bắt đối tượng truy nã Nguyễn Văn Đ. là tình báo CIA đặc trách Vùng IV chiến thuật vào tháng 6/1975 tại phường Nhật Tảo, quận 10, TP HCM.

Qua đấu tranh, Đ. đã khai nhận về P. là nội gián cho CIA từ năm 1971 và nói rõ hoạt động của Năm L. là giao liên cho P.; nói rõ Võ Văn A. (Tư Trí) là giao liên giữa P và Đô. Về phía P., sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, y đã tìm mọi cách bịt các đầu mối trước đây biết hoạt động của mình nhằm che giấu thời gian làm việc cho CIA. Năm 1978, P. được bầu làm Phó ban Cải tạo Công thương nghiệp Tư bản tư doanh tỉnh Long An. Thực hiện phương châm chỉ đạo của Bộ Công an về công tác phòng, chống nội gián, với phương châm "Thận trọng, chính xác, không để lọt đối tượng, không để oan sai đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng…", lực lượng An ninh tỉnh Long An phối hợp với Cục Trinh sát nghiệp vụ của Bộ chỉ đạo Phòng Bảo vệ An ninh nội bộ, Phòng Công tác hồ sơ… tập trung lực lượng sưu tầm tài liệu, thẩm tra xác minh làm rõ vụ này.

Tháng 3/1979, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Phòng Bảo vệ An ninh nội bộ mời P. đến làm việc. Với những chứng cứ rõ ràng như bản cam kết làm việc cho CIA, lý lịch, ảnh, bí số, lời khai của những tên trong tổ chức, liên lạc… P. đã thú nhận toàn bộ hành vi tội lỗi của mình. Cơ quan thẩm quyền tỉnh Long An đã quyết định khai trừ P. ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, cách chức Phó ban Cải tạo Công thương nghiệp Tư bản tư doanh tỉnh Long An, đưa về quản lý tại địa phương.

Việc xác định T.H.P. làm nội gián cho CIA do địch cài trong tổ chức của ta là sự nỗ lực rất lớn của Công an Long An, góp phần làm trong sạch nội bộ. Đây là một trong nhiều vụ mà lực lượng An ninh đã bóc gỡ trong thời gian đó. Qua công tác khai thác hồ sơ địch để lại, tiến hành thẩm tra xác minh, một mặt ta đã bóc gỡ được mạng lưới nội gián của địch, mặt khác cũng góp phần minh oan cho một số cán bộ trung kiên của ta bị địch bắt, dựng hồ sơ giả để vô hiệu hóa.

Vụ nội gián Sông Hồng tại Đồng Tháp

Tháng 7/1980, qua nguồn tin ban đầu do quần chúng cung cấp, ta tiến hành xác minh và kiểm tra hồ sơ do địch để lại, kết hợp xét hỏi một số sĩ quan cảnh sát đặc biệt cũ của ngụy và qua các biện pháp nghiệp vụ của trinh sát, cuối năm 1979 đến tháng 7/1980, ta đã xác minh được chính xác đầu mối nội gián mang bí danh "Thanh Bạch" của Ty Cảnh sát Quốc gia tỉnh Kiến Phong (trước năm 1975) đánh vào nội bộ ta (Tỉnh ủy Kiến Phong trong kháng chiến chống Mỹ) do tên L.V.C. (tự Ba Ngân), Quyền Trưởng ty Tài chính Đồng Tháp làm nội gián, và vợ y là N.T.D. (tự Bẹp) làm tình báo liên lạc.

Từ tháng 8/1972, Ba Ngân đã cung cấp cho địch các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy và hàng trăm báo cáo, tin tức, danh sách cán bộ an ninh, cán bộ các ban, ngành của tỉnh, cơ sở nội tuyến của ta… gây nhiều thiệt hại cho Cách mạng.

Được cảm hóa, những tên gián điệp biệt kích đã làm việc cho ta, đang điện "câu nhử" địch.

Sau ngày đất nước giải phóng, Ba Ngân tiếp tục chui sâu, leo cao theo kế hoạch hậu chiến, lên đến chức Quyền Trưởng ty kiêm Bí thư Đảng ủy Ty Tài chính. Ba Ngân còn khai man lý lịch để tránh sự phát hiện của ta. Lợi dụng danh nghĩa Quyền Trưởng ty Tài chính, Ba Ngân quan hệ với một số tên phản động và nhân viên tình báo CIA cũ, đưa nhiều phần tử xấu vào làm việc trong các cơ quan của tỉnh.

Ngoài ra, y còn câu kết, móc nối với một số đồng bọn ngoài xã hội có tư tưởng và hành động chống phá Cách mạng. Qua đấu tranh với Ba Ngân, lực lượng An ninh phát hiện nhiều tối tượng khác đã chui vào nội bộ ta. Bằng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, đến tháng 7/1980, Ban chuyên án đã thu thập toàn bộ tài liệu, chứng cứ để đấu tranh, kết thúc chuyên án, bóc gỡ toàn bộ mạng lưới này của địch, nắm rõ ý đồ hoạt động hậu chiến của CIA ở Đồng Tháp, bắt 25 đối tượng, thu nhiều tang vật, tài liệu phản Cách mạng.

Đây là vụ nội gián đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng có nhiều thủ đoạn nguy hiểm, ngụy trang che giấu để chui sâu, leo cao vào nội bộ ta. Với tinh thần cảnh giác Cách mạng cao, qua hơn một năm kể từ ngày xác lập (ngày 11/3/1979 đến ngày 31/7/1980), chuyên án đã kết thúc. Thắng lợi trên còn là bài học quý báu về công tác bảo vệ an ninh nội bộ, bảo vệ an toàn cơ quan, xây dựng chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Khổng Hà
.
.