Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020):

Lính Cảnh vệ nhớ Bác

Thứ Ba, 19/05/2020, 09:46
Sinh thời, mặc dù bận trăm công nghìn việc, phải lo lắng công việc của đất nước, cho nhân dân, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian, tình cảm đặc biệt để hướng dẫn các chiến sĩ cảnh vệ và phục vụ ở bên Người về mọi lĩnh vực cuộc sống, trong đó có công tác bảo vệ, giữ bí mật.

Mỗi lời nói và cử chỉ của Bác là bài học vô giá để mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ lấy làm hành trang trong cuộc sống.

Trong những năm hoạt động ở nước ngoài, Bác Hồ bị mật thám các nước theo dõi, truy đuổi gắt gao. Nhưng Bác có nhiều kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian hoạt động giữa lòng địch.

Bác Hồ đến thăm Hợp tác xã Đại Thắng, Nam Định, tháng 3-1959.

Ông Hoàng Hữu Kháng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) vinh dự được bảo vệ Bác từ tháng 5 năm 1945, được nghe Bác kể lại: “Ngày hoạt động bên Pháp, nhiều lần mật thám theo dõi để ám hại Bác. Thấy vậy, Bác vẫn bình tĩnh, coi như không có vấn đề gì xảy ra. Bác cố tạo thành một quy luật, cứ đến giờ đi làm, hết giờ về nhà, ăn cơm, chiều đi làm, tối đọc sách. Mấy tên mật thám theo dõi Bác, thấy ngày nào cũng như vậy; sau đó cứ sáng thì "đưa" Bác đến nơi làm việc, hết giờ chúng lại đến "đón" Bác về. Bác thực hiện một thời gian như vậy. Cho đến một hôm chúng quen mui đưa Bác đến chỗ làm rồi bỏ đi chơi. Nhân lúc đó, Bác trốn sang Moscow hoạt động.

Những năm về nước hoạt động trên vùng An toàn khu (ATK), Bác luôn cảnh giác và dặn cán bộ, chiến sĩ của mình phải luôn luôn cảnh giác giữ bí mật. Vào một buổi sáng tháng 7-1945, các chiến sĩ cảnh vệ và phục vụ Bác vừa thức dậy, chợt có tin một toán thổ phỉ đang tiến vào khu đèo De thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, địa phận giáp ranh giữa tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang để dò la tình hình của ta.

Một bộ phận giải phóng quân xây dựng phương án lên đường để tiêu diệt chúng. Nhưng, vì trận địa quá gần cơ quan nên để bảo đảm an toàn, các chiến sĩ cảnh vệ đề nghị Bác tạm thời rời đi nơi khác; ý kiến đề xuất được Bác đồng ý. Đơn vị bảo vệ hơn nửa ở lại, nếu bị chặn thì tổ chức đánh địch, còn một tổ gồm 5 người do ông Hoàng Hữu Kháng chỉ huy bảo vệ Bác và tài liệu rút lên núi. Trước khi đi, Bác kiểm tra công tác quản lý tài liệu, kế hoạch hành quân, chuẩn bị vũ khí súng đạn rất tỉ mỉ.

Các chiến sĩ Cảnh vệ và phục vụ bảo vệ Bác Hồ trên đường công tác tại đèo Khế (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), Tháng 10-1947.

Kiểm tra xong, Bác dặn tổ cảnh vệ và phục vụ phải giữ bí mật, không làm đảo lộn đồ dùng xung quanh, không phát cành bẻ lá cây cối, người đi sau cùng phải chú ý xóa dấu vết của những người đi trước. Hành quân lên đến đỉnh núi có mấy phiến đá to, sạch sẽ và có chỗ ngồi bằng phẳng, tổ công tác dừng lại nghỉ. Một chiến sĩ cảnh vệ định chặt mấy tàu lá để Bác ngồi.

Thấy vậy, Bác ra hiệu dừng lại và đến bên một hòn đá, ngồi xuống. Người giải thích cho mọi người tại sao không được chặt tàu lá, phải làm như vậy để giữ bí mật, nếu kẻ địch vào đến chỗ chúng ta thì chúng cũng không biết dấu vết của chúng ta đi về hướng nào mà truy tìm.

Bác rất chú trọng công tác giữ bí mật. Trong thời gian hoạt động ở ATK, Bác chỉ thị các cơ quan Đảng, Chính phủ cứ 3 tháng phải thay đổi địa điểm một lần, nếu cơ quan nào có người không chịu được gian khổ mà trốn vào vùng địch tạm chiếm thì dù mới đến đóng quân cũng phải chuyển đi nơi khác ngay. Riêng bộ phận của Bác trong những năm kháng chiến đã thay đổi địa điểm hàng trăm lần.

Ông Ngô Văn Núi, nguyên cán bộ thuộc Trung đoàn 600, đơn vị vũ trang bảo vệ Bác kể lại: Đại đội của ông được giao nhiệm vụ chuyên đào hầm và làm nhà cho Bác trong thời gian Người hoạt động ở ATK. Lúc đầu, đơn vị rất lúng túng trong việc chọn địa điểm làm nhà. Thấy vậy, Bác gọi đến và hướng dẫn: “Các chú chọn địa điểm làm nhà cần phải: trên có núi - dưới có sông - có đất ta trồng - có bãi ta chơi - gần đường sang Bộ Tổng - tiện lối tới Trung ương - gần dân không gần đường...”.

Rồi Bác giải thích: trên có núi, là khi bị địch phát hiện tấn công là ta rút ngay lên núi, địch không thể phát hiện. Dưới có sông là để tiện cho việc sinh hoạt, tắm rửa, có nước để tăng gia trồng cây. Có đất ta trồng, có bãi ta chơi: có đất trồng rau, tăng gia sản xuất; có bãi tập thể dục, chơi thể thao, tập luyện võ thuật. Gần đường sang Bộ Tổng, tiện lối tới Trung ương: là để thuận tiện trong công tác với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng và các cơ quan Trung ương.

Bác Hồ ăn cơm với các chiến sĩ Cảnh vệ trên đường chỉ đạo chiến dịch Biên giới, Tháng 9-1950.

Gần dân không gần đường: gần nhân dân để vận động, tuyên truyền nhân dân làm cách mạng; dựa vào nhân dân để hoạt động, để nhân dân giúp đỡ, che chở; không gần đường để giữ bí mật, không bị kẻ địch phát hiện. Sau khi được Bác hướng dẫn, đơn vị của ông Ngô Văn Núi không còn gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm làm nhà và nhiều lần được Bác khen ngợi.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, sống và làm việc giữa Thủ đô Hà Nội, nhiều lần Người đi thăm các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi chuyến công tác, lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Công an đều triển khai công tác bảo vệ hết sức chặt chẽ, bố trí lực lượng để đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên, công tác bảo vệ được chính Người thường xuyên góp ý, uốn nắn.

Một hôm Bác đi thăm nông dân gặt lúa ở ngoại thành Hà Nội. Lực lượng cảnh vệ bố trí anh chị em đến cùng gặt lúa với bà con. Trên cánh đồng có 5 tổ đang gặt nhưng chỉ có 4 tổ gặt ở gần được bố trí chiến sĩ cảnh vệ gặt cùng, còn tổ phía xa thì không được bố trí. Nào ngờ, sáng hôm sau Bác đến thẳng tổ gặt lúa phía xa. Thấy vậy, một cán bộ cảnh vệ ra gợi ý với Bác: “Thưa Bác! Chỗ kia người dân gặt đông quá ạ”.

Ngày 21-12-1965, Bác Hồ tặng huy hiệu của Người cho những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 Công an nhân dân vũ trang đạt nhiều thành tích trong công tác bảo vệ.

Bác quay lại nói ngay: “Đông gì? Các chú cảnh vệ bố trí đấy!”. Rồi Bác đi tiếp. Đến chỗ lội, Bác sắn quần, tay xách dép nhanh nhẹn đi đến tổ gặt lúa đằng xa. Mấy tổ cảnh vệ được bố trí đứng nhìn Bác chưng hửng.

Gần tết cổ truyền Quý Mão năm 1963, theo kế hoạch, lực lượng cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ đi thăm chợ tết khu vực Đồng Xuân - Bắc Qua. Kế hoạch bảo vệ Bác được xây dựng hết sức chặt chẽ. Ông Hoàng Hữu Kháng và mấy cán bộ Cục Cảnh vệ khi ấy tháp tùng Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn sang báo cáo Bác. Bác rất vui vì nguyện vọng đi thăm chợ tết của Người mấy năm nay bây giờ mới được đáp ứng. Nhưng, phương án tổ bảo vệ xây dựng đóng giả là đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm không được Bác đồng ý.

Người góp ý: mấy cô, mấy chú bộ phận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì bà con ngoài chợ ai cũng quen mặt, thường xuyên gặp; lần này toàn người lạ nên bà con nghi và phát hiện ra ngay; các chú phải chú ý yếu tố bí mật. Sau nhiều cuộc họp, Cục Cảnh vệ đã thống nhất được phương án bảo vệ Bác: “Bác và tổ bảo vệ đóng giả làm mấy cha con, ông cháu người miền Nam ra thăm chợ tết”. Phương án được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt, sang báo cáo và được Bác đồng ý, khen ngợi.

Ngày 24-1-1963, đúng 30 tết Quý Mão, đồng chí Phan Văn Xoàn và đồng chí Phạm Đỉnh được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ tiếp cận Bác. Sáng sớm hôm đó, cái lạnh của những ngày cuối đông như cắt da cắt thịt, ngoài trời mưa lất phất, hai yếu tố đó càng thuận lợi cho công tác hóa trang của Bác và các đồng chí cảnh vệ. Lần đó, Bác hóa trang thành một cụ già. Người đội chiếc mũ cát đã cũ, đeo kính lão, mặc áo bông, bên ngoài khoác áo mưa bằng vải bạt, cổ quàng khăn len quấn mấy vòng che kín bộ râu, chân đi đôi giày vải.

Bác Hồ thăm tỉnh Vĩnh Phúc. Người đến kiểm tra giếng nước ăn của bà con xã Lạc Trung, Vĩnh Phúc, Tháng 1-1961.

Bác không nhờ ai mà tự hóa trang rất khéo. Nhìn Bác hóa trang, các đồng chí cảnh vệ rất xúc động. Là vị lãnh tụ, Chủ tịch nước, thế mà Người hóa thân thành người dân giống đến từng chi tiết, không ai phát hiện ra. Chuyến bảo vệ Bác đi thăm chợ tết đã thành công cũng là nhờ yếu tố bí mật, bất ngờ mà Bác hướng dẫn.

Một lần, vào chiều 27-4-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử HĐND cấp huyện và xã. Người bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, Tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội đặt tại nhà thuyền (hồ Tây). Không ngờ đó là lần cuối cùng Bác đi thực hiện quyền công dân. Khi Bác đến, tổ bầu cử cho mọi người dừng lại để Bác bầu cử trước. Thấy vậy, Người thẳng thắn: ai đến trước, bầu trước; Bác đến sau, Bác chờ.

Bỏ phiếu xong, trên đường về Phủ Chủ tịch, Bác nói với ông Hoàng Hữu Kháng đi chỉ đạo công tác bảo vệ, sở dĩ Nguyễn Hải Thần bị bà con ta ghét vì hắn thích phô trương. Mỗi lần đi đâu đều có vệ sĩ tay lăm lăm súng ống đi cùng. Bác không muốn như vậy, Bác muốn gần dân, muốn được tận mắt nhìn thấy cuộc sống của nhân dân và được nghe nhân dân nói thật.

Bác dặn lực lượng cảnh vệ phải bí mật, không báo cho nơi Bác đến biết trước, họ sẽ bày vẽ phô trương và như vậy Bác không thấy thực tế, Người đòi hỏi mọi người phải tế nhị, không được phô trương khiến dân sợ, dân xa lánh. Bởi thế, trong các bức ảnh chụp Người đi thăm các đơn vị, địa phương, ai cũng thấy Người luôn gần gũi nhân dân. Đó chính là phong cách Hồ Chí Minh.

Nguyễn Đức Quý
.
.