Lương Văn Can và lời dặn dò hậu thế

Chủ Nhật, 27/10/2019, 21:24
Năm 1927, Lương Văn Can ra đi một cách nhẹ nhàng sau một đêm lâm bệnh, trong niềm tiếc thương vô hạn của đông đảo người dân. Ông để lại cho hậu thế 6 chữ "Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ" và lòng tràn đầy hy vọng về tương lai đất nước. Ông cũng để cho đời cuốn "Thương học phương châm" cho giới thương nhân.


"Thương học phương châm" - Cuốn sách đầu tiên cho giới doanh nhân

Trong nhiều bài viết về chấn hưng nền kinh tế đất nước, Lương Văn Can luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh thương, có vai trò sống còn đối với sự phát triển chung của đất nước. 

Ông nhấn mạnh: "Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Buôn bán thịnh đạt thời trong nước giàu mạnh không biết đâu là cùng, buôn bán suy thời trong nước nghèo yếu không biết đâu mà kể, cứ xem cái trình độ buôn bán một nước cao hay thấp, rộng hay hẹp thời xét được dân nước ấy giàu hay nghèo, văn hay dã. Việc buôn bán có quan hệ thịnh suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh được sao?".

Chân dung Lương Ngọc Quyến - người con thứ của Lương Văn Can.

Sau những nỗ lực cổ súy cho nền công thương của các nhà nho trí thức, nghề buôn bán kinh doanh đã có nhiều thay đổi, nước ta đã bắt đầu nổi lên những tên tuổi như "Nhà công nghiệp" Trương Văn Bền ở Sài Gòn, "Ông vua đường thủy" Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội, "Ông chủ hiệu sơn Gecko" Nguyễn Sơn Hà… Nhờ các phong trào cổ vũ thực nghiệp nên đã có một tầng lớp người làm kinh doanh mới, đang từng bước thay đổi. 

Nhưng những người thành công vẫn chỉ là những con số đếm trên đầu ngón tay. Rất nhiều nhà buôn, nhà sản xuất sau một thời gian đã phải đóng cửa. Nhìn chung, mô hình kinh doanh vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa thực sự cạnh tranh được với các nhà tư bản nước ngoài đang làm ăn trong nước. 

Một trong những lý do được lý giải là do sự non trẻ của giới doanh thương, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trên thương trường nên khó chống chọi, cạnh tranh được với các nhà tư bản Pháp và Hoa kiều.

Lương Văn Can luôn trăn trở với những vấn đề sống còn liên quan đến sự thịnh suy, văn minh của dân tộc. Làm sao để giúp cho các nhà buôn, giúp cho những người làm kinh doanh để họ có kiến thức, thêm sự hiểu biết và mạnh dạn trong kinh doanh? 

Ông thấy chỉ có cách viết sách mới khả dĩ hơn cả. Một cuốn sách rất quan trọng về nghề kinh doanh đã được ông viết sau 8 năm buôn bán ở Nam Vang, đó chính là cuốn "Thương học phương châm". Cuốn sách này được in tại nhà in Thụy Ký - Hà Nội, với số lượng 1.000 bản trong lần in đầu vào tháng 2-1928.

Ngay trong lời tựa của cuốn sách, Lương Văn Can đã khẳng định rằng nghề buôn bán rất cần phải được đào tạo bài bản, khoa học: "…Nước ta ngày trước học Nho chỉ chí tại thi đỗ để ra làm quan, ngày nay học Tây chỉ chí tại tốt nghiệp để ra làm việc, ít người có chí làm thực nghiệp, hoặc có một bọn muốn học nghề buôn, mà tư bản đã ít, học thức cũng kém, chỉ được mấy năm thì thất bại, khánh tận ngay, ấy chỉ bởi không có học mà đến thế. Ôi! Sự buôn rất là phiền phức, nào là tư bản, nào là tính toán, nào sổ sách, nào thư từ, nào mua hàng, nào bày hàng, nào bán hàng, nào tính hàng, nào thương hiệu, thương địa, thương điếm, nào cách tiếp dân, nào quảng cáo, việc gì cũng phải có cơ quan, nếu không biết thương học, đủ cả thương đức thương tài thì không được. Tôi không phải là người biết buôn, chỉ nhặt lấy các sách quan hệ về sự buôn, lược dịch ra sau này để độc giả chọn lấy mà xem cho biết sự thể tình hình, may ra nghề buôn nước ta có phát đạt hơn chăng…".

"Thương học phương châm" tuy là cuốn sách mỏng, kiến thức sơ đẳng nhất về nghề kinh doanh trước những năm 1930, song đã đúc kết được kinh nghiệm buôn bán kinh doanh của người Việt và những bí quyết kinh doanh của người nước ngoài mà Lương Văn Can đã tổng hợp được qua sách báo. 

Sách được chia ra các mục: Tựa, Tư bản, Tổ chức sự buôn, Tính toán, Sổ sách, Thư từ, Mua hàng, Thương hiệu, Thương tiêu, Thương địa, Thương điếm, Bày hàng, Quảng cáo, Giao tế tiếp dẫn, Điều lệ nhà băng, Sự buôn ở nước ta.

"Thương học phương châm" không chỉ viết về nghề kinh doanh và đề cao vai trò của thương mại nói chung mà còn đúc kết rút ra những hạn chế của các nhà kinh thương người Việt nói riêng. Theo Lương Văn Can, thương giới Việt có những hạn chế như sau: Không có thương phẩm; Không có thương hội; Không có tin thực; Không có kiên tâm; Không có nghị lực; Không biết trọng nghề; Không có thương học; Kém đường giao thiệp; Không biết tiết kiệm; Khinh nội hóa. Theo ông, mười nhược điểm đó chính là cái bệnh rất lớn làm cho các nhà buôn bó buộc vào sự eo hẹp mà không có đường mở mang. Đó là cái bệnh độc hại phải tìm phương mà cứu chữa.

Theo Lương Văn Can, muốn thành công trong kinh doanh, trước tiên các nhà kinh thương phải hiểu được việc kinh doanh, phải tận tâm, dốc lòng dốc sức kiên tâm theo đuổi. 

Tuy nhiên, kiên tâm theo đuổi kinh doanh nhưng không có thương đức thương tài thì cũng không thể làm kinh doanh được, không bền được. Ông khẳng định nghề buôn là một nghề lương thiện, chân chính. Phải xác định được những triết lý này thì kinh doanh mới phát đạt, thành công. Ông cực lực lên án những kẻ không đức, không tài, gian dối trong kinh doanh.

Cho tới giờ, những nhược điểm của các giới thương nhân người Việt mà Lương Văn Can chỉ ra vẫn còn tồn tại. Qua đó cho thấy, "Thương học phương châm" là cuốn sách rất bài bản, rất chuyên môn, là cả một kho kiến thức vô cùng giá trị cho những nhà kinh thương, trở thành cuốn cẩm nang gối đầu của giới kinh doanh người Việt thời đó.

Mở trường, viết sách - Tiếp tục công cuộc khai dân trí

Trở về Hà Nội sau những tháng năm bị lưu đày, Lương Văn Can thường xuyên về thăm quê hương tại làng Nhị Khê, Hà Tây. Khát vọng khai dân trí vẫn luôn nóng hổi trong ông. Ông đã âm thầm bỏ tiền ra xây dựng một ngôi trường thật khang trang ở làng Nhị Khê để lớp trẻ được có điều kiện đến trường. 

Trường được xây năm 1924, ban đầu những người trong làng đặt tên trường là Lương Văn Can nhưng nhà cầm quyền Pháp không cho phép vì ông là người từng mang án với chính quyền thực dân. Vì thế tên chính thức của trường là Nhị Khê, tuy nhiên những người thợ đã khắc tên Lương Văn Can lên thanh xà ngang của trường và cẩn thận đặt mặt có khắc chữ vào bên trong.

Ngôi trường được Lương Văn Can xây dựng từ năm 1924 tại làng Nhị Khê.

Sau cách mạng tháng Tám, chính quyền hoàn toàn thuộc về tay nhân dân, người làng đã đổi tên trường Nhị Khê thành trường Lương Văn Can để tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương, người đầu tiên xây nên mái trường đã đào tạo nuôi dưỡng biết bao thế hệ con em dân làng Nhị Khê. 

Ngày nay, ngôi trường Lương Văn Can vẫn còn hiện diện và con đường vào làng đã được trải bê tông nhưng một đoạn đường lát gạch do Lương Văn Can bỏ tiền xây vẫn được giữ nguyên để kỷ niệm về một danh nhân, một bậc tiền nhân mà mọi người luôn kính trọng.

Sau khi hoàn thành ngôi trường và con đường làng ở Nhị Khê, Lương Văn Can về Hà Nội mở lại ngôi trường Ôn Như tại số 4 Hàng Đào, nơi thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây. Đông đảo các thế hệ học trò nghe tiếng nhà chí sĩ Lương Văn Can mở lại trường đã đến xin theo học. 

Lương Văn Can lúc này đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, vẫn dốc sức vào những công việc giúp ích cho đất nước. Bên cạnh việc dạy học, ông lại tiếp tục viết sách. Mỗi cuốn sách là một quá trình tìm tòi, sự học hỏi và đúc kết của ông trong bể kiến thức rộng lớn rồi từ đó đúc kết ra những trang văn cho người đời học tập và chiêm nghiệm.

6 chữ vàng cho hậu thế

Lương Văn Can qua đời vào sáng ngày 13-6-1927 một cách nhẹ nhàng, chỉ sau một đêm lâm bệnh. Như tiên đoán được sự ra đi của mình, trước đó ông đã trăn trở nhiều đêm và viết lên những dòng di chúc, lời lẽ thống thiết, bày tỏ nỗi đau trong sâu thẳm cõi lòng: "Có nước mà chẳng giữ được, phải chịu người khác bảo hộ. Bảo hộ ngày nào tức là nước mất ngày ấy, chớ thấy thành quách nhân dân y nhiên như cũ mà nghĩ rằng chưa mất đâu! Ấy là người ngoài còn vì mình mà xấu hổ thay, huống mình ở trong quốc dân mà không biết xấu hổ hay sao? Nên tôi đêm ngày nhất uất, dẫu chết cũng không nhắm mắt được vậy. Tôi có một đôi câu đối liên di bút để lại bà gửi nhời nói với các thân bằng cố hữu, hết thảy đồng bào xin nhớ lấy sáu chữ, ai ai cũng có một lòng ấy, đời đời cũng giữ một sự ấy, không đạt được mục đích thì không thôi. May ra ngày sau quốc hồn còn được, quốc sỉ rửa được. Đại Việt ta có thể mở mặt ở trên địa cầu được chăng. Sáu chữ là gì? Là "Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ". Sáu chữ ấy thật là một cái hộ phù cứu nước rất linh, rất mạnh không gì hơn nữa. Tôi xin chúc Đại Việt ta vạn vạn tuế, đồng bào ta vạn vạn tuế".

Lương Văn Can cho in sáu chữ "Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ" ra nhiều mảnh giấy nhỏ với dự định sẽ phát cho những người đi dự đám tang của mình với mong muốn biến buổi đưa tang thành một buổi tuyên truyền lòng yêu nước, thức tỉnh đồng bào về nỗi nhục mất nước…

Chính quyền thực dân lo sợ đám tang của ông sẽ trở thành một cuộc biểu tình của dân chúng. Chúng lập tức cho người đến nhà Lương Văn Can tiến hành cái gọi là khám nghiệm tử thi. Để lừa mị dân chúng, bọn chúng cho rằng ông bị bệnh thời khí nên phải chôn cất ngay trong ngày.

Vào lúc 5 giờ 30 chiều cùng ngày, một cỗ xe thiên cổ tứ mã lăn bánh từ ngôi trường Ôn Như ở số 4 Hàng Đào, bốn danh sĩ nổi tiếng là Hoàng Tăng Bí, Ngô Đức Kế, Lê Đại và Nguyễn Triệu Trung cầm bốn dải tua rua đi hai bên. Các môn sinh đã tụ họp rất đông đảo đi sau linh cữu. Đám tang càng đi xa thì càng có nhiều quần chúng nhân dân hòa vào dòng người đưa tiễn. Có đến gần 1.000 người đưa ông tới nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội. Trong khi đó, thực dân Pháp đã cho một đội binh lính hộ tống đám tang với danh nghĩa là giữ trật tự.

Những ngày tiếp theo, báo chí trên cả nước đồng loạt đăng tải về sự ra đi của Lương Văn Can, một sự tổn thất lớn. Một phong trào để tang nhà chí sĩ yêu nước Lương Văn Can được tổ chức cả trong Nam ngoài Bắc, coi sự ra đi của ông là cái tang chung của cả nước.

Tại Sài Gòn, những người trong giới thương nhân viết nhiều bài viết bày tỏ niềm xót thương cho sự ra đi của một nhà giáo dục, một nhà cách mạng của dân tộc. Giới thương nhân từ lâu đã coi ông là một đồng nghiệp, một người thầy chỉ đường dẫn lối trong nghề kinh doanh. Một điều rất đặc biệt là các nhà buôn Sài Gòn thống nhất đóng cửa ngừng buôn bán một ngày để bày tỏ lòng tiếc thương một con người cả đời luôn vì vận mệnh đất nước.

Ngày nay, cái tên Lương Văn Can được xếp trang trọng cùng những nhà trí thức lớn thời đó như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... 

Nhắc đến Lương Văn Can là nhắc đến một nhà trí thức yêu nước, một nhà giáo giàu tâm huyết và một nhà kinh doanh tiên phong trong thời kỳ Pháp thuộc. Ông cũng là người đầu tiên viết sách dạy cách buôn bán cho thương giới Việt, đặt những viên gạch đầu tiên cho phong trào chấn hưng kinh tế, chủ trương phát triển thương nghiệp, đặt nền móng cho khoa học thương mại nước nhà. 

Ông trở thành người thầy không chỉ trong Đông Kinh Nghĩa Thục mà còn là người thầy được cả giới thương nhân sau này vô cùng kính trọng. 

Và một giải thưởng mang tên Tài năng Lương Văn Can được sáng lập từ năm 2011 và được tổ chức thường niên cho đến nay là hình thức tôn vinh về một người thầy, đồng thời tạo điều kiện cho lớp doanh nhân tương lai sớm tiếp cận với tư tưởng làm giàu, biết kinh doanh chân chính, vừa làm giàu cho bản thân, vừa góp phần xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh, phù hợp với đạo lý làm giàu của dân tộc Việt Nam.

Duy Tường
.
.