Xung quanh vụ Chủ tịch CLB Bayern Munich Uli Hoeness dính nghi án gian lận thuế:

Lối đi nào cho cựu danh thủ nổi tiếng một thời?

Thứ Năm, 09/05/2013, 08:15

Vừa qua, báo chí Đức liên tục đưa tin về các tình tiết mới liên quan tới nghi án gian lận thuế của Uli Hoeness, Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Bayern Munich. Cựu danh thủ Đức một thời hiện tại đang vướng phải một bê bối gây chấn động cả nước, có nguy cơ hủy hoại hoàn toàn những thành tích và đóng góp của ông cho nền bóng đá nước nhà. Ông cũng phải đối diện với mức án 10 năm tù giam sau khi bị cáo buộc sử dụng các tài khoản ngân hàng bí mật ở Thụy Sỹ nhằm trốn thuế.

Dư luận vẫn nói rằng Uli Hoeness rất may mắn và bình yên với cuộc sống giàu có của một huyền thoại bóng đá Đức. Sự may mắn đến với Hoeness chẳng phải lẽ dĩ nhiên, suy cho cùng là nhờ cái tài và khả năng nắm bắt thời cơ.

Uli Hoeness là một tiền đạo mà sự nghiệp thi đấu đỉnh cao chỉ kéo dài hơn 8 năm, nhưng giành tất cả các danh hiệu của đời cầu thủ. Chính ông đã biến Bayern Munich thành một trong những câu lạc bộ giàu có nhất thế giới cùng hàng loạt những danh hiệu đỉnh cao.

Gai góc và thực dụng

Uli Hoeness là con trai của một người làm nghề giết mổ gia súc. Sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của Uli Hoeness là một vở kịch chớp nhoáng, người xem chưa kịp xúc động vì tiết tấu thì màn đã hạ xuống. Tài năng của Hoeness được phát hiện năm 1970 bởi huấn luyện viên của Bayern Munich khi đó là Udo Lattek. Và trong mùa giải đầu tiên, chàng tiền đạo mới 18 tuổi đóng góp 6 bàn thắng trong 31 lần ra sân, giúp Bayern đứng thứ 2 tại giải vô địch quốc gia Đức và giành cúp quốc gia.

Nhiều người nhận định Uli Hoeness có khả năng rê bóng xuất sắc và những đường chuyền chết người. Với nhãn quan chiến thuật tuyệt vời, Hoeness di chuyển liên tục giữa hàng tiền vệ và tiền đạo, tìm khoảng trống trong hàng phòng ngự đối phương để chuyền cho đồng đội, hoặc tung ra những cú sút sấm sét từ ngoài vòng cấm.

Chủ tịch Uli Hoeness từng bắt tay với doanh nhân người Pháp Robert Louis-Dreyfus (ảnh nhỏ) để gian lận thuế.

Bi kịch lụi tàn bắt đầu khi Hoeness dính phải chấn thương đầu gối rất nặng trong một trận chung kết cúp C1 năm 1975, buộc ông phải giải nghệ vào năm 1979. Dù chỉ có khoảng 8 năm thực sự chơi bóng ở phong độ đỉnh cao nhưng Hoeness cũng đã kịp mang về cho Bayern 3 đĩa bạc Bundesliga, 3 chức vô địch Champions League, 1 cúp quốc gia và 1 cúp Liên lục địa, cùng đội tuyển Đức đăng quang tại Euro 1972 cũng như World Cup 1974. Đó quả là thành tích đáng mơ ước đối với bất kỳ một cầu thủ nào.

Ngay sau khi giải nghệ năm 1979, Hoeness được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành Bayern Munich ở tuổi 27. Cho đến nay, ông vẫn là vị giám đốc một câu lạc bộ trẻ nhất trong lịch sử Bundesliga. Uli Hoeness không chỉ là một người rất hiểu bóng đá, mà còn là một thiên tài kinh tế. Trước đó 1 năm, dù vẫn đang là một cầu thủ (trên danh nghĩa), nhưng Uli Hoeness đã đứng ra dàn xếp một hợp đồng tài trợ lớn giữa Bayern và hãng xe tải Magrius-Deutz.

Tháng 11/2009, Hoeness tiếp quản ghế chủ tịch Bayern Munich từ huyền thoại Franz Beckenbauer. Trong năm đầu tiên trên cương vị mới, Hoeness đã mang về cho Bayern Munich chức vô địch Bundesliga, cúp quốc gia và á quân Champions League. Nối tiếp sự nghiệp rực rỡ, Hoeness lại thành công trên cương vị của một nhà quản lý. Với xấp xỉ 30 danh hiệu lớn giành được trong vòng 30 năm, trong đó có cả chức vô địch Champions League, cúp Liên lục địa, 15 đĩa bạc Bundesliga và 7 cúp quốc gia, Bayern Munich thực sự trở thành đội bóng số một nước Đức dưới "kỷ nguyên Hoeness".

Cầu thủ Michael Ballack (trái) đã từng bị Hoeness vùi dập không thương tiếc, chửi rủa "vì tiền bán danh dự" khi quyết định chuyển sang một đội bóng mới.

Về mặt cá nhân, Hoeness có công lớn trong việc giúp doanh thu của Bayern Munich tăng từ 12 triệu euro (1979) lên 312 triệu (2010). Số lượng hội viên của CLB tăng 10 lần, lên tới hơn 100.000 người, giúp Bayern Munich trở thành CLB bóng đá có lượng hội viên chính thức cao thứ nhì thế giới (sau Real Madrid). Trong 2 thập niên qua, dù trải qua nhiều thăng trầm trên sân cỏ, nhưng không khi nào Bayern Munich lọt ra ngoài top 10 CLB bóng đá có doanh thu cao nhất hành tinh.

Thành công trong sự nghiệp nhưng Uli Hoeness lại là một biểu tượng đầy tranh cãi, bởi cá tính chiến đấu rất cực đoan và thứ tư duy thực dụng đến cùng cực. Hoeness không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì và chẳng buồn đoái hoài xem người ta yêu hay ghét ông, vì mọi thứ đều được ông nhìn qua một lăng kính không chút màu mè và thậm chí là quá trần trụi.

Vì sự thực dụng và thẳng thắn đến kỳ lạ mà ông không ngần ngại tấn công tất cả, từ những cầu thủ và huyền thoại của Bayern Munich, tới các câu lạc bộ đối thủ hay huấn luyện viên yếu kém dưới quyền, thậm chí cả giới quan chức bóng đá nước nhà. Ông dè bỉu những đội bóng đang chệch choạc, chế nhạo liên đoàn, tự gọi bản thân là con người của sự thật. Trong khi đó, giới truyền thông đặt cho Uli Hoeness biệt danh "Quý ngài công phá" vì những phát ngôn kinh điển và châm biếm đậm chất cá tính của ông.

Uli Hoeness gai góc và đam mê tiền đến tàn nhẫn, bị cuốn hút vì lợi nhuận và những con số, không hề có nhiều bạn ngoài sân cỏ. Ông quan tâm tới mọi khía cạnh liên quan tới tài chính và tự coi bản thân là phát ngôn viên của một ngân hàng Đức hơn là một nhà quản lý bóng đá.

Hoeness coi Bayern Munich giống như một tiệm bán lẻ vào thời điểm tiếp nhận vai trò quản lý, nhưng nhanh chóng biến đội bóng trở thành một công ty lớn trong tay nhà quản lý giỏi nhất thế giới. Ông làm việc rất căn cơ và bài bản, xây dựng một chiến lược tài chính dài hạn cho toàn đội bóng từ 15 - 20 năm.

Chính tính cách của Uli Hoeness đã đưa Bayern Munich trở thành một con quái vật mà các đội bóng khác vừa căm ghét vừa sợ hãi.

Trốn thuế và bản án 10 năm tù

Nổi tiếng và giàu lên nhanh chóng, Uli Hoeness chẳng thể nào thoát khỏi tai mắt truyền thông. Cựu danh thủ bị Cơ quan Thuế vụ Đức đưa vào tầm ngắm vì nghi ngờ cố tình trốn thuế từ một tài khoản bí mật ở ngân hàng Vontobel tại Thụy Sỹ. Theo nguồn tin của tờ Süddeutsche Zeitung (Đức), tài khoản bí mật này được hình thành từ vụ làm ăn cách đây 13 năm giữa cựu danh thủ người Đức và doanh nhân người Pháp, Robert Louis-Dreyfus (người đã chết vào năm 2009 vì ung thư máu). 

Tờ Süddeutsche Zeitung bất ngờ cho biết Uli Hoeness đã sử dụng tài khoản ngân hàng ở Thụy Sỹ nhằm gian lận thuế tới 10 triệu euro.

Vào thời điểm đó, Robert đã vay một khoản tiền khá lớn từ Hoeness. Do doanh nhân này sống tại Thụy Sỹ nên Hoeness đã quyết định mở một tài khoản ở đây để thuận tiện cho việc trả nợ. Cùng với đó, bộ đôi này còn đổ tiền vào thị trường chứng khoán. Qua những tài liệu thu thập được của Cơ quan Thuế vụ Đức, ước tính tài khoản bí mật của Hoeness ở Thụy Sỹ hiện còn khoảng 20 triệu euro.

Đầu tuần trước, tờ Süddeutsche Zeitung bất ngờ cho biết, Uli Hoeness đã nhận 13 triệu USD tiền mặt từ doanh nhân Robert Louis-Dreyfus khi ông này còn làm giám đốc điều hành của Adidas. Theo đó, Robert cam kết "mở rộng cửa" cho Uli Hoeness đầu tư vào các công ty bất động sản. Cho dù Hoeness đã trả lại Robert toàn bộ số tiền nhưng Adidas sau đó vẫn nắm giữ một lượng lớn cổ phần trong đội bóng của Uli Hoeness đang sở hữu.

Ông Ken Heidenreich, công tố viên thành phố Munich, cho biết cuộc điều tra cựu danh thủ Hoeness được tiến hành căn cứ vào thông báo của chính Chủ tịch CLB Bayern Munich. Trên thực tế, Uli Hoeness đã tự nguyện nộp đơn công khai về một tài khoản cá nhân tại Thụy Sỹ cho cơ quan thuế hồi tháng 1-2013. Ông nhấn mạnh việc không hề có gian lận thuế, cũng như khả năng điều tra minh bạch của các cơ quan có trách nhiệm.

"Tuy nhiên, tôi yêu cầu nhận được sự tôn trọng trong quá trình điều tra với tư cách Chủ tịch của CLB bóng đá lớn nhất nước Đức", Hoeness tức giận chia sẻ với tờ Süddeutsche Zeitung.

Câu chuyện của Uli Hoeness ngay lập tức thu hút giới truyền thông, các chuyên gia phân tích thuế và thể thao hàng đầu nước Đức cùng tranh luận gay gắt. Họ đều cho rằng ông Chủ tịch Bayern Munich đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về đạo đức và sẽ phải đối mặt với pháp luật mà gần như không còn cơ hội được trắng án.

Một số chính trị gia cánh hữu lên án Uli Hoeness làm mất mặt nước Đức, trong khi đó bạn bè thuộc đảng Bảo thủ bắt đầu tránh xa cựu danh thủ này. Ngay cả Thủ tướng Angela Merkel, một người bạn khá thân thiết từng nhiều lần tới xem các trận đấu của Hoeness, cũng bày tỏ sự thất vọng và lo lắng trước nguy cơ ngồi tù của "ông bạn giỏi giang ngày xưa".

Tờ Süddeutsche Zeitung tiếp tục gây chấn động khi công bố Uli Hoeness liên tục gửi hàng triệu euro vào nhiều tài khoản tại Thụy Sỹ, thậm chí còn giấu nhẹm việc đã không khai báo với cảnh sát rằng ít nhất 10 triệu euro được bí mật chuyển sang Thụy Sỹ.

Tờ báo này phân tích rằng Đức và Thụy Sỹ từng ký một thỏa thuận về thuế quan vào tháng 4/2012. Theo đó, người dân Đức có thể gửi tiền vào tài khoản ở ngân hàng tại Thụy Sỹ mà không cần khai báo với Cơ quan thuế vụ Đức. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị Quốc hội Đức bãi bỏ vào tháng 12/2012. Chính vì vậy, dù đã tự nguyện khai báo về tài khoản ở Thụy Sỹ, song Hoeness vẫn bị Cơ quan Thuế vụ "sờ gáy".

Theo luật định tại Đức, người dân có thể phải nộp thuế thu nhập tới 45%. Có nghĩa là số tiền trốn thuế của chủ tịch Bayern vào khoảng gần 10 triệu euro, hoàn toàn khớp với con số bí mật mà cựu danh thủ đã chuyển khoản.

Từng tuyên bố rất dứt khoát trong năm 2005 với đại ý "luôn nộp thuế đầy đủ dù biết rõ đó là điều ngu ngốc", ai ngờ Hoeness giờ đây lại bị điều tra về gian lận thuế. Đương nhiên, điều này đã làm sứt mẻ nghiêm trọng hình ảnh của một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tại Bayern Munich nói riêng và làng bóng đá Đức nói chung như Uli Hoeness.

"Cuối cùng chiếc mặt nạ đạo đức cũng rơi xuống", cựu huấn luyện viên Christoph Daum, từng có mâu thuẫn với Hoeness, cho biết. "Ông ta từng chỉ trích những người khác gian lận, thậm chí còn tự mình tuyên bố sẽ không ăn quỵt một đồng thuế nào.  Nhưng cuối cùng lại khiến người hâm mộ thất vọng. Sự tín nhiệm dành cho Hoeness sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và ông ta rất khó lấy lại vị trí như trước".

Cựu danh thủ từ chối đưa ra mọi bình luận, tuy nhiên phản ứng rất dữ dội và đe dọa sẽ kiện những cá nhân, tổ chức đưa tin bịa đặt ảnh hưởng tới tên tuổi của ông. Đại diện Vontobel cũng lên tiếng không xác nhận cũng như phủ nhận việc Uli Hoeness lập các tài khoản bí mật tại ngân hàng này.

Mặc dù Hoeness mạnh miệng khẳng định sẽ không từ chức Chủ tịch CLB Bayern Munich trước sức ép từ vụ lùm xùm gian lận thuế song chẳng ai có thể dám chắc điều gì sẽ diễn ra trong tương lai. Tệ hơn nữa, khả năng cựu danh thủ nổi tiếng một thời phải nhận án phạt 10 năm tù giam cũng hoàn toàn có thể xảy ra…

Trần Quân - Thùy Dương (tổng hợp)
.
.