Lực lượng B22 – Cánh tay nối dài “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”

Thứ Hai, 27/04/2015, 17:45
Ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) căn cứ vào tình hình thực tế chiến trường miền Nam, đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Sau khi được thành lập, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập các ban chuyên môn phục vụ lãnh đạo kháng chiến. Trong đó có Ban Giao bưu vận được Trung ương Cục ra quyết định thành lập vào ngày 2/6/1962.

Thật ra, trước đó một năm, lực lượng kháng chiến miền Nam đã hình thành tuyến Giao Bưu vận bí mật thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đó là nối liền “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” đưa vũ khí xuyên đất liền đến khắp các chiến trường miền Nam. Đơn vị B22, Trảng Bàng là một điểm quân vận bí mật trong số hàng chục điểm như thế ở khắp miền Nam.

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam, năm 1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở một tuyến đường vận tải bí mật trên biển chuyên chở vũ khí chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10/1961, lực lượng Hải quân và Quân Giải phóng miền Nam chính thức khai mở "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển".

Trong suốt 14 năm tồn tại, con đường vận tải quân sự đặc biệt này đã chuyển tải gần 160 tấn vũ khí từ miền Bắc cập 19 bến bãi bí mật thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam, góp phần không nhỏ vào thắng lợi ngày 30/4/1975. Và "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" không chỉ là những tuyến đường trên biển Đông.

Một chuyến vận chuyển vũ khí của B22. Ảnh tư liệu.

Để vũ khí đến được khắp các chiến trường miền Nam, "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" vươn dài từ các bến duyên hải tủa ra khắp nơi theo hình xương cá, xuyên thấu những vùng địch tạm chiếm. Lúc đầu, nhiệm vụ vận tải đặc biệt này được hình thành bởi lòng nhiệt thành cách mạng tự phát của nhân dân.

Cuối năm 1961, vũ khí từ miền Bắc theo “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” đã cập các bến duyên hải miền Nam. Muốn vũ khí được đưa đến khắp khu vực miền Nam, ta cần phải thành lập những đơn vị đặc biệt để vận tải xuyên qua những vùng địch chiếm đóng. Nếu một đơn vị đi xuyên suốt sẽ dễ bị địch phát hiện. Ta đã vận động nhân dân thành lập những đội tự nguyện chuyển vũ khí theo từng đoạn qua các địa phương.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Khịa, sinh năm 1925, cư dân ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh là người đầu tiên tham gia đơn vị B22. Tuổi cao, sức yếu nhưng trí óc ông Khịa vẫn minh mẫn.

Ông nhớ lại: "Lúc đó, vũ khí từ các kho chứa từ biển đi qua nhiều chặng và đã đến vùng Lộc Giang thuộc Đức Hòa, Long An rồi ứ ở đó. Một hôm, ông Chín Hải - Tỉnh ủy viên Tây Ninh, Bí thư Huyện ủy Gò Dầu tìm gặp tôi, bảo: Anh rủ thêm 2 người có cảm tình với cách mạng đưa vũ khí về đây giùm. Để bên ấy (Đức Hòa) lâu quá, địch phát hiện. Không chần chờ, ngay đêm đó tôi rủ thêm Năm Hài, Mười Tốt đánh xe bò qua Đức Hòa chở vũ khí về".

Thời điểm đó ông Nguyễn Văn Khịa đang công tác Nông hội cho xã kháng chiến An Tịnh. Còn ông Nguyễn Văn Hải (Năm Hải), Nguyễn Văn Tốt chỉ là những quần chúng cách mạng. Họ là những nông dân chân chất, quanh năm chăm sóc ruộng vườn, không trực tiếp tham gia vào lực lượng chiến đấu nào cả. Vì cách mạng cần, họ không quản ngại khó khăn nhận lời ngay. Cả ba ông đi Lộc Giang bí mật gặp ông Hai Súng - đầu mối ở "chiến kho" (hầm bí mật chứa vũ khí) Lộc Giang để tiếp nhận vũ khí.

Vũ khí cá nhân của thành viên B22 được lưu giữ, trưng bày tại nhà Truyền thống.

Suốt đêm đó, ba ông liên tục chuyển vũ khí như con thoi giữa Lộc Giang và An Phú trên đoạn đường hơn 10km. Đến tờ mờ sáng mới chuyển hết số vũ khí ùn ứ ở kho Lộc Giang về ấp An Phú. Do chưa có hầm chứa nên họ giấu tạm vũ khí ngoài bưng biền. Đêm hôm sau, mới bắt đầu đào hầm chôn giấu.

Vì yêu cầu bí mật, họ phải âm thầm thực hiện việc đào hầm giữa xóm làng mà không được phép tiết lộ, kể cả vợ con. Thậm chí, có những căn hầm được đào ngay trong nhà của một người dân mà chủ nhà cũng hoàn toàn không hay biết.

Vừa hoàn tất việc cất giấu số vũ khí của chuyến đầu thì ông Chín Hải - Bí thư Huyện ủy lại thông báo: Hàng ở "chiến kho" Lộc Giang đang ùn ứ. Chỉ với 3 người đi tải, "hàng" sẽ ùn ứ tiếp. Thế là ông Chín Hải đề nghị tuyển thêm 7 người nữa. Ông Chín Hải giao cho ông Khịa "xét tuyển".

Vốn là dân cố cựu ở địa phương, ông Khịa hiểu rõ nhân thân từng người. Thế là đội có 10 người. Người lớn tuổi nhất là ông Thành Văn Khoái, sinh năm 1922. Người nhỏ tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1945 (16 tuổi).

Ông Nguyễn Văn Khịa, người đầu tiên của lực lượng B22.

Ông Út Quyền (Nguyễn Văn Quyền) - hiện nay là người quản lý Nhà Truyền thống B22 - B10, bồi hồi nhớ về quá khứ: "Hồi đó đang đi học, ban đêm thấy mấy anh kéo nhau đi tải hàng sung quá, tôi cũng hùa đi theo. Đi vài chuyến, mấy ảnh mới kết nạp tôi vào B22. Ban đêm đi tải vũ khí, ban ngày đi học ở trường huyện trong vùng địch chiếm.

Có đêm vác nhiều thùng thuốc súng, sáng vô lớp, thằng bạn ngồi cạnh hĩnh mũi ngửi rồi hỏi: Sao người mày toàn mùi thuốc súng vậy? Tôi hoảng hồn bảo đó là mùi bùn sình. Nó vẫn khẳng định đó là mùi thuốc súng nhưng không truy tôi nữa. May là thằng bạn học không thuộc dạng xấu. Nó mà đi báo với lính đồn thì mạng tôi kết thúc.

Sau vụ đó, tôi bỏ học đi tải vũ khí luôn. Mười anh em chúng tôi, chỉ biết phục vụ cách mạng, không suy tính thiệt hơn gì cả. Lúc đầu, chúng tôi dùng bò của gia đình để vận chuyển, sau được cấp tiền mua 14 con bò và 7 xe bò.

Đến ngày 10/3/1963, mới có quyết định thành lập và đội được đặt tên phiên hiệu chính thức là B22, trực thuộc lực lượng Giao Bưu vận. Giai đoạn này, vũ khí về nhiều, nhiều hôm chúng tôi vận chuyển liên tục suốt đêm. Thế là lộ tin. Bà con xóm giềng biết chúng tôi chuyển vũ khí cho cách mạng không xuể đã tự rủ nhau tiếp tay với chúng tôi. Có đêm, cà xóm ùn ùn đánh xe bò, xe đẩy tay cùng đi chuyển vũ khí".

Bánh xe bò là một vòng tròn gỗ, khi di chuyển phát ra tiếng lộc cộc rất to và vang xa. Để bảo đảm bí mật, ông Nguyễn Văn Khịa đã nghĩ ra cách quấn vòng dây cho êm hơn, ém bớt tiếng bánh xe bò khi va xuống mặt đường.

Nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, liệt sĩ Huỳnh Thị Hương - Thành viên B10.

Mặc dù nằm cách trung tâm hành chính của địch khoảng 3 cây số và bị kẹp giữa 3 cái đồn lính địch gồm đồn Suối Sâu, đồn An Bình và đồn Bình Tranh nhưng hàng tấn vũ khí vẫn được B22 cùng hàng trăm dân công bí mật chuyển rầm rộ suốt đêm. Thời điểm đó, An Phú chỉ có 621 nóc nhà, nhưng hàng đêm có gần 3.000 người gồm cả phụ nữ, trẻ em, người già… tham gia vận tải vũ khí.

Để đảm bảo tuyến hành lang chuyển hàng, Trung ương Cục quyết định thành lập một đơn vị chiến đấu hỗ trợ cho B22. Đơn vị này có phiên hiệu là B10. Nhiệm vụ của B10 là rải quân dọc tuyến chuyển hàng. Nếu gặp địch thì đánh.

Trong suốt thời gian bảo vệ B22, lực lượng B10 đã đánh nhiều trận vang danh. Nổi bật là trận đánh năm 1965, đơn vị B10 chỉ có 3 tay súng nhưng dám giao chiến với 2 đại đội Mỹ có hỗn danh là "Trâu Điên". Hai đại đội Mỹ phải rút lui với thiệt hại đáng kể.

Lực lượng B10, có nữ anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, liệt sĩ Huỳnh Thị Hương được nhân dân An Phú ngưỡng mộ, tưởng nhớ nhờ tài năng chỉ huy đánh trận, gan lỳ, nhạy bén.

Được biết Đại tá Nguyễn Bá Tòng - nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Tây Ninh cũng xuất thân binh nghiệp từ lực lượng B10.

Ngoài lực lượng hộ tống B10, Trung ương Cục còn cử xuống 2 cán bộ an ninh để chống gián điệp và phản gián đảm bảo cho địa bàn luôn trong sạch.

Tính đến năm 1967, lực lượng B22 suốt 2.000 ngày đêm cùng với nhân dân ấp An Phú đã đào 7 chiến kho. Ngoài ra, B22 còn xây dựng 3 chiến kho trên mặt nước. Đó là những chiếc xuồng được cột dính chùm với nhau. Sau khi chất đầy vũ khí, họ kéo xuồng ra bưng rồi kéo ngọn cỏ phủ lên trên.

Hơn 1.800 đêm, B22 đã trung chuyển 5.400 tấn vũ khí, tiền, vàng. Hơn 45.000 lượt dân công mang vác và 4.500 lượt tải hàng bằng xe bò. Chỉ duy nhất một chuyến hàng bị lộ, khoảng 1,5 tấn vũ khí rơi vào tay địch.

Cuối năm 1967, Trung ương Cục quyết định chuyển đường dây vận tải vũ khí chiến lược sang cánh khác. B22 trở thành lực lượng đưa đón cán bộ và giao bưu. 2.000 lượt cán bộ được B22 đưa qua địa bàn an toàn tuyệt đối.

Ông Út Quyền, người nhỏ tuổi nhất trong lực lượng B22.

Nhiều đoàn cán bộ cao cấp, quan trọng của ta đã đi qua con đường này, trong đó có cả nữ tướng Nguyễn Thị Định. Có lần B22 nhận nhiệm vụ đưa đoàn tù binh 20 người đi xuyên địa bàn về Đức Hòa, Long An thành công.

Với những thành tích vẻ vang ấy, cán bộ chiến sĩ B10 - B22 đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 6 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 79 bằng khen, giấy khen cấp tỉnh, phân khu, ban ngành tặng.

Với những chiến công đó, B22 mà sau này là Bưu điện tỉnh Tây Ninh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ  trang nhân dân .

Năm 1997, địa phương đã xây cất một ngôi nhà lưu niệm, trưng bày những hiện vật của lực lượng B22 và B10 tại ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ngày 29/4/2002, UBND tỉnh Tây Ninh công nhận đây là một địa chỉ di tích lịch sử văn hóa bởi Quyết định số 119/QĐ-CT.

Nông Huyền Sơn
.
.