Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn và những cuộc hôn nhân thương nhớ
Cuộc đời của ông, cuộc đời lẫy lừng của một danh tướng đã được viết nhiều, được dựng thành phim, được năm châu bốn biển biết tới.
Còn, trong loạt bài viết dưới đây, chúng tôi muốn chuyển đến bạn đọc những tư liệu mà chúng tôi tập hợp được qua một số cuốn sách đã xuất bản tại Việt Nam và một số tài liệu khác không phải về ông, với tư cách một danh tướng, một nhà quân sự tài ba. Mà, với tư cách là người chồng, người cha của hai gia đình Trung - Việt, cùng những mối tình đã đi qua đời ông và ở lại, đẹp đẽ, tha thiết gắn liền với chặng đường cách mạng của hai nước Việt - Trung.
"Tôi là người vợ Trung Quốc của Hồng Thủy"
Bà Trần Kiếm Qua đã viết như vậy ngay trong chương mở đầu cuốn hồi ký có tựa đề đầy ẩn dụ và xúc động: "Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương". Hoàng Hà vốn là con sông Mẹ của Trung Quốc và Hồng Hà vốn là con sông Mẹ của Việt Nam.
Nguyễn Sơn - Hồng Thủy, học viên khóa 4 Trường quân sự Hoàng Phố - Quảng Châu, Trung Quốc, khoảng năm 1925-1926. |
Một mối tình đẹp nhưng đầy bi thương bởi những biến cố của chiến tranh đã chia lìa đôi trai tài gái sắc làm hai ngả, nhưng ở tuổi 86, khi xuất bản cuốn hồi ký này, bà vẫn còn viết, run rẩy và tha thiết: "Đã bao năm qua, tiếng réo của Hoàng Hà, tiếng sóng vỗ của sông Hồng vẫn vang vọng trong trái tim tôi. Hoàng Hà hùng dũng, sục sôi đã ghi lại trong chúng tôi biết bao nhiêu tình, Hồng Hà mãi mãi chảy xuôi, đã mang đi của tôi biết bao nhiêu nỗi nhớ".
Cuốn hồi ký của bà, "người vợ Trung Quốc của Hồng Thủy" với những trang đầy say đắm về tình yêu duy nhất với ông, nhà quân sự tài ba, sau khi xuất bản tại Trung Quốc đã được Thiếu tướng Nguyễn Đông Thoại dịch và tiếp tục được xuất bản tại Việt Nam từ năm 2001 rồi tái bản nhiều lần.
Sức hấp dẫn của những con chữ rút ra từ gan ruột của người đàn bà Trung Quốc chỉ được sống đời vợ chồng đích thực với ông có mấy năm ngắn ngủi nhưng yêu ông, đắm say và dài lâu, theo suốt cả cuộc đời. Như chính bà đã từng thành thật: “Khói lửa chiến tranh liên miên đã vô tình chia chúng tôi thành hai ngả. Những biến cố đã chia lìa âm dương, để lại trong chúng tôi những tiếc thương, hối hận suốt cuộc đời".
Bà Trần Kiếm Qua là người vợ thứ hai nhưng là mối tình đầu tiên của ông.
Bà Hoàng Thị Diệm (sinh năm 1904) mới là người vợ đầu tiên của ông. Năm 1924, khi Vũ Nguyên Bác (tên khai sinh của lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn) mới 16 tuổi, cha mẹ ông đã hỏi cưới bà Diệm cho ông. Cuối năm đó, bà Diệm sinh cho ông cô con gái đầu lòng, đặt tên là Vũ Thanh Các.
Một năm sau, năm 1925, có một sự kiện được coi là bước ngoặt lớn trong cuộc đời Vũ Nguyên Bác. Đó là ông được phái viên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa sang Quảng Châu, Trung Quốc để tham gia lớp huấn luyện chính trị đặc biệt do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Ông bắt đầu bước chân vào con đường hoạt động cách mạng từ đây.
Tại Quảng Châu, ông được mang tên mới là Lý Anh Tự và được trở thành thành viên "gia đình họ Lý" của những nhà cách mạng Việt Nam do Lý Thụy (tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) đứng đầu. Tại đây, Lý Anh Tự đã gia nhập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng. Năm 1926 ông được lựa chọn gửi đi học Trường Quân chính Hoàng Phố.
Tháng 8-1927, Lý Anh Tự gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc để rồi, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Quảng Châu tháng 12-1927, ông chuyển tới Khu du kích Đông Giang và được bổ nhiệm làm chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 74, Hồng quân Trung Hoa. Khi ấy, ông mới 21 tuổi và đổi tên là Hồng Thủy.
Sau khi trải qua nhiều vị trí quan trọng trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, tháng 1-1934, tại Đại hội đại biểu công nông binh toàn quốc lần thứ II, Hồng Thủy được tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương nước Cộng hòa Xôviết Trung Hoa. Năm 1936 ông được đưa về làm giáo viên Trường Quân chính Hồng quân và rồi đến năm 1937 ông tiếp tục nhận nhiệm vụ mới tại Cục chính trị Bát lộ quân đi xây dựng căn cứ chống Nhật ở Ngũ Đài Sơn.
Cái tên Hồng Thủy và dấu mốc này của cuộc đời, về sau, mãi mãi trở nên đáng nhớ với ông. Không chỉ bởi việc cách mạng trên tinh thần "bốn phương vô sản đều là anh em" mà còn bởi nó gắn với tình yêu đầu tiên của đời ông, mối tình không biên giới, không chỉ đắm say đi qua trên cõi dương gian mà nặng sâu cả khi đã lìa dương thế.
Sau này, trong hồi ký, bà Trần Kiếm Qua, kể rằng, bà gặp ông như một sự sắp đặt tình cờ của số phận chính ở giai đoạn này. Khi ấy bà là một phụ nữ trẻ đẹp, cùng tham gia cách mạng như ông, được dự một lớp tập huấn do ông, nói như lời bà là "hết sức hăng hái giảng bài thao thao bất tuyệt". Ông là người cách mạng triệt để, đẹp đẽ đủ bề trong mắt bà và cuộc đời ông, như bà thú nhận: "đã làm trái tim tôi rung động sâu sắc" để rồi "hình tượng của Hồng Thủy trong lòng tôi ngày càng lớn dần lên".
Thế nhưng, trong lòng bà khi ấy vẫn còn canh cánh một nỗi niềm chưa gỡ mở và rồi, khi lớp tập huấn sắp kết thúc, không nén được lòng mình nữa, bà đã hỏi Hồng Thủy về chuyện gia đình riêng của ông ở Việt Nam.
Bà kể lại rằng, khi bà hỏi: "Đồng chí Hồng Thủy, anh xa Tổ quốc đã mười mấy năm, lẽ nào anh không nhớ tới người vợ mới cưới và con gái của anh sao" thì mặt Hồng Thủy buồn hẳn. Qua tâm sự của ông, bà mới biết, bà Diệm sau nhiều năm nuôi con, chờ chồng mà vẫn bặt vô âm tín, bà có đi coi bói thì thầy phán ông đã chết. Vì thế mà bà đã rời khỏi gia tộc họ Vũ để tái giá.
"Chúng ta lấy nhau em nhé!"
Khóa tập huấn kết thúc nhanh hơn mong đợi của cả hai người. Căn cứ vào nhu cầu của hình thế kháng Nhật khi ấy, Đặc khu ủy quyết định thành lập Hội phụ nữ cứu vong huyện Ngũ Đài và bà Trần Kiếm Qua được giữ lại để phụ trách công tác trù bị thành lập. Bà trở thành người phụ nữ duy nhất trong đơn vị của ông. Trái tim của bà khi ấy đã có những giây phút thổn thức vì người đồng chí "triệt để cách mạng" mang dòng máu Việt Hồng Thủy. Nhưng có lẽ bà không bao giờ ngờ được, ông lại cầu hôn bà nhanh đến thế, quyết liệt đến thế.
Ông Hồng Thủy và bà Trần Kiếm Qua chụp ảnh kỷ niệm ngày cưới tại một hiệu ảnh nhỏ ở thị trấn Đông Dã. |
Đây là những dòng hồi ức dung dị của bà về giây phút thiêng liêng ấy: "Một hôm, sau khi đi họp ở Đặc khu ủy Tấn Đông Bắc về, Hồng Thủy đi thẳng về Hội phụ nữ (…) đẩy cửa ào ào bước vào (…). Ông thuận tay bê một chiếc ghế dài đặt ngồi trước mặt tôi, rồi nói luôn là muốn cầu hôn với tôi".
Lời cầu hôn đột ngột, ào đến, mạnh mẽ như cơn cuồng phong đã khiến bà lúng túng cho dù bà vốn rất có tình cảm với ông. "Chúng ta lấy nhau em nhé!", ông nhắc lại lời cầu hôn một lần nữa và đăm đăm nhìn bà, chờ đợi câu trả lời. Bà viết: "Nhìn bộ dạng náo nức, rộn ràng, thành thật của Hồng Thủy, cứ như bàn với tôi về chuyện công tác cấp trên mới phân, tôi không tự chủ được và trả lời "Được".
Hơn nửa thế kỷ sau, khi đã trở thành một bà lão, ngồi viết hồi ký đời mình mà trong đó xuyên suốt những hạnh phúc và buồn bã của mối tình đầu tiên và duy nhất là hình ảnh ông, bà vẫn còn nhớ y nguyên giây phút ấy, giây phút thiêng liêng sau khi nhận lời cầu hôn của ông, người đồng chí mà bà hằng ngưỡng mộ và yêu thương. Rằng, "vừa bật nói xong, mặt tôi bỗng đỏ dừ, tim đập thình thịch".
"Ngày ba mươi tết năm đó" - bà kể - "tôi và Hồng Thủy từ huyện Ngũ Đài về thị trấn Đông Dã". Tiệc cưới của hai người thực ra chỉ như là một bữa cỗ tất niên ở thôn quê. "Ông tôi đã chuẩn bị bữa tiệc cưới cho chúng tôi, nhờ người nấu cỗ. Cũng chỉ là món bánh mì trắng, mì chiên, thịt đông, thịt nướng… như các bữa cỗ ba mươi Tết mọi năm. Tôi và Hồng Thủy rất sung sướng mời các anh ở Ủy ban huyện …và mấy đồng chí cùng công tác đến uống rượu…".
Tấm hình nhỏ chụp hai người ở một tiệm chụp hình nhỏ nơi thị trấn Đông Dã quê hương bà, lúc bấy giờ và mãi mãi, trở thành kỷ vật quý báu, suốt đời bà giữ bên mình, ngay cả khi số phận đã chia họ làm hai ngả, đẩy bà rơi vào nỗi đơn côi triền miên. Không chỉ là tấm hình, không chỉ là nụ cười mãn nguyện trong khoảnh khắc được chớp sáng ghi lại bởi máy móc, nó là ký ức lúc nào cũng tươi đẹp một cách vẹn nguyên. Ở thủa lưng chừng thanh xuân của cuộc đời bà, cuộc tình ấy như là một món quà quý báu của số phận.
Bà viết trong hồi ký về cái đêm hạnh phúc ấy, rạng rỡ và đắm đuối: "Trời dần tối, trong ngõ nhà họ Trần, trước cửa lớn nhà nào cũng treo một đôi đèn lồng, nhà tôi ở giữa trang viện cũng đốt một đống lửa trước cửa nhà. Sau đấy, mỗi nhà làm một bó đuốc cuốn rỗng ở giữa, trong đặt chất đốt cao chừng hai mét. Đến đêm, đuốc đốt lên. Đó là tục lệ của người Ngũ Đài vào buổi tối tất niên, để xua đuổi quỷ thần, giữ cho gia đình bình yên vô sự. Đuốc cháy càng mạnh, lửa cháy vù vù, nổ lép bép. Mọi người đứng quanh đống lửa cười cười, nói nói. Ánh lửa trong đêm bùng sáng, tôi có cảm tưởng rằng, mọi người của trấn Đông Dã đều đang chúc phúc cho vợ chồng tôi".
Nhưng có ai ngờ, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Lửa tình vừa mới nồng đượm thì đã phải chia xa. Cuộc chiến kháng Nhật gian khổ đã chia đôi vợ chồng trẻ vừa mới quen hơi bén mùi làm hai ngả. Số là Phân hiệu hai Đại học Kháng Nhật ở trong khu giải phóng Tân Sát Ký, nơi ông công tác, do luôn là mục tiêu càn quét của địch nên buộc lòng phải di chuyển triền miên. Bà vốn là cán bộ của Hội phụ nữ cứu vong nhưng lúc đó do đã mang thai con gái đầu lòng 8 tháng nên được cho về nghỉ cùng chồng. Nói là nghỉ nhưng thực tình, bà phải vác cái bụng lặc lè hành quân cùng đơn vị của ông.
Để giữ bí mật, ban ngày đơn vị ém quân trong núi đợi khi nào bóng đêm ập xuống mới bắt đầu hành quân. Đêm tối mịt mùng, đường núi quanh co, trơn trượt, di chuyển với một phụ nữ mang thai sắp đến ngày sinh như bà quả là một thách thức quá lớn.
Ông đành lòng phải để bà ở lại, ẩn náu trong một thôn nhỏ miền núi của huyện Hành Đường cùng với một nữ y sỹ. "Khi chia tay" - bà viết - "người hay chuyện như Hồng Thủy mà cũng chẳng nói được nên lời. Anh lẳng lặng ngắm tôi hồi lâu rồi mới nói: "Anh không có cách gì lo cho em được, em phải giữ gìn cẩn thận".
Và rồi, bà đã sinh con gái đầu lòng Phong Ba, trái ngọt tình yêu đắm say của ông bà, trong cơn cuồng phong của trời đất, giữa một hẻm núi giá lạnh, mưa gió tơi bời mà không có lều che, đến chiếc chiếu rách được chống lên với hai chiếc gậy để ngăn lạnh, chắn mưa cũng bị thổi tung. Không một giọt sữa, không một hạt gạo, đứa con gái đầu lòng đỏ hỏn của bà đã phải bế đi khắp mọi nhà để xin ăn. Cái tên "Phong Ba" được đặt là để ghi dấu những tháng ngày cay cực ấy.
Hai tháng sau, bà và con gái được người của Phân hiệu hai Đại học Kháng Nhật đón về cùng ông ở Diên An. Phút giây gặp lại được bà kể trong hồi ký, vừa tủi, vừa mừng: "… Tôi bật khóc hu hu… Hồng Thủy đỡ tôi vào giường nằm nghỉ do anh đã tự tay sắp xếp. Anh bế con gái và vỗ về, chăm chú nhìn con".
Ngỡ tưởng giông gió đã qua, nào ngờ cuồng phong lại đến thêm một lần nữa. Con gái Phong Ba bị bệnh viêm phổi cướp đi khi mới vừa 6 tháng tuổi. Bà không vượt qua được cơn sốc này nên đã ngã bệnh, phải điều trị cả năm trời. Trong suốt thời gian nằm bẹp để chữa bệnh, bà kể, "Hồng Thủy thường ở bên tôi nói những lời âu yếm… về tinh thần anh đã an ủi tôi rất lớn, giúp tôi vượt qua những tháng ngày đau khổ".
Rồi bà có thai lần thứ hai ở Diên An. Ngày 15-1-1944, con trai Hàn Phong ra đời trong niềm vui tột độ của Hồng Thủy. Đây là những dòng bà hồi tưởng về phút giây hạnh phúc ấy: "…anh sướng rơn người. Anh ôm chặt lấy con quay vòng chung quanh phòng bệnh rồi lại dâng cao lên trên đỉnh đầu. Anh ôm con vào lòng vỗ về, mê mải ngắm nhìn khuôn mặt bé nhỏ của con".
Một năm sau, vì nhiệm vụ cách mạng của quê hương, ông phải quay trở về đất Mẹ Việt Nam. Khi ấy bà cũng vừa mang thai đứa con thứ ba được mấy tháng.
Chia tay nhau, cả hai cùng hy vọng tràn trề về một ngày đoàn tụ hạnh phúc. Nào ngờ, ngã rẽ đau đớn của số phận đã mang người đàn ông của bà đi xa bà mãi mãi. Nào ngờ, cuộc đời làm vợ của bà chấm dứt từ đây, giữa lưng chừng thanh xuân của người đàn bà yêu ông say đắm và dài lâu…
(Còn tiếp)