Mối tình huyền thoại của "thiên tài hình sự" Dostoevsky

Chủ Nhật, 16/02/2020, 10:15
Cuộc đời và sự nghiệp của Văn hào Nga Fyodor Dostoevsky (1821 - 1881) luôn được giới trẻ coi như một huyền thoại. Linh hồn của huyền thoại đó là hai phụ nữ, mẹ và vợ sau nhà văn.

Cha ông, một bác sỹ quân y, áp đặt trong gia đình thói độc đoán dữ dội và căng thẳng kinh người. Mẹ ông, dịu hiền, cam chịu, âm thầm lo lắng và trăn trở những nỗi niềm khó tỏ. Mẹ kiệm lời, nhưng để lại cho ông bài học sống thật chuẩn. Đó là luôn luôn sống hữu ích cho cộng đồng, bằng lòng quả cảm, vị tha, nhường nhịn.

Mẹ ông bị một bệnh bí hiểm, qua đời sớm năm 1837. Cha ông sốc nặng, rơi vào nghiện ngập, dù ông được phong danh hiệu quý tộc "gia truyền" và được ban hai ngôi làng. 

Đang học (miễn cưỡng theo ý cha) ở một trường quân sự xa nhà, năm 1839, Dostoevsky nhận được hung tin: Cha bị các nô lệ ở hai làng trên giết chết, sau khi bị đánh đập dã man một thôi dài. Lý do là trước đó họ bị cha ông chửi rủa và hành hạ quá tàn độc. Cú đòn thù đó chấn động mạnh Dost, khiến ông mắc bệnh động kinh. Mặc dầu, về sau ông biết được sự thật rằng cha ông qua đời vì xuất huyết não. 

Chuyện đòn thù là do một kẻ nhòm ngó hai ngôi làng của cha ông tung ra. Nhưng ông tự hiểu rằng căn bệnh kinh niên ấy là sự trừng phạt đích đáng cho ông, đứa con từ nhỏ đã ngấm ngầm thù ghét cha và mong cha tử nạn. Ông cũng ám thị rằng chính ông là chủ mưu vụ "hành quyết cha" man rợ. 

Bà Anna Grigorievna Dostoievskaia trong một phòng kỷ niệm của chồng.

Việc ông sinh ra trên thế gian, như một biểu tượng, đặt ông vào tâm điểm của vũ trụ dân nghèo. Tâm điểm này sẽ thành cốt lõi sự nghiệp của ông, một kiêu hãnh nhói lòng của nhân loại bất tử.

Dostoevsky chào đời trong một căn phòng "tí hin" của bệnh viện dành cho người nghèo, nơi cha ông làm việc. Ông lớn lên giữa thuốc men đủ loại, giữa những bữa ăn đạm bạc, nước mắt tủi nhục, nụ cười bâng khuâng của những người bệnh đói khổ ốm o, què cụt - họ thường gợi lên những ánh mắt ái ngại, chen tiếng thở dài của mẹ. 

Ông biết mẹ thương họ lắm, nhưng bất lực trong khát vọng cứu giúp họ. Với mẹ ông, sinh linh nào cũng có quyền được sống cao quý đúng như một con người. Tấm lòng vàng của mẹ - cha, ông không hiểu? Hai cá tính đối ngược, sao gắn bó ghê gớm đến thế trong một mối tình đắm say qua nhiều bi kịch nhỏ…

Tuy bận bã, mẹ ông vẫn tranh thủ đọc rất nhiều sách văn học, để nắm bắt những nghịch lý và bí ẩn cõi đời.  Dost theo mẹ, ngốn ngấu tác phẩm của các ông lớn của thế giới và của Nga. Và tự dưng muốn được ngỏ lời với nhân gian, ít nhất cũng thay cho mẹ. 

Tốt nghiệp đại học, năm 1842, ông được phong sỹ quan. Nhưng ông xin từ chức, sống tùng tiệm bằng các việc lặt vặt, lao vào viết và nhờ thi hào Nekrassov công bố tiểu thuyết đầu tay Những người tội nghiệp. Đó là năm 1846, và là một thành công nức lòng.

Tuy nhiên, những cuốn tiếp theo lại bị độc giả lạnh nhạt. Ấy là do ông bắt chước Gogol lộ liễu. Để thoát khỏi cô đơn, ông lui tới với một nhóm bạn trẻ tụ tập bí mật, để nghiên cứu Tuyên bố về quyền con người và quyền công dân, 1795, chia sẻ ước mơ làm suy yếu ách nặng độc tài và bãi bỏ chế độ nô lệ. Cả nhóm bị bắt năm 1849 và kết án tử.

Sau chuyển xuống khổ sai đi đày, bốn năm cực hình ấy, 1850 -1854, nhớ mẹ hoài, ông không chùn bước và bỏ phí thời giờ. Được gặp gỡ nơi tù đày những người Nga ưu tú nhất, ông xúc động về nhân dân Nga. Ông say mê nghiên cứu lẽ đời, tôn giáo, Đức chúa trời, từ Kinh thánh, bộ sách duy nhất được đọc. Đồng thời nghiên cứu kỹ càng trong tưởng tượng bản tính Nga và dân tộc Nga.

Hết hạn lưu đày, ông được chuyển thành một lính biên phòng. Vị trí mới mở cho ông cuộc sống đích thực. Ông thấy cần "hiến mình" trọn vẹn cho đồng loại, đến mức ông si mê một phụ nữ chồng con rồi, bị lao phổi, không nghề nghiệp và nghèo túng, dù cô không yêu ông. Kiên trì theo đuổi, ông kết hôn với người ấy, khi chồng cô qua đời.

Năm 1859, ông được Nga hoàng cho phép trở về thành phố. Ông làm báo và viết văn, đắp đổi qua ngày. Truyện và tiểu thuyết ngày càng có nhiều bạn đọc. 

Một hiện thực mới lạ hiện ra nhoi nhói và bứt rứt từ ngòi bút hiện thực mãnh liệt của ông. Đó là thế giới lưu đày khổ cực tận cùng, nhưng cũng lạc quan và nhân văn tột độ. Với chả hạn những nhà cách mạng tháng Chạp từ thời Alexander Pushkin và những quý cô quý bà từ bỏ cuộc sống nhung lụa, tới đây chia sẻ đau đớn và hy vọng, tức là nhen nhóm lên những ngọn lửa nhỏ cho nước Nga hắc ám.

Trong chuyến du lịch châu Âu đầu tiên năm 1862, ông "gục ngã" trước mối tình sét đánh với một nữ sinh viên Đức. Cô này yêu ông tha thiết suốt từ bấy, nhưng không chấp nhận "về chung một nhà" như ông mong mỏi, khi vợ ông đi xa. Anh trai ông chết gần cùng lúc với vợ ông, các con của anh được ông đỡ đầu, gánh nặng gia đình anh dồn xuống vai ông. 

Nợ nần hai gia đình tưởng khiến ông suy sụp, nhưng ông phải tăng tốc lao động. Ấy là cánh cửa để một phụ nữ bình dân bước vào đời ông, - một thiên tài  mà cuộc đời và sự nghiệp chẳng khác những thiên truyện "hình sự" hút hồn. Bước vào và lưu lại một huyền thoại lẽ đời và tình yêu tuyệt mỹ, không chỉ của nước Nga mà hai người không thể nặng lòng hơn được nữa.

Đó là Anna Grigorievna (1846 -1918), con gái một viên chức nhỏ. Cô này yêu thích sân khấu và văn học, đặc biệt mê mẩn văn Dostoievsky. Tuổi thơ của cô đã được ru nựng bằng nhiều trang truyện li kỳ thót tim của văn hào. Cuối năm 1886, cô được Dost tuyển làm thư ký. 

Ông chỉ đọc, cô nhoay nhoáy đánh máy, hầu như không lỗi chính tả nào. Hai người nhanh chóng cảm thấy bị hút vào nhau. Lo mình đã già, 45 tuổi, cô mới 20, Dost do dự, bèn sáng tác một truyện ngắn, kể chuyện một họa sỹ giả thầm yêu người mẫu nữ trẻ. Tính cách của họa sỹ là của nhà văn. Tính cách của người mẫu là của Anna.

Một bản tiếng Anh “Tội ác và trừng phạt”(ảnh trái). Bìa cuốn Hồi ký (bản tiếng Pháp, ảnh phải) của Anna Grigorievna Dostoievskaia.

Người mẫu đáp lại tình yêu của họa sỹ. Truyện viết xong, hai hôm sau, Dost hỏi Anna, nếu ông là họa sỹ, cô là người mẫu, cô có tán thành một kết cục như vậy? Dĩ nhiên cô tán thành. Hợp tác với nhau mới hơn ba tháng, hai người đã thành vợ chồng, giữa lúc nhà văn nợ ngập đầu, thể lực mỏng manh, lại hay bị những cơn động kinh hành hạ. Một phần để tạm trốn nợ, vợ chồng Dost nghe lời khuyên của bác sỹ, lánh sang châu Âu. Cùng quẫn tới mức, không ít lần, ông phải viết thư xin bạn bè "cấp cứu".

Để gỡ bí, ông xin vợ đi đánh bạc. Cô rất buồn, nhưng vui vẻ chấp thuận, vì biết đó là trò chơi có lợi cho tâm trí của chồng. Nhưng ông lần lượt nướng sạch, từ món tiền "tiếp tế" vừa nhận được, tới nữ trang của vợ. Ông về quỳ xin vợ tha tội. Cô không hề trách cứ hay tỏ vẻ khó chịu. 

Ngược lại, cô ân cần an ủi ông, khích lệ ông "Còn người thì còn của". Và,..như một phép lạ, cô âm thầm nhịn ăn, thu vén, không bao giờ để ông "đứt bữa". 

Tối tối, cô vừa chăm sóc ông chu đáo, vừa chung sức sáng tác và đánh máy tác phẩm, khi ông ngồi bên, đắm mình vào thế giới nhân vật máu thịt của mình, trước tách trà giá lạnh. Với cô, đây mới là chồng cô, người đàn ông đẹp nhất trên đời. Bốn con, hai gái, hai trai, đến với Dost, vào các năm 1868, 1869, 1871, 1875.

Khi bé gái đầu ba tháng tuổi mất vì cảm lạnh, ông gượng dậy được là nhờ vợ. Cô bao giờ cũng nhẹ nhàng, trìu mến, vất vả đến mấy, cũng không nao núng. Nhất là trong những cơn động kinh quá nặng của chồng. Ngoài lo lắng ăn mặc đâu ra đấy cho chồng con, Anna còn chủ động làm tất cả các việc thư từ, giao dịch, in ấn, giới thiệu, chuyển gửi bản thảo, sách in của ông, như một nhà quản lý giỏi. 

Cô chú ý đặc biệt tới chuyện không cho nhà xuất bản nào gian lận. Những việc này, Anna làm suốt đời, càng ngày càng cẩn trọng. Không phải lo toan về miếng ăn hớp nước hàng ngày, Dost dồn hết tâm trí vào sứ mệnh đời mình: bóc trần hiện thực đen tối phi lý của nước Nga, bênh vực nhân dân Nga cao cả nhưng bị quý tộc bòn rút và sỉ nhục, thức tỉnh lương tri và lẽ phải…

Được mùa liên tiếp, từ năm 1871, ông thôi hẳn cờ bạc. Cuối năm đó, vợ chồng con cái quay về Tổ quốc. Nếu Alexander Pushkin không muốn xa rời nước Nga, thì Dostoevsky nhất quyết quay về, bất chấp mật vụ của Nga hoàng vẫn theo dõi ông cho tới từng gói quà hay bưu phẩm. 

Nhờ tính thực tiễn và ý chí của vợ, cuộc sống của hai gia đình ổn định dần, nợ nần được trang trải hết. Uy tín tỏa rộng bền vững, ông tự tin bày tỏ nhiều điều gan ruột.

Đấy ví như, bác bỏ Thượng đế và chế độ quân chủ, nhân loại lại xây dựng một thế giới bị thống trị bởi chủ nghĩa vật chất vị kỷ. Thế giới đó dành cho đồng tiền một vị trí quá quan trọng. Đấy còn là tình yêu nước Nga đắm đuối: thiên tài Nga vượt trội hơn mọi thiên tài; dân tộc Nga đóng vai trò cứu rỗi; chỉ dân tộc Nga có khả năng thấu hiểu các dân tộc còn lại và mang lại hạnh phúc cho toàn nhân loại(?) Diễn văn về Pushkin của ông năm 1880 là một thần kỳ, đến nay vẫn gây kinh ngạc. 

Với ông, Pushkin là minh chứng hùng hồn nhất rằng nhân dân Nga có thừa những phẩm chất hữu hiệu nhất để xây dựng một xã hội khoa học và lành mạnh, xứng đáng với loài người. Bài diễn văn được hàng ngàn người vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt, nhất là phụ nữ và thanh niên, có sinh viên ngất xỉu tại chỗ. Đông đảo giới tinh hoa thì choáng váng và khâm phục, trong đó có nhiều kẻ thù cũ của Dost, như Tourgueniev.

Sau thành công vang dội của tiểu thuyết  Anh em nhà Karamazov, 1880, đỉnh cao của văn nghiệp của ông, ông hoan hỉ thông báo sẽ viết ít nhất 20 năm nữa. Vậy mà, mấy tháng sau, ông tắt thở sau một cơn đột qụy. Đám tang ông xúc động không kém đám tang Pushkin. Ba mươi ngàn người đủ ngành nghề, hoàn cảnh và số phận đưa tiễn ông về cõi cực lạc… Vợ ông liền bền bỉ sưu tầm nhiều bức ảnh và các tư liệu… của ông và của người khác, xuất bản thành nhiều tập, bên cạnh các hồi ký của bà.

Chuyện bếp núc văn học của ông giúp hiểu sâu hiểu đúng "vũ trụ Dostoevsky". "Vũ trụ" ấy luôn được say mê, khám phá. Nhờ chất trinh thám hình sự không chủ tâm, giá trị của nó tăng lên nhiều. Anh em nhà Karamazov, Tội ác và trừng phạt, Thằng ngốc,…, là những tác phẩm kinh điển hàng đầu, được đọc nhiều bậc nhất thế giới. 

"Vũ trụ" đó là những mâu thuẫn, không chỉ giữa các giai tầng và dục vọng, mà cả giữa cảm nhận khác biệt hoặc đối nghịch về mọi thứ trong cõi đời. Tất cả các mặt nạ đều rơi xuống. Con người thực được miêu tả đến lạnh gáy nhói tim. Con giết cha, vợ làm điếm nuôi chồng, cô gái tận tình đánh thức tình yêu trong lòng chàng trai xơ cứng vì bất công xã hội, oan trái ngút trời và yêu thương thăm thẳm.

Hiện thực muôn màu ấy, gần gũi và quen thuộc, hôm nay, không ít nhà văn đào sâu vào, nhưng thường chỉ một đôi mảng. Tiếp tục ảnh hưởng lớn lao tới nhiều văn nghệ sỹ và học giả, Dostoievsky trước hết là một con người đúng nghĩa, trong đó có nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà thơ, nhà chính trị. Đôi khi chiêm nghiệm của ông là chân lý vĩnh cửu. Ví dụ, mỗi hành vi của cá nhân đều tác động tới muôn người. 

Vợ ông hiểu điều đó lắm. Cho nên, khi ông chia tay bà mãi mãi, bà mới 35 tuổi, nhưng suốt đời ở vậy, nuôi con và phụng sự công trình của chồng. Ai thắc mắc, thân tình lắm thì bà nhỏ nhẹ: "Sau Dost, tôi lấy ai ư? Họa chăng Tolstoi vĩ đại (?!)".

Phú Bình
.
.