Mật nghị Hồng y sẽ họp bầu Giáo hoàng mới: Châu Phi được chọn?

Thứ Năm, 21/02/2013, 16:45

Theo nguồn tin từ Vatican, Giáo hoàng Benedict XVI 85 tuổi có quyết định đột ngột là sẽ thoái vị vì lý do sức khoẻ và tuyên bố từ nhiệm chính thức vào ngày 28/2/2013. Tin tức này làm nhiều người bất ngờ vì ông là giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo từ nhiệm trong 600 năm qua, kể từ thời Trung cổ.

Và việc thoái vị này của Đức Giáo hoàng Benedict XVI sẽ khiến vị trí giáo hoàng bị bỏ trống cho tới khi một tân giáo hoàng được bầu chọn, dự kiến vào tháng 3 tới, người sẽ thay thế ngài nhận trách nhiệm lãnh đạo giáo phái Kitô lớn nhất thế giới sắp tới đây.

Tuyên bố từ nhiệm được Giáo hoàng long trọng đưa ra bằng tiếng Latinh trong buổi họp các Hồng y tại Vatican hôm 11/2 vừa qua. Giáo hoàng Benedict XVI nói: "Sau khi đã nhiều lần tự vấn lương tâm trước Chúa, tôi đã nhận thấy một cách chắc chắn rằng vì tuổi cao nên sức khỏe của tôi không còn thích hợp để điều hành Giáo hội". 

Thật ra trước đây, Giáo hoàng từng có lần nhắc đến trong cuốn sách hồi năm 2010 rằng, ông có thể từ nhiệm nếu cảm thấy không còn có thể thực thi được nhiệm vụ của mình nữa. Song hầu như không ai nghĩ tới một kịch bản thế này. Và quyết định của Giáo hoàng khá bất ngờ được loan báo sau những ngày lễ Phục sinh năm 2012,  với những hình ảnh mà truyền thông đưa tin Giáo hoàng xuống sắc trông thấy sau chuyến công du kéo dài tới Mexico và Cuba.

Phức tạp tiến trình bầu cử

Giáo hoàng là người đứng đầu Vatican, quốc gia nhỏ nhất thế giới nằm gọn trong thành phố Rome, Italy, và cũng là lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo Rome. Đó là một chức vụ trọn đời, nghĩa là thời kỳ lãnh đạo của một giáo hoàng chỉ kết thúc khi giáo hoàng đương nhiệm qua đời.

Khi Giáo hoàng qua đời hoặc thoái vị, người kế nhiệm ông sẽ được hội nghị của đoàn giáo chủ bầu ra trong cuộc họp kín tại Nhà thờ Sistine ở Vatican. Cách thức lựa chọn được thay đổi nhiều lần qua nhiều thế hệ Giáo hoàng. Giáo hoàng Benedict XVI sẽ từ chức vào ngày 28/2 và ông cũng chính là người sửa đổi cách thức lựa chọn người kế nhiệm cho mình để đảm bảo vị giáo hoàng mới có thể nhận được sự ủng hộ lớn nhất có thể. Theo quy định này, giáo hoàng mới sẽ được chọn khi có đủ 2/3 số hồng y của đoàn giáo chủ lựa chọn, bất kể phải trải qua bao nhiêu vòng bầu cử.

Cụ thể, cách thức được áp dụng hiện tại như sau: Từ năm 1970, Giáo hoàng Paul VI quyết định đoàn giáo chủ được giới hạn đến 120 người với độ tuổi không quá 80. Năm nay dự trù sẽ có khoảng 115 hồng y tham gia mật nghị, trong đó có khoảng hơn phân nửa là người châu Âu.

Trong thời gian chuyển giao, người đứng đầu đoàn Hồng y Giáo chủ sẽ tạm thời là người đứng đầu của nhà thờ Thiên chúa La Mã.  Mật viện bầu cử sẽ họp trong ít nhất 15 ngày, nhưng không được kéo dài quá 20 ngày, sau khi Giáo hoàng qua đời hoặc thoái vị. Các vị hồng y phải tuyên thệ sẽ giữ bí mật khi họ bước vào cuộc họp kín.

Từ năm 1271, sau một khoảng thời gian gián đoạn, các hồng y phải tuân thủ hình thức bị khóa trái trong một phòng riêng, chỉ ăn bánh mỳ và uống nước, có một thầy thuốc và đầu bếp phục vụ, để thực hiện quá trình bầu cử hoàn toàn độc lập, không thảo luận với ai. Các hồng y thực hiện bỏ phiếu kín 4 lần một ngày, hai cuộc bỏ phiếu vào buổi sáng, hai cuộc vào buổi tối, cho đến khi có được kết quả cuối cùng. Các hồng y không được bỏ phiếu cho bản thân và phiếu bầu được đốt sau mỗi vòng kiểm đếm. Nếu đã bầu được Giáo hoàng mới thì các phiếu bầu được đốt cùng với chất cho ra màu khói trắng. Nếu chưa có ứng cử viên nào đạt được số phiếu cần thiết thì làn khói sẽ là màu đen.

Khi một hồng y được chọn, vị này sẽ được hỏi ý kiến xem có đồng ý trở thành giáo hoàng hay không và muốn được gọi tên là gì. Mọi việc hoàn tất và ông sẽ trở thành giáo chủ tối cao. Chủ tịch đoàn giáo chủ khi đó sẽ bước ra ban công chính của Tòa thánh Vatican và tuyên bố với thế giới: "Habemus Papam!" (Chúng ta có Giáo hoàng mới) kèm theo tên của vị giáo hoàng mới bằng tiếng Latinh. Sau đó Tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện trên ban công và gửi lời chào và cầu nguyện đến các con chiên của mình.

Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố sẽ thoái vị trước Đoàn Hồng y Giáo chủ.

Tân giáo hoàng đến từ châu Phi hay Mỹ Latinh?

Theo giới chức Vatican thì Đức Giáo hoàng Benedict sẽ không đóng một vai trò nào trong việc chọn người kế vị. Và mặc dù cuộc họp "Mật nghị Hồng y" để bầu giáo hoàng mới hiện vẫn chưa được ấn định sẽ tổ chức vào ngày nào trong tháng 3, nhưng người phát ngôn Tòa thánh, Đức ông Federico Lombardi, dự đoán Vatican sẽ có một Giáo hoàng mới trước lễ Phục sinh (31/3).

Nếu Vatican vẫn theo truyền thống bầu một hồng y châu Âu làm giáo hoàng, thì các chuyên gia về Tòa thánh cho rằng, nhân vật được coi là có triển vọng nhất là Tổng giám mục Angela Scola của Milan. Giới quan sát cho rằng quyết định của Giáo hoàng năm 2011 về việc điều chuyển Hồng y Angelo Scola từ Venice về Milan cho thấy ông được xem là một ứng viên triển vọng.

Bên cạnh đó, Hồng y Vienna Christoph Schonborn, nhân vật thân cận với Đức Giáo hoàng Benedict XVI, cũng được xem như là một ứng cử viên nặng ký. Tuy nhiên, chỉ trong vài giờ sau tin từ chức của Đức giáo hoàng loan ra, giới thạo tin ở châu Âu đã đưa ra dự đoán rằng, có thể lần này người được chọn để điều khiển Giáo hội Công giáo La Mã sẽ không phải là người gốc châu Âu nữa.

Đó là vì trong bối cảnh Giáo hội Công giáo đang phát triển ở châu Phi cũng như châu Á và Mỹ Latinh cả về quy mô lẫn thế lực, khả năng một hồng y ở ngoài châu Âu được bầu làm giáo hoàng ngày càng gia tăng. Khá nhiều người tin rằng, vị Giáo hoàng mới sẽ có thể đến từ các nước đang phát triển, đặc biệt là Mỹ Latinh, nơi mà Công giáo là tôn giáo chính, hoặc châu Phi, nơi mà số người theo Công giáo đang tăng lên.

Trong số các vị hồng y mà báo chí và các nhà quan sát dự đoán có nhiều triển vọng sẽ đăng quang ngôi vị giáo hoàng có Tổng giám mục Sao Paulo (Brazil) Odilo Scherer, Đức Hồng y Francis Arinze người Nigeria, Đức Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson người Ghana hay Đức Hồng y Marc Ouellet người Canada.

Mặc dù chưa có sự gián đoạn nào đối với vai trò lãnh đạo của châu Âu ở Vatican nhưng các dữ liệu đang đưa ra một tình thế khá hấp dẫn về khả năng Mỹ Latinh có thể sẽ "lấp chỗ trống" lần này. Theo Reuters, khoảng 42% người Công giáo trên thế giới hiện đang sống ở Mỹ Latinh, trong khi châu Âu chỉ có 25%. Bởi vậy, nếu Mỹ Latinh thắng thế trong cuộc bầu giáo hoàng lần này, thì các ứng cử viên có nhiều khả năng đắc cử nhất đó là Tổng giám mục Sao Paul (Brazil) Odilo Scherer hay Hồng y mang hai quốc tịch Italia - Argentina Leonardo Sandri.

Sinh ra tại bang Rio Grande do Sul, đông nam Brazil, ông Scherer vốn là hậu duệ của một gia đình nhập cư từ Đức. Vị Tổng giám mục 63 tuổi đã có học vị tiến sĩ về thần học Đại học Pontifical Gregorian ở Rome. Năm 2007, ông tiếp quản địa hạt Sao Paulo - địa hạt lớn nhất ở Brazil với 6 triệu người Công giáo. Bởi vậy, nhận định của Hãng tin Reuters rằng, Tổng giám mục Scherer  sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất của châu Mỹ Latinh có thể thay thế Giáo hoàng Benedict là điều có khả năng rất cao.

Tuy nhiên nhiều người tại Nigeria nghĩ rằng, dường như đã đến lúc có một đức giáo hoàng người châu Phi. Họ nói, người châu Phi đang cầu nguyện để có một vai trò lãnh đạo trong Giáo hội theo như cách họ đã có lần cầu nguyện đóng vai trò lãnh đạo trong… bóng đá! Hai gương mặt sáng nhất của châu Phi là  Hồng y Francis Arinze, 80 tuổi, người Nigeria, và ứng cử viên triển vọng tiếp theo là Hồng y Peter Turkson, 64 tuổi, người Ghana. Đây cũng là lần thứ hai Đức Hồng y Arinze được xem là một ứng viên hàng đầu, khi vào năm 2005 ông cũng được cân nhắc khi Đức Giáo hoàng Benedict được chọn. Hiện ngài là Tổng giám mục giáo phận Velletri-Segni của Italia, chức vụ trước đây của Đức Giáo hoàng Benedict.

Những ứng viên sáng giá nhất đang được cân nhắc(từ trái qua): Hồng y Francis Arinze (người Nigeria); Hồng y Braz de Aviz (người Brazil), Tổng giám mục Sao Paulo Odilo Scherer và Hồng y Leonardo Sandri (người Agentina). Ảnh: Reuters.

Ngoài những dự đoán tập trung trên thì cũng có những dự đoán cảm tính khác cho rằng đức giáo hoàng tiếp theo có thể đến từ Bắc Mỹ, có nghĩa là Canada hoặc Mỹ. Cái tên của Đức Hồng y Timothy Dolan của New York hay Đức hồng y Marc Ouellet người Canada đã được đề cập như là những cái tên kế thừa đáng cân nhắc. Song, tất cả mới chỉ là dự đoán. Mọi sự còn phải chờ vào cuộc họp "Mật nghị Hồng y" sắp tới mà tại đó, các Hồng y từ châu Âu chiếm hơn một nửa đại biểu tham gia và có tới 67 hồng y là do Giáo hoàng Benedict bổ nhiệm.

Những thách thức nhiều chiều

Dù ai là người được bầu chọn thì chắc chắn tân giáo hoàng cũng sẽ phải gánh một sứ mệnh và trách nhiệm vô cùng to lớn. Tân giáo hoàng sẽ phải giải quyết những vấn đề khu vực và sự đối đầu giữa những giáo dân Thiên Chúa bảo thủ ủng hộ học thuyết truyền thống nghiêm ngặt của giáo hoàng với những người muốn thay đổi và phát triển. Và dầu là ai đi nữa, thì người kế nhiệm Đức Giáo hoàng Benedict XVI sẽ phải gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề trong bối cảnh mà Vatican suốt thời gian vừa qua đang trải qua hoàng loạt các biến động sau các vụ tai tiếng linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, sau vụ để lộ các tài liệu mật của Tòa thánh,… Đó là những thách thức không nhỏ với vị tân giáo hoàng muốn lấy lại uy tín và thanh danh cho toàn Giáo hội.

Có thể nói Đức Giáo hoàng Benedict lên trị vì đúng lúc có một trong những cơn bão tố dữ dội nhất mà Giáo hội La Mã phải đương đầu trong thập niên qua - đó là vụ bê bối các tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ em và các vụ bê bối khác cũng khiến cho Giáo hội bị hứng chịu những chỉ trích từ trong và ngoài Tòa thánh. Những cáo buộc gây hại nhiều nhất cho Giáo hội là vụ các giáo phận địa phương - ngay cả ở Vatican - đã tìm cách đồng lõa hoặc che giấu nhiều vụ việc, bỏ qua trừng phạt các tu sĩ phạm tội ấu dâm và còn di chuyển các tu sĩ này sang vị trí mới, để họ tiếp tục lạm dụng. Các nhà bình luận nói Giáo hoàng Benedict đã không nắm sâu sát được tình hình, khiến cho các vụ lạm dụng kéo dài qua nhiều năm mà không được xử lý thỏa đáng - thậm chí họ còn nói ngài đã cố ý lợi dụng quyền lợi của các nạn nhân để làm lợi cho Giáo hội.

Song, những người ủng hộ Giáo hoàng thì nói ngài đã làm nhiều hơn bất kỳ vị giáo hoàng nào khác khi phải đối đầu với tình trạng lạm dụng. Một trong những việc đầu tiên ngài làm sau khi trở thành Giáo hoàng là trục xuất một gương mặt từng được Vatican ưu ái, Cha Marcial Marciel, người bị đưa ra ánh sáng về các hành động lạm dụng tình dục và tội hình sự. Bên cạnh đó, ngài nổi tiếng là một nhà thần học bảo thủ, có quan điểm không khoan nhượng về tình dục đồng giới, về việc phụ nữ làm linh mục, và về vấn đề phòng ngừa thai. Ngài lớn tiếng bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống đói nghèo, chống bất công xã hội.

Chủ đề trọng tâm trong thời gian trị vì của Giáo hoàng Benedict là việc bảo vệ các giá trị Thiên chúa giáo căn bản trong điều mà Giáo hoàng coi là sự xuống cấp đạo đức ở hầu hết các nơi trong châu Âu. Đức giáo hoàng xuất hiện rộng rãi, tới thăm đền thờ Hồi giáo Xanh ở Istanbul, và Vòm Đá ở Jerusalem và cầu nguyện hòa bình tại Bức tường phía Tây.

Có vẻ Giáo hoàng Benedict dường như không đáp ứng bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong số các thách thức trên, nếu phải nhân nhượng thế giới tự do hiện đại. Và người kế nhiệm của ngài có tiếp tục dẫn dắt Giáo hội đi theo cách của ngài qua được những thời điểm đầy thách thức hay không, chúng ta cần chờ xem

Phúc Linh - Phương Minh (tổng hợp)
.
.